Hợp tác năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ hướng đến nhiều lĩnh vực mới

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng gợi ý, Việt - Mỹ có thể hướng tới hợp tác trong các dự án thăm dò, khai thác dầu khí, các dự án lọc hóa dầu, chế biến các sản phẩm dầu khí cũng như đầu tư hạ tầng cơ sở phụ

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang tăng rất nhanh

Ngày 30/3/2018, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp tổ chức Đối thoại An ninh Năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Trong Đối thoại lần này, Việt Nam và Hoa Kỳ cùng trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm, tầm nhìn tại các phiên thảo luận về: An ninh cho các cơ sở hạ tầng năng lượng; Chiến lược đa dạng hóa các nguồn năng lượng; Các loại phí và giá năng lượng; Các hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ phát triển năng lượng tái tạo; Liên kế năng lượng trong khu vực và Thương mại năng lượng.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong những năm gần đây, tổng năng lượng khai thác của Việt Nam có xu hướng ổn định, chủ yếu là do sản lượng khai thác các sản phẩm thương mại, không có sự đột biến lớn về lượng.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng các hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước còn rất khiêm tốn

Nhưng với mức độ tăng cao về nhu cầu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng từ năm 2015.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2015, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam là 70,6 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), trong đó năng lượng thương mại chiếm 75,5% và năng lượng phi thương mại chiếm 24,5%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ năng lượng sinh khối phi thương mại trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp giảm đáng kể từ 44,2% năm 2000 xuống 16,9% vào năm 2015. Tỷ lệ sụt giảm là do năng lượng sinh khối phi thương mại đã dần được thay thế bởi các dạng năng lượng thương mại.

Cũng theo kết quả nghiên cứu của của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), đến năm 2035 tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015. Năng lượng cuối cùng có thể tăng từ 54 triệu TOE đến khoảng 90 triệu TOE vào 2025.

Đối thoại An ninh Năng lượng là bước đi quan trọng trong phát triển trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ

Trên thực tế các doanh nghiệp hàng đầu về năng lượng của Hoa Kỳ như ExxonMobi, Murphy Oil, Chevron, UOP... đều đã có mặt tại Việt Nam với nhiều dự án hợp tác sôi động trải rộng trên khắp cả nước.

Các hoạt động hợp tác cũng hết sức phong phú và bao trùm mọi lĩnh vực năng lượng như: thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, đầu tư, phát triển các nhà máy điện, phát triển năng lượng tái tạo...

“Các con số trên cho biết, nhu cầu phát triển năng lượng tại Việt Nam là rất lớn và đây là cơ hội hợp tác dành cho các nhà doanh nghiệp năng lượng nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, với tiềm lực phát triển trình độ cao và sự mạnh mẽ của các doanh nghiệp năng lượng Hoa Kỳ và nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh tại Việt Nam, Thứ trưởng cho rằng các hợp tác hiện tại giữa hai nước còn rất khiêm tốn.

Hai bên có thể hướng tới hợp tác trong các dự án thăm dò, khai thác dầu khí, các dự án lọc hóa dầu, chế biến các sản phẩm dầu khí cũng như đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nhập khẩu năng lượng tại Việt Nam...

Hợp tác phát triển ngành năng lượng bền vững

Tại phiên đối thoại, ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ mong muốn sẽ trở thành một đối tác quan trọng của Việt Nam trong vấn đề an ninh năng lượng.

Cụ thể, theo Đại sứ Daniel Kritenbrink, trong thế giới hiện đại, không nước nào có thể thực sự tự đáp ứng được các nhu cầu và do vậy cần có sự đa dạng về các nguồn năng lượng.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ mong muốn sẽ trở thành một đối tác quan trọng của Việt Nam trong vấn đề an ninh năng lượng

Ông cho rằng, một phần năng lượng có thể được sản xuất ra tại chỗ từ ánh nắng mặt trời, gió, nước và các nguồn than, khí đốt trong nước, nhưng để có chiến lược năng lượng bền vững thì cần có sự hợp tác giữa các nước và phải kết nối với nhau.

Hơn nữa, một điều cơ bản không kém vấn đề cung cấp năng lượng là phương thức mà một nước lựa chọn để quản lý năng lượng của mình, đó là những vấn đề về giá cả, tài chính, phân phối và những ảnh hưởng về mặt môi trường của các phương án năng lượng mà chúng ta đã lựa chọn.

"Cũng như Việt Nam, Hoa Kỳ đang giải quyết các vấn đề này hàng ngày, đó là một vài trong số các vấn đề quan trọng nhất trong nội dung đối thoại chính sách quốc gia của mỗi nước và chúng tôi tới đây để chia sẻ kinh nghiệm của mình và học hỏi từ các bạn", Đại sứ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh thêm.


Hạ Vũ