Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân trong giai đoạn hiện nay

ThS. PHẠM THỊ HẰNG - ThS. ĐỖ THỊ NGỌC DƯƠNG (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là vấn đề cốt lõi và rất thiêng liêng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là vấn đề không chỉ xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước của nhân dân ta mà còn là trách nhiệm cao cả của toàn Đảng, toàn dân ta, đặc biệt là vấn đề giáo dục lòng yêu nước, thương nòi, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân đối với thế hệ trẻ hiện nay. Bài viết phân tích nội dung về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh về lòng yêu nước, xây dựng đất nước, phụng sự Tổ quốc giai đoạn hiện nay, đoàn kết dân tộc.

1. Đặt vấn đề

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết là sức mạnh, là mạch nguồn của mọi thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nghĩa vụ một người dân là phải yêu Tổ quốc”, “Mau cải thiện tâm, tài, lực cho dân”, vì sự nghiệp chung “hãy học sống và học chết”, “Hãy đoàn kết tương trợ lẫn nhau”, “Tựa tứ chi kết lại ta sẽ thành công”, “Đất nước ta, ta xây một thiên đường”.

Tinh thần yêu nước trong lịch sử Việt Nam mang bản sắc dân tộc, thấm truyền và bùng phát khi đất nước lâm nguy. Tại Đại hội II (2/1951), Bác đã nhận xét: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Tinh thần ấy ngày nay, thể hiện rõ trong tinh thần, trách nhiệm của nhân dân ta, Đảng ta trong cuộc chống chọi với dịch bệnh Covid -19, lòng yêu nước, thương nòi, không bỏ mặc đồng bào ta lúc khó khăn, sẵn lòng đón đồng bào ta từ các vùng dịch ở các nước quay trở về Tổ quốc, cùng nhau chiến đấu với dịch bệnh, chính điều này đã làm cho bao người dân xúc động, và sẽ càng gắn bó, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

2. Nội dung

2.1. Quán triệt tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh “trung với nước, hiếu với dân”, nâng cao nhận thức về ý thức trách nhiệm, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong cán bộ, đảng viên, công chức

Giáo dục đạo đức trước hết là tác động vào nhận thức, tạo ra ý thức đạo đức đúng đắn, qua đó mỗi người tự giác thực hiện để có hành vi đạo đức phù hợp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ cách mạng, tiêu biểu nhất là “trung với nước, hiếu với dân”. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trước hết cần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, để vận dụng và làm theo. Học tập và làm theo tư tưởng “tận trung với nước, tận hiếu với dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là mỗi người phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của đất nước, của dân tộc, đặt độc lập dân tộc, chủ quyền và lợi ích quốc gia lên trên hết và trước hết. Ý thức hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của mỗi người phải được thể hiện trong hành động đem hết tài năng, sức lực cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho sự phát triển của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid - 19 hiện nay đang bùng phát mạnh mẽ, nhân dân ta phải vững tâm, trung thành, đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mỗi cán bộ, công chức phải hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của mình theo đúng pháp lệnh công chức. Biểu hiện cụ thể là làm tốt những công việc hàng ngày, nhất là những việc liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân.

Để nâng cao ý thức trách nhiệm, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cần kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan niệm và biểu hiện sai trái. Đó là sự nhầm lẫn giữa quyền uy được tổ chức giao phó với quyền lực cá nhân. Sự lẫn lộn đó dẫn tới cơn khát quyền lực, chạy quyền, mua quyền, bán quyền, lộng quyền, cửa quyền, tham quyền cố vị.

Khi có quyền mà thiếu lương tâm sẽ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân, đục khoét dân. Lúc sinh thời Bác Hồ đã cảnh báo: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.

2.2. Cần cụ thể hóa ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, mỗi người, dù ở cương vị nào cũng cần phải tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức. Người đã có nhiều lời dạy rất cụ thể về đạo đức cho các giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội,… Những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị và cần được cụ thể hóa trong điều kiện mới.

 Cơ sở để vận dụng, cụ thể hóa những lời dạy của Bác với các giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội là đường lối, quan điểm, giải pháp,… đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Đó là đảm bảo quyền làm chủ của dân “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thực hiện đường lối quần chúng “gần dân, học dân, gắn bó với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực hiện được nhiệm vụ của người cán bộ “nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, đảm bảo dân sinh, nâng cao dân trí”. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, dù làm việc ở vị trí nào cũng đều cần quán triệt những quan điểm chung đó. Cần cụ thể hóa tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân thành các nhiệm vụ trên từng vị trí công tác, từng loại công việc. Thấm nhuần, quán triệt sâu sắc tư tưởng và tấm gương vì nước quên mình, vì nhân dân phục vụ của Bác Hồ để vận dụng, cụ thể hóa nội dung những lời dạy của Bác đối với ngành, địa phương, giới mình trong điều kiện mới, gắn với hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị.

2.3. Kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức, hướng dẫn với động viên, kiểm tra, giám sát việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" hướng vào việc nâng cao vai trò tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Vì vậy, cần động viên, khuyến khích, hướng dẫn mọi người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, công chức tự giác đề ra chỉ tiêu phấn đấu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong đợt học tập chủ đề "Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" của năm nay, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức công tác ở mọi cấp, mọi ngành, nhất là các cán bộ lãnh đạo chủ trì, chủ chốt, cần xây dựng kế hoạch của mỗi cá nhân học tập và làm theo Bác với những việc làm cụ thể, định kỳ báo cáo trước chi bộ, cơ quan, đơn vị.

 Để hỗ trợ mỗi cá nhân thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi tập thể Đảng, chính quyền, đoàn thể xây dựng các chương trình hành động, giúp đỡ, giám sát và kiểm tra việc tự giác làm theo. Định kỳ yêu cầu các cá nhân báo cáo những việc đã làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

2.4. Cần phát huy vai trò nêu gương trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Một trong những nguyên tắc thực hành đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải nêu gương về đạo đức. Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người đều phải nêu gương về đạo đức. Ông bà nêu gương cho con cháu, cha mẹ nêu gương cho con, anh chị nêu gương cho em, đảng viên nêu gương cho quần chúng,... Phát huy vai trò nêu gương trong thực hành đạo đức có ý nghĩa to lớn không chỉ trước mắt mà còn mãi mãi lâu dài về sau. Trong phạm vi xã hội, việc nêu gương về đạo đức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp, có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, nhân dân ta đã có câu nói rất hay và rất đúng là “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Theo yêu cầu đó của dân, trong Đảng và hệ thống quản lý nhà nước, việc lãnh đạo đi trước, làm trước để đảng viên, quần chúng, nhân dân đi sau, làm theo có ý nghĩa rất quan trọng. Việc nêu gương về đạo đức không chỉ là sự vận động mà phải trở thành những quy định, sự ràng buộc trách nhiệm để mỗi người đều tự giác và cần phải thực hiện. Các cấp, các ngành cần chủ động ban hành các quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo trước nhân viên; cán bộ, đảng viên trước quần chúng.

Mỗi cán bộ đảng viên là tấm gương sáng để nhân dân noi theo, học tập theo. Người nhấn mạnh vai trò của Đảng: “Đã phụng sự nhân dân thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì có lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân, thì hết sức tránh” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, tr.88). Trong mọi hoạt động của Đảng đều phải quan tâm tới lợi ích của dân, của Tổ quốc.

4. Kết luận

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển tinh thần yêu nước, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân nhân trong các đồng bào, trong các cơ sở kinh tế, các tổ chức chính trị, các đoàn thể xã hội. Các hình thức thi đua yêu nước phong phú, đa dạng tạo thành phong trào thi đua sâu rộng nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Trong Di chúc để lại, về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm thì hiện nay, nhiệm vụ rất quan trọng của toàn dân ta, đó là cùng chung tay, đoàn kết đẩy lùi đại dịch Covid - 19, mang lại cuộc sống yên bình cho đồng bào ta, cho nhân dân thế giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia.
  2. Ngọc Dung, Liên Hương (2013), Huyền thoại những chặng đường lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, NXB Thời đại.
  3. NXB Chính trị Quốc gia (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2,Hà Nội.
  4. NXB Chính trị Quốc gia (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6,Hà Nội.

 

STUDYING AND FOLLOWING HO CHI MINH’S MORAL EXAMPLE

ON RAISING AWARENESS OF RESPONSIBILITY AND SERVING

THE COUNTRY IN THE CURRENT PERIOD

Master. PHAM THI HANG

Master. DO THI NGOC DUONG

Dong Nai University of Technology

ABSTRACT:

The country’s development and defense are core and very sacred issues in Ho Chi Minh’s thought. These issues are not only the matter of national pride and patriotism of Vietnamese people but also the noble responsibility of the Communist Party of Vietnam and Vietnamese people. These issues play a key role in the education of patriotism and serving the country for current young generations. This articles analyze the content of studying and following Ho Chi Minh’s moral example on raising awareness of responsibility and serving the country in the current period.

Keywords: Ho Chi Minh's thoughts on patriotism, developing the nation, serving the country in the current period, national solidarity.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 22, tháng 9 năm 2020]