TÓM TẮT:

Bài viết khái quát những nội dung chính của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và những hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục và những quy định cơ bản của pháp luật Việt Nam liên quan đến vấn đề này. Trên cơ sở đó, tác giả phân tích, đánh giá sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế và đề xuất những quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam về phòng, chống tra tấn.

Từ khóa: Tra tấn; đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục; Công ước chống tra tấn, quyền con người, quyền công dân, luật nhân quyền quốc tế, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.

1. Đặt vấn đề

Vấn đề phòng, chống tra tấn đã được chú ý từ sớm và đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam, trong đó tiêu biểu là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Đặc biệt, ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn. Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, khung pháp luật về vấn đề này ở nước ta vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Do vậy, việc hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan về phòng, chống tra tấn cho phù hợp với các quy định của Công ước chống tra tấn, cũng như các quy định trong Điều 7 và Điều 10 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 là cần thiết hiện nay.

2. Cấm tra tấn trong luật nhân quyền quốc tế

Tra tấn, theo Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình năm 1984 (sau đây gọi tắt là Công ước chống tra tấn), là bất kỳ hành vi nào gây ra đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể chất hay tinh thần mà chủ ý áp dụng với một người, nhằm rút ra từ người đó hay một người thứ ba thông tin hay lời tự thú, hay để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba gây ra hay bị nghi ngờ gây ra, hoặc để hăm dọa hay cưỡng bức người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất cứ lý do nào dựa trên sự phân biệt đối xử nào đó; do một công chức hay một người nào khác hành động với tư cách hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức, tiến hành [3].

Tra tấn (và hành vi ‘thứ cấp’ của nó là trừng phạt, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình) là vấn đề vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính đạo đức, văn hóa. Ở góc độ đạo đức, văn hóa, Liên hợp quốc lên án tra tấn như là một trong những hành vi vô nhân đạo và đê hèn nhất mà con người phạm phải với đồng loại, bởi tra tấn phủ nhận phẩm giá, hủy hoại cả thể chất và tâm hồn của nạn nhân - những người ở trong hoàn cảnh không thể chống cự. Ở góc độ pháp lý, theo luật nhân quyền quốc tế, tra tấn là một trong những hình thức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất, bị chỉ trích gay gắt nhất; còn theo luật hình sự quốc tế, hành vi tra tấn thực hiện một cách có hệ thống và mang tính phổ biến tùy theo bối cảnh có thể cấu thành các tội diệt chủng, tội phạm chiến tranh hay tội phạm chống nhân loại, tức là những dạng tội phạm quốc tế mà thủ phạm có thể bị truy tố và xét xử theo Quy chế Rôm (1998).

Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi tra tấn, việc cấm tra tấn được quy định trong rất nhiều văn kiện của luật nhân quyền và luật hình sự quốc tế từ trước đến nay, trong đó bao gồm Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 (Điều 5), Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (Điều 7), và đặc biệt là Công ước chống tra tấn năm 1984... Theo các văn kiện này, hành vi tra tấn bị cấm tuyệt đối, trong mọi hoàn cảnh kể cả thời bình, thời chiến hay trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia. Bất cứ lý do nào biện minh cho hành vi tra tấn đều không thể chấp nhận. Đặc biệt, quy định cấm tra tấn được coi là một quy phạm của luật tập quán quốc tế, và như vậy có hiệu lực ràng buộc với mọi quốc gia, kể cả những nước chưa tham gia bất cứ điều ước quốc tế nào có liên quan. 

Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc đề cập đến những trách nhiệm cụ thể của các quốc gia trong việc phòng chống tội ác tra tấn, có thể tóm tắt như sau:

- Hình sự hóa hành vi tra tấn, quy định những hình phạt thích đáng với hành vi tra tấn (Điều 4).

- Điều tra, truy tố và xét xử nhanh chóng, hiệu quả những hành vi tra tấn trong các hoàn cảnh khác nhau (các Điều 7,8,9,12).

