Hiệp định CPTPP - Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam

ThS. PHẠM THỊ THÙY LINH (Khoa Kinh tế cơ sở - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết ở Chile vào ngày 8/3/2018. Hiệp định có sự tham gia của 11 nền kinh tế, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealad, Peru, Singapore và Việt Nam sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do thuộc hàng lớn nhất thế giới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và gần 500 triệu dân. Hiệp định CPTPP với mức độ và phạm vi cam kết sâu rộng sẽ tác động mạnh mẽ đến môi trường và điều kiện kinh doanh toàn cầu nói chung và các quốc gia trong khối nói riêng. Điều này vừa tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Từ khóa: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội, thách thức.

1. Hiệp định CPTPP
Mặc dù Hoa Kỳ không còn tham gia nhưng Hiệp định CPTPP, nhưng đây vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây. Hiệp định gồm các văn kiện:
- Lời văn của Hiệp định CPTPP gồm Lời mở đầu và 7 điều khoản (Điều 1- Tích hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Điều 2-Tạm đình chỉ thực hiện một số điều khoản, Điều 3-Hiệu lực, Điều 4-Rút khỏi Hiệp định, Điều 5-Gia nhập, Điều 6-Rà soát Hiệp định CPTPP và Điều 7-Các lời văn xác thực).
- Phụ lục Danh mục một số điều khoản tạm đình chỉ thực hiện theo Hiệp định CPTPP gồm 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn áp dụng theo Hiệp định này (trong đó có 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng). Ngoài ra, Phụ lục này còn điều chỉnh lại nội dung dẫn chiếu liên quan tới thời điểm có hiệu lực cho phù hợp hơn với Hiệp định CPTPP đối với bảo lưu về các biện pháp không tương thích trong dịch vụ và đầu tư của Bru-nây và bảo lưu về doanh nghiệp nhà nước của Ma-lai-xi-a.
Ngoài các nội dung chính thức trên, cũng như với Hiệp định TPP trước đây, các nước dự kiến cũng ký một số Thư trao đổi về liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mỗi nước khi Hiệp định CPTPP được ký chính thức.
Hiệp định CPTPP sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia. Với Việt Nam, Hiệp định này cũng tác động trên tất cả các khía cạnh như:
- Về chính trị - đối ngoại, CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
- Về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Ốt-xtrây-lia, Ca-na-đa, Mê-hi-cô cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Phần quan trọng khác chính là việc giúp ta cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.
Hiệp định CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
2. Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Thứ nhất, CPTPP tạo cơ hội mở rộng thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tácxuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng đây vẫn là hiệp định có chất lượng cao và có nhiều lợi thế cho Việt Nam. Trong Hiệp định CPTPP, các nước thành viên đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước. Điều này sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng của các nước thành viên..
Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu cũng như thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn. Khi dòng thuế suất bằng 0%, CPTPP sẽ giúp ngành Dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, Newzeland, Australia…
Cũng như dệt may, CPTPP là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu da giày tăng tỉ trọng, tăng cơ hội xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại như Mexico, Canada, Peru… Riêng Nhật Bản - một trong những thị trường chủ lực của ngành Xuất khẩu Da giày, Túi xách Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 20-35%/năm, nếu doanh nghiệp biết tận dụng chặt chẽ các điều khoản từ CPTPP, mức tăng trưởng này sẽ còn cao hơn hiện tại. Hay tại Canada, việc áp thuế nhập khẩu 0% cho cả giày da và túi xách ngay lập tức mà không cần lộ trình cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường này.
Hay như ngành Thủy sản, theo ước tính, các nước CPTPP hàng năm nhập khẩu 2 tỷ USD hàng hóa, tương đương 23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy Việt Nam tham gia CPTPP sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, nhất là với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản, thực phẩm, dệt may hay da giày. Hơn nữa, với việc tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong khối thì các thương hiệu Việt Nam cũng có cơ hội nâng tầm và vươn xa.
Thứ hai, CPTPP sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Việt Nam là một nền kinh tế mở với quy mô xuất nhập khẩu cao. Việc ký kết CPTPP với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand, Mexico… cùng với lộ trình giảm thuế xuất khẩu nhanh và mạnh xuống còn 0% - 5% sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả cho sản phẩm. Bên cạnh đó, CPTPP còn tạo sức ép để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Bởi lẽ hầu hết các thị trường trong khối CPTPP đều có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu nên để được hưởng mức thuế ưu đãi, chất lượng của sản phẩm phải tăng lên.
Hơn nữa, Hiệp định CPTPP sau khi được thông qua sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Với việc giảm thuế sang các quốc gia nhập khẩu, các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội mới để mở rộng việc cung cấp các sản phẩm vào thị trường các quốc gia thành viên. Việc giảm thuế nhập cho sản phẩm khi về Việt Nam cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm đối tác mới, chủng loại hàng hóa mới để mở rộng quy mô hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Hiệp định sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch, cũng là cơ sở, nền tảng để cho các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia Hiệp định CPTPP là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ ba, CPTPP tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài cũng như khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại.
Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thông qua CPTPP sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, từ đó các doanh nghiệp có thể thu hút được dòng vốn FDI với giá trị lớn hơn và nhận chuyển giao công nghệ hiện đại từ các tập đoàn lớn nước ngoài.
3. Thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam
Thứ nhất, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao.
Hiệp định CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Hiệp định còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Điều đó cũng là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Sự cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.
Theo quy định của CPTPP, mức thuế suất xuất nhập khẩu bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi về tài chính, trình độ quản trị, chuỗi phân phối toàn cầu thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ “nhanh chân” hơn doanh nghiệp Việt Nam trong việc hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan từ CPTPP. Hơn nữa, tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu, sự liên kết với nhau kém thì sức ép cạnh tranh trên thị trường nước ngoài cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp này.
Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Điều này sẽ gây nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong việc cạnh tranh với các quốc gia khác ngay tại thị trường trong nước. Hơn nữa, khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế gia tăng.
Ví dụ như, với ngành Thực phẩm, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi CPTPP có hiệu lực bởi thuế nhập thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng… sẽ giảm xuống 0%. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia đối tác trong CPTPP có nền chăn nuôi phát triển, quy mô lớn, chất lượng sản phẩm cao, giá thành rẻ cùng với việc được giảm thuế cũng sẽ gây nên không ít lo ngại cho các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam. Trong khi đó, chăn nuôi ở Việt Nam chủ yếu là kiểu nông hộ, giá thành cao, mức độ an toàn thực phẩm thấp. Do đó, sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa càng trở nên gay gắt.
Mặt khác, các mặt hàng của một số nước thành viên CPTPP có nhiều nét tương đồng với những mặt hàng vốn được coi là lợi thế xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, do đó, các nước này sẽ tìm cách bảo hộ sản phẩm trong nước bằng cách tạo ra các rào cản kỹ thuật, gây khó khăn cho hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời, chính hàng hóa nước họ cũng cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt Nam khi cùng xuất khẩu tới một nước thành viên khác của CPTPP… Đây cũng là thách thức lớn về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tạo ra sự khác biệt hóa về sản phẩm.
Có thể thấy, doanh nghiệp là chủ thể thực hiện các Hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có CPTPP, do vậy để tận dụng những cơ hội cũng như hạn chế những thách thức mà CPTPP mang lại thì các doanh nghiệp Việt Nam cần:
- Chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan theo Hiệp định đối với những mặt hàng nước ta đang có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu.
- Thay đổi tư duy kinh doanh, coi sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp chủ động xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng trình độ nhân lực, quản trị doanh nghiệp, tận dụng tối đa hỗ trợ của Nhà nước.
- Chủ động xúc tiến thương mại và đầu tư, lựa chọn thị trường và đối tác để bổ sung nguồn vốn và tiếp cận công nghệ hiện đại từ các tập đoàn kinh tế lớn, tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp. Các địa phương và doanh nghiệp cần có chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ tại các quốc gia CPTPP.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Vụ Chính sách thương mại đa biên, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Trang điện tử Bộ Công Thương - tháng 4, 2018.
2. CPTPP - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt, Thông tấn xã Việt Nam - tháng 4, 2018.
3. Vũ Duy, Ký kết CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Tạp chí Cộng sản - tháng 3, 2018.
4. Website Bộ Công Thương: http://www.moit.gov.vn/

THE CPTPP AGREEMENT - OPPORTUNITIES AND CHALLENGES FOR VIETNAMESE ENTERPRISES

MA. PHAM THI THUY LINH

Faculty of Accounting - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

The Comprehensive Partnership for Trans-Pacific Partnership (CPTPP), with its precursor, the Trans-Pacific Partnership (TPP), was signed in Chile on March 8. The agreement involves the participation of 11 economies, including Australia, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, New Zealad, Peru, Singapore and Vietnam. It is the world's largest market size, about 13.5% of global GDP and nearly 500 million people. The CPTPP agreement, with its level and scope of deep commitment, will have a profound impact on the environment and global business conditions in general and in the countries in particular. This creates new opportunities but also challenges for Vietnamese enterprises.

Keywords: Comprehensive Partnership for Trans-Pacific Partnership, Trans-Pacific Partnership, Opportunities, Challenges.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây