TÓM TẮT:

Từ khi thành lập đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC - Vietnam asset management company) đã tập trung mọi nguồn lực để mua các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) bằng trái phiếu đặc biệt theo giá thị trường. Tuy nhiên, giá trị nợ xấu mua theo giá thị trường từ khi VAMC thành lập cho đến nay chiếm tỷ trọng rất nhỏ và chưa xứng tầm với vai trò và mục tiêu của Nhà nước khi thành lập VAMC.

Bài viết bàn về hoạt động mua - bán nợ xấu theo giá thị trường của VMAC, qua đó đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

Từ khóa: Mua bán nợ - xấu, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

1. Thực trạng mua - bán nợ xấu của VAMC theo giá thị trường

Việt Nam đã bắt tay vào chương trình tái cấu trúc các TCTD do Chính phủ phê chuẩn vào tháng 3/2012. Một cấu phần then chốt của việc tái cấu trúc này chính là xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nhằm đẩy nhanh quá trình này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg thành lập VAMC vào ngày 31/5/2013. Khuôn khổ pháp lý cho VAMC được thiết lập trong Nghị định số 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC và Quyết định số 483/2013 phê duyệt Đề án Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Vào đầu tháng 9/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn tất khuôn khổ pháp lý cho VAMC thông qua Thông tư số 19/TT-NHNN về việc hướng dẫn cho mua và bán nợ xấu của ngân hàng và Thông tư số 20/TT-NHNN về cơ chế tái cấp vốn đối với trái phiếu VAMC để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng.

VAMC bắt đầu chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2013, với chủ trương tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, giúp xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu của các TCTD trong giai đoạn 2016 - 2020. NHNN đã xác định việc hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu lại các TCTD yếu kém là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này. Theo đó, NHNN đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 (Đề án 1058); tiếp theo là ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Thông tư số 09/2017/TT-NHNN ngày 14/8/2017 về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để hướng dẫn Điều 6 Nghị quyết 42.

Về nguyên tắc, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao hơn 3% buộc phải bán nợ xấu cho VAMC để nhận trái phiếu đặc biệt. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và lãi suất 0%/năm. Trong báo cáo số 224 gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lũy kế từ năm 2013 đến tháng 8/2019, VAMC mua được lượng nợ xấu lên tới 348.500 tỉ đồng, dư nợ gốc nội bảng tương ứng với giá mua nợ là 316.935 tỉ đồng. Với việc mua nợ theo giá thị trường, tính đến gần cuối năm 2019, VAMC mua được 55 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 6.724 tỉ đồng và giá mua nợ đạt 6.821 tỉ đồng; từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 tổng số nợ xấu được xử lý trung bình đạt 7.150 tỷ đồng/tháng, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2012 - 2017. Hoạt động VAMC mua nợ xấu của các TCTD theo giá thị trường đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.

2. Kết quả đạt được từ hoạt động mua - bán nợ xấu theo giá thị trường của VAMC

Thứ nhất, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, với quyết tâm vươn lên và nhờ được Quốc hội tháo gỡ khó khăn về cơ chế bằng Nghị quyết số 42/2017/NQ14, nhờ Chính phủ tăng và cấp bổ sung vốn điều lệ, VAMC đã gắn liền việc mua nợ xấu của các TCTD với việc tìm kiếm thị trường đầu ra để tăng vòng quay vốn. Với định hướng này, 83% nợ mua theo giá thị trường đã được Công ty bán thành công ngay trong năm 2017. Hoạt động mua - bán nợ theo giá thị trường đạt kết quả tốt đã khẳng định được sự phát triển đúng hướng của VAMC, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng.

Thứ hai, công tác phối hợp giữa VAMC và các TCTD trong thu hồi nợ xấu ngày càng gắn kết và hiệu quả hơn. Thời gian qua, VAMC đã phối hợp với các TCTD để triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu đối với một số khách hàng có lựa chọn. VAMC đã cùng với các TCTD trực tiếp làm việc với các khách hàng có dư nợ lớn để yêu cầu khách hàng trả nợ, thống nhất các biện pháp xử lý nợ đối với từng khách hàng (khách hàng tự trả nợ, bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ để tiếp tục hoạt động và trả nợ,...). Đặc biệt, thời gian qua, VAMC đã phối hợp, hỗ trợ các TCTD đôn đốc, thu hồi nợ bằng việc áp dụng những biện pháp mạnh, khẩn trương lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, tổ chức thẩm định giá,... để tổ chức bán đấu giá thành công nhiều khoản nợ/Tài sản đảm bảo (TSBĐ), tăng giá trị thu hồi cho các TCTD. Sự gắn kết này đã làm gia tăng hiệu quả hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC.

