Hàng Việt bước sang chương mới: Chinh phục người Việt

Trải qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hàng Việt đã sẵn sàng bước sang giai đoạn mới với tâm thế mới, tiến tới chiếm lĩnh thị trường nội địa, vươn ra phục vụ người tiêu dùng toàn cầu.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam
Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (thứ hai từ trái sang)

 

Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngành Công Thương tối 21/5/2019, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, đối với ngành dệt may Việt Nam, làm nội địa phải trả lời được ba câu hỏi: Bán với thương hiệu nào, thiết kế nào, quy mô bao nhiêu, màu sắc thế nào? Phân phối ở đâu? Tài chính cho làm nội địa, vì làm xuất khẩu là chỉ trong vòng 90 ngày tiền về đến nhà sản xuất. Còn làm nội địa, từ lúc chuẩn bị một thiết kế đến sản phẩm, đưa ra thị trường được thời gian phải trên 12 tháng.

Tuy nhiên, theo ông Trường, 10 năm qua, hàng nội địa cũng có những thuận lợi khách quan, trong đó Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đóng vai trò quan trọng khi tạo ra một không khí tích cực cho người tiêu dùng, ưu tiên tìm kiếm hàng Việt để dùng. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối trong nước, các siêu thị, các trung tâm thương mại đã và đang phát triển rất nhanh, đi cùng với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước đồng đều và tương đối cao, làm cho thu nhập trung bình trong người dân cũng khá lên, làm tăng sức cầu.

Để giải quyết được bài toán phát triển hàng Việt, ông Trường khẳng định ngành dệt may trong nước đang tập trung tăng cường thiết kế và đưa ra những mẫu mã phù hợp người Việt, đồng thời, liên kết để sản xuất theo từng chủng loại mặt hàng, tránh tình trạng tràn lan, khó khăn về quy mô và từ đó có cách tiếp cận chuyên sâu hơn cho các thị trường ngách, giúp tốc độ tăng trưởng của thị trường nội địa liên tục giữ mức trên 10% trong 10 năm.

Nhờ đó, hiện nay, hàng dệt may Việt Nam ở các trung tâm, đô thị có thị phần trên 70%, và thị phần trong khu vực hàng hóa đồng phục thì xấp xỉ 100%.

Trong thời gian tới, để hàng hóa dệt may nội địa được người tiêu dùng chủ động lựa chọn, mang đến những giá trị có lợi thế thực sự so với các hàng hóa khác, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục định hướng xây dựng thời trang có bản sắc Việt hiện đại, bản sắc Việt có giá trị sử dụng cao, cùng với việc tiếp tục đi sâu vào nhân trắc của người Việt, thời trang riêng cho người Việt, số đo của người Việt để thực sự chỉ có doanh nghiệp Việt Nam mới sản xuất hàng thời trang hoàn toàn phù hợp cả về kích cỡ con người và văn hóa Việt Nam.

Đồng thời, cần tiếp tục mở rộng kênh phân phối, lan tỏa về khu vực nông thôn để có những sản phẩm được thiết kế ra phù hợp với khu vực có số lượng dân cư đông nhất, sức tiêu thụ cao nhất nhưng thu nhập còn hạn chế.

“Đây là những mục tiêu trong thời gian tới để thị trường nội địa có một vai trò ngày một quan trọng hơn, đúng như là một cái phao cân bằng trong hệ thống sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may bao gồm cả xuất khẩu và nội địa”, ông Trường khẳng định.

 

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) (ngoài cùng, bên phải)

 

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đánh giá, qua 10 năm triển khai, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã giúp Saigon Co.op được gần gũi hơn với nhà cung ứng Việt Nam, các nhà sản xuất Việt Nam, cùng hợp tác chặt chẽ để đưa hàng hóa đến khắp mọi miền Tổ quốc và vươn ra thị trường thế giới.

Theo đại diện Saigon Co.op, cách đây 21 năm, khi có siêu thị đầu tiên, Saigon Co.op đã thực hiện tháng Tự hào hàng Việt, từ việc có vài nhà cung cấp, đến hiện nay đã có khoảng 1.700 nhà cung cấp cùng tham gia chương trình Tự hào hàng Việt hàng năm và vô số những hoạt động khác, giúp cho Saigon Co.op trong 30 năm doanh số tới tăng trưởng 30.000 lần.

Thời gian qua, Saigon Co.op cũng tạo nên nhiều sân chơi khác nhau cho hàng Việt thông qua 8 mô hình kinh doanh khác nhau, và tạo nên những phân khúc để hàng Việt cũng tập trung vào những phân khúc thế mạnh của mình, và chọn một sân chơi phù hợp cho mình hơn.

Cùng với đó, ông Đức cũng khẳng định, việc Saigon Co.op cùng những nhà cung cấp Việt Nam, những nhà sản xuất Việt Nam tham gia những chương trình vì cộng đồng, vì xã hội, thông qua bình ổn thị trường, bình ổn giá, thông qua đưa hàng Việt về nông thôn, thông qua xây dựng nông thôn mới và tất cả những chương trình thiện nguyện khác đã góp phần cho hàng Việt có một góc nhìn khác hơn kể cả về hình thức, về chất lượng và đặc biệt là tính sáng tạo của người Việt được áp dụng cho hàng Việt và được ghi nhận không chỉ ở Việt Nam mà kể cả trên phạm vi toàn cầu.

“Qua 10 năm Cuộc vận động, bản thân hàng Việt cũng đã tạo nên một vị thế mới trong con mắt người tiêu dùng Việt Nam cũng như bản thân các thị trường quốc tế. Chính vì vậy, thời gian tới nên có cách làm đáp ứng được nhu cầu ở trong giai đoạn mới’, ông Đức nhận định.

Trong bối cảnh mạng lưới phong trào hợp tác xã trên thế giới đang rất phát triển, Saigon Co.op - một đơn vị Hợp tác xã, một thương hiệu thuần Việt, sẽ là đầu mối quan trọng để cùng đưa hàng Việt vượt ra khỏi biên giới, vươn tới phục vụ người tiêu dùng tại các thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc đưa hàng Việt vào phục vụ những công tác phát triển bền vững hơn liên quan đến giảm ít chất thải hơn, liên quan đến tiêu dùng sạch, tiêu dùng xanh, tiêu dùng hữu cơ theo xu hướng chung về tăng trưởng bền vững toàn cầu.

Đáng chú ý, Saigon Co.op cũng đã bắt đầu cùng các nhà cung cấp của mình, tăng cường áp dụng những công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, những công cụ về mặt công nghệ thông tin, nhằm nâng cao giá trị hàng hóa và kết nối vào chuỗi giá trị chung, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

“Bản thân người Việt hãy tin rằng chúng ta đang dùng những hàng Việt có chất lượng rất cao, có hình thức rất đẹp, và có một hàm lượng sáng tạo rất cao”, ông Đức nhấn mạnh.

 

Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Big C Việt Nam, Tập đoàn Central Group Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Big C Việt Nam, Tập đoàn Central Group Việt Nam (thứ hai từ phải sang)

 

Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Big C Việt Nam, Tập đoàn Central Group Việt Nam khẳng định, với mong muốn được phát triển bền vững tại và cam kết đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt, Big C Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Hiện nay, cơ cấu hàng hóa là hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Big C chiếm tỷ lệ là 96% trong mảng kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh việc thu mua hàng hóa từ các hộ nông dân và hợp tác xã với mức chiết khấu là 0%, Big C cũng lựa chọn những doanh nghiệp nhỏ, có tiềm năng phát triển để hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản phẩm cũng như các chiến dịch marketing, sau đó mang những sản phẩm đó bán ở trong hệ thống siêu thị Big C cũng như một số các công ty thành viên của Tập đoàn Central Group.

Là một trong những đơn vị bán lẻ đầu tiên có sản phẩm OCOP trên kệ hàng, tính hết đến năm 2018 chúng tôi đã tổ chức thành công 9 tuần hàng OCOP (Mỗi xã làng một sản phẩm). Một số sản phẩm OCOP hiện nay đã lọt vào danh sách những sản phẩm bán chạy nhất trong hệ thống siêu thị Big C.

Đáng chú ý, bà Phương khẳng định, chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam rất tốt, “tuy nhiên làm thế nào để quảng bá được nông sản Việt Nam đến với khách hàng cũng như đến với thị trường, thì đó là điều mà chúng tôi trăn trở, và qua những chương trình Tuần hàng nông đặc sản, chúng tôi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cũng như góp phần quảng bá giá trị của nông sản Việt Nam”.

 

Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc
Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc

 

Chia sẻ dưới góc độ lịch sử, Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh về trách nhiệm của mỗi người dân, rằng “chúng ta tự hào về cái lao động, cái sản vật của mình, nhưng chúng ta phải có trách nhiệm quảng bá nó. Chúng ta vừa là người được hưởng thụ, nhưng là người phải đóng góp.”

“Ở trong một cuốn sách của một nhà ngoại giao cũng là một nhà báo Xô Viết có kể lại một câu chuyện vào một ngày, một buổi sáng, thời điểm mà chúng ta mới giải phóng miền Bắc năm 1954, đất nước còn rất khó khăn, kinh tế đang khôi phục, Chủ tịch Hồ Chí Minh có mời một số nhà báo và một số nhà ngoại giao đến nơi làm việc của mình, và tự tay Người pha cà phê. Sau khi mời mọi người uống xong thì Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, tôi cam đoan với các bạn rằng cà phê Việt Nam thuộc loại ngon trên thế giới. Tôi nói không phải với tư cách một Chủ tịch nước, mà với tư cách là một người đã từng trải ở những cái khách sạn, trong bếp núc của châu Âu. Và người ta ghi nhận rằng sau đó thì những tấn cà phê đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Ukraina.”

Nhà sử học cho rằng, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cần hiểu ưu tiên là sự chinh phục, hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, và hàng Việt Nam sẽ chinh phục thế giới bằng chính cái phẩm chất của nó, trong đó chứa đựng cả ý thức của mỗi một người đối với sự phát triển kinh tế của đất nước mình.

Thy Thảo - Huy Thắng