Hợp tác quốc tế để bài trừ nạn hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam

Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục QLTT với Tập đoàn Moet Hennessy - Louis Vuitton sẽ là điển hình trong việc hợp tác quốc tế để bài trừ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Sáng ngày 7/5/2019, tại trụ sở, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã tổ chức Lễ ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Tập đoàn Moet Hennessy - Louis Vuitton (LVMH) về hợp tác trong công tác chống hàng giả và xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ.

Mục tiêu chính của Bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các Bên, bài trừ vấn nạn hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các công ty được đại diện bởi Tập đoàn LVMH đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định pháp luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ, Tập đoàn LVMH có trách nhiệm cung cấp cho Tổng cục QLTT đầy đủ các thông tin liên hệ của các giám đốc thương hiệu và người đại diện chính thức của Tập đoàn LVMH tại Việt Nam. Đồng thời, cung cấp cho Tổng cục QLTT thông tin về đặc tính của hàng thật, các đại lý phân phối được uỷ quyền, các doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu, lộ trình vận chuyển và bất kỳ thông tin liên quan khác có thể giúp cho việc phân biệt hàng thật - hàng giả.

hàng giả
Biên bản ghi nhớ sẽ là điển hình trong việc hợp tác bài trừ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

 

Đặc biệt, phải có phản hồi ngay lập tức đối với bất kỳ yêu cầu nào của Tổng cục QLTT liên quan đến quá trình phân biệt hàng thật - hàng giả và cử đại diện hỗ trợ quá trình phân biệt sản phẩm theo yêu cầu của Tổng cục QLTT.

Bên cạnh đó, MOU cũng yêu cầu, phía Tập đoàn LVMH cung cấp cho Tổng cục QLTT các thông tin liên quan đến các hoạt động hàng giả đã, đang và sẽ diễn ra tại Việt Nam như là hoạt động sản xuất, buôn bán, lưu kho và thu giữ hàng giả cũng như hoạt động xuất nhập khẩu đến và từ Việt Nam.

Về phía Tổng cục QLTT, Tổng cục sẽ có trách nhiệm cung cấp cho Tập đoàn LVMH đầy đủ thông tin liên hệ, thực hiện các hoạt động cần thiết để hạn chế tổn thất mà các hành vi kinh doanh hàng giả gây ra đối với hoạt động buôn bán hàng chính hãng tại Việt Nam trong phạm vi luật pháp quốc gia cho phép.

Cùng với đó, phải thông báo kịp thời với Tập đoàn LVMH hay đại diện chính thức của Tập đoàn đối với hoạt động thu giữ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của LVMH tại Việt Nam và cung cấp cho Tập đoàn LVMH thông tin liên quan đến các hình ảnh của sản phẩm bị thu giữ, loại sản phẩm, số lượng chính xác các sản phẩm bị thu giữ, tên của tổ chức vi phạm, địa điểm thu giữ và các thông tin khác trong phạm vi luật pháp quốc gia cho phép.

hàng giả hàng nhái
Ông Trần Hữu Linh nhận định, nếu có sự hợp tác, phối hợp từ đại diện của các hãng sẽ giúp quy trình xử lý hàng giả, hàng nhái được tiến hành nhanh hơn, hiệu quả hơn

 

MOU cũng cam kết, Tổng cục QLTT phải phản ứng kịp thời và thích hợp đối với những thông tin mà LVMH cung cấp, bao gồm các hoạt động thẩm tra, xác minh,thực thi và các hoạt động khác theo quy định pháp luật Việt Nam và thông báo cho tập đoàn LVMH về kết quả xử lý trong phạm vi luật pháp quốc gia cho phép.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, ở Việt Nam hiện nay hàng giả rất phổ biến, đặc biệt là giả nhãn hiệu của các Tập đoàn lớn như LVMH. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý e ngại phối hợp với các lực lượng chức năng do lo ngại sẽ giảm doanh số bởi thương hiệu.

Tuy nhiên, để cán bộ xác định được một sản phẩm giả là rất khó nếu không có sự phối hợp giữa hãng và chủ thể quyền sở hữu, Tổng cục trưởng nhận định.

Lấy dẫn chứng về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh cho biết, cách đây 2 tháng, hàng nghìn đồng hồ hiệu đã bị lực lượng QLTT bắt giữ ở Nha Trang trị giá lên tới 3.500 USD. Qua vụ việc đó, nếu có đại diện của hãng sẽ giúp lực lượng QLTT kết luận được vụ việc nhanh chóng, quy trình xử lý hàng giả, hàng nhái cũng sẽ được tiến hành nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bởi, đứng từ góc độ người tiêu dùng, việc phân biệt hàng thật hàng giả rất khó khăn.

“Tôi là một người tiêu dùng, để cầm 1 lọ nước hoa của hãng LV đối với tôi rất khó khăn. Chính vì vậy, nếu không có cách cho người tiêu dùng nhận diện sẽ rất khó đối với người tiêu dùng” Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Bản ghi nhớ đã đưa ra những thông tin đặc biệt là trách nhiệm giữa hai Bên. “MOU rất thực chất, tuy nhiên, cái quan trọng nhất là cách thức triển khai”. Tổng cục trưởng kỳ vọng sự phối hợp với tập đoàn LVMH sẽ là điển hình trong việc hợp tác đối với các hàng quốc tế của lực lượng QLTT trong việc chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Laurant Marcadier, Giám đốc bảo vệ tài sản và con người, Tập đoàn LVMH cho biết, theo thống kê con số vi phạm đến từ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ khoảng 500 tỷ Euro, chiếm 10% giá trị thương mại trên toàn thế giới.

hàig giả hàng nháo
Ông Laurant Marcadier (giữa) khẳng định: Các doanh nghiệp không thể một mình đơn độc chiến đấu chống lại mạng lưới phạm pháp đặc biệt trong vấn nạn hàng giả hiện nay

 

Ông Laurant Marcadier khẳng định “Các doanh nghiệp không thể một mình đơn độc chiến đấu chống lại mạng lưới phạm pháp đặc biệt trong vấn nạn hàng giả hiện nay. Chính vì vậy, sự hợp tác chiến lược với các lực lượng chức năng của các cơ quan nhà nước, cụ thể là Tổng cục Quản lý thị trường là yếu tố then chốt cho thành công này”.

Ông Laurant Marcadier cũng cho biết, ở nhiều quốc gia không có cơ quan dành riêng để thực thi công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái như Việt Nam. Chính vì vậy, ông tin tưởng, công tác này ở Việt Nam sẽ đạt hiệu quả hơn.

Ông Laurant Marcadier cũng mong muốn các cuộc trao đổi hợp tác giữa Tổng cục QLTT và Tập đoàn LVMH sẽ được tổ chức thường xuyên hơn để công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái mang lại hiệu quả cao nhất chống lại kẻ thù chung đó là vấn nạn hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang hoành hành hiện nay.

Hạ An