Hoa Kỳ cân nhắc dỡ bỏ thuế nhập khẩu với hàng hoá Trung Quốc

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa cho biết giới chức nước này đang thảo luận về khả năng dỡ bỏ thuế đối với hàng hoá của Trung Quốc, vốn được áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
 Kiểm soát lạm phát được xem là nhiệm vụ đối nội quan trọng nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay (Ảnh: The American Independent)

Tuy nhiên, ông Joe Biden cũng nhấn mạnh chưa có bất kỳ quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Đây được xem là động thái mới nhất của ông Joe Biden trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp kìm hãm việc lạm phát tại Hoa Kỳ đang chạm mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.

Dữ liệu mới nhất của Bộ Lao động Hoa Kỳ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hoa Kỳ trong tháng 4/2022 đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giảm nhẹ so với mức đỉnh 8,5% hồi tháng 3/2022 nhưng lạm phát tại Hoa Kỳ vẫn gần với mức cao nhất kể từ mùa Hè năm 1982.

Tổng thống Joe Biden cho biết “Tôi muốn mọi người dân Hoa Kỳ biết rằng tôi đang rất chú trọng về vấn đề lạm phát và đây là ưu tiên đối nội hàng đầu của tôi”.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã áp dụng mức thuế quan cao lên hàng hoá Trung Quốc vào năm 2018, châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo quan điểm của ông Donald Trump, thuế quan là công cụ để xử lý những hành vi thương mại của Trung Quốc mà Hoa Kỳ cho rằng bất bình đẳng, thông qua đó củng cố sức mạnh cho hàng hoá Hoa Kỳ, tạo thêm việc làm cho người dân Hoa Kỳ và cân bằng cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà Hoa Kỳ vốn luôn trong trạng thái thâm hụt nghiêm trọng

Các chuyên gia kinh tế hiện không có quan điểm đồng nhất về việc nếu Hoa Kỳ dỡ bỏ thuế quan mà cựu Tổng thống Joe Biden đánh vào hàng hoá Trung Quốc thì lạm phát tại Hoa Kỳ sẽ giảm được bao nhiêu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đồng ý rằng việc dỡ bỏ một phần hoặc toàn bộ thuế đánh lên hàng hoá Trung Quốc là một trong số ít những lựa chọn mà chính quyền ông Joe Biden hiện có để giảm nhiệt lạm phát.

Các nhà phân tích cho rằng sự kết hợp giữa tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là việc Trung Quốc phong toả nhiều thành phố, khu vực sản xuất lớn nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm mới, và bùng nổ xung đột Nga – Ukraine là nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI của Hoa Kỳ chạm mức cao kỷ lục.

Dưới tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine, tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) của Hoa Kỳ đã tăng 40%, giá lúa mì tăng 40% và giá ngô tăng 30%. Giá hàng hoá tăng đang bào mòn thu nhập của người dân Hoa Kỳ.

Tông thống Joe Biden nhấn mạnh việc Chính phủ Hoa Kỳ giải phóng lượng lớn dầu thô từ kho dự trữ dầu thô chiến lược quốc gia ra thị trường và gia tăng sức ép lên các doanh nghiệp vốn có lợi nhuận cao để giảm giá hàng hoá đã có các tác dụng tích cực. Ông cũng khẳng định Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ có đủ khả năng kiểm soát lạm phát.

Trong ngày 4/5 vừa qua, FED đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, cao gấp đôi so với các lần tăng 0,25% thông thường. Đây cũng là đợt tăng lãi suất cơ bản mạnh nhất của FED kể từ tháng 5/2000. FED đang có những động thái mạnh tay nhất để kiềm chế lạm phát.

Duy Quang