Hành trình theo dấu cực quang tại Bắc Canada

Từ Toronto, tôi bay mất gần 11 giờ để đến được thành phố Yellowknife - cửa ngõ để tiến vào vùng cực Bắc Canada hoang vu, rộng lớn, khắc nghiệt bậc nhất và cũng được mệnh danh là điểm ngắm Bắc Cực quang đẹp nhất thế giới. Thú thật, chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể đi xa đến vậy để thoả ao ước đi “săn” Bắc cực quang – thứ ánh sáng huyền bí, uốn lượn trên nền trời đêm vùng cực Bắc.

Đặt một chân lên Bắc Cực

Chỉ có duy nhất một băng chuyền hành lý, sân bay Yellowknife nhỏ, “nghèo nàn” hơn cả sân bay Cà Mau của Việt Nam. Ngoài trời, gió tuyết tháng 1 thổi ào ào, nhiệt độ chỉ còn -35 độ C. Dọc theo đường từ sân bay về khách sạn, tuyết cao che kín cửa garage nhiều nhà.

Yellowknife là thủ phủ của tỉnh bang Northwest Territories, Canada - một trong những vùng đất hoang vu nhất thế giới khi chỉ có hơn 40.000 người sống trên diện tích hơn 1,1 triệu km vuông. Do chỉ còn cách Vòng cực Bắc Trái đất khoảng 400 km nên du khách đến Yellowknife có thể được xem là đã chạm một chân đến Bắc Cực.

Những người Dene bản địa (hay người Anh-điêng, theo cách gọi của người Việt Nam) là những cư dân đầu tiên khai phá mảnh đất Yellowknife và đặt tên cho nó là “S’ombak’é” - "Nơi kiếm tiền" với những lời đồn về việc vàng xuất hiện nơi đây. Mãi đến đầu thế kỷ 20, vàng được phát hiện tại đây thật, thổi bùng lên cơn sốt vàng, thu hút cư dân khắp nơi đổ về vùng đất khắc nghiệt này với mong muốn đổi đời. Đến nỗi hình ảnh con dao màu vàng tinh xảo của các chiến binh thổ dân bản địa trở thành tên riêng và biểu tượng cho thành phố  Yellowknife ngày nay.

Cơn sốt vàng lắng xuống thì vùng đất này lại trở thành tâm điểm của cơn sốt kim cương khi nhiều mỏ kim cương hàng đầu thế giới được phát hiện tại đây vào những năm 2000. Những bức ảnh ấn tượng về Bắc cực quang tại đây cũng theo đó lan truyền khắp nơi, thu hút những người đam mê khám phá đến nơi này trải nghiệm thứ ánh sáng huyền bí phương Bắc.

Nhiệt độ cực bắc
 Thời điểm tôi có mặt, Yellowknife đang trải qua một trong những mùa đông khắc nghiệt nhất khi nhiệt độ thường xuyên ở quanh ngưỡng dưới -35 độ C.

Gọi là đi săn cực quang vì nó hư hư thực thực, không dễ gì “tóm” được. Sự huyền ảo của cực quang nằm ở chỗ không có một công tắc nào để bật nó lên và cũng không có một chuyên gia nào có thể dự đoán chính xác sự xuất hiện của nó khi thời tiết vùng cực có thể thay đổi đột ngột. Nhiều người phải canh trời trong, mây thoáng, không trăng, đo độ cực quang đàng hoàng rồi mới đến. Tóm lại, cũng công phu chả kém gì ông thợ săn, thế mà nhiều lúc cũng ra về tay trắng, đi cả ngàn cây số để rồi về mà không được tấm ảnh nào ưng ý.

Tôi đặt tour săn cực quang của Arctic Tours Canada với người dẫn đường là Joesph Drygeese, một thanh niên người Dene chính gốc. Cùng đi với tôi là một đôi bạn trẻ người Ý, Joesph cho biết chúng tôi là những du khách rất chịu chơi khi đi xem cực quang vào giữa mùa đông vùng cực thay vì đợi đến tháng 4, thời tiết ấm hơn, như đa phần du khách.