- Phối hợp, hỗ trợ các quốc gia khác trong việc dẫn độ và xét xử tội phạm (Điều 7,8,9).

- Không trục xuất, trả về, dẫn độ một người đến những quốc gia khác mà có lý do tin chắc là người đó có thể bị tra tấn (Điều 3).

- Giáo dục, tuyên truyền về cấm tra tấn, bao gồm việc đưa vấn đề cấm tra tấn vào các luật lệ về chức năng, nhiệm vụ của các đối tượng có liên quan như cán bộ thực thi pháp luật, nhân viên dân sự, quân sự, y tế, công chức...(Điều 10).

- Rà soát, giám sát và kiểm tra việc thực hiện các luật lệ có liên quan và các cơ sở giam giữ để bảo đảm hành vi tra tấn không xảy ra (Điều 11).

- Bảo đảm các quyền tố tụng của bị can, bị cáo, các quyền khiếu nại, tố cáo và quyền được bồi thường của nạn nhân tra tấn, quyền được bảo vệ của nhân chứng và nạn nhân (các Điều 13,14).

- Không sử dụng lời khai lấy được từ sự tra tấn làm chứng cứ trong mọi giai đoạn tố tụng (Điều 15) [3].

Trên thực tế, các quy định kể trên đồng thời cũng là những biện pháp phòng chống tra tấn mà các quốc gia có trách nhiệm áp dụng. Có thể thấy phạm vi của những biện pháp này rất rộng, không chỉ trong các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp mà còn trong các hoạt động giám sát thực thi, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hợp tác quốc tế về tư pháp. Dưới đây chỉ nêu ra những quy định pháp luật có liên quan của Việt Nam trong một số khía cạnh chính.

3. Phòng, chống tra tấn trong pháp luật Việt Nam

Tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục là những hành vi vi phạm nhân quyền thường xảy ra trong hoạt động tố tụng hình sự (mặc dù còn có thể xảy ra trong những hoàn cảnh khác).

Ở Việt Nam, Nhà nước đã quan tâm đến việc bảo vệ quyền con người trong hoạt động tố tụng từ rất sớm. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trong hoàn cảnh ‘thù trong, giặc ngoài’ đe dọa và chưa có Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký một số sắc lệnh mà nội dung bao hàm những bảo đảm về quyền con người trong hoạt động tố tụng, trong đó có tác dụng phòng, chống tra tấn, tiêu biểu là:

- Sắc lệnh số 33A ngày 13/9/1945 quy định Ty Liêm phóng khi bắt những người nguy hiểm cho nền dân chủ cộng hòa Việt Nam để đưa đi an trí phải làm ngay tờ trình gửi Ủy ban hành chính các miền, trong đó trình bày lý do, chứng cứ và thời hạn đề nghị đưa đi an trí, đồng thời phải thông báo cho các Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp.

- Sắc lệnh số 33B ngày 13/9/1945 yêu cầu Ty Liêm phóng hoặc sở cảnh sát nếu bắt người thì trong vòng 24 giờ phải lập biên bản để tha ngay hoặc chuyển sang tòa án quân sự hay tòa án tư pháp để giải quyết.

- Sắc lệnh số 33C ngày 13/9/1945 quy định các nguyên tắc tiến bộ trong tổ chức và hoạt động của các tòa án quân sự, bao gồm việc xét xử có một thẩm phán và hai hội thẩm, xét xử công khai, quyền của bị cáo được tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, quyền của bị cáo được xin Chính phủ ân giảm...

- Sắc lệnh số 46 ngày 10/11/1945 quy định việc tạm giữ cách tổ chức các đoàn luật sư như cũ...

 Hiến pháp năm 1946 lần đầu tiên xác định một nguyên tắc về chống hành động tùy tiện trong hoạt động tố tụng ở Việt Nam, theo đó, tư pháp không quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không được ai xâm phạm một cách trái pháp luật (Điều 11). Mặc dù quy định này không đề cập cụ thể đến vấn đề tra tấn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng để bảo vệ người dân trước những vi phạm nhân quyền trong hoạt động tư pháp, bao gồm các hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục.

