Hòa Bình: Sức hút từ mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam"

Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2020, dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, nỗ lực xây dựng ít nhất 1 điểm bán hàng Việt trên địa bàn mỗi huyện.

Để đưa được các mặt hàng Việt Nam có chất lượng đến tay người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong thời gian qua Sở Công Thương Hòa Bình đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn xây dựng một số điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Bước đầu mô hình này đã cho thấy hiệu quả khi hình thành kênh phân phối hàng Việt uy tín và có tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

cửa hàng của anh Lê Văn Hùng - nơi được chọn làm điểm bán hàng Việt đầu tiên của tỉnh Hòa Bình
Cửa hàng của anh Lê Văn Hùng - nơi được chọn làm điểm bán hàng Việt đầu tiên tại xã Ngọc Sơn - một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình

Bắt đầu từ năm 2016, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (theo Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 25/3/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình), điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được xây dựng tại Cửa hàng Nội thất - Điện tử - Điện lạnh Quang Trung, địa chỉ xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn với việc Sở Công Thương hỗ trợ một phần kinh phí thiết kế, lắp đặt kệ trưng bày hàng hóa, bàn thu ngân, các biển hiệu cửa hàng, biển quảng cáo trong gian hàng, in bảng giá, băng rôn, cờ phướn, tờ rơi tuyên truyền...

Sau gần 3 năm đi vào vận hành, điểm bán này đã trở thành địa chỉ mua sắm hàng hóa tin cậy của người dân, giúp tránh được tình trạng mua phải hàng lậu, hàng giả hoặc hàng quá hạn sản xuất.

Đông đảo người tiêu dùng thăm quan, mua sắm tại điểm bán hàng Việt Nam tại Cửa hàng kinh doanh tạp hóa của bà Nguyễn Thị Thuận thuộc địa bàn vùng sâu xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc
Đông đảo người tiêu dùng thăm quan, mua sắm tại điểm bán hàng Việt Nam (thứ 2) thuộc Cửa hàng kinh doanh tạp hóa Thuận Huệ (xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình)

Cùng với điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đầu tiên được xây dựng, đến nay, Sở Công Thương đã tiếp tục xây dựng, triển khai nhân rộng được thêm 3 điểm bán hàng tại Cửa hàng Thuận Huệ, địa chỉ xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc; Cửa hàng tạp hóa Mạnh Nguyệt, địa chỉ xã Tử Nê, huyện Tân Lạc; Cửa hàng bách hóa Tuệ Linh, địa chỉ thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy.

Các điểm bán hàng này được xây dựng đã góp phần phát triển hệ thống phân phối, hình thành mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến với người tiêu dùng. Đồng thời, với việc được đặt sâu trong các khu, cụm dân cư, các điểm bán đã góp phần tạo điều kiện cho người dân địa phương được tiếp cận với hàng hóa phong phú, đa dạng, có chất lượng cao được sản xuất tại Việt Nam và đặc biệt giá cả phải chăng, hợp với túi tiền người tiêu dùng.

Đông đảo người dân đến thăm quan, mua sắm tại điểm bán hàng Việt Nam tại khu Đoàn Kết, thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy).
Cửa hàng Bách hóa Tuệ Linh (điểm 3) tại khu Đoàn Kết, thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy là địa chỉ mua sắm hàng Việt Nam tin cậy của người dân

Trong thời gian tới, để phát triển và nâng cao hiệu quả hơn nữa các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh đáp ứng được những tiêu chí theo quy định tham gia. Tiếp tục triển khai xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các huyện, thành phố chưa có điểm bán hàng này. Đồng thời, Sở sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hoàng Dương