Điểm săn cực quang là làng Dettah, một khu định cư của người Dene với vài chục hộ dân, nằm cạnh hồ Great Slave Lake – hồ nước ngọt lớn thứ 10 thế giới. Vào mùa đông, từ Yellowknife, người ta có thể chọn chạy xe hơn 3 tiếng men theo hồ để đến được làng nhưng trong điều kiện ban đêm và tuyết rơi dày thì con đường này thường xuyên bị đóng cửa bất ngờ để đảm bảo an toàn. Còn một cách khác là chạy xe máy trượt tuyết khoảng 30 phút trên đường băng Dettah Ice Road nhưng phải đối mặt với cái lạnh cắt da cắt thịt. Dĩ nhiên, chúng tôi chọn phương án hai.

 Cực Bắc
 Thời tiết giá lạnh khiến tuyết gần như đóng băng cứng trên chiếc khăn quàng cổ của tôi.

Đường băng Dettah Ice Road chỉ xuất hiện vỏn vẹn 2 tháng khi một phần hồ Great Slave Lake đóng băng hoàn toàn, đủ dày để di chuyển. Không biển chỉ dẫn và cũng chẳng thể nhìn thấy gì quá 2 m khi tuyết rơi dày đặc, gió thổi vun vút, bằng một cách nào đó, Joesph vẫn biết chính xác hướng để đi. Khi mọi cơ mặt đã gần như đông cứng vì lạnh, người ê ẩm vì những cú húc vào ụ tuyết, thì cũng là lúc chúng tôi thấy thấp thoáng những căn lều Teepee hình chóp nón đặc trưng. Joesph reo to “Đến nơi rồi!”.

Đêm không ngủ “săn” Bắc cực quang

Bắc Cực quang
 Cực quang xuất hiện bên ngoài thành phố Yellowknife.

Vừa kịp chào hỏi xong với ông Bobby Drygeese, bố của Joesph và cũng là người đứng đầu làng Dettah, Joesph bỗng thốt lên “Nó kìa!”, một thứ ánh sáng xanh dương nhẹ lấp ló đằng chân trời. Thoáng sau, dải ánh sáng bùng lên, sáng rực cả bầu trời đêm vùng cực, cùng với đó là những dải ánh sáng màu tím và xanh ngọc xen lẫn. Bất chấp cái lạnh cắt da, mọi người đứng lặng, say sưa quan sát sự kỳ diệu đang diễn ra trên bầu trời với những đôi mắt mở to đầy kinh ngạc, vừa nhìn vào ống kính máy ảnh, vừa nhìn lên bầu trời, so sánh và trầm trồ. Hai bạn người Ý đã ở đây 5 ngày mà đêm nay mới thấy cực quang rõ như này.

Rồi chợt nhận ra, thứ ánh sáng kỳ lạ kia có thể sẽ biến mất bất kỳ lúc nào, mọi người vội vã tranh thủ ghi lại khoảng khắc đặc biệt trong đời bằng máy ảnh. Chưa bao giờ tôi cảm thấy rõ ràng ý nghĩa của hai từ “khoảnh khắc” đến thế. Tuyết ngưng rơi, thời gian và không gian gần như lắng đọng, chỉ còn lại những dải ánh sáng khổng lồ, uyển chuyển trên nền trời đêm, soi rọi khung cảnh phủ đầy tuyết trắng. Bỗng giác tôi thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên và hiểu vì sao người xưa tại vùng cực Bắc Canada lại sợ hãi trước thứ ánh sáng phương Bắc huyền ảo này đến thế.

Bắc cực quang
Phần lớn các bộ tộc bản địa tại vùng Cực Bắc Canada cho rằng việc huýt sáo khi cực quang xuất hiện là điều cấm kỵ và cực quang sẽ xà xuống bắt kẻ huýt sáo đem đi.

