Hoàn thiện cơ sở pháp lý về kế toán giá trị hợp lý của Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế

TS. TRỊNH HỒNG HẠNH (Khoa Ngân hàng - Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Giá trị hợp lý (GTHL) đang dần khẳng định những ưu thế trong định giá. Việc sử dụng GTHL được IASB, FASB ủng hộ và đang chuẩn bị những cơ sở quan trọng cho việc áp dụng rộng rãi tại các quốc gia. Quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán đã và đang tạo ra sức ép đáng kể về việc nghiên cứu và sử dụng GTHL trong hệ thống kế toán Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiến tới sử dụng GTHL như là một cơ sở định giá chủ yếu trong kế toán cần phải có lộ trình hợp lý và những giải pháp thích hợp được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong từng giai đoạn cụ thể. Một trong những giải pháp quan trọng là cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý về kế toán GTHL của Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế.

Bài viết nhằm đánh giá cơ sở pháp lý của Việt Nam về kế toán GTHL so với chuẩn mực quốc tế, từ đó đưa ra những giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý về kế toán GTHL trong thời gian tới.

Từ khóa: Giá trị hợp lý, chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực kế toán Việt Nam.

I. Thực trạng cơ sở pháp lý của Việt Nam về kế toán giá trị hợp lý

Giá trị hợp lý được quy định ở một số Chuẩn mực kế toán Việt Nam, Thông tư của Bộ Tài chính và gần đây nhất là trong Luật Kế toán số 88/2015/QH13. Theo đó, khái niệm GTHL và nội dung cơ bản quy định về giá trị hợp lý như sau:

1. Khái niệm giá trị hợp lý

Theo VAS 03 - TSCĐ hữu hình và VAS 04 - TSCĐ vô hình, giá trị hợp lý là giá trị tài sản có thể được trao đổi giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá. Còn theo VAS 06 - Thuê tài sản và VAS 10 - Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái, giá trị hợp lý là giá trị tài sản có thể được trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá.

Giá trị hợp lý còn là giá trị tài sản có thể được trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết và sẵn sàng trong sự trao đổi ngang giá (VAS 11- Hợp nhất kinh doanh).

Trong Thông tư số 210/2009/TT-BTC, hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, giá trị hợp lý là giá trị mà một tài sản có thể được trao đổi, hoặc một khoản nợ phải trả có thể được thanh toán giữa các bên có đầy đủ hiểu biết, mong muốn giao dịch, trong một giao dịch trao đổi ngang giá.

Giá trị hợp lý là giá trị được xác định phù hợp với giá thị trường, có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc chuyển nhượng một khoản nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị (Luật Kế toán số 88/2015/QH13).

Như vậy, sau mỗi đợt ban hành Chuẩn mực kế toán (từ 2001 đến 2005), đến Thông tư số 210 (2009) và Luật Kế toán số 88 (năm 2015), khái niệm giá trị hợp lý đã dần được hoàn thiện, song nhìn chung so với Chuẩn mực quốc tế thì các khái niệm là chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa giải thích được các thuật ngữ sử dụng, như vậy sẽ rất khó cho người sử dụng áp dụng khi phát sinh các nghiệp vụ liên quan đến giá trị hợp lý. Chưa giải thích các thuật ngữ “tự nguyện”, “có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá” làm cho người sử dụng khó hiểu về vấn đề này.

So với khái niệm của IFRS 13 thì khái niệm về GTHL trình bày trong VAS 11 “Hợp nhất kinh doanh” và Thông tư số 210/2009/TT-BTC, Luật Kế toán số 88 là tương đối đầy đủ. Song do hiện nay Bộ Tài chính chưa ban hành, Chuẩn mực kế toán cũng như Thông tư liên quan đến giá trị hợp lý nên giá trị hợp lý chỉ được đề cập về mặt khái niệm, chưa làm rõ về cách xác định, đo lường cụ thể ở các cấp độ khác nhau như thế nào như trong IFRS 13.

2. Những quy định về sử dụng giá trị hợp lý trong các Chuẩn mực kế toán Việt Nam

3. Các thông tư của Bộ Tài chính có quy định về giá trị hợp lý

3.1. Thông tư số 210/2009/TT-BTC hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính

Thông tư số 210 quy định:

- Tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính được ghi nhận theo GTHL thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Điều kiện ghi nhận:

+ Tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính được phân loại vào nhóm nắm giữ để kinh doanh;

+ Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, đơn vị xếp tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính vào nhóm phản ánh theo GTHL thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

- BCTC của đơn vị phải thuyết minh các thông tin về GTHL như sau:

+ GTHL của những tài sản và nợ phải trả tài chính để có thể so sánh GTHL và giá trị ghi sổ.

+ Các phương pháp xác định GTHL của từng loại tài sản hay nợ phải trả tài chính.

3.2. Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp

Thông tư số 200 có một số quy định về giá trị hợp lý, cụ thể:

- Đối với chứng khoán kinh doanh:

Chứng khoán kinh doanh phải được ghi sổ kế toán theo giá gốc, bao gồm: Giá mua cộng (+) các chi phí mua (nếu có) như chi phí môi giới, giao dịch, cung cấp thông tin, thuế, lệ phí và phí ngân hàng. Giá gốc của chứng khoán kinh doanh được xác định theo GTHL của các khoản thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh.

- Đối với tài sản cố định:

Thông tư số 200/2014/TT- BTC làm rõ thêm VAS 03 về xác định nguyên giá TSCĐ hữu hình do mua sắm bao gồm:

Trường hợp mua TSCĐ được kèm thêm thiết bị, phụ tùng thay thế thì phải xác định và ghi nhận riêng thiết bị, phụ tùng thay thế theo giá trị hợp lý. Nguyên giá TSCĐ được mua là tổng các chi phí liên quan trực tiếp tới việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng trừ đi giá trị thiết bị, phụ tùng thay thế.

- Đối với các khoản đầu tư: Trường hợp giải thể công ty con và sáp nhập toàn bộ Tài sản và Nợ phải trả của công ty con vào công ty mẹ: Phải ghi giảm giá trị ghi sổ khoản đầu tư; Ghi nhận toàn bộ tài sản, nợ phải trả của công ty con bị giải thể theo giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập. Phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư và giá trị hợp lý được ghi nhận vào Doanh thu tài chính hoặc Chi phí tài chính.

- Đối với doanh thu, chi phí: “Doanh thu được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản được quyền nhận, không phân biệt đã thu tiền hay sẽ thu tiền”. “Doanh thu phải được ghi nhận phù hợp với bản chất hơn là hình thức”.

4. Đánh giá chung

Ngay từ khi bắt đầu soạn thảo bộ CMKT Việt Nam, cơ quan soạn thảo đã tham khảo bộ CMKT quốc tế, theo đó GTHL đã được nghiên cứu vận dụng có chọn lọc phù hợp với các điều kiện của nền kinh tế, chính trị và xã hội.

Luật Kế toán 2015 bổ sung khái niệm giá trị hợp lý. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính.

Tuy nhiên so với chuẩn mực quốc tế về kế toán giá trị hợp lý thì cơ sở pháp lý của Việt Nam vẫn còn những hạn chế sau:

Một là, khái niệm về GTHL ở trong các văn bản cơ sở pháp lý là không thống nhất, bên cạnh đó cũng không giải thích các thuật ngữ trong khái niệm, gây khó hiểu cho người đọc.

Hai là, các quy định về kế toán GTHL trong hệ thống CMKT còn rất hạn chế và mới dừng lại ở việc sử dụng GTHL để ghi nhận ban đầu thay cho giá gốc.

Ba là, chưa có chuẩn mực nào qui định về đo lường GTHL ngoại trừ đoạn 24 của VAS 04 - TSCĐ vô hình có đề cập đến phương pháp xác định GTHL của TS cố định vô hình. Trong khi IFRS 13 đã đưa ra 3 cấp độ xác định GTHL.

Bốn là, Việt Nam chưa có chuẩn mực kế toán quy định về suy giảm giá trị của tài sản như chuẩn mực kế toán quốc tế.

Năm là, về thuyết minh giá trị hợp lý, những thông tin cần công bố theo quy định của Thông tư số 210/2009/TT-BTC không được toàn diện như theo quy định của IFRS. Theo IFRS 7 cần công bố nhũng thông tin về phương pháp, kỹ thuật định giá và trường hợp không công bố giá trị hợp lý… nhưng không có quy định tương đương trong TT 210.

II. Giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc áp dụng kế toán giá trị hợp lý theo chuẩn mực quốc tế

Thứ nhất, sửa đổi nguyên tắc giá gốc trong Luật Kế toán số 88/2015/QH13.

Nguyên tắc giá gốc được quy định tại Điều 6 Khoản 1 của Luật Kế toán số 88/2015/QH13 cần được sửa đổi và quy định “các nguyên tắc kế toán áp dụng phải tuân thủ theo quy định của Chuẩn mực chung”. Điều này làm cho Luật được “gọn nhẹ” tránh đi vào cụ thể, tỷ mỉ dẫn đến việc phải thay đổi thường xuyên, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, người dân và đối tác quốc tế.

