Hợp tác giữa Tổng cục QLTT và Petrolimex: Phối hợp thực chất, hiệu quả

Sự bắt tay hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đã đi vào thực chất, đạt được rất nhiều kết quả tích cực sau gần 9 tháng hai bên ký kết quy chế phối hợp.

Đây là nhận định của ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương trong Hội nghị Tổng kết công tác phối hợp năm 2020 và Triển khai kế hoạch công tác phối hợp năm 2021 giữa Tổng cục QLTT và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Trước đó, ngày 3/7/2020, Tổng cục QLTT đã ký kết quy chế phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLTT trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, Quy chế còn nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý; quy định rõ trách nhiệm của từng ngành trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu để tránh việc kiểm tra, xử lý bị chồng chéo, đổ lỗi trách nhiệm. Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Quy chế đã hỗ trợ Petrolimex trong công tác quản lý hệ thống phân phối và bảo vệ thương hiệu, đặc biệt trong điều kiện các Cửa hàng xăng dầu Petrolimex lớn và phân bố rộng khắp toàn quốc.

Hợp tác giữa Tổng cục QLTT và Petrolimex
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ, hợp tác giữa Tổng cục QLTT và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là sự hợp tác thành công nhất từ trước tới nay của Tổng cục, các hoạt động phối hợp đi vào thực chất, đạt hiệu quả cao

Chia sẻ tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, ngay sau khi ký kết Quy chế phối hợp, Tổng Cục QLTT đã có văn bản số 1553/TCQLTT-CNV chỉ đạo, hướng dẫn Cục QLTT các tỉnh ký quy chế phối hợp cấp tỉnh với các công ty xăng dầu địa phương. Cùng với đó, tập trung lực lượng, tăng cường kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu và lực lượng QLTT cả nước đã liên tiếp phát hiện các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu có hành vi vi phạm tại các tỉnh Hậu Giang, Bình Định, Hà Nội, Long An, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Bắc Giang…

“Trong năm 2020, toàn lực lượng kiểm tra 4.493 vụ việc liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, xử lý 1.285 vụ việc, số tiền xử phạt gần 14 tỷ đồng”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin và cho rằng, đây là sự hợp tác thành công nhất từ trước nay của Tổng cục, bởi, từ khi có Quy chế phối hợp, công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát các mặt hàng xăng dầu được thực hiện dễ dàng hơn rất nhiều và thị trường xăng dầu cũng lành mạnh hơn, quyền lợi của người dân cũng được đảm bảo hơn.

Hợp tác giữa Tổng cục QLTT và Petrolimex: Thực chất, hiệu quả
Trong năm 2020, toàn lực lượng QLTT đã kiểm tra 4.493 vụ việc liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, xử lý 1.285 vụ việc

Tuy nhiên, theo Tổng Cục trưởng, thời gian gần đây, số vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu liên tục gia tăng, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu diễn biến tương đối phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Một số vụ việc lớn đã được phát hiện, triệt phá như: mua bán hóa đơn trái phép tại doanh nghiệp Xăng dầu Phát – Petraco (Hải Phòng); sản xuất buôn bán xăng giả tại Công ty Mỹ Hưng (Sóc Trăng) và mới đây là vụ việc triệt phá đường dây sản xuất, buôn lậu xăng giả ở Đồng Nai…

Năm 2021, trong Kế hoạch thanh tra chuyên ngành của Tổng cục QLTT, xăng dầu là nhóm ngành hàng được ưu tiên, lựa chọn kiểm tra, thanh tra và đặc biệt, ngay từ đầu năm, trước tình hình vi phạm về chất lượng xăng dầu, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng xăng dầu.

“Tổng cục đã chỉ đạo các toàn bộ các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ xây dựng kế hoạch, chuyên đề kiểm tra, tập trung vào những tỉnh thành trọng điểm, thường xuyên xảy ra vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, Cục QLTT thành phố đã trình Chủ tịch UBND thành phố, Ban chỉ đạo 389 thành phố phương án kiểm tra chuyên đề năm 2021 đối với mặt hàng xăng dầu trên toàn địa bàn thành phố và đã được phê duyệt”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ.

Hợp tác giữa Tổng cục QLTT và Petrolimex
Kể từ khi Quy chế phối hợp được ký kết, thị trường xăng dầu đã được kiểm tra, thanh tra chặt chẽ hơn, số vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã thuyên giảm - Tổng Giám đốc Petrolimex Phạm Đức Thắng chia sẻ

Khẳng định lại hiệu quả của Quy chế phối hợp giữa hai bên, ông Phạm Đức Thắng - Tổng Giám đốc Petrolimex nhấn mạnh, Quy chế đã phát huy những kết quả tích cực trong việc quản lý thị trường xăng dầu, tạo được sự đồng thuận cao trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Từ khi Quy chế được ký kết, các đơn vị thuộc Tập đoàn đã tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp với Cục QLTT các địa phương. Trong 6 tháng cuối năm 2020, căn cứ trên Quy chế phối hợp giữa Tổng cục QLTT và Tập đoàn, 43/43 Công ty xăng dầu các tỉnh/thành phố cùng các Cục QLTT địa phương đã triển khai ký kết hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLTT, bảo vệ thương hiệu Petrolimex trên lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại địa bàn quản lý.

Ngoài ra, Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc đã thông tin kịp thời, thường xuyên về tình hình, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nước; thông tin về buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, xăng dầu giả, kém chất lượng… để Tổng cục QLTT và Cục QLTT các địa phương nắm được tình hình thực tế thị trường.

“Trong gần 9 tháng qua, thị trường xăng dầu đã được kiểm tra, thanh tra chặt chẽ hơn, số vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã thuyên giảm. Đặc biệt, vấn đề quản lý, bảo hộ thương hiệu Petrolimex của Tập đoàn cũng được giải quyết, tại nhiều tỉnh thành, vi phạm về thương hiệu đã giảm đi rõ rệt”, Tổng Giám đốc Phạm Đức Thắng khẳng định.

Hợp tác giữa Tổng cục QLTT và Petrolimex
Trong năm 2021, hai bên thống nhất nhiều nội dung và chương trình phối hợp nhằm nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLTT trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng

Năm 2021, để công tác phối hợp giữa Tổng cục QLTT và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn nữa, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cam kết, sẽ ưu tiên, dành nguồn nguồn lực trong công tác kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu. Cùng với đó, lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, lực lượng sẽ tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, hướng dẫn điều kiện đảm bảo công tác bán hàng, giao nhận hàng hóa tại các cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống Petrolimex. Xử lý các vi phạm thương hiệu Petrolimex trên thị trường theo thông tin từ Tập đoàn cung cấp…

Về phía Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Giám đốc Phạm Đức Thắng cũng khẳng định, Tập đoàn sẽ tiếp tục thông tin kịp thời, thường xuyên hơn nữa về thị trường xăng dầu Việt Nam, tình hình vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu để Tổng cục và Cục QLTT các địa phương nắm được tình hình.

“Trong năm 2021, Tập đoàn sẽ hỗ trợ các điều kiện cơ sở vật chất như thiết bị hóa nghiệm, nhân lực trong công tác kiểm tra, quản lý thị trường xăng dầu của Tổng cục và Cục QLTT các địa phương”, Tổng Giám đốc Petrolimex chia sẻ.

Hạ An