Nguyên tắc hiến định kể trên tiếp tục được các Hiến pháp về sau kế thừa và phát triển thành nguyên tắc đầy đủ về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự và nhân phẩm của công dân mà được áp dụng trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong hoạt động tố tụng (các Điều 27, 28 Hiến pháp 1959; Điều 69, 70, 71 Hiến pháp 1980, Điều 71 Hiến pháp 1992). Cụ thể, Điều 71 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) nêu rõ: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải theo đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”.

Hiến pháp 2013 lần đầu tiên đề cập cụ thể đến việc cấm tra tấn. Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm [5].

Mặc dù Hiến pháp 2013 đã được thông qua nhưng cho đến nay khái niệm “tra tấn” vẫn chưa được định nghĩa trong pháp luật Việt Nam. Các văn bản dưới Hiến pháp hiện vẫn chưa cập nhật quy định mới về cấm tra tấn, mà mới chỉ đề cập đến một số khái niệm liên quan như nhục hình, bức cung… Cụ thể, khuôn khổ pháp luật hiện hành liên quan đến phòng, chống tra tấn của Việt Nam có thể tóm tắt như sau:

- Các quy tắc hiến định về quyền an ninh cá nhân, trong đó bao gồm quy định cấm tra tấn, được nêu trong các Điều 20 và 31 của Hiến pháp 2013 (đã đề cập ở trên).

- Các quy định về bảo vệ quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm  quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể (Điều 33), quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34); quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38) [7].

 - Các quy định về một số tội phạm trong các Chương XII - xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người), Chương XIII - xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân), Chương XXII - xâm phạm hoạt động tư pháp), Chương XXIII - xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân) trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bao gồm: Tội giết người (Điều 123), tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 127), tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129), tội bức tử (Điều 130), tội đe dọa giết người (Điều 133), tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137), tội hành hạ người khác (Điều 140); tội làm nhục người khác (Điều 155); tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157); tội dùng nhục hình (Điều 373), tội bức cung (Điều 374); tội làm nhục đồng đội (Điều 397), tội hành hung đồng đội (Điều 398), tội ngược đãi tù binh, hàng binh (Điều 420)…

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) đã sửa đổi tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội dùng nhục hình, tội bức cung theo hướng tăng nặng nhằm đảm bảo yêu cầu về phòng, chống tra tấn, cụ thể đã:

+ Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điểm b Khoản 3 Điều 157, mức hình phạt từ năm năm tù đến 12 năm tù).

+ Bổ sung hành vi “Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” vào tội dùng nhục hình (Điều 373). Điều luật cũng quy định nếu người phạm tội làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm (khoản 3); làm người bị nhục hình chết thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).

+ Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung vào tội Bức cung (Điều 374). Trường hợp “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung” sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (khoản 2); phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm người bị bức cung chết; dẫn đến làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4) [8].

Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật khác cũng đề cập đến vấn đề phòng, chống tra tấn, như:

- Các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có tác dụng phòng những hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, bao gồm: Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân (Điều 8), bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân (Điều 10), bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (Điều 11) và những quy định về các quyền tố tụng của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, người bị tạm giam và người bào chữa [6].

- Các quy định trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 về nguyên tắc tạm giữ, tạm giam (khoản 3 Điều 4), các hành vi bị nghiêm cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình... (khoản 1 Điều 8).

- Các quy định trong Luật về thi hành án hình sự năm 2010 nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, trong đó đề cập đến các vấn đề như chế độ giam giữ, sinh hoạt, lao động, học tập…, thanh tra, giám sát, khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự. Những quy định này đã được cụ thể hóa trong một số văn bản dưới luật, trong đó tiêu biểu là Nghị định số 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân…

- Các quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nhằm bảo vệ quyền của những người bị tước tự do khi bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoặc biện pháp xử lý hành chính (bao gồm người bị tạm giữ hành chính, người bị đưa vào trường giáo dưỡng, người bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc). Những quy định này đã được cụ thể hóa trong Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 02/2014/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc và một số văn bản khác liên quan.

Bên cạnh những quy định kể trên, pháp luật Việt Nam cũng đã quy định vấn đề bồi thường cho những nạn nhân bị oan sai trong hoạt động tố tụng. Trước đây, Điều 72 Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên quy định: “Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”. Quy định này được tái khẳng định và cụ thể hóa hơn trong khoản 5 Điều 31 Hiến pháp 2013, theo đó, những người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự; đồng thời những người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật. Vấn đề bồi thường oan sai trong tố tụng hình sự cũng được đề cập trong Điều 31 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và cụ thể hóa trong Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017.

4. Yêu cầu củng cố khuôn khổ pháp luật về phòng, chống tra tấn ở Việt Nam

Ngày 07/11/2013, Việt Nam đã ký tham gia Công ước chống tra tấn. Ngày 28/11/2014, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn. Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.

Trước khi tham gia Công ước chống tra tấn, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối cơ bản và đầy đủ cơ chế bảo đảm quyền không bị tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc bị hạ nhục. Mặc dù những phân tích kể trên cho thấy đã có một hành lang pháp lý cho việc phòng chống tra tấn ở Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn một số khoảng trống cần tiếp tục giải quyết. Việc khỏa lấp các khoảng trống này, qua đó hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng, chống tra tấn ở nước ta là một việc làm cấp thiết, vì:

Thứ nhất, Hiến pháp 2013 đã có quy định cụ thể về cấm tra tấn. Quy định mới tạo cơ sở thúc đẩy hoạt động phòng, chống vi phạm nhân quyền này ở nước ta trong thời gian tới, bởi như đã nêu ở phần trên, khái niệm tra tấn theo luật nhân quyền quốc tế rộng hơn nhiều so với những khái niệm về truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân mà được ghi nhận trong các hiến pháp trước 2013. Cũng bởi vậy, quy định mới của Hiến pháp 2013 về cấm tra tấn đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp luật hiện hành của nước ta, đặc biệt là khuôn khổ pháp luật về tố tụng hình sự, để làm hài hòa với những tiêu chuẩn quốc tế về phòng, chống tra tấn.

Thứ hai, Việt Nam đã là thành viên của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966 từ đầu thập kỷ 1980, trong đó có nhiều điều khoản (Điều 7, 10...) quy định rõ việc cấm tra tấn. Việt Nam cũng vừa phê chuẩn Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc. Như vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp luật về chống tra tấn để thực hiện đầy đủ cam kết ngày càng mạnh mẽ và nghĩa vụ quốc tế ngày càng nặng nề, cụ thể hơn của nhà nước ta về vấn đề này.

Thứ ba, yêu cầu bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp, trong đó bao gồm việc chống bức cung, nhục hình trong quá trình thực thi tố tụng hình sự, đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, và gần đây là Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Như vậy, sửa đổi sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp luật về chống tra tấn chính là nhằm để thực hiện hai văn bản quan trọng này.

Thứ tư, mặc dù bị pháp luật nghiêm cấm, tình trạng tra tấn, dùng nhục hình, ép cung đôi khi vẫn còn diễn ra trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự của nước ta, đặc biệt là ở các cơ quan điều tra. Gần đây có một vài vụ việc nghiêm trọng bị phát giác, gây bức xúc rất lớn trong dư luận, đòi hỏi nhà nước phải nhanh chóng hành động và có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn những vụ việc tương tự, quan đó củng cố lòng tin của người dân với hệ thống cơ quan tư pháp. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về chống tra tấn là biện pháp đầu tiên, không thể thiếu để thực hiện mục tiêu này. 

Để củng cố khuôn khổ pháp luật hiện hành về phòng, chống tra tấn, cần thực hiện những sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, cần xác định rõ định nghĩa về tra tấn trong Bộ luật Hình sự, đồng thời hình sự hóa hành vi tra tấn. Đó là bởi mặc dù Bộ luật Hình sự hiện đã có hai tội danh là tội bức cung và tội dùng nhục hình, nhưng các tội này rõ ràng chưa bao trùm hết nội hàm của hành vi tra tấn theo định nghĩa rất rộng nêu trong Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc. Theo tác giả, nhất thiết cần quy định thêm tội tra tấn và đưa ra những định nghĩa cụ thể về các hành vi tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục phù hợp với những tiêu chuẩn liên quan của pháp luật quốc tế.

Thứ hai, trong Bộ luật Tố tụng Hình sự đã bổ sung các quy định bảo đảm quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bảo đảm sự có mặt của luật sư khi lấy lời khai của bị can, bị cáo, tuy nhiên, cần nghiên cứu cải tiến các thủ tục tố tụng hiện hành, kể cả nghiên cứu đặt ra các thủ tục tố tụng đặc biệt nếu cần thiết để bảo đảm các hành vi tra tấn sẽ được điều tra, truy tố và xét xử một cách nhanh chóng và nghiêm minh. Điều này là bởi cũng như ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thủ phạm của hành vi tra tấn ở Việt Nam là những người tiến hành tố tụng, trong khi việc điều tra, truy tố và xét xử cũng do các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành nên không thể tránh khỏi những trường hợp cố ý trì hoãn, bao che cho những kẻ vi phạm.

Thứ ba, cần nghiên cứu cải thiện điều kiện giam giữ trong các cơ sở tạm giam, các trại giam, và điều kiện sinh hoạt, học tập trong các trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện, cơ sở học tập bắt buộc. Điều này là bởi theo quan điểm chung của cộng đồng quốc tế, điều kiện giam giữ, sinh hoạt trong các cơ sở đã nêu nếu ở tình trạng tồi tệ sẽ bị coi là cấu thành hành vi đối xử dã man, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và trong một số trường hợp sẽ cấu thành hành vi tra tấn (ví dụ như việc cán bộ quản giáo khuyến khích hay để mặc cho tình trạng bạo lực xảy ra giữa các tù nhân, người bị tạm giam, tạm giữ...). Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường giám sát, thanh tra các cơ sở thẩm vấn và giam giữ (nhà tạm giữ, trại tạm giam, trường giáo dưỡng…), bao gồm việc triển khai đồng bộ lắp các thiết bị giám sát tự động (camera) tại các cơ sở này để phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi bức cung, nhục hình, tra tấn.  

Thứ tư, cần nghiên cứu tăng cường các biện pháp giáo dục, tuyên truyền về cấm tra tấn và về quyền con người của những người bị tước tự do cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là những cán bộ tiến hành tố tụng, vì đó là một trong các biện pháp chủ động, tích cực nhất trong việc phòng ngừa tra tấn. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy rất ít quốc gia pháp luật cho phép thực hiện các hành động tra tấn, nhưng trên thực tế hành động như vậy vẫn diễn ra do các quan chức thực thi pháp luật thiếu hiểu biết hoặc có ý thức chấp hành pháp luật kém. Cùng với các biện pháp xử phạt, giáo dục, tuyên truyền về cấm tra tấn và quyền con người của những người bị tước tự do sẽ góp phần giảm đáng kể hành vi tra tấn của các quan chức thực thi pháp luật. Liên quan đến vấn đề này, cần nghiên cứu đưa vào hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung về chống tra tấn và quyền con người của những người bị tước tự do trong chương trình giảng dạy của các trường đại học luật và các trường đào tạo cán bộ thực thi pháp luật ở mọi cấp. Thêm vào đó, cũng cần xây dựng và thực hiện các chương trình tập huấn bắt buộc về những nội dung đã nêu cho các cán bộ quản giáo, cảnh sát điều tra, nhân viên an ninh, nhân viên dân sự và y tế làm việc trong các cơ sở giam giữ, giáo dục, cai nghiện tập trung... Ngoài ra, cần xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các bộ quy tắc đạo đức cho những đối tượng đã nêu trong đó nhấn mạnh vấn đề cấm tra tấn và tôn trọng, bảo vệ các quyền con người của những người bị tước tự do.

