Hàng Tết Tân Sửu sẵn sàng lên kệ

Nhiều đơn vị cho biết sẽ tăng cung ứng hàng Tết đến 10 lần so với ngày thường và có kế hoạch chuẩn bị từ trước 4 tháng.

Chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều nhà sản xuất và bán lẻ hàng hóa đã sẵn sàng kế hoạch tăng cường nguồn cung. Thương hiệu thịt mát MEATDeli cho biết sản lượng sản xuất dịp Tết 2021 sẽ tăng 10 lần so với thông thường. Dự kiến, thương hiệu này sẽ tung ra 1.577 tấn thịt tươi và 280 tấn thịt chế biến trong mùa Tết.

Trong khi đó, VinMart và VinMart+ đã lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung cấp trước Tết 4 tháng để đặt số lượng dự phòng hàng hóa đầy đủ, trong đó cơ cấu hàng Việt chiếm tỷ trọng trên 90%.

Ngoài ra, từ tháng 9/2020, hệ thống này đã tăng cường kế hoạch mở rộng kho bãi để đáp ứng đủ nơi chứa hàng. Siêu thị cũng cho biết sẽ mở cửa phục vụ người dân mua sắm đến 16h ngày 11/2/2021 (tức ngày 30 tháng Chạp). Toàn bộ hệ thống hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15/2/2021 (tức mùng 4 tháng Giêng).

Tương tự, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết tổng lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết năm nay vào khoảng 800 tỷ đồng, riêng hàng bình ổn khoảng 272 tỷ đồng, tập trung vào mặt hàng gạo, thực phẩm tươi sống, chế biến...Mức độ dự trữ hàng Tết của Satra cao hơn năm ngoái 13-15%.

Saigon Co.op cũng có tổng trữ lượng hàng hóa tăng 15-30% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo đủ hàng bình ổn trong 3 tháng trước, trong và sau Tết. Hệ thống này kỳ vọng, 8 tuần kinh doanh Tết sẽ mang về doanh số trên 6.800 tỷ đồng.

Hệ thống MM Mega Market cũng cho hay đã chuẩn bị gần 450 tỷ đồng tổng giá trị hàng tiêu dùng cho dịp Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng. MM tập trung các mặt hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm tươi sống, nước giải khát, hàng đông lạnh, đồ gia dụng cũng như các mặt hàng bánh kẹo mứt.

Theo Sở Công thương TP HCM, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chuẩn bị gần 19.680 tỷ đồng hàng hóa dự trữ, cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Nguyên đán 2021, tăng 652,4 tỷ đồng so với Tết năm trước.

Sở này cũng đã làm việc với những địa phương là nguồn cung hàng hóa lớn cho Thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và một số tình ở miền Trung, miền Bắc để nắm bắt tình hình sản xuất và hình thành chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, Sở Công thương Hà Nội nhận định, dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân có thể tăng 3-20% theo từng nhóm hàng. Cơ quan này khuyến nghị, các doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị nguồn cung đối với các nhóm hàng có nhu cầu tăng trong dịp Tết như: nông sản khô (nhu cầu tăng 25-33% so với tháng thường; hoa cây cảnh (nhu cầu tăng 25-35%). Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với dịp Tết năm ngoái.

Mặc dù sức mua nhìn chung được dự báo tăng trong dịp Tết Nguyên đán nhưng Sở Công thương Hà Nội cũng đáng giá sẽ có một số tác động tạo sức ép lên thị trường.

Thứ nhất, tình hình Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nên nguy cơ dịch bùng phát trở lại vẫn đang tiềm ẩn, khó lường, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sức mua.

Thứ hai, thời điểm cuối năm là lúc giao mùa, thời tiết diễn biến bất thường như mưa bão, chuyển lạnh..., nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng) có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa thiết yếu.