Hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang một số thị trường trọng điểm

Lê Tiến Đạt - Vũ Trọng Nghĩa (Trường Đại học Thương mại)


TÓM TẮT:

Xuất khẩu nông sản đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Hoạt động này giúp ích trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân và là thành phần chính trong giải quyết công ăn việc làm. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nông sản của các nước đang phát triển cũng bị chi phối từ tình hình nông sản chung trên thế giới, từ điều kiện và cơ sở hạ tầng hạn chế của chính các quốc gia này.

Dựa trên nội dung lý thuyết về xuất khẩu và xuất khẩu nông sản, bài báo mang tới cho người đọc một cái nhìn khái quát về hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian gần đây, với việc phân tích sâu hơn vào một số sản phẩm chủ lực như cà phê, thanh long và rau quả. Trên cơ sở đó, bài báo đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Nông sản, xuất khẩu, thị trường trọng điểm, Việt Nam.

1. Hoạt động xuất khẩu và xuất khẩu nông sản

1.1. Hoạt động xuất khẩu

Khi bàn tới khái niệm “xuất khẩu”, từ điển Cambridge đưa ra một số cách hiểu khác nhau. Dưới góc độ là một động từ, “xuất khẩu” có nghĩa là “gửi hàng hóa đi tới một quốc gia khác nhằm mục đích kinh doanh hoặc sử dụng” (to send goods to another country for sale or use). Còn dưới góc độ là một danh từ, “xuất khẩu” muốn ám chỉ “một hoạt động hoặc một doanh nghiệp chuyên về mang hàng hóa tới quốc gia khác nhằm mục đích bán” (the activity or business of sending goods to another country in order to sell them there) (Cambridge Dictionary, 2019).

Theo cách tiếp cận của Ecommerce (2019), xuất khẩu đề cập đến hoạt động bán hàng hóa thương mại cho một quốc gia khác (exporting refers to the sale of commercical goods to another country). Nói một cách khác, xuất khẩu đòi hỏi phải có hoạt động giao dịch thương mại trên thị trường quốc tế (exporting entails the act of trading in the international market).

Theo cập nhật mới nhất của Troy (2019), xuất khẩu được xem như là một hoạt động quan trọng trong thương mại quốc tế, ở đó, hàng hóa được sản xuất tại một quốc gia được chuyển đến một quốc gia khác để bán hoặc giao dịch trong tương lai (exports are a function of international trade whereby goods produced in one country are shipped to another country for future sale or trade).

1.2. Vai trò của xuất khẩu

Thứ nhất, vai trò của xuất khẩu đối với nền kinh tế nói chung

Xuất khẩu (XK) là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia, thông qua việc đẩy mạnh buôn bán hàng hóa, XK làm tăng thêm tổng sản lượng sản xuất của quốc gia. Hay nói cách khác, khả năng XK hàng hóa của một quốc gia giúp nền kinh tế của quốc gia đó phát triển. Chính vì vậy, một trong những chức năng cốt lõi của ngoại giao và các chính sách đối ngoại giữa các chính phủ là thúc đẩy kinh tế thương mại, khuyến khích XNK vì lợi ích của tất cả các bên giao dịch (Troy 2019).

Thứ hai, vai trò của xuất khẩu đối với các doanh nghiệp

Các DN thường hướng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vì nhiều lý do. Trước tiên, có thể nói XK có thể làm tăng doanh thu và lợi nhuận khi tiếp cận được thị trường mới, mở rộng thị trường hiện có, thậm chí tạo cơ hội cho DN có thể chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Mặt khác, các công ty XK có thể phân tán rủi ro trong kinh doanh bằng cách đa dạng hóa thị trường XK. Hầu hết các công ty có tầm cỡ hoạt động trên các thị trường lớn đều có được một phần doanh thu đáng kể từ hoạt động XK sang các nước khác.

XK ra thị trường nước ngoài có thể giúp DN giảm chi phí cho mỗi đơn vị hàng hóa bằng cách mở rộng hoạt động, đáp ứng các nhu cầu gia tăng. Cuối cùng, các công ty XK vào thị trường nước ngoài có thể học hỏi được kiến thức và kinh nghiệm mới, cho phép tiếp cận các công nghệ mới, phương thức marketing mới và có sự hiểu biết tốt hơn về các đối thủ nước ngoài (Troy 2019).

