Hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình: Đồng hành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Từ năm đầu năm 2020 đến nay, những hệ lụy do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Thái Bình là rất lớn. Cùng với sự vào cuộc chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình đã và đang có những hành động, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tich Hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình về vấn đề này.

PV: Thưa ông, quá trình “lắng nghe” phản ảnh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình về ảnh hưởng đại dịch Covid 19 đến tình hình sản xuất, kinh doanh, người lao động ra sao?

Ông Đỗ Văn Vẻ: Thời gian qua, tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp của Thái Bình gặp rất nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thái Bình, tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã bước đầu được kiểm soát do các biện pháp phòng chống dịch bệnh được triển khai tích cực và có hiệu quả. Đến thời điểm hiện nay, mặc dù sản xuất kinh doanh đã được tiến hành trở lại nhưng đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và tiếp tục ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Cụ thể:

Đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa chưa tiêu thụ được vẫn tiếp diễn kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, lượng hàng hóa tồn kho của nhiều doanh nghiệp lên tới hàng trăm tỷ đồng như lĩnh vực sản xuất sứ, gạch men, may mặc, điện tử, dệt sợi, bia rượu...

Trong đó, sản xuất bia rượu bị tác động kép do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia; Ngành hàng dệt sợi, việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước để phục vụ sản xuất cũng rất khó khăn ở hầu hết các doanh nghiệp sản xuất do SXKD của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài cả về tiêu thụ hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu nhất là thị trường truyền thống Trung Quốc và Hàn Quốc, việc mở rộng tiêu thụ hàng xuất khẩu sang các thị trường mới vẫn đang khó khăn, phong tỏa bởi dịch bệnh.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến kinh doanh lương thực, các hoạt động vận tải, du lịch và dịch vụ bị thu hẹp, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác cũng gặp nhiều khó khăn. Thời gian dịch bệnh hoạt động vận tải giảm 50% do giảm khối lượng hàng hóa vận chuyển và hành khách di chuyển bằng phương tiện xe khách phải dừng do phải giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ, nhiều nhà hàng khách sạn phải ngừng hoạt động không có doanh thu kinh doanh…

PV: Từ những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, Hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình đã kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ cho các doanh nghiệp như thế nào? Thưa ông?

Ông Đỗ Văn Vẻ: Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Hiệp hội đã đưa ra các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, đề xuất với các cấp chính quyền những biện pháp tháo gỡ.  Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thái Bình đã thành lập Ban chỉ đạo và các Tiểu ban thực hiện các nhiệm vụ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó tác động của đại dịch Covid-19.

Hiện tại, đã có Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh, Sở Lao động Thương binh Xã hội, có văn bản hướng dẫn, ngành Ngân hàng đang tiếp tục thực hiện giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ cho một số doanh nghiệp, ngành Điện triển khai giảm giá điện cho sản xuất từ tháng 4/2020.

Tuy nhiên, việc người lao động trong doanh nghiệp được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ của Chính phủ mới có rất ít số doanh nghiệp đang được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ vẫn còn nhiều doanh nghiệp của tỉnh chưa được tiếp nhận các hỗ trợ này do các quy định về điều kiện để được thụ hưởng và thủ tục pháp lý theo quy định.

Chúng tôi tập trung tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cụ thể hóa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành TW, chỉ đạo phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo thiết thực hiệu quả trong đó tham mưu cụ thể hóa các điều kiện để được thụ hưởng; Hướng dẫn cụ thể hồ sơ phù hợp với thực trạng các doanh nghiệp của tỉnh và thẩm định kịp thời để người lao động trong doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ các gói hỗ trợ của chính phủ trong thời gian sớm nhất giúp các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi và ổn định khi sản xuất kinh doanh trở lại sau đại dịch Covid-19.

PV: Trước diễn biến dịch Covid còn phức tạp, Hiệp hội sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh ra sao? Thưa ông!

Ông Đỗ Văn Vẻ: Quá trình rà soát, đặc biệt là nắm bắt tại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp có tiềm năng quy mô lớn về sản xuất hàng xuất khẩu, Hiệp hội đề nghị tỉnh cho thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp tỉnh, bố trí kinh phí hàng năm từ ngân sách tỉnh cho quỹ theo quy định của Chính phủ để các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn quỹ nêu trên, giúp cho SXKD được thuận lợi.

Tiếp tục giãn, hoãn  miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế, và phí phải nộp, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng; Giãn tiến độ nộp, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh; giãn, hoãn và giảm các khoản nộp Quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covit-19; Tạm thời không thu một số loại phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính. Chưa tăng các loại giá các dịch vụ và giá vật tư đầu vào cho sản xuất kinh doanh do nhà nước quản lý, chưa thu phí  từ hoạt động xuất nhập khẩu…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Thanh Thái