Thứ năm, cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan và cán bộ tiến hành tố tụng, đặc biệt trong các hoạt động điều tra và giam giữ. Trong vấn đề này, cần đặc biệt phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Tư pháp và của các đại biểu Quốc hội, đồng thời cần mở rộng các điều kiện cho phép các cơ quan thông tin đại chúng được giám sát thường xuyên và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, kể cả các cơ sở giam giữ. Ngoài ra, cần khuyến khích sự hình thành và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền, đặc biệt là các tổ chức chuyên hoạt động bảo vệ quyền của những người bị tước tự do, chống tra tấn và hỗ trợ nạn nhân bị tra tấn.

Thứ sáu, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật và cơ chế bảo đảm quyền con người của những người bị tước tự do, đặc biệt là các quyền tố tụng của bị can, bị cáo, tù nhân, quyền được bảo vệ của các nạn nhân và nhân chứng của hành vi tra tấn. Liên quan đến vấn đề này, cũng cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định để bảo đảm nguyên tắc lời khai lấy được từ việc tra tấn, nhục hình hay bức cung dưới mọi hình thức sẽ không được sử dụng làm chứng cứ buộc tội trong mọi giai đoạn tố tụng.

Thứ bảy, triển khai các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 và Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước theo hướng đơn giản hoá các thủ tục xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường nhà nước, đồng thời quy định xem xét bồi thường những thiệt hại cả trực tiếp và gián tiếp, cả về vật chất và tinh thần, qua đó bảo đảm nạn nhân bị tra tấn, đối xử và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục có thể được bồi thường một cách nhanh chóng và thỏa đáng.

Thứ tám, xây dựng các chương trình, chính sách, cơ chế riêng, dài hạn về chống tra tấn (hoặc đặt trong các chương trình, chính sách, cơ chế chung về bảo vệ quyền con người), trong đó huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan truyền thông, giới luật gia… để phát hiện, ngăn chặn, xử lý hiệu quả những hành vi tra tấn.  

Thứ chín, cần tăng cường đối thoại, hợp tác quốc tế, khu vực trong các hoạt động phòng, chống tra tấn và bảo vệ quyền của những người bị tước tự do, trong đó bao gồm việc mời các Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn, Nhóm công tác về bắt bớ tùy tiện và các tổ chức phi chính phủ quốc tế về nhân quyền... đến thăm và giám sát các cơ sở giam giữ trong nước.

Thứ mười, nghiên cứu xây dựng một đạo luật riêng về phòng, chống tra tấn và bảo vệ nạn nhân của tra tấn, theo kinh nghiệm của một số quốc gia khác như Hoa Kỳ, Philippin, Uganda, Nam Phi… ■ 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính phủ (2017), Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước;

2. Liên hợp quốc - UNO (1948), Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền;

3. Liên hợp quốc - UNO (1984), Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác (United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment);

4. Quốc hội (2012), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

5. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;

6. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

7. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015;

8. Quốc hội (2017), Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

9. Quốc hội (2017), Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017.

IMPROVING THE EFFECTIVENESS OF VIETNAM’S CURRENT LEGAL FRAMEWORK ON PREVENTING TORTURE

● Master. PHAM THANH SON

Lecturer, Faculty of Law, People’s Security Academy

● Assoc.Prof. Ph.D VU CONG GIAO

School of Law, Vietnam National University - Hanoi

ABSTRACT:

The article outlines the main contents of the Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment and basic provisions of relevant Vietnamese laws on this issue. The article analyzes and evaluates the compatibility between Vietnamese law and international law on this issue and proposes views as well as solutions to improve the effectiveness of Vietnam’s current legal framework on preventing torture.

Keywords: Torture, cruel, inhuman, degrading treatment and punishment, the United Nations Convention against Torture, human rights, civil rights, Iinternational human rights law, Criminal Code, Criminal Procedure Code.