Thứ hai, nghiên cứu ban hành các CMKT mới theo lộ trình phù hợp.

Việc nghiên cứu để ban hành các CMKT cần được tiến hành trên cơ sở tiếp cận, áp dụng các thông lệ, CMKT quốc tế phù hợp với hệ thống luật pháp, trình độ, kinh nghiệm kế toán của Việt Nam theo lộ trình phù hợp để đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin tài chính mà Việt Nam cần khẩn trương thực hiện, trong đó các CMKT mới cần ban hành như sau:

Một là, xây dựng và ban hành CMKT về “Đo lường giá trị hợp lý”.

Trên bình diện quốc tế, IFRS số 13 - Giá trị hợp lý do Ủy ban CMKT quốc tế (IASB) nghiên cứu trong nhiều năm qua và đến năm 2012 mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 hoặc sớm hơn do các nước lựa chọn.

CMKT về giá trị hợp lý ở Việt Nam cần quy định rõ 3 nội dung: Định nghĩa giá trị hợp lý, quy định và hướng dẫn xác định giá trị hợp lý và yêu cầu về việc thuyết minh giá trị hợp lý trong BCTC, cụ thể như sau:

- Quy định thuật ngữ giá trị hợp lý là “Giá trị hợp lý là giá mà có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc phải trả để thanh toán một khoản nợ phải trả trong giao dịch thông thường giữa các bên tham gia thị trường tại ngày đo lường”.

- Quy định và hướng dẫn xác định giá trị hợp lý cho tài sản, nợ phải trả và công cụ vốn của doanh nghiệp. Khi xác định giá trị hợp lý, doanh nghiệp phải xác định rõ tài sản hay nợ phải trả cần xác định giá trị hợp lý; thị trường giao dịch tự nguyện đối với tài sản hay nợ phải trả; kỹ thuật định giá phù hợp trong việc xác định giá trị hợp lý.

- Về các kỹ thuật định giá: Cần quy định 3 kỹ thuật định giá được sử dụng rộng rãi là phương pháp giá thị trường, phương pháp chi phí và phương pháp thu nhập; đồng thời thiết lập một hệ thống phân cấp giá trị hợp lý gồm ba cấp đối với các yếu tố đầu vào được sử dụng cho các kỹ thuật định giá khi xác định giá trị hợp lý.

- Thuyết minh BCTC các thông tin cho phù hợp với yêu cầu của IFRS số 13, như thuyết minh các thông tin về kỹ thuật định giá và các yếu tố đầu vào được sử dụng để xây dựng các cách xác định giá trị hợp lý đối với tài sản/nợ phải trả được xác định giá trị hợp lý; Ảnh hưởng của việc xác định và ghi nhận giá trị hợp lý đến kết quảkinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ nếu xác định giá trị hợp lý sử dụng những yếu tố đầu vào không quan sát được; Mức độ phân cấp giá trị hợp lý đối với việc xác định giá trị hợp lý...

- Về phạm vi áp dụng: CMKT này áp dụng trong trường hợp CMKT khác yêu cầu hoặc cho phép việc xác định giá trị hợp lý hoặc thuyết minh về việc xác định giá trị hợp lý trên BCTC.

Hai là, ban hành các CMKT liên quan đến công cụ tài chính.

(1) Các CMKT quốc tế về công cụ tài chính

Kế toán công cụ tài chính rất phức tạp nên các quốc gia đều phải thận trọng trong việc nghiên cứu, ban hành CMKT về công cụ tài chính để đảm bảo an toàn trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng, đặc biệt là chứng khoán phái sinh như một đòn bẩy kinh tế hoặc một công cụ quản trị và ngăn ngừa rủi ro của nhà đầu tư.

Cho đến nay, các CMKT quốc tế về công cụ tài chính đã được ban hành gồm IAS số 39 - Công cụ tài chính: Ghi nhận và xác định giá trị; IAS số 32 - Công cụ tài chính: Trình bày; IFRS số 7 - Công cụ tài chính: Thuyết minh thông tin; IFRS số 9 - Công cụ tài chính; IFRS số 13 - Giá trị hợp lý.

(2) Các nội dung cần quy định trong CMKT về công cụ tài chính bao gồm:

(a) Mục đích của CMKTvề công cụ tài chính là quy định và hướng dẫn nguyên tắc ghi nhận, xác định, trình bày và thuyết minh BCTC về công cụ tài chính.

(b) Quy định các thuật ngữvà cho ví dụ minh họa các thuật ngữ để có cách hiểu thống nhất khi triển khai thực hiện CMKT về công cụ tài chính.