1.3. Hoạt động xuất khẩu nông sản

Hoạt động XK nông sản (NS) đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Tầm quan trọng của XK NS đến các quốc gia đang phát triển thể hiện qua tác động của hoạt động này tới kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo ra một nguồn lớn về thu nhập và là thành phần quan trọng trong giải quyết công ăn việc làm. Tuy nhiên, hoạt động XK NS ở các nước đang phát triển bị chi phối nhiều bởi tình hình NS chung trên thế giới, cũng như các điều kiện hạn chế về cơ sở hạ tầng, phân phối và hoạt động thương mại từ phía chính bản thân các nước đang phát triển (Kuzminov, 2017).

Về cơ bản, hoạt động XK NS mang tới một số tác động tích cực đối với các nước đang phát triển như sau: Tăng trưởng khối lượng sản xuất nông nghiệp; Tăng trưởng thu nhập cho các DN nông nghiệp trong nước và thương nhân buôn bán trong lĩnh vực này; Nâng cao chất lượng ở tất cả các khâu sản xuất, lưu kho và vận chuyển hàng NS; Tăng trưởng thu nhập ngoại hối; Tăng trưởng kinh tế quốc gia (Kuzminov, 2017).

Đồng thời, hoạt động XK NS cũng có thể mang lại một số tác động tiêu cực tới các nước đang phát triển, có thể dẫn đến tình trạng mất ổn định an ninh lương thực và nghèo đói, như: Giảm nguồn cung thực phẩm trên thị trường trong nước, trong điều kiện năng suất trung bình hoặc thấp; Khủng hoảng tiền tệ, giảm thu nhập của các nhà sản xuất nông nghiệp và mất cấn đối cơ cấu trong hệ thống kinh tế, khi tình hình trên thị trường NS thế giới xấu đi (Kuzminov, 2017).

2. Tình hình xuất khẩu một số nông sản Việt Nam sang các thị trường trọng điểm

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 9/2019, nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các sản phẩm XK trên 1 tỉ USD, như: cà phê, gạo, rau quả, với tổng giá trị là đạt 12,54 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 1,07 tỷ USD. Việt Nam cơ bản vẫn là nước nông nghiệp, nên XK NS đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Với những sản phẩm NS hiện có, cùng tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội, Việt Nam đang hướng tới top 15 những nhà XK NS lớn nhất trên thế giới.

Tổng kim ngạch XK NS 10 năm (từ năm 2008 - 2017) của nước ta đạt khoảng 261,3 tỷ USD, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 9,24%/năm. Đặc biệt, năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt khoảng 214 tỷ USD, trong đó nhóm lĩnh vực nông lâm sản và thủy sản đã đạt gần 37 tỷ USD (chiếm khoảng 16,8%). Thủy sản là ngành có giá trị XK cao nhất, đạt 8,3 tỷ USD, tiếp đến là hạt điều với 3,516 tỷ USD, rau quả đạt 3,502 tỷ USD, cà phê với 3,24 tỷ USD, gạo đạt 2,6 tỷ USD, hạt tiêu đạt 1,1 tỷ USD, sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,03 tỷ USD… (Bảng 1)                                               

bang 1

2.1. Thực trạng xuất khẩu cà phê

Theo Bộ Công Thương (2019), năm 2018, XK cà phê đạt 1,88 triệu tấn với trị giá đạt 3,54 tỷ USD, tăng 19,9% về lượng và tăng 1,1% về giá trị so với năm 2017. Tuy nhiên, giá XK bình quân đạt 1.883 USD/tấn, giảm 15,7% so với năm trước. Như vậy, Việt Nam vẫn giữ vị trí nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới về sản lượng, nhưng hầu hết là Robusta với chất lượng chưa cao và giá thành rất thấp. Điều đó dẫn tới giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam ở mức rất thấp so với các nhà xuất khẩu khác, chẳng hạn tại thị trường Mỹ, giá của cà phê Việt Nam thấp nhất.

Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018, với trị giá XK lần lượt là 459 triệu USD và 340,2 triệu USD. (Bảng 2)

bang 2

Có thể thấy, lượng cũng như giá trị XK cà phê của Việt Nam có xu hướng tăng nhưng biến động mạnh, phụ thuộc vào nhiều vào điều kiện thời tiết cũng như nhu cầu của thị trường thế giới. Như vậy, XK cà phê là rất tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức. Ví dụ năm 2017, Việt Nam XK đạt 1,422 triệu tấn, trị giá 3,209 tỷ USD, giảm 20,1% về lượng và giảm 3,7% về trị giá so với năm 2016. So với năm 2016, sản lượng cà phê XK trong năm 2017 đã giảm khá mạnh, nhưng giá trị thu về giảm không đáng kể so với cùng kỳ là do giá XK bình quân năm 2017 đã tăng trên 20% so với 2016. Năm 2016, XK cà phê đạt 1,79 triệu tấn, đem về 3,36 tỷ USD, tăng 33,6% về lượng và 25,6% về giá trị so với năm.

Cà phê của Việt Nam XK sang các nước khối EU chiếm 43% trong tổng lượng cà phê XK cả nước và chiếm 42% trong tổng kim ngạch (đạt 446.822 tấn, tương đương 986,9 triệu USD) (2016). Trong đó, Đức là nước đứng đầu thị trường tiêu thụ cà phê của Việt Nam, đạt 157.6 ngàn tấn, trị giá 344,3 triệu USD, chiếm 15% trong tổng lượng và tổng kim ngạch XK cà phê của cả nước.

Hiện tại, Mỹ đang là quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, với tổng kim ngạch NK mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 3,3 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, USDA dự báo Hoa Kỳ sẽ NK 27 triệu bao trong niên vụ 2018/2019, tăng mạnh 2,4 triệu bao so với niên vụ trước. Các nước XK cà phê chính vào thị trường này trong niên vụ 2018/2019 được dự báo là: Brazil (23%), Colombia (22%), Việt Nam (15%) và Honduras (6%).

Trong năm 2017, Nhật Bản đã NK 88 nghìn tấn hạt cà phê thô từ Việt Nam, tăng gấp 10 lần so với một thập kỷ trước. Theo cơ quan hải quan Nhật Bản, 8 tháng đầu năm 2018, NK cà phê của Nhật Bản từ Brazil và Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nguồn cung từ hai nước này thắt chặt. Trong đó, NK cà phê Việt Nam của Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm 2018 giảm 9,5% về lượng nhưng tăng 20,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Kết quả là, thị phần NK từ hai thị trường này giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thị phần NK cà phê Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 giảm xuống chỉ còn 10,7% từ mức 11,2% của cùng kỳ năm ngoái; và thị phần của cà phê Brazil giảm xuống còn 14,4% từ mức 15,8% của 8 tháng đầu năm 2016.

2.2. Thực trạng xuất khẩu thanh long

Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch XK năm 2016 đạt 895,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50,3% trong xuất khẩu trái cây tươi và 36,1% trong tổng kim ngạch rau quả của Việt Nam. Theo ước tính của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 5 tháng đầu năm 2019, XK thanh long đã đạt 554,256 triệu USD, tăng 3,7% so cùng kỳ 2018, thanh long đang chiếm 40,2% tổng giá trị XK của nhóm hàng quả và quả hạch.

Giá trị XK trái thanh long cao gần gấp 2 lần giá trị XK 2 loại trái cây xếp sau như măng cụt đạt 140,4 triệu USD (121 triệu USD) và xoài (136 triệu USD). XK thanh long cũng vượt trội so với nhóm hàng rau củ với giá trị XK 147, 63 triệu USD và sản phẩm chế biến với kim ngạch 233,882 triệu USD.

Việt Nam hiện là nước XK thanh long lớn nhất thế giới, chiếm thị phần cao nhất tại châu Á, châu Âu và một số thời điểm tại Mỹ. Thái Lan và Israel là 2 nước XK lớn thứ hai và thứ ba tại thị trường châu Âu. Đối với thị trường châu Âu, nhà cung cấp chính sản phẩm thanh long là Việt Nam chiếm 40% thị phần, nhưng vào thời điểm chính vụ thì Israel và Nam Mỹ chiếm lĩnh vị trí đứng đầu này.

Thanh long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam XK vào thị trường Mỹ. Tuy vậy, thị phần của quả Việt Nam tại Mỹ là chưa đáng kể, chiếm thị phần nhỏ 3% (2018) (sau Mexico 88%, đứng trước Chile 2%, Trung Quốc 1,2%, Thái Lan 1,1%). Trong đó, thanh long là mặt hàng truyền thống đối với người tiêu dùng gốc Á nói chung và gốc Việt nói riêng ở Mỹ. Do cộng đồng người Á và Việt khá cao nên nhu cầu tiêu thụ thanh long tương đối lớn.

