Hiệu ứng từ các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa

Từ đầu năm 2020 đến nay cuộc khủng hoảng dịch bệnh diễn ra trên quy mô toàn cầu. Song đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt, và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.
Hà Nội tăng cường kết nối, tiêu thụ trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố
Hà Nội tăng cường kết nối, tiêu thụ trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố

 

Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì bán lẻ hàng hóa nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài.

Hướng tới phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84,  Chỉ thị số 19, trong đó nhấn mạnh đến thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng.

Để kịp thời triển khai, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương tại Quyết định số 1457/QĐ-BCT với mục tiêu nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới.

Ngày 24 tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương có Công văn số 4596 và 4597 gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh năm 2020, diễn ra từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Hiệu ứng từ các chương trình kích cầu tiêu dùng mang lại rất rõ nét
Hiệu ứng từ các chương trình kích cầu tiêu dùng mang lại rất rõ nét

 

Một trong các hoạt động trọng tâm, trọng điểm là Chương trình nhận diện hàng Việt Nam trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020 có nhiều điểm mới với nhiều hàng loạt các hoạt động trải nghiệm, tương tác trực tiếp giữa người tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; tương tác giữa nhà sản xuất và nhà phân phối; giữa doanh nghiệp và nhà quản lý.

Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam năm 2020 sẽ hỗ trợ kết nối các nhóm nhu cầu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam góp phần nâng cao thị phần của hàng hoá dịch vụ Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiện đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh thị trường thế giới chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố biến động khó lường hơn.

Hiệu ứng từ các chương trình kích cầu tiêu dùng mang lại rất rõ nét. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm tuy giảm 1,78% do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày hội kích cầu tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh 2020
Ngày hội kích cầu tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh 2020

 

Trong nhiều chỉ số kinh tế, sự tăng trưởng bán lẻ hàng hóa có thể nói là hy hữu, được duy trì vững chắc từ Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động hơn 10 năm trước.

Để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động trong giai đoạn mới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, trong đó tiếp tục thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng.

Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong ngành nhằm truyền đến xã hội một cảm xúc tích cực về nền hành chính hiệu lực, hiệu quả.

Nam Sách