Hoạt động sản xuất Trung Quốc đối mặt nguy cơ thu hẹp mạnh do dịch virus Corona

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) khối sản xuất của Trung Quốc đạt 50 điểm trong tháng 1/2020. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định con số này chưa phản ánh đúng tình trạng nền kinh tế Trung Quốc khi chưa tính đến các tác động của dịch virus Corona.

Trong ngày 31/1, Cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) khối sản xuất của nước này trong tháng 1/2020 đã giảm nhẹ về mức 50 điểm.

Con số này thấp hơn mức 50,2 điểm hồi tháng 12/2019. Chỉ số PMI ở trên mức 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất đã được mở rộng và ngược lại. Chỉ số PMI tháng 1/2020 của Trung Quốc được công bố chỉ ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch virus Corona hay dịch viêm phổi cấp Vũ Hán là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là khái niệm chỉ dùng với các đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất.

Các chuyên gia phân tích cảnh báo chỉ số PMI tháng 1/2020 của Trung Quốc chưa phản ánh đầy đủ tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế nước này do khảo sát đo lường chỉ số được thực hiện trước ngày 20/1/2020 – thời điểm Trung Quốc chưa công bố chính thức dịch bệnh cũng như chưa thực hiện các biện pháp phòng dịch bao gồm kéo dài thời gian nghỉ lễ Tết Nguyên đán và phong toả một số thành phố, bao gồm Vũ Hán – một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của nước này.

Bên cạnh đó, tháng 1/2020 là thời điểm diễn ra dịp nghỉ lễ dài Tết Nguyên đán khiến các dữ liệu kinh tế được thu thập chưa phản ánh thực sự diễn biến sản xuất khi nhiều doanh nghiệp sẽ gia tăng nhập hàng, tiến hành thanh toán các đơn hàng cũng như tạm ngưng hoạt động để nghỉ lễ.

Hiện tại, nhiều nhà máy tại Trung Quốc đã tạm ngưng hoạt động trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán để phòng chống dịch bệnh và chưa có cơ sở chắc chắn khi nào hoạt động sản xuất sẽ được diễn ra trở lại.  Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới có đặt nhà máy tại Trung Quốc cũng phải kéo dài thời gian ngưng hoạt động, thậm chí lên kế hoạch sơ tán nhân sự khỏi nước này.

Trong khi đó, chỉ số PMI khối phi sản xuất của Trung Quốc đạt 54,1 điểm trong tháng 1/2020, tăng so với mức 53,5 điểm trong tháng 12/2019. Chỉ số PMI khối phi sản xuất đo lường hoạt động của các khối dịch vụ và xây dựng.

Nhận định về triển vọng kinh tế Trung Quốc, ông Raymond Yeung – nhà kinh tế trưởng chuyên về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc Đại lục tại tập đoàn tài chính ANZ cho biết triển vọng kinh tế nước này đang bị “thổi phồng” do chưa tính đến tác động của dịch virus Corona.  

Ông Martin Lynge Rasmussen, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại hãng tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics, nhận định chỉ số PMI trong những tháng tiếp theo mới cho thấy tác động của dịch virus Corona đến nền kinh tế Trung Quốc.

Các nhà kinh tế học dự báo chỉ số PMI khối sản xuất của Trung Quốc trong tháng 2/2020 sẽ giảm sâu xuống mức 40 – 45 điểm khi tác động của dịch bệnh đến khối sản xuất bắt đầu được đánh giá đúng. Đồng thời, chỉ số PMI khối dịch vụ của Trung Quốc có thể sẽ giảm mạnh hơn chỉ số PMI khối sản xuất do nhiều dịch vụ tại nước này đã bị đình trệ hoặc huỷ bỏ cung cấp dịch vụ kể từ ngày 23/1/2020 trong nỗ lực phòng chống dịch.

Chỉ số PMI khối sản xuất của Trung Quốc đã từng chạm mức thấp kỷ lục – 38,8 điểm vào tháng 10/2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Kể từ thời điểm đó, chỉ số PMI khối sản xuất của quốc gia này luôn được giữ quanh mốc 50 điểm, trừ tháng 2/2009 khi chỉ số này giảm xuống còn 49 điểm.

Chỉ số PMI khối sản xuất do Chính phủ Trung Quốc đo lường thường tập trung vào khối các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp quốc doanh. Chỉ số PMI Markit/Caixin do hãng truyền thông Caixin phối hợp với hãng nghiên cứu thị trường Markit thực hiện vốn tập trung vào hoạt động của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc sẽ được công bố vào ngày 3/2 tới đây.

Kể từ năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh xảy ra xung đột thương mại nghiêm trọng với Hoa Kỳ. Tăng trưởng kinh tế của quốc gia này trong năm 2019 chỉ đạt 6,1% - chạm mức thấp nhất trong vòng 29 năm trở lại đây.

Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ được cải thiện đã được nhen nhóm khi Hoa Kỳ và Trung Quốc chính thức ký kết thoả thuận thương mại giai đoạn 1 vào ngày 15/1/2020, mở đường cho chấm dứt những xung đột thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự bùng phát bất ngờ của dịch virus Corona đã nhấn chìm những kỳ vọng này và khiến nhiều chuyên gia lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục bị tàn phá và đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tiếp tục chậm lại trong năm nay.

Quang Đặng (Tổng hợp)