Hợp tác quốc tế giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Trong năm 2020, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Khánh thành Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc
Khánh thành Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc

 

Hợp tác với Bộ MOTIE - Hàn Quốc

Triển khai các nội dung hợp tác tại Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2 giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Cục Công nghiệp và Viện Công nghệ cao Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK) vào ngày 11 tháng 12 năm 2020.

Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp cũng đang trong quá trình thảo luận với Bộ MOTIE về việc phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Hàn Quốc (KOAMI) thành lập Trung tâm công nghệ máy móc Việt Nam – Hàn Quốc (VKMTC) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hợp tác với Bộ METI - Nhật Bản

Trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, Cục Công nghiệp đã tích cực phối hợp với đại diện phía Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) để lên kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong những năm tới.

Phía Nhật Bản sẽ triển khai các dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt nam, như: Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do JICA thực hiện;

Chương trình “Đào tạo cho các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam” do tổ chức hợp tác kỹ thuật nước ngoài và đối tác bền vững  thực hiện.

Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ cử một số chuyên gia hỗ trợ các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp thuộc Cục Công nghiệp trong công tác vận hành và nâng cao nguồn nhân lực.

Trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Cục Công nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi nội dung Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam - Nhật Bản tại văn bản số 296/CN-CNHT ngày 28 tháng 8 năm 2020.

Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho 6 ngành ưu tiên (Điện tử; Máy nông nghiệp; Chế biến nông, thủy sản; Đóng tàu; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô) thông qua việc hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách ưu đãi tín dụng, ... và tổ chức thực hiện các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cụ thể cho 6 ngành ưu tiên.   

Hợp tác với IFC - World Bank

Trong Chương trình phát triển nhà cung cấp thí điểm (SDP), Cục Công nghiệp phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới triển khai Chương trình thí điểm Phát triển nhà cung cấp (SDP) dưới sự tài trợ bởi Quỹ Thịnh Vượng Anh Quốc và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ.

Chương trình được xây dựng nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chương trình có sự tham gia của 8 tập đoàn đa quốc gia (Ford, Canon, Toyota, Panasonic, Denso, Bosch, GE và Schneider Electric) và 45 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo thông qua hai giai đoạn.

Trong dự án Hỗ trợ nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, Tổ chức Tài chính Quốc tế hỗ trợ Cục Công nghiệp trong công tác xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ thông qua việc cố vấn kỹ thuật nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.

Ngày 19 tháng 6 năm 2020, Cục Công nghiệp đã phối hợp với IFC tổ chức thành công lễ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Hệ thống giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.

Bên cạnh đó, hệ thống sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác thống kê và hoạch định chính sách.

Hiện nay, hệ thống có gần 3.500 doanh nghiệp tiêu biểu thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử, dệt may và da giầy và được cập nhật, bổ sung.

Chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung

Về đào tạo nhân lực khuôn mẫu tại Việt Nam

Nhằm mục đích đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh kỹ thuật khuôn mẫu cho doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khuôn mẫu Việt Nam trong khuôn khổ Kỳ họp Ủy Ban Hỗn hợp kỳ thứ 9 tại Hàn Quốc. Mục tiêu của Dự án là đào tạo 200 kỹ sư trong lĩnh vực khuôn mẫu trong 