Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý vận hành lưới điện

Trong những năm qua, Công ty Truyền tải điện 3 đã ứng dụng bản đồ địa lý (GIS) trong quản lý vận hành lưới điện đang mang lại hiệu quả tích cực. Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Cường - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3).

Công ty Truyền tải điện 3:

- Trực thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia

- Trụ sở: TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

- Quản lý vận hành khoảng 5.200 km đường dây (trong đó có khoảng 2.000 km đường dây 500kV và 3.200 km đường dây 220kV)

- 20 Trạm biến áp (05 TBA 500kV, 15 TBA 220kV)

- Quản lý vận hành lưới điện truyền tải các  tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Ông Đinh Văn Cường – Phó Giám đốc PTC3
Ông Đinh Văn Cường – Phó Giám đốc PTC3

PV: Xin ông chia sẻ những khó khăn đặc thù trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải do PTC 3 quản lý?

Ông Đinh Văn Cường: Công ty Truyền tải điện 3 là một trong 4 đơn vị thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thực hiện nhiệm vụ truyền tải điện từ các nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia. Công ty quản lý vận hành lưới điện truyền tải trải dài trên 9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên địa hình phức tạp, hiểm trở, đèo núi quanh co, mưa nắng thất thường, khí hậu 2 mùa khác biệt nhau (mùa mưa Tây Nguyên là mùa nắng Duyên Hải và ngược lại) nên gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý vận hành.

Mặc dù quản lý vận hành với khối lượng khoảng 5.200 km đường dây truyền tải, trong đó có khoảng 2.000 km đường dây 500kV và 3.200 km đường dây 220kV và 20 Trạm biến áp (05 TBA 500kV, 15 TBA 220kV), tuy nhiên, trong những năm qua, Công ty đã hoàn thành tốt trọng trách đảm bảo an ninh, an toàn lưới điện truyền tải trong khu vực, không có sự cố chủ quan, đáp ứng yêu cầu Tập đoàn, Tổng công ty đặt ra.

Với đặc điểm địa hình, địa lý, khí hậu tại khu vực cũng như trọng trách đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, không có sự cố, đáp ứng các điều kiện cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, trong những năm qua, PTC3 luôn đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong quản lý vận hành, trong đó ứng dụng công nghệ GIS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, để khắc phục những khó khăn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

PV: Việc ứng dụng công nghệ GIS đã mang lại hiệu quả tích cực cho đơn vị như thế nào thưa ông?

Ông Đinh Văn Cường: Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia nói chung và PTC3 nói riêng rất nỗ lực triển khai trong những năm qua. Giai đoạn từ 2015-2018, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia chỉ đạo thực hiện ứng dụng công nghệ GIS trong công tác kiểm tra các đường dây 220kV, 500kV. PTC3 đã triển khai thử nghiệm trong công tác kiểm tra định kỳ đường dây, quản lý công việc sửa chữa đường dây. Việc ứng dụng công nghệ GIS trong công tác QLVH đánh giá mang một số hiệu quả, nhiều tiện ích giúp cho việc xử lý công việc được nhanh chóng, chính xác như: Nhanh chóng xác định đường đi đến các vị trí có sự cố đường dây. Trong đó xây dựng và cung cấp bản đồ lưới điện truyền tải đến toàn bộ cán bộ, nhân viên PTC3 để phục vụ công tác kiểm tra định kỳ, công tác tìm kiểm điểm sự cố khi cần đi thực tế tại hiện trường. Giúp giảm thiểu thời gian tìm vị trí, tìm điểm vị trí để tiếp cận khu vực có sự cố giúp tối ưu chi phí công tác.

Công nhân PTC 3 sử dụng điện thoại di động để xác định vị trí có sự cố
Công nhân PTC 3 sử dụng điện thoại di động để xác định vị trí có sự cố

Ứng dụng công nghệ giúp đo khoảng cách, phục vụ khảo sát, xác định các cự ly trong công tác sửa chữa trong quản lý vận hành. Việc xác định cự ly vận chuyển thi công tất cả các hạng mục sửa chữa (SCTX, SCL) hàng năm đều được khảo sát thực tế tại hiện trường và dựa trên bản đồ lưới điện truyền tải trên Google Map để thể hiện chi các vị trí đường vào vị trí từ đó thể hiện cự ly vận chuyển thủ công, vận chuyển cơ giới trên nền tảng bản đồ Google Map nhằm tăng tính thuyết phục.

