Hiện nay, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới với nhiều kết quả quan trọng và đầy ý nghĩa khi đã tham gia đàm phán, ký kết 16 FTA. Đáng chú ý là Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực thực thi từ năm 2019, Hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi từ 1/8/2020 và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP đã hoàn tất đàm phán và chuẩn bị ký kết vào cuối năm 2020.

Tuy vậy, tình hình thế giới đang chuyển biến rất nhanh và mạnh mẽ, đầy bất ổn và bất định, dự kiến sẽ tiếp tục tác động lớn và ngay lập tức dối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Trong bối cảnh đó, nhằm tổng kết quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua, thảo luận và đề xuất phương hướng, giải pháp đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn trong tình hình mới, trong hai ngày 9 và 10/10/2020, tại Phú Thọ, Công đoàn Bộ Công Thương đã phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi tổ chức Diễn đàn “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới”.

hội nhập kinh tế quốc tế
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chủ trì Diễn đàn

Diễn đàn do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì, cùng sự tham gia đầy đủ của các lãnh đạo, công chức, viên chức, phóng viên các cơ quan báo chí thuộc Bộ Công Thương.

Khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã đưa ra những thông tin tổng quát, rõ hơn, về bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ trưởng chia sẻ, các vấn đề liên quan đến tình hình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và những vấn đề liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và chuẩn bị ký kết đến nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.

Thứ trưởng cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế thực chất là chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình quốc tế, phù hợp với các định chế kinh tế thương mại song phương và đa phương, cùng nhau tuân thủ các cam kết đó để giải quyết vấn đề thị trường, hàng hóa và dịch vụ, làm cho các thị trường hoạt động có trật tự, giúp giảm thiểu các hành động “bóp méo” thương mại.

Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế là phương tiện để hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định và bền vững.

hội nhập kinh tế quốc tế
Thứ trưởng chia sẻ những thông tin tổng quát, rõ hơn, sâu hơn và đúng hơn về bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, nhất là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Việc mở cửa nền kinh tế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, hiện Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức rất cao. Đó là việc chủ động tham gia và đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh chau Âu (EVFTA và EVIPA). Đây là những FTA có tác động, ý nghĩa rất lớn, giúp thực hiện thành công chiến lược thị trường, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Cho đến nay đã có gần 100 quốc gia đã có FTA với Việt Nam.

Đánh giá về độ mở của nền kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng nhận định, từ khi Việt Nam tham gia WTO, GDP của Việt Nam đã tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%, độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, năm ngoái tăng trên 200%.

“Điều này cho thấy Việt Nam là đất nước đã gắn bó sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, mà đang trong tiến trình chỉ có tiến và tiến nhanh chứ không được đi chậm. Đây là cũng là minh chứng cho đường lối, chủ trương chính sách hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại không ít khó khăn. 

hội nhập kinh tế quốc tế
Diễn đàn có sự tham gia đầy đủ của các lãnh đạo, công chức, viên chức, phóng viên các cơ quan báo chí thuộc Bộ Công Thương

Là cơ quan được giao chức năng quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện công tác đàm phán, ký kết các FTA và các nhiệm vụ liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA, cả ở cấp độ song phương và nhiều bên. Về song phương, ta đã ký kết và thực thi FTA với Nhật Bản, Chi-lê và Hàn Quốc. Về hợp tác nhiều bên, khu vực hoặc đa phương, ta đã ký kết và triển khai thực thi FTA với khối Kinh tế Á-Âu và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Trong khuôn khổ ASEAN, ta đã cùng với các thành viên ASEAN ký kết một loạt FTA với các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a, Niu-Di-lân và Hồng Kông (Trung Quốc).

Hiện nay, ta đang tiến hành đàm phán FTA với Khối Khu vực thương mại tự do châu Âu (EFTA – gồm 4 nước là Thụy Sĩ, Na-uy, Ai-xơ-len và Lích-xten-xtai), Israel, và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP – giữa ASEAN với cả 6 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a, Niu-Di-lân).

“Như vậy, cho đến nay Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới, tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại – đầu tư song phương cũng như và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

hội nhập kinh tế quốc tế

Đánh giá môi trường quốc tế trong 3 tháng cuối năm và thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, Thứ trưởng cho biết, cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương cần tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế...

Thứ trưởng nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới cần đặt mục tiêu cao nhất là phục vụ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Thông qua diễn đàn lần này, cán bộ ở các cấp Công đoàn Bộ Công Thương đã có một cái nhìn toàn diện về hội nhập kinh tế quốc tế; vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.

Trong khuôn khổ diễn đàn, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có cuộc tham quan, trao đổi kinh nghiệm với Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ).