Hội thảo “Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Công cụ pháp luật hữu hiệu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam”

Ngày 17 tháng 11 năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQL NTD). Luật được áp dụng đối với người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; cơ qua

Luật BVQL NTD 2010 thay thế cho Pháp lệnh BVQL NTD năm 1999. Sự ra đời của Luật này đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BVQL NTD, đáp ứng kịp thời yêu cầu BVQL NTD trong nền kinh tế thị trường.

Luật BVQL NTD 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2011. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên Giai đoạn III (EU-Việt Nam MUTRAP III) phối hợp với các Sở Công Thương và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức tuần lễ truyền thông phổ biến về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Tuần lễ truyền thông diễn ra từ ngày 22 đến 30 tháng 6 năm 2011, nhằm quảng bá Luật BVQL NTD, nâng cao nhận thức của công chúng về những quyền hợp pháp của người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ và các cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong tuần lễ truyền thông, ba hội thảo được tổ chức tại 3 thành phố lớn là Đà Nẵng (22/6), Tp. Hồ Chí Minh (24/6) và Hà Nội (30/6) với chủ đề “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – Công cụ pháp luật hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh tham dự và chủ trì các hội thảo. Hội thảo có các bài tham luận của nhiều chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế về những vấn đề đang được cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam quan tâm: quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kinh nghiệm của châu Âu trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho rằng rằng, các quy định của Luật sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam được thực hiện một cách thuận lợi và đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương, cho biết từ ngày 01/7, Luật BVQL NTD chính thức có hiệu lực, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ nhiều hơn. Luật có nhiều điểm hoàn toàn mới so với pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng trước đây, đặc biệt là quy định thêm nhiều trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi bán hàng. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang rất quan tâm đến những điểm mới của Luật và nhiều công ty đã mời các cơ quan chức năng thực hiện tập huấn cho các bộ phận bán hàng, v.v…

Tại Hội thảo, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Ủy viên Thường vụ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đánh giá cao các điểm mới so với dự thảo trước đó và nhận định: đây là lần đầu tiên, Luật đưa trọng tài vào các phương thức giải quyết tranh chấp, bên cạnh thương lượng, hòa giải, tòa án. Theo Luật, khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, không cần chứng minh sai phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, v.v... Bên còn lại, tức các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị kiện có nghĩa vụ chứng minh không có sai phạm gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đặc biệt, theo quy định của luật, khi xảy ra tranh chấp và giải quyết tranh chấp tại tòa, người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải chứng minh lỗi của nhà cung cấp, mà trái lại nhà cung cấp phải có nghĩa vụ chứng minh rằng mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Theo bà Loan, đây là một quy định hết sức quan trọng và cực kỳ có ý nghĩa để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng Luật BVQL NTD 2010 rất phù hợp với thực tế đời sống tiêu dùng ở Việt Nam. Tuy nhiên, để Luật đi vào đời sống, các cơ quan Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ như xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn, tuyên truyền để người dân quan tâm hơn về Luật Bảo vệ người tiêu dùng và quyền của mình.

Bên lề Hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cần sớm triển khai tập huấn các nội dung về Luật BVQL NTD để họ có thể hiểu đúng, hiểu đủ các quy định.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh đã kêu gọi các tổ chức thông tin, truyền thông hợp tác cùng với Bộ Công Thương làm tốt công tác tuyên truyền Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp cho các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội nắm được các nội dung của Luật và nâng cao nhận thức về việc bảo vệ người tiêu dùng.