Các loại công cụ tài chính được điều chỉnh bởi CMKT này bao gồm 02 loại công cụ tài chính cơ bản và công cụ tài chính phái sinh (gồm các loại hợp đồng tương lai, kỳ hạn, quyền chọn, hoán đổi, chứng quyền).

(c) Đối với công cụ tài chính phái sinh, phải căn cứ vào mục đích sử dụng công cụ tài chính phái sinh để quy định kế toán cho hai trường hợp kế toán công cụ tài chính phái sinh với mục đích thương mại và phòng ngừa rủi ro.

Thứ ba, rà soát chỉnh sửa, cập nhật đối với các chuẩn mực kế toán hiện có về giá trị hợp lý cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế

Một là, điều chỉnh VAS 01 - Chuẩn mực chung theo hướng đưa giá trị hợp lý là cơ sở tính giá trong kế toán song hành với cơ sở giá gốc.

Hai là, bổ sung và hoàn thiện nội dung một số chuẩn mực kế toán Việt Nam liên quan đến giá trị hợp lý.

Trên cơ sở điều chỉnh Luật Kế toán, VAS 01, Bộ Tài chính cần đánh giá, sửa đổi, bổ sung, cập nhật các chuẩn mực kế toán hiện hành có liên quan đến giá trị hợp lý theo hướng vận dụng có chọn lọc IFRS 13 và các chuẩn mực kế toán quốc tế tương đương. Cụ thể:

- Sửa đổi VAS 03 - TSCĐ hữu hình: Đối chiếu với IAS 16 “Nhà xưởng, máy móc, thiết bị”, chuẩn mực cần bổ sung quy định về việc đánh lại giá trị tài sản sau ghi nhận ban đầu có thể theo mô hình giá gốc hay giá trị đánh giá lại.

- Sửa đổi VAS 04 - TSCĐ vô hình: Đối chiếu với IAS 38 “Tài sản vô hình”, chuẩn mực cần bổ sung quy định về việc đánh lại giá trị tài sản sau ghi nhận ban đầu (tương tự như đối với TSCĐ hữu hình - VAS 03).

- Sửa đổi VAS 05 - Bất động sản đầu tư: Đối chiếu với IAS 40 “Bất động sản đầu tư”, chuẩn mực cần bổ sung quy định về việc đánh lại giá trị tài sản sau ghi nhận ban đầu (tương tự như đối với TSCĐ hữu hình - VAS 03).

- Sửa đổi VAS 11 - Hợp nhất kinh doanh: Bổ sung thêm nội dung xác định GTHL của cổ đông thiểu số, trên cơ sở đối chiếu với IFRS 03 “Hợp nhất kinh doanh”. Theo lý thuyết thực thể: Nếu công ty mẹ không mua toàn bộ mà mua từng phần công ty con, việc tính GTHL của cổ đông thiểu số sẽ được tính bằng cách ước tính GTHL khi công ty mẹ mua toàn bộ, rồi trừ đi phần công ty mẹ thực mua.

Thứ tư, ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể việc đo lường theo GTHL.

Vì chuẩn mực chỉ quy định ở mức độ nguyên tắc đòi hỏi người làm kế toán phải có sự xét đoán, trong khi đó người làm kế toán ở Việt Nam có xu hướng tuân thủ các hướng dẫn, cụ thể hơn là đưa ra các ước tính kế toán. Vì vậy, giải pháp đồng thời với việc ban hành CMKT về “Đo lường giá trị hợp lý” và các chuẩn mực về công cụ tài chính là ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện chuẩn mực ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính, 2008. 26 Chuẩn mực quốc tế Việt Nam 2001 - 2006. Hà Nội: Nxb

Thống kê.

2. Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

3. Luật Kế toán số 88/2015/QH13.

COMPLETING LEGAL BASIC ABOUT ACCOUNTING FAIR

VALUE OF VIETNAM BY INTERNATIONAL STANDARDS

● PhD. TRINH HONG HANH

Faculty of Banking, Banking Academy

ABSTRACTS:

Fair value (FV) is gradually asserting its advantages in valuation, the use of fair value is supported by IASB, FASB and is implementing important preparation for widespread application in many countries. The process of international integration in economics and accounting has put considerable pressure on studying and using Fair Value in the Vietnamese Accounting System. However, the introduction of Fair Value as a major valuation base in accounting requires a reasonable roadmap and appropriate solutions should be synchronously and effectively implemented in each specific period. One of the important solutions is to improve the legal basis of accounting Fair Value in Vietnam according to international standards.

This article aims to assess Vietnam's legal basis for accounting fair value in comparison with international standards, thereby providing solutions to improve the legal basis for accounting Fair Value in the future.

Keywords: Faivalue, International Accounting Standards, Vietnam Accounting Standards.