Hội nghị đối tác phát triển hàng Việt: Điểm nhấn chất lượng và thương hiệu

Hội nghị đối tác phát triển hàng Việt Nam đã được nhiều Tập đoàn, các công ty phân phối, doanh nghiệp, nhà quản lý rất quan tâm, tạo nên sức “nóng” đối với hàng hóa Việt.

Chất lượng tạo nên giá trị hàng hóa

400 doanh nghiệp và CEO của các Tập đoàn hàng đầu Việt Nam, các Tập đoàn đa quốc gia, các công ty phân phối toàn cầu, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, nguyên phụ liệu,…đã tham dự Hội nghị cho thấy sức “nóng” của Hội nghị lần này. Qua đây cũng nói lên sự quan tâm rất nhiều của các đối tác, nhà phân phối đối với hàng hóa của Việt Nam.

Với nhiều kinh nghiệm trong việc thu mua và phân phối hàng, bà Phạm Thị Thanh Tuyền - Giám đốc Giao dịch Nhà cung cấp Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết: Khi đưa hàng vào siêu thị cần nghiên cứu thị trường; tuân thủ chất lượng đăng ký từ đầu vào đến khi đi vào sản xuất kinh doanh, chất lượng phải đảm bảo; hình ảnh bao bì, nhãn mác đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường chưa, làm sao mẫu mã phải cạnh tranh được; các chính sách truyền thông, khuyến mãi, hậu mãi phải chuẩn bị kỹ càng, chính việc này giúp người tiêu dùng hiểu tốt hơn sản phẩm; Người chào hàng vào siêu thị phải hiểu rõ sản phẩm để giải trình về chất lượng và tính pháp lý của sản phẩm; đưa sản phẩm ra thị trường cần kiểm tra kỹ lưỡng...

Một phiên thảo luận tại Hội nghịMột phiên thảo luận tại Hội nghị

Để hàng hóa vào hệ thống bán lẻ được thuận lợi, bà Lê Thị Mai Linh - Phó Chủ tịch Điều hành Quan hệ Đối ngoại và Truyền thông Tập đoàn Central Group Việt Nam chia sẻ: “Với 95% hàng của Big C là nội địa, chúng tôi đã có những hành động cụ thể như đặt văn phòng ở tại nhiều địa phương, 50% sản phẩm nông sản thu mua tại địa phương. Big C sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp, hãy xem chúng tôi là kênh truyền thông quảng bá sản phẩm nông sản địa phương, hãy dùng kênh phân phối bán lẻ hiện đại để người tiêu dùng hiểu biết về hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, lan tỏa phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Các hộ nông dân cần biết các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến tới nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói phải tốt... Điều này sẽ tạo được niềm tin cho người tiêu dùng Việt Nam”.

Xây dựng thương hiệu

Theo các chuyên gia kinh tế, để thâm nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết cần sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải nhận thức được đầy đủ những cơ hội để có thể tận dụng chúng và những khó khăn, thách thức để có giải pháp chủ động ứng phó; doanh nghiệp cần phải hiểu rõ nhu cầu của đối tác tiềm năng, từ đó xác định xem mình có thể làm được gì; chuẩn bị kỹ để giới thiệu sản phẩm mình có thể cung cấp; chú trọng việc tìm hiểu, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến; đẩy mạnh sự hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp.

Ông Lê Dương Quang - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, ngành công nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến dài. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp phải xác định được thế mạnh của mình, tự vươn lên chủ động tiếp xúc doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, bằng uy tín, có thể làm nhà cung cấp cấp 2, để khẳng định vị trí và vươn lên đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác để trở thành nhà cung cấp cấp 1.

“Có thể thấy song song với những cơ hội và thuận lợi, ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển để có thể khẳng định vị trí của mình và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu về Công nghiệp. Trên con đường này, bản thân các doanh nghiệp phải tự vươn lên là chính, nhưng sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp là cực kỳ cần thiết”, ông Quang cho biết thêm.

400 doanh nghiệp gồm CEO của các Tập đoàn hàng đầu Việt Nam, các Tập đoàn đa quốc gia, các công ty phân phối toàn cầu, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, nguyên phụ liệu,…đã tham dự Hội nghị 400 doanh nghiệp và CEO của các Tập đoàn hàng đầu Việt Nam, các Tập đoàn đa quốc gia, các công ty phân phối toàn cầu, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, nguyên phụ liệu,…đã tham dự Hội nghị

Liên kết tạo nên sức mạnh là khẳng định của bà Phạm Minh Hương - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam: “Các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã thực hiện liên kết với nhau để trao đổi và phân phối hàng hóa hai chiều trong hệ thống của nhau về mảng đồng phục, bảo hộ lao động, cung cấp cho các tập đoàn trong nước, thiết kế hệ thống sản xuất riêng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời chú trọng cắt giảm chi phí để giảm giá thành, bình ổn giá bán để đáp ứng nhu cầu và thu nhập của đa số người tiêu dùng. Qua đó tạo ra sức mạnh cũng như sự cạnh tranh của sản phẩm”.

Chia sẻ về kinh nghiệp phát triển thương hiệu của đơn vị, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk cho biết, để phát triển, tạo ra sự kiên kết bền vững như hiện nay với việc chiếm 60% thị phần trong nước, xuất khẩu vào trên 40 nước và vùng lãnh thổ với doanh thu hơn 250 triệu USD, Vinamilk luôn đặt tính chủ động lên hàng đầu, đi trước tìm kiếm nhu cầu của khách hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tham gia các chương trình ưu tiên phát triển hàng Việt Nam,… qua đó khẳng định thương hiệu qua chất lượng sản phẩm nhằm lan tỏa đến lòng tin của người tiêu dùng./.


Vũ Lê