Hoài nghi xung quanh ý tưởng lập 'quân đội châu Âu' của Pháp

Sự chia rẽ nội bộ và nghi kỵ giữa các nước lớn khiến đề xuất thành lập quân đội chung châu Âu rất khó thành hiện thực.
Binh sĩ NATO trong một đợt tập trận chung năm 2016. Ảnh: AFP.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước kêu gọi thành lập "quân đội châu Âu" để giúp châu lục này tự chủ hơn trong việc đảm bảo an ninh, bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 13/11 cũng đưa ra ý tưởng tương tự, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng đề xuất này là thiếu thực tế và rất khó trở thành hiện thực, theo Business Insider.

"Ý tưởng thành lập một quân đội châu Âu là vô nghĩa", Anand Menon, giáo sư nghiên cứu chính trị châu Âu tại Cao đẳng London, nhận định. "Quân đội châu Âu kiểu như vậy sẽ không thể giống như một lực lượng quân đội bình thường mà bạn vẫn thấy".

Liên minh châu Âu (EU) là tổ chức tập hợp 28 quốc gia với mục tiêu thống nhất nền kinh tế và quân sự của các thành viên. Hầu hết những nước này đều là thành viên NATO, thường xuyên huấn luyện cùng nhau theo tiêu chuẩn chung trong khối.

Tuy nhiên, các nước châu Âu có thể đánh mất quyền tự chủ khi tham gia quân đội chung. Khi tham gia quân đội châu Âu, mỗi quốc gia nhỏ sẽ phải đóng góp nguồn lực quân sự nhất định. Với một quốc gia nhỏ trong khối, việc phải đóng góp một phi đội vận tải cơ cho quân đội châu Âu sẽ là mất mát rất lớn, bởi họ sẽ không còn khả năng tùy ý sử dụng chúng theo nhu cầu của mình.

Hợp tác quân sự tại châu Âu hiện nay đang áp dụng hình thức từ dưới lên trên, trong đó các nước tự chọn dự án muốn tham gia rồi xây dựng cấu trúc lãnh đạo dự án. "Trong mô hình do Pháp đề xuất, hình thức hợp tác chủ yếu sẽ là từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ có chuyện một tổng chỉ huy châu Âu ra lệnh cho binh sĩ các nước châu Âu tham chiến", Menon đánh giá.

Chỉ huy một đơn vị lục quân Đức trong NATO. Ảnh: AFP.

Các quốc gia châu Âu luôn bị chia rẽ về vấn đề an ninh, họ chỉ có điểm chung duy nhất là tìm cách ngăn chiến tranh nổ ra với Nga. Mỗi nước trong EU đều có mục đích và lợi ích riêng, khó có thể đồng thuận về mục tiêu chung.

"Nếu được thành lập, quân đội chung của châu Âu chắc chắn sẽ không được triển khai. Nó chỉ càng làm tăng tình trạng quan liêu", chuyên gia phân tích Franz Stefan-Gady nêu quan điểm.

EU có thể điều phối chính sách đối ngoại, an ninh và tình báo bên trong tổ chức, nhưng việc huy động lực lượng quân sự lại là vấn đề hoàn toàn khác. "Việc họ muốn điều phối hoạt động an ninh nội khối là điều có cơ sở. Tuy nhiên, xây dựng quân đội chung sẽ đòi hỏi các nước tăng gấp đôi chi tiêu cho châu Âu, vì họ còn phải thực hiện nghĩa vụ với EU và NATO", Menon nhận xét.

Theo chuyên gia này, một số quốc gia châu Âu có thể hoài nghi về động cơ của Pháp khi đưa ra đề xuất thành lập quân đội châu Âu, đặc biệt là với Macron, người nhiệt thành ủng hộ và tham gia các chiến dịch không kích do Mỹ phát động nhắm vào chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong thời gian qua.

Một số lãnh đạo có thể lo ngại rằng quân đội châu Âu sẽ trở thành công cụ của Pháp, nhất là khi nước này muốn điều quân đến các thuộc địa cũ ở châu Phi hoặc tham gia các chiến dịch quân sự mà phần lớn các nước ở châu lục phản đối. "Có sự hoài nghi rằng Pháp ủng hộ ý tưởng hợp tác quốc phòng châu Âu vì nó cho phép họ làm những điều mình muốn dưới danh nghĩa EU" , Menon cho biết.

"Việc quay lưng với NATO để thành lập lực lượng vũ trang mới chỉ là ảo tưởng, thậm chí có thể phản tác dụng" , thành viên Ủy ban đối ngoại và quốc phòng Nghị viện châu Âu Arnaud Danjean nhấn mạnh.