Thứ ba, từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, VAMC đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá để mở rộng được đối tượng mua, bán nợ xấu theo giá thị trường. Hiện nay, VAMC được phép mua các khoản nợ xấu đã xử lý rủi ro, đang hạch toán ngoài bảng, và có thể bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả tổ chức không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ,... Điều này đã khắc phục bất cập giới hạn chủ thể được mua nợ của VAMC, bảo đảm quyền bình đẳng trong hoạt động xử lý nợ của VAMC, góp phần tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường của VAMC còn một số những khó khăn nhất định cần giải quyết.

3. Một số khó khăn trong hoạt động mua - bán nợ xấu theo giá thị trường của VAMC

Một là, khó khăn về nguồn lực tài chính. Để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, đặc biệt để xử lý nhanh nợ và tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua của VAMC, một trong những giải pháp quan trọng là cần nâng cao tiềm lực tài chính cho VAMC. Theo lộ trình, giai đoạn 2017-2018, vốn điều lệ của VAMC sẽ được tăng lên mức 5.000 tỷ đồng và đạt mức 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2019 - 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, VAMC vẫn chưa được cấp vốn như lộ trình đề ra. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách, quy định pháp lý lại mang tính đặc thù, gây ảnh hưởng lớn đến mục tiêu, hạn chế hiệu quả hoạt động của VAMC.

Thứ hai, chưa có thị trường mua bán nợ xấu chính thức. Đã là mua bán thì cần phải có thị trường, ở đó các nhà đầu tư có thể tự do thỏa thuận mua bán với nhau theo giá thị trường. Nhưng trên thực tế, hiện nay việc mua bán nợ xấu của VAMC với các TCTD vẫn chủ yếu dựa trên các quy định, sự kêu gọi của Nhà nước trong vấn đề khơi thông dòng vốn, giúp hệ thống ngân hàng thanh khoản nhanh. Việc mua bán này chưa đúng với bản chất của việc mua bán theo giá trị thị trường.

Thứ ba, với các quy định hiện hành hoạt động mua bán nợ xấu còn hạn chế các chủ thể tham gia, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, chủ thể tham gia mua bán nợ xấu thực tế chỉ gồm có VAMC, Công ty Quản lý tài sản (AMC), Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), và các ngân hàng thương mại. Như vậy, thực chất nợ xấu chỉ được chuyển nhượng gói gọn trong nhóm quản lý từ phía Ngân hàng Nhà nước. Việc hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng lớn đến hoạt động mua - bán nợ. Các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp cho việc đẩy mạnh việc mua - bán nợ xấu theo giá trị thị trường, mà còn đóng góp cho thị trường mua - bán nợ xấu những kinh nghiệm mà các quốc gia trên thế giới đã tích lũy được. Từ đó, giúp thị trường này nhanh chóng được hình thành và hoàn thiện hơn.

Thứ tư, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thực chất của việc mua - bán nợ xấu vẫn chủ yếu chỉ là thủ tục hành chính để chuyển nợ xấu của các TCTD cho VAMC, làm đẹp bảng cân đối kế toán của các TCTD, giúp khơi thông dòng vốn tín dụng của ngân hàng, chứ chưa xử lý được về mặt bản chất. Với quy định hiện nay, dù VAMC đã mua lại nợ xấu của các TCTD nhưng người gánh chịu rủi ro đối với khoản nợ xấu đã bán vẫn là các TCTD. Bên cạnh đó, khi VAMC đã mua lại nợ, khách hàng nghĩ rằng TCTD không còn là chủ nợ của mình nên có thể không hợp tác, thậm chí còn yêu cầu VAMC thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi dù không có phương án kinh doanh khả thi, khiến việc thu hồi nợ mà VAMC ủy quyền cho các TCTD còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ năm, VAMC chưa được toàn quyền xử lý những khoản nợ xấu. Mặc dù mua các khoản nợ xấu của các TCTD nhưng VAMC lại không có toàn quyền chủ động để xử lý những khoản nợ này, cũng không được chủ động tiến hành cơ cấu nợ, miễn giảm lãi khi TCTD chưa thống nhất. Với quy định hiện nay thì dù VAMC đã mua lại nợ xấu của các TCTD nhưng người gánh chịu rủi ro đối với khoản nợ xấu đã bán vẫn là các TCTD.

4. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả việc mua - bán nợ xấu theo giá thị trường của VAMC

Một là, cần phải đánh giá xem Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đã làm được gì và chưa làm được gì, từ đó đưa ra văn bản thay thế cho hợp lý hơn với tình hình hiện tại của việc mua - bán nợ theo giá trị thị trường.

Hai là, vì 70% tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu là bất động sản, do đó cần có sự thay đổi đồng bộ giữa các bộ luật như luật dân sự, luât đầu tư, luật đất đai,… để thuận tiện hơn trong việc xử lý, định giá, mua bán các khoản nợ.

Ba là, cần phải bơm thêm nguồn tiền mặt, tăng vốn điều lệ cho VAMC. Bởi có tiền mặt, việc mua bán nợ không bị mua bán ảo và vốn điều lệ tăng lên thì uy tín của VAMC mới tăng, giúp cho VAMC có thể vay các tổ chức tài chính, các tổ chức trong nước để tăng lượng tiền mặt nhằm xử lý nợ.

Bốn là, cần hoàn thiện các chính sách pháp luật, các văn bản pháp luật để hình thành thị trường mua bán nợ. Từ đó, giúp cho việc xử lý nợ được tuân theo đúng quy luật cung - cầu vốn có của nó. Và khi đó, việc xử lý nợ mới được triệt để và thực sự có hiệu quả.

Năm là, VAMC cần phải tuyển dụng, đào tạo một đội ngũ chuyên viên, chuyên gia tư vấn pháp lý, tài chính chuyên nghiệp cao để thẩm định và có khả năng thu hồi nợ với rủi ro thấp nhất để việc mua bán nợ ở VAMC đạt hiệu quả hơn nữa.

Ngoài ra, hiện nay theo quy định chỉ có DATC, VAMC, AMC được phép mua bán nợ xấu của các TCTD. Do đó, Nhà nước cần ban hành quy chế phối hợp giữa các doanh nghiệp này để việc xử lý nợ được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Việc mở rộng hoạt động mua - bán nợ theo giá thị trường của VAMC trong thời gian tới hứa hẹn sẽ mở ra một bước tiến mới cho việc xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn cho toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển hoàn thiện thị trường mua - bán nợ xấu của các TCTD cũng như giải quyết triệt để nợ xấu, lành mạnh hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Thông tư số 14/2015/TT-NHNN Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT - NHNN ngày 06 tháng 09 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
  2. Vũ Mai Chi, Trần Anh Quý (2018), Tình hình xử lý nợ xấu tại Việt Nam qua các giai đoạn - Các vấn đề cần quan tâm và khuyến nghị , Tạp chí Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tháng 11/2018, Số 21.
  3. Dương Hồng Phương (2015), Nợ xấu và hướng kiểm soát xử lý trong ngành Ngân hàng Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 13/2015.
  4. Nguyễn Quốc Hùng (2014), Một số giải pháp và hướng xử lý nợ xấu ngân hàng, Tạp chí Thanh tra tài chính, số 148, tháng 10/2014.
  5. Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Ngọc Linh (2014), Hoạt động mua bán nợ của VAMC thời gian qua - Thực trạng và kiến nghị, Tạp chí Ngân hàng, số 18, tháng 9/2014.
  6. http://thoibaotaichinhvietnam.vn; http://www.sbv.gov.vn

The buying and selling non-performing debts at

market prices of VAMC

Master. Pham Thu Van

Trade Union University

ABSTRACT:

Since its establishment in 2013, Vietnam Asset Management Company (VAMC) has focused all of its resources on buying non-performing debts of Vietnamese credit institutions with special bonds at market prices. However, the amount of non-performing debts bought by VAMC still accounts for a relatively small proportion of the total bad debts of Vietnamese credit institutions. The operation of VAMC is not commensurate with its expected role and assigned goals. This article is to analyze the buying and selling non-performing debts at market prices of VAMC, thereby proposing some recommendations to enhance the VAMC’s performance.

Keywords: Buying and selling non-performing debts, Vietnam Asset Management Company.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]