Nhưng đối với các nhóm sắc tộc khác, thanh long vẫn là sản phẩm tương đối mới và chỉ được biết đến ở phân khúc của thị trường cấp cao. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết đây là thị trường sẽ phát triển nhanh và mạnh trong thời gian tới, bằng chứng là các chủ trang trại ở Florida và California đã bắt đầu tiến hành trồng thanh long để đáp ứng nhu cầu thị trường.

2.3. Thực trạng xuất khẩu rau quả (Bảng 3)

bang 3

Trong giai đoạn 2011 - 2018, rau quả là một trong những nhóm hàng XK ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp với mức tăng trưởng đạt 26,5%/năm. Đặc biệt, năm 2018, kim ngạch XK rau quả đạt 3,8 tỷ USD, vượt qua các mặt hàng gạo, tiêu, chè để trở thành một trong những mặt hàng NS chủ lực của Việt Nam, từ đó tạo lên thế mạnh mới trong XK NS của Việt Nam. Đó cũng là động lực góp phần thay đổi bộ mặt của toàn bộ ngành Nông nghiệp.

Đối với các thị trường XK, châu Á chiếm 85% tổng kim ngạch XK rau quả của Việt Nam; trong đó, đứng đầu là Trung Quốc, tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản.

Hiện, Mỹ là thị trường XK rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch XK đạt 123 triệu USD, trong đó tổng sản lượng quả tươi XK sang Mỹ phải qua chiếu xạ đạt gần 7.500 tấn các loại. Những tín hiệu lạc quan trên cho thấy, kim nhạch XK trong năm 2019 sẽ gia tăng, vì các DN Việt Nam đã chính thức XK quả xoài tươi sang Mỹ sau khi đã xuất đi thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa; cũng như đang đàm phán để có thể XK vào thị trường Mỹ sản phẩm bưởi từ Việt Nam.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản sang một số thị trường trọng điểm của Việt Nam

Hoạt động XK NS của Việt Nam hiện nay đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam đủ sức theo kịp và hội nhập, đáp ứng tốt những đòi hỏi ngày một cao hơn của thị trường thì vai trò và vị thế của chúng ta sẽ được khẳng định, khi đó không những đem lại giá trị lớn, mà còn đảm bảo sản xuất bền vững cho ngành Nông nghiệp.

Những đòi hỏi về tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường trên thế giới, đặc biệt là các thị trường trọng điểm ngày càng khắt khe và chi tiết, cập nhật; do vậy gây khó khăn cho nhà sản xuất cũng như XK NS Việt Nam. Do đó, trước tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cần bổ sung kịp thời các tiêu chuẩn quản lý một cách phù hợp, liên thông so với các tiêu chuẩn quốc tế, tránh tình trạng chậm và nợ ban hành các tiêu chuẩn như hiện nay.

Đồng thời với đó là sự hỗ trợ kịp thời về thông tin liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật tại mỗi thị trường của các cơ quan chuyên trách sẽ góp phần giúp cho các DN sản xuất chủ động hơn trong khả năng đáp ứng, nâng cao năng lực tìm kiếm xâm nhập thị trường. Từ đó, khắc phục tình trạng đang diễn ra hiện nay là hầu hết các nhà sản xuất đợi đơn hàng, đợi các nhà xuất khẩu đặt hàng sản xuất theo tiêu chuẩn của mỗi thị trường mà họ có được đơn hàng.

Hiện nay, việc quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng tại các thị trường khó tính đang chuyển dần từ phương thức quản lý an toàn thực phẩm theo cách kiểm tra, lấy mẫu và xác định các tiêu chí của sản phẩm cuối cùng sang áp dụng quản lý theo cách kiểm soát toàn bộ quá trình từ “trang trại đến bàn ăn”. Do vậy, để đảm bảo thâm nhập và duy trì sự có mặt của NS Việt Nam tại các thị trường trên chúng ta cần từng bước xây dựng quy trình quản lý cập nhật.

Trong một thời gian dài chúng ta quan tâm đến sản xuất NS về mặt số lượng hơn là chất lượng, tuy vậy điều đó cần được thay đổi sớm và triệt để, bởi lẽ thị trường ngày một đòi hỏi cao hơn và chỉ có sản phẩm chất lượng mới đem lại hiệu quả về mặt kinh tế. Thay đổi nhận thức, đầu tư kỹ thuật, phát triển chuỗi liên kết NS, xây dựng thương hiệu điều đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cho NS XK.

Thống kê cho thấy, hầu hết các DN XK NS vẫn ở quy mô vừa và nhỏ tiềm lực còn hạn chế, trong khi đó hoạt động logistics, đặc biệt cho hoa quả tươi đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính cũng như chuyên sâu về mặt kỹ thuật. Điều đó dẫn tới nhiều DN đặt yếu tố giá lên trên chất lượng bảo quản, vận chuyển. Đây là vấn đề rất khó nếu mỗi DN XK tự tháo gỡ. Do đó, Bộ Nông nghiệp cần có quy hoạch cụ thể về phát triển các vùng sản phẩm gắn liền với các hoạt động hỗ trợ sau thu hoạch. Cần quy hoạch, có các chính sách cụ thể ưu đãi đối với các nhà đầu tư vào hoạt động logistics trong lĩnh vực bảo quản, chế biến, vận chuyển NS.

Cần khuyến khích duy trì và mở rộng mô hình HTX nông nghiệp với cả các nông hộ thành viên và nông hộ hợp tác. Sự phát triển của hình thức này sẽ giải quyết được vấn đề manh mún cho sản xuất NS. Chỉ có như vậy mới thực hiện hóa được việc lập chiến lược sản xuất, nghiên cứu thị trường, áp dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt… và đảm bảo được sản lượng lớn, ổn định, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động xuất khẩu.

Như vậy, hoạt động XK NS của Việt Nam đã đạt được những kết quả rất nổi bật cả về giá trị cũng như sự đa dạng của các sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng tốt so với tiềm năng, cũng như nhu cầu của các thị trường trọng điểm. Bên cạnh những điểm lợi thế, NS XK đang đứng trước áp lực lớn về cạnh tranh cũng như gặp phải rào cản khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật. Để vượt qua được những thách thức của một thị trường luôn biến động mạnh, cần sự kết nối đồng bộ từ các nhà quản lý đến các DN XK, tới các cơ sở sản xuất; cần có sự hỗ trợ từ pháp lý, tài chính, thông tin của chính phủ đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực XK này.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Công Thương, 2019, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2018.
  2. Đặng Thị Huyền Anh, 2017, Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU: Thực trạng và giải pháp.
  3. Ecommerce, 2019, What is Exporting? What Does Export Mean for 2019?
  4. Kuzminov, M 2017, Determination of Agricultural Export Features in Developing Countries, UDC 339.1(4) +631.11 DOI: 10.15587/2312-8372.2017.113188.
  5. Nguyễn Minh Phong, Nguyễn Trần Minh Trí, 2016, Động lực và triển vọng xuất khẩu nông sản Việt Nam.
  6. Sơn Trang, 2017, Rào cản kỹ thuật hạn chế lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam.
  7. Troy, 2019, Export Definition, investopedia.com
  8. Võ Thị Phương Nhung, 2017, Xuất khẩu rau quả Việt Nam thực trạng và giải pháp, Tạp chí Khoa học và Lâm nghiệp tháng 10/2017.

EXPORT ACTIVITIES OF VIETNAMESE AGRICULTURAL PRODUCTS TO SOME KEY MARKETS

LE TIEN DAT

VU TRONG NGHIA

Thuong Mai University

ABSTRACT:

Agricultural exports play an important role in economic development, especially for developing countries. This activity is helpful in stimulating economic growth, increasing national income and is a major component in creating jobs. However, the agricultural exports of developing countries are also governed by the general situation of agricultural products in the world due to limited conditions and infrastructure of these countries themselves.

Based on the theoretical basis of agricultural exports and exports, the article gives an in-depth analysis of Vietnam's agricultural exports. Some key products such as coffee, dragon fruit and vegetables. Based on that, the article proposes a number of solutions to enhance the efficiency of Vietnam's agricultural export activities in the near future.

Keywords: Agricultural products, export, key markets, Vietnam.