Những đứa trẻ lớn lên tại đây đều thuộc nằm lòng câu răn “Làm gì thì làm, chớ có dại mà huýt sáo khi thấy cực quang”. Đối với nhiều bộ tộc người bản địa, cực quang chính là linh hồn đã khuất và điều dữ sẽ đến với những ai có hành động bất kính khi ánh sáng huyền ảo này xuất hiện. Thậm chí, một số bộ tộc còn có phong tục đem dao bên người khi thấy cực quang nhằm bảo vệ bản thân trước các linh hồn xấu. Đặc biệt, việc huýt sáo là điều cấm kỵ do đây là hành động mời gọi các linh hồn đến gần và kẻ huýt sáo sẽ bị bắt đem đi.

Joesph kể một trong những trò chơi phổ biến nhất thời thơ ấu với trẻ con địa phương là cả nhóm cùng tập trung huýt sáo khi cực quang xuất hiện và thi xem kẻ “cả gan” nào dám đứng lại ngoài trời lâu nhất. Điều thú vị là lần nào khi tiếng huýt sáo vang lên thì những dải cực quang cũng đều bắt đầu uốn lượn, xà xuống, khiến đám trẻ bỏ chạy tán loạn, trốn tịt vào trong nhà và cuộc thi chứng minh sự dũng cảm cũng vì thế tự đổ bể. Giờ đây, đôi lúc tìm cực quang khó quá thì lại muốn huýt sáo để khách du lịch dễ có những tấm ảnh để đời, Joesph nhoẻn cười.

Để tránh các linh hồn xấu gây cảm lạnh cho các vị khách phương xa khi tuyết bắt đầu rơi dày hơn, Bobby mời chúng tôi vào lều Teepee để làm ấm người. Nhìn từ xa, căn lều Teepee có vẻ trông tạm bợ nhưng bước chân vào bên trong mới thấy ngạc nhiên khi chỉ bằng vài cây gỗ và những tấm da thú, người Dene có thể tạo ra một không gian sinh hoạt ấm áp, thoải mái, đủ sức chống chọi lại những cơn bão tuyết khắc nghiệt vùng cực.

cực quang
Chỉ được dựng từ vài cây gỗ và da thú nhưng những chiếc lều Teepee truyền thống giúp người Dene chống chọi được những cơn bão tuyết khắc nghiệt nhất của vùng cực.

Ông Bobby tự hào cho biết ngay cả những nhà thám hiểm Châu Âu gạo cội khi xưa cũng phải học cách dựng lều Teepee để sinh tồn khi tiến vào vùng cực. Theo Bobby, những căn lều tại khu làng mới là lều Teepee “đích thực” do được dựng hoàn toàn theo cách truyền thống, đặc biệt là lều được quây bởi hàng trăm tấm da tuần lộc chứ không phải bằng vải tổng hợp in các hoạ tiết của người bản địa “thô kệch” như các căn lều trong thành phố mà dân du lịch thường đứng chụp ảnh selfie.

Tuy nhiên, đa phần người Dene hiện nay chọn sống trong các căn nhà hiện đại với hệ thống sưởi bằng khí đốt, lều Teepee chủ yếu để phục vụ khách du lịch. Nền văn minh đem lại sự thuận lợi, tiện nghi trong cuộc sống nhưng đồng thời cũng lấy dần đi bản sắc truyền thống của người Dene. Hầu hết thanh niên người Dene hiện đều mặc áo phông, quần jean… thay vì chiếc áo da thú màu vàng với những hoạ tiết hoa vùng cực và các tua rua bắt mắt. Phụ nữ cũng không còn kỳ công làm những đôi ủng Kamiks đi tuyết đặc trưng từ da hải cẩu hoặc da tuần lộc.

