Hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng - một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Ngày 31/7/2009, Bộ Chính trị ra Thông báo Kết luận số 264-TB/TW về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định.

Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc quảng bá hàng Việt với người tiêu dùng

Xác định vai trò và thế mạnh của báo chí và truyền thông đa phương tiện trong việc tạo sức lan tỏa cho “Hàng Việt” trong cộng đồng dân cư và xã hội Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan truyền thông tích cực cung cấp thông tin liên quan đến việc triển khai thực hiện Cuộc vận động, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành như các báo, tạp chí, truyền hình tăng cường công tác thông tin, truyền thông, chú trọng nội dung tuyên truyền về Cuộc vận động. Vì vậy số lượng tin, bài được duy trì đều đặn, thông tin truyền tải ngày càng chuyên sâu và có tính định hướng cao.

Không chỉ quan tâm đến việc đưa thông tin về sản phẩm hàng Việt đến người tiêu dùng Bộ công Thương còn đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền vận động các doanh nghiệp tổ chức tốt nguồn hàng có chất lượng cao, có thương hiệu do trong nước sản xuất, có giá cả hợp lý về địa bàn thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong đó bao gồm cả các chương trình quảng bá, khuyến mại, chăm sóc khách hàng.

Hoạt động tuyên truyền của Bộ Công Thương đã giúp doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của đơn vị mình rộng rãi trên cả nước; phát huy trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; xây dựng thương hiệu; cam kết bảo vệ người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền này cũng góp phần làm cho người tiêu dùng nhận thức đúng đắn hơn về thị trường hàng hóa nội địa, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Với lợi thế hệ thống thông tin tuyên truyền của Bộ phát hành rộng rãi, các thông tin liên quan đến việc thực hiện Cuộc vận động đã tác động không nhỏ đến thay đổi hành vi, thói quen, văn hóa tiêu dùng không chỉ của người dân, doanh nghiệp trong nước mà còn của bà con Việt kiều tại nước ngoài.

Trong thời gian qua, các đơn vị thông tin truyền thông trực thuộc Bộ Công Thương đã đăng tải được hơn 13.000 tin, bài hưởng ứng Cuộc vận động. Bộ cũng chú trọng, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong tập thể cán bộ, công chức, công nhân viên, lao động trong Bộ và trong sinh viên, học viên của các trường trực thuộc Bộ, cụ thể Công đoàn ngành Công Thương tiếp tục phối hợp vào các đơn vị chuyên môn tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng tổ chức công đoàn, từng người lao động làm cho mỗi cá nhân nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động.

Tại các trường thuộc Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm túc hoạt động mua sắm công, văn phòng phẩm, các mặt hàng tiêu dùng... sản xuất trong nước phục vụ cho hoạt động giảng dạy. Các buổi tuyên truyền được tổ chức bằng nhiều hình thức sinh động, sáng tạo thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và người dân của khu dân cư gần địa bàn trường tham gia hưởng ứng Cuộc vận động.

Việc tuyên truyền miệng được thực hiện lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tại các chi bộ, phòng, khoa, trung tâm, chi đoàn các lớp học sinh, sinh viên. Các hình thức tuyên truyền khác như treo băng rôn, cờ thả, và các áp phích khẩu hiệu tuyên truyền tại trường học và các tuyến đường của khu dân cư xung quanh trường, các khu vực tập trung số lượng lớn thanh niên công nhân và người dân…

Ngoài ra, với mong muốn xây dựng một cổng thông tin chính thức tuyên truyền về Cuộc vận động, góp phần quảng bá cho các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam, cùng với việc tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước về Cuộc vận động, Bộ Công Thương đã xây dựng và đưa vào vận hành trang thông tin điện tử www.tuhaoviet.vn (từ năm 2012).

Thống kê từ lúc vận hành trang điện tử trên đến nay đã có khoảng 10.000 bài viết tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động, hàng Việt và doanh nghiệp Việt, thu hút hơn 6 triệu lượt xem. Bên cạnh đó, tin, bài tuyên truyền về Cuộc vận động được thực hiện và đăng tải hàng ngày trên các trang thuộc các chuyên mục: Người Việt - Hàng Việt; Thị trường - Hàng hóa; Chuyển động Công Thương; Doanh nghiệp - Doanh nhân; Địa phương. Tính chung trong 10 năm hưởng ứng Cuộc vân động, đã thực hiện và đăng tải trên trang thông tin điện tử tổng số: 4.372 tin, bài tuyên truyền về Cuộc vận động trên các trang này.

Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu, tạo lập kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ

Song hành cùng với việc làm tốt công tác quảng bá, truyền thông Bộ Công Thương cũng chú trọng việc tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong nước, tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước, đặc biệt là các nông sản, đặc sản của các địa phương tại thị trường trong nước được Ban Chỉ đạo các cấp quan tâm.

Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, giới thiệu hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nhân được tổ chức hầu hết ở các địa phương nhằm đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Trong đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt 946 đề án xúc tiến thương mại nội địa với tổng kinh phí 237,53 tỷ đồng. Các đề án được triển khai thực hiện và đạt con số cụ thể như sau: số lượng doanh nghiệp tham gia đạt 32.154 lượt, giá trị hợp đồng đạt hơn 340 tỷ đồng, doanh thu bán hàng tại hội chợ và các phiên chợ là hơn 1.422 tỷ đồng.

Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo được tổ chức thường xuyên với quy mô trung bình 10-20 doanh nghiệp/phiên với doanh số bán hàng 20-50 tỷ/phiên. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức gần gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 78.000 gian hàng, thu hút hơn 5 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại là hơn 64,47 nghìn tỷ đồng.

Tổ chức kết nối cung cầu giữa các địa phương, doanh nghiệp và vận động các tiểu thương ưu tiên bán hàng Việt tại các chợ truyền thống, các trung tâm thương mại. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như: Lào, Campuchia…

Về việc kết nối đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài: thông qua triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (được phê duyệt tại Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ).

Từ năm 2017 đến nay đã tổ chức được 6 hội thảo tập huấn và kết nối với hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia. Tổ chức tuần hàng trưng bày sản phẩm và kết nối với bộ phận mua hàng của các chuỗi phân phối tại Nhật Bản, Thái Lan, Philippinnes, Pháp, Ý, Hoa Kỳ... Thông qua đó đã góp phần tăng giá trị xuất khẩu hàng Việt của một số doanh nghiệp phân phối ra nước ngoài:

+ Big C: Hệ thống siêu thị Big C trước đây thuộc sự quản lý của Tập đoàn Casino (Pháp). Kim ngạch xuất khẩu hàng Việt của Big C hàng năm có xu hướng tăng: năm 2012: 21 triệu USD, năm 2014: 27 triệu USD, năm 2015 là 30 triệu USD với chủng loại tương đối phong phú (hơn 800 mặt hàng từ 60 nhà cung cấp Việt Nam) cho 20 đối tác tại 13 nước trên thế giới.

Khi Tập đoàn Central Group tiếp quản Big C Việt Nam, kênh xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống phân phối của Tập đoàn sang các nước vẫn liên tục được ưu tiên khi kim ngạch năm 2016 và 2017 đều đạt trên 46 triệu USD. Năm 2017, Tập đoàn Central Group đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương Việt Nam nhằm hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường Việt Nam và nước ngoài.

+ Tập đoàn AEON: Aeon là một trong những Tập đoàn tích cực nhất trong việc xuất khẩu hàng Việt vào các hệ thống của Tập đoàn tại nước ngoài. Theo thông tin từ Lãnh đạo Tập đoàn Aeon, tính chung cả năm 2016, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản qua hệ thống Aeon đã đạt 200 triệu USD, trong đó hàng may mặc chiếm 69%, thực phẩm 20% và đồ gia dụng là 11%; năm 2018 là khoảng 250 triệu USD.

Tháng 10 năm 2018, Bộ Công Thương đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Aeon trong đó nêu lên mục tiêu cụ thể về kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống Aeon như sau: đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, Aeon cũng cam kết tăng tỉ lệ hàng Việt Nam bán trong hệ thống Aeon Việt Nam.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, với nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại những kết quả thiết thực, tích cực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm (đặc biệt trong các năm 2018, 2017, 2016 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức 11,7%, 10,9%, 10,2%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD).

Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%). Những con số biết nói này một lần nữa khẳng định một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chính là việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. 

 

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương