TÓM TẮT:

Spin-off là mô hình doanh nghiệp khá phổ biến ở các nước phát triển nhằm triển khai và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Tuy nhiên ở Việt Nam, khái niệm này lại chưa phổ biến, số lượng doanh nghiệp spin-off không nhiều và cũng không hiệu quả. Lý do thì nhiều, nhưng có lẽ cốt lõi là do chúng ta chưa xây dựng được hành lang pháp lý phù hợp cho mô hình này, dẫn đến việc áp dụng khó khăn. Bài viết sau đây tập trung vào việc làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến spin-off và đưa ra khuyến nghị cho việc xây dựng khung khổ pháp lý đối với loại hình này.

Từ khóa: Spin-off, doanh nghiệp khoa học công nghệ, khung khổ pháp lý.

1. Khái niệm doanh nghiệp spin-off

Spin-off và start-up là hai mô hình khởi sự doanh nghiệp đang được lưu tâm hiện nay. Trong khi start-up khá phổ biến và phát triển mạnh thì spin-off lại không được đón nhận nhiệt tình ở Việt Nam. Mô hình spin-off (thường được hiểu là “doanh nghiệp khởi nguồn”) và start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) được hình thành đầu tiên ở các nước công nghiệp phát triển. Spin-off được khởi nguồn từ trường đại học (tách ra hoạt động độc lập từ các trường đại học), do các cá nhân tạo ra các tài sản khoa học và công nghệ tham gia vào quá trình quản lý của doanh nghiệp. Start-up chỉ sự khởi nghiệp của một doanh nghiệp mới hình thành trên nền tảng kết quả khoa học và công nghệ [2]. Các kết quả nghiên cứu để hình thành spin-off thường là kết quả nghiên cứu công nghệ cao.

Khác với spin-off, doanh nghiệp start-up chỉ nằm trong khu vực "vườn ươm" (technology park) và không nhất thiết phải gắn với cơ sở nghiên cứu. Công nghệ của doanh nghiệp start-up không nhất thiết phải là công nghệ cao, kết quả nghiên cứu cũng có thể lấy từ nơi khác đến. Nếu như người thành lập và điều hành doanh nghiệp spin-off  nhất thiết phải chính là nhà khoa học chủ nhân của phát kiến công nghệ cao, thì ai cũng có thể thành lập và điều hành doanh nghiệp start-up[3].

Do luôn gắn liền với các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, nên mô hình này thường được biết đến với tên gọi “academic spinoff” hay “university spin-off”. Cách gọi như vậy cũng khiến spin-off trở nên dễ tiếp cận hơn, đồng thời giúp các cơ sở nghiên cứu đưa ra sự lựa chọn rõ ràng hơn. Khi trường đại học cùng với các nhà khoa học đang sở hữu bằng sáng chế về công nghệ mà muốn tự mình xây dựng và phát triển doanh nghiệp (“tự khởi nghiệp”) để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học thì lựa chọn mô hình doanh nghiệp “spin-off”[4] là hợp lý.

Theo Pirnay and colleagues (2003), spin-off là một khái niệm rất chung chung và mờ nhạt, rất khó để đưa ra một cách hiểu thống nhất1. Trên cơ sở tìm hiểu các quan điểm khác nhau, có thể tóm lại khái niệm về spin-off như sau:

Doanh nghiệp spin-off là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, được hình thành dựa trên cơ sở áp dụng, khai thác các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được tạo ra ở viện nghiên cứu, trường đại học hoặc do cá nhân hoặc tập thể các nhà khoa học, kĩ sư… có trình độ kiến thức và năng lực chuyên môn cao, có tinh thần kinh thương rời khỏi tổ chức mẹ để bắt đầu một sự kinh doanh độc lập mới [7, tr.21].

2. Đặc điểm, vai trò của doanh nghiệp spin-off

Spin-off là doanh nghiệp có quy mô khởi đầu nhỏ và vừa với số vốn đầu tư không quá lớn (tất nhiên tùy thuộc từng lĩnh vực cụ thể) và dễ dàng thích ứng với sự thay đổi của thị trường [6]. Một số nghiên cứu đã chỉ ra các đặc điểm của mô hình này, chủ yếu thể hiện ở mối liên kết với cơ sở mẹ (viện nghiên cứu, trường đại học)2. Theo đó, các doanh nghiệp này được hình thành từ các cơ sở nghiên cứu (viện, trường) và chưa thực sự tách ra khỏi tổ chức mẹ để hoạt động một cách độc lập, tự chủ như đúng bản chất của mô hình này; bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng  sở hữu những kết quả nghiên cứu và bí quyết công nghệ cao mang tính ứng dụng có thể được thương mại hóa để mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp nói riêng và thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học công nghệ nói chung của nước nhà.

Ngoài ra, người sáng lập doanh nghiệp spin-off cũng thường có đặc trưng [7, tr.22]:

- Sở hữu một bí quyết công nghệ cụ thể và có thể áp dụng bí quyết công nghệ đó để đổi mới sản phẩm hoặc đổi mới quá trình.

- Có tinh thần kinh thương: quan tâm đến việc khai thác một cách tối đa bí quyết công nghệ cụ thể để có để sản xuất sản phẩm và dịch vụ cụ thể đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường trên cơ sở khai thác các nguồn vốn tự có hoặc coi như tự có (vốn vay, vốn mạo hiểm…).

Với những đặc điểm về người sáng lập và doanh nghiệp như vậy, spin-off đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một mô hình hoàn hảo cho việc khai thác và triển khai các kết quả nghiên cứu công nghệ cao của cơ sở nghiên cứu. Có thể nói, doanh nghiệp spin-off  là phương thức ngắn nhất đưa kết quả nghiên cứu và triển khai vào sản xuất, đồng thời là phương tiện thực hiện hiệu quả chính sách đổi mới [7] của nhà nước.

3. Thực trạng quy định pháp luật điều chỉnh doanh nghiệp spin-off

Ngay sau khi Nhà nước có các chủ trương, chính sách phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, đặc biệt là Quyết định số 68/1998/QĐ-TTg cho phép thí điểm thành lập doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học, nhiều doanh nghiệp đã được thành lập từ các viện, trường3. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chỉ là các doanh nghiệp có thực hiện hoạt động khoa học công nghệ chứ chưa phải là mô hình doanh nghiệp spin-off như trên thế giới. Mãi đến những năm 2006 Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học đứng đầu là Giáo sư Trần Xuân Hoài mới ấp ủ và tiến hành thực hiện ý tưởng thành lập doanh nghiệp spin-off đầu tiên ở Việt Nam. Thế nhưng, các spin-off sau đó cũng không hoạt động hiệu quả đúng như bản chất của mô hình này do gặp nhiều vướng mắc, mà trước hết là thiếu một khung khổ pháp lý điều chỉnh. Cho đến nay, gần như chúng ta không tìm thấy một điều luật nào trực tiếp quy định về spin-off mà chỉ có các quy định liên quan.

Đầu tiên là các quy định pháp luật về lĩnh vực khoa học công nghệ. Luật Khoa học công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ,… và các văn bản hướng dẫn thi hành tạo hành lang pháp lý chung cho các hoạt động khoa học công nghệ. Tiếp nữa là các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các quy định về doanh nghiệp, bao gồm Luật Doanh nghiệp, các quy định về doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao… trong các văn bản tương ứng tạo cơ sở cho việc thành lập và hoạt động của spin-off. Đặc biệt gần đây, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học công nghệ đã chính thức ban hành và có hiệu lực từ ngày 20/3/2019, là văn bản đáng lưu ý nhất đưa ra những vấn đề pháp lý rõ nét về quá trình hình thành, hoạt động, phát triển của doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đáng tiếc, các văn bản trên đều không đề cập trực tiếp đến khái niệm spin-off  hay doanh nghiệp khởi nguồn, khiến loại hình này trở nên mơ hồ trên thực tế. Điều này lý giải tại sao các doanh nghiệp hình thành từ các trường đại học và viện nghiên cứu mặc dù đã ra đời ngay sau khi có chính sách phát triển nhưng lại không có cơ chế phù hợp và rõ ràng để hoạt động theo đúng bản chất của một spin-off.

Pháp luật hiện hành có đưa ra quy định về các mô hình hỗ trợ spin-off như vườn ươm công nghệ hay không gian làm việc chung tại các trường đại học, mà Đại học Bách khoa Hà Nội là một điển hình. Các chính sách hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo và đổi mới công nghệ cũng được đưa ra trong Nghị định số 99/2014/NĐ-CP quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, yêu cầu ưu tiên đầu tư đối với trường đại học có doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Một văn bản luật rất quan trọng nữa là Luật Giáo dục đại học, cũng cho phép các cơ sở giáo dục đại học được liên doanh, liên kết, thành lập doanh nghiệp... để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, phát triển dịch vụ đào tạo; nhưng cũng giống các quy định trong các văn bản pháp luật khác, một hành lang pháp lý cho việc ra đời và hoạt động của spin-off chưa được đặt ra cụ thể.

Về nguyên tắc, spin off phải là doanh nghiệp thành lập mới (khởi nguồn), trong khi các doanh nghiệp khoa học công nghệ đang được quy định và điều chỉnh ở Việt Nam lại không đòi hỏi vấn đề này, nghĩa là có thể chuyển đổi và xin cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ bởi bất cứ doanh nghiệp đang hoạt động nào có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, điều này khiến các nhà khoa học không mặn mà trong việc hình thành spin-off do lo sợ những rủi ro từ việc thành lập mới doanh nghiệp.

4. Kết luận và một số khuyến nghị

Ngày 01/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2133/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, yêu cầu ”Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống xã hội; thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ thông qua thị trường khoa học và công nghệ. Khuyến khích hỗ trợ các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp spin-off, thành lập và phát triển các doanh nghiệp spin-off”. Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển 15 doanh nghiệp spin-off, định hướng đến năm 2030 sẽ đạt được con số 20 doanh nghiệp spin-off. Mục tiêu là vậy, nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp hoạt động đúng bản chất doanh nghiệp spin-off gần như vẫn chưa có. Quy định pháp luật không rõ ràng khiến cho các “spin-off” của Việt Nam mới chỉ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ khoa học công nghệ, tư vấn chứ chưa phát triển bùng nổ từ chuyển giao công nghệ thực sự như khái niệm spin-off trên thế giới [5].

Trước thực trạng đó, nhu cầu về khung khổ pháp lý cho doanh nghiệp spin-off (academic spin-off, university spin-off) là vô cùng cần thiết.

Đầu tiên, cần làm rõ khái niệm spin-off trong các văn bản pháp luật. Các văn bản hiện hành chỉ đề cập đến doanh nghiệp khoa học công nghệ hay doanh nghiệp công nghệ cao, trong khi spin-off là một mô hình rất đặc thù và chưa được hiểu một cách thống nhất. Việc đưa khái niệm này vào văn bản luật là tiền đề quan trọng để xây dựng và áp dụng mô hình này vào thực tế một cách đúng đắn và hiệu quả.

Tiếp nữa, cần thiết có một chương trong luật (hoặc thậm chí có riêng một Nghị định) điều chỉnh riêng về spin-off, trong đó quy định rõ thủ tục và điều kiện thành lập spin-off, các vấn đề pháp lý cụ thể về chủ sở hữu, người quản lý, mối quan hệ giữa spin-off với cơ sở mẹ, nguyên tắc hoạt động, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò, vị trí của nhà khoa học đứng ra thành lập doanh nghiệp cũng như hướng đầu tư đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cao làm cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Các quy định pháp luật cũng cần chỉ ra sự khác biệt nhất định giữa spin-off và một doanh nghiệp có đăng ký hoạt động khoa học công nghệ thông thường. Điều này giúp spin-off có hướng đi đúng với bản chất của nó.

Song song với việc tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời và phát triển doanh nghiệp spin-off, các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng cần được xem xét và hoàn thiện hơn, đảm bảo sự bảo vệ tối đa đối với kết quả nghiên của các nhà khoa học, giúp nhà khoa học yên tâm nghiên cứu và ứng dụng nghiên cứu của mình vào thực tế đời sống, hiệu quả nhất là thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu thông qua mô hình spin-off như trên.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Các định nghĩa thông dụng của "university spin-off" [8]

Tác giả Định nghĩa

Smilor et al. (1990)

 

Một công ty được thành lập (1) bởi một giảng viên, nhân viên hoặc sinh viên đã rời trường đại học để thành lập công ty hoặc thành lập công ty trong khi vẫn liên kết với trường đại học và/hoặc (2) xoay quanh công nghệ hoặc ý tưởng công nghệ đã được phát triển trong trường đại học.
Weatherston (1995) Một ý tưởng kinh doanh được khởi xướng hoặc trở thành hoạt động thương mại với những nhà khoa học có tinh thần kinh thương đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ hay tất cả mọi kế hoạch, sáng lập hay quản lý tiếp theo.
Bellini et al. (1999) Công ty được thành lập bởi các giáo viên, nhà nghiên cứu hay sinh viên và sinh viên tốt nghiệp để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu mà họ có thể đã tham gia tại trường đại học… Việc thương mại hóa kiến thức khoa học và công nghệ được thực hiện bởi các nhà khoa học ở trường đại học (giáo viên hoặc nhà nghiên cứu), sinh viên và sinh viên đã tốt nghiệp.
Klofsten & Jones-Evans (2000) Một văn phòng hay tổ chức được thành lập để khai thác các kết quả nghiên cứu ở trường đại học.

http://luatsu-vn.com/nguon-goc-qua-trinh-dieu-kien-hinh-thanh-doanh-nghiep-spin/

- Sở hữu một bí quyết công nghệ cụ thể, có thể áp dụng vào quá trình đổi mới sản phẩm hoặc đổi mới một quá trình.

- Bí quyết công nghệ này có thể được doanh nghiệp thương mại hóa, với mục đích phục vụ nhu cầu của xã hội và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp spin-off giúp cho các tổ chức mẹ (viện, trường) có thực tiễn trong nghiên cứu, phù hợp với  chức năng của mình, gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu.

- Doanh nghiệp spin-off trong trường đại học vẫn chưa tự tách ra khỏi cơ sở mẹ (trường), chủ yếu vẫn phải dựa vào cơ sở hạn tầng của cơ sở mẹ, tranh thủ trang thiết bị, phòng thí nghiệm và mặt bằng hoạt động. Hoạt động R&D trong các doanh nghiệp spin-off  chủ yếu vẫn do cơ sở mẹ đặt hàng, cung cấp tài chính, tìm đối tác… Cho nên, khi thành công trong nghiên cứu khoa học, cở sở mẹ vẫn là nơi sở hữu các kết quả này, chịu trách nhiệm khi chuyển giao, mua bán.

3Các công ty được hình thành từ Viện, trường [1, tr.159,169]: Công ty Netnam, Công ty Xây dựng và Chuyển giao công nghệ Thủy Lợi, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghệ và Thiết bị mỏ, Công ty Sản xuất và Dịch vụ KH&CN thủy sản, Công ty Xây dựng trường học, Công ty Sản xuất và dịch vụ dệt may, Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1, Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm Nha Trang, Công ty Phát triển kỹ thuật và đầu tư, Công ty Phát triển công nghệ IMTECH, Công ty Tư vấn và đầu tư phát triển rau hoa quả, Công ty Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ, Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực, Công ty Tư vấn và Chuyển giao công nghệ, Công ty Tư vấn, triển khai công nghệ và xây dựng mỏ-địa chất, Công ty Tư vấn và Ứng dụng KH&CN giao thông vận tải, Công ty TNHH Tư vấn đại học xây dựng, Công ty Xây dựng và phát triển đô thị, Công ty Dược khoa, Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Mai Hà - Hoàng Văn Tuyên - Đào Thanh Trường, Doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Từ lý luận đến thực tiễn, Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2015.

2. TS Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Hồng Hà, ThS. Lê Vũ Toàn, Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, thực trạng và giải pháp phát triển, Tạp chí Chính sách và Quản lý khoa học và công nghệ, tập 3 số 3 năm 2014.

3. Thạch Anh, Doanh nghiệp từ phòng thí nghiệm, Tạp chí Tia Sáng, số 10, ngày 20/5/2006.

4. Tạ Hải Tùng, Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Tia Sáng online, ngày 30/3/2018.

5. Nguyễn Trung Dũng, Spin-off  trong trường đại học Việt Nam - hành spin offtrình còn lắm chông gai, Khoa học và Phát triển online, ngày 16/04/2018.

6. Ngô Đức Thế, Mô hình công ty Spin-off, Thời báo Kinh tế Sài Gòn online, ngày 22/7/2014.

7. Vũ Thùy Liên, Hình thành doanh nghiệp spin-off trong các tổ chức nghiên cứu và triển khai góp phần thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu (trường hợp ngành dược), Luận văn thạc sĩ khoa học, 2018.

8. Pinaki N. Pattnaik, Satyendra C. Pandey, University Spinoffs: What, Why, and How?, Technology Innovation Management Review. 12/2014.

PERFECTING THE LEGAL FRAMEWORK FOR SPIN-OFF ENTERPRISES OF UNIVERSITIES IN VIETNAM

Master. NGUYEN THI THUY HANG

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

Spin-off is a popular enterprise model in developed countries to deploy and commercialize scientific and tecsthnological research results. However, in Vietnam, this concept is not popular and the number of spin-off businesses is small with ineffective performance. There is a number of reasons for this issue but the major reason is that we have not built an appropriate legal framework for this enterprise model, resulting in difficulties of developing this enterprise model. This article focuses on clarifying legal issues relating to the spin-off enterprise and making recommendations for developing a legal framework for this enterprise type.

Keywords: Spin-off, science and technology enterprises, legal framework.