Đặc biệt, công nghệ giúp xác định, khoanh vùng sự cố giúp tìm kiếm nhanh các sự cố do sét gây ra. Ngay sau khi có sự cố xảy ra PTC3 thực hiện lấy thông tin các cơn sét từ phần mềm của A0 ở trang Web https://weather.nldc.evn.vn/. Từ thông tin các cơn sét thu thập được (cường độ, tọa độ, thời điểm… cơn sét) sẽ được nhập vào bản đồ lưới điện truyền tải của PTC3 để xác định được khoảng cách các cú sét đến các vị trí đường dây bị sự cố, từ đó khoanh vùng ưu tiên kiểm tra để nhanh chóng xác định các vị trí có khả năng bị sự cố do sét. Từ đó giúp người vận hành có thể phán đoán và tìm kiếm nhanh sự cố.

Cùng với đó các dữ liệu được số hóa giúp thay thế hoàn toàn các Phiếu kiểm tra truyền thống, các thông tin kiểm tra được số hóa, thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát, tổng hợp nội dung và lưu trữ dữ liệu.

Lãnh đạo Truyền tải điện Phú Yên kiểm tra hiện tượng tình trạng thiết bị tại phòng làm việc nhờ ứng dụng công nghệ GIS
Lãnh đạo Truyền tải điện Phú Yên kiểm tra hiện tượng tình trạng thiết bị tại phòng làm việc nhờ ứng dụng công nghệ GIS

PV: Từ những hiệu quả như vậy, Công ty có đề xuất kiến nghị gì để việc ứng dụng công nghệ này tốt hơn nữa thưa ông?

Ông Đinh Văn Cường: Phần mềm đã mang lại hiệu quả, nên PCT3 kiến nghị EVNNPT sớm đẩy nhanh tiến độ đưa chương trình GIS và google map vào công tác quản lý vận hành trên toàn Tổng công ty.

EVNNPT xem xét đẩy nhanh hoàn thành dự án “Ứng dụng quản lý kỹ thuật trên nền tảng công nghệ GIS trên lưới điện truyền tải” có nhiều chức năng phục vụ công tác QLVH hơn như: Công tác kiểm tra định kỳ đường dây, Quản lý công việc sửa chữa đường dây…

PV: Xin cảm ơn ông!

PTC 3 tăng cường ứng dụng bản đồ địa lý (GIS) trong QLVH lưới điện truyền tải.
PTC 3 tăng cường ứng dụng bản đồ địa lý (GIS) trong QLVH lưới điện truyền tải.

Ông Trần Hồng Tuấn – Giám đốc Truyền tải điện Bình Định:

Đặc thù truyền tải điện Bình Định là đồi núi cao đi qua rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn với tổng chiều dài 245km với 3 trạm biến áp. Việc ứng dụng bản đồ GIS giúp tìm kiếm sự cố nhanh. Sau khi nhận được thông tin từ các trạm biến áp, đơn vị xác định vùng sự cố có phải do sét gây ra hay không nhằm tìm kiếm sự cố khác. Sau đó đưa vị trí để công nhân đường dây tìm kiếm theo bản đồ dẫn đường. Việc này sẽ thuận lợi hơn nhiều vì không cần phải người biết vị trí, khu vực đó cũng có thể đến chính xác vị trí cần tim. Theo tính toán giảm được 30-50% thời gian tìm sự cố, từ đó đưa ra cách khắc phục sự cố nhanh hơn.

Ông Tô Đình Trung – Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên:

Việc ứng dụng công nghệ GIS đã phục vụ rất tốt quản lý vận hành, giúp lãnh đạo đơn vị xem được hiện tượng bất thường trên đường dây để đề ra phương án xử lý kiph thời. Ngoài ra có thể kiểm tra lực lượng công nhân thực hiện nhiệm vụ theo phân công hay không.

Việc ứng dụng công nghệ trên chỉ cần điện thoại di động thông minh là công nhân có thể nhập dữ liệu, gửi hình ảnh về cho bộ phận kỹ thuật ở nhà nắm được tình hình vị trí cột, không cần ghi chép bằng giấy như trước kia nữa.

Xuân Tiến