Quây quần bên bếp lửa ấm, “bếp trưởng” Joseph nhanh chóng trổ tài nướng các miếng cá tuyết fillet trắng ngần cho bữa tối muộn, chiêu đãi những cái bao tử đang réo. Bằng những kỹ năng sinh tồn được trui rèn qua hàng ngàn năm, người Dene biết chính xác làm thế nào để bắt được cá dưới mặt băng dày hàng mét do đó bữa ăn mùa đông luôn có cá tươi.

Lúc này đã quá nửa đêm, Bobby bắt đầu dùng một chiếc trống con đệm nhịp, cất tiếng hát cảm ơn Đất Mẹ đã ban tặng thức ăn bằng ngôn ngữ của người Dene và dạy chúng tôi một số câu hát cầu bình an cho chuyến đi. Joesph cho biết người Dene rất tin vào Đất Mẹ, họ tuân theo nhiều quy tắc đạo đức, dựa trên các huyền thoại và truyền thuyết cổ xưa, những quy tắc này là tuyệt đối và chi phối cách họ sống, cư xử với nhau cũng như thiên nhiên.

Người Dene luôn tin rằng nếu họ kính trọng thiên nhiên thì Đất Mẹ sẽ che chở họ trước những khắc nghiệt cuộc sống. Đơn cử, ngay cả khi được phép săn bắn tự do không cần giấy phép trong những khu bảo tồn, người Dene cũng chỉ săn bắn lượng tuần lộc đủ theo nhu cầu cá nhân và họ kịch liệt phản đối việc tổ chức các hoạt động thể thao săn thú.

câu cá
 Các kỹ năng sinh tồn đã được trui rèn qua nhiều thế hệ giúp người bản địa biết chính xác chỗ nào có cá dưới lớp băng dày hàng mét vào mùa Đông.

Sau này tôi mới biết Bobby chính là người đã biểu diễn các điệu trống truyền thống để chào mừng hoàng tử William và công nương Kate của Hoàng gia Anh đến thăm Yellowknife hồi năm 2016. Cả ông nội và ông ngoại của Bobby đều là những vị Tù trưởng nổi tiếng trong cộng đồng người Anh-điêng tại Canada.

Tính ra, Bobby cũng có thể coi là một vị Tù trưởng thời hiện đại khi liên tục được bầu vào Hội đồng người Dene tại khu vực Yellowknife và Bobby đề xuất rất nhiều hành động để bảo vệ các giá trị văn hoá truyền thống cũng như cải thiện cuộc sống của người Dene. Theo thống kê của Chính phủ Canada, người Dene nói riêng và những người Anh-điêng nói chung có mức thu nhập bình quân gần như thấp nhất trong các sắc dân với tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ thất nghiệp cao, một phần do những chính sách đối xử không công bằng trước đây.

Chúng tôi bắt đầu quay trở lại thành phố Yellowknife lúc hơn ba giờ sáng khi những dải cực quang cuối cùng đang tàn lụi, dần nhường chỗ cho ngày mới bắt đầu. Thật trùng hợp, người Hy Lạp xưa đặt cái tên mỹ miều Aurora Borealis cho những tia sáng vùng cực. Aurora nghĩa là "Bình minh", còn Boreas nghĩa là “Gió phương Bắc”. Theo thần thoại Hy Lạp, Aurora là em gái của thần Mặt Trời Helios và nữ thần Mặt Trăng Seline. Cô phóng ngang bầu trời rạng sáng trên cỗ xe ngựa rực rỡ của mình để báo cho chị mình rằng anh trai Helios đang đến.

Cuộn người trong chăn ấm, tôi thấy mình vẫn đang mải mê đứng dưới bầu trơi sao vùng cực với các dải lụa ánh sáng đầy màu sắc uốn lượn. Trong muôn ngàn người đến vùng cực này mỗi năm, đa phần chỉ dừng chân tạm thời. Không mấy ai nghĩ rằng sẽ ở hẳn lại đây, giữa mênh mông băng giá này. Nhưng vùng cực Bắc Canada khắc nghiệt này đối với người Dene lại là “Chốn duy nhất xứng đáng sống cho một kiếp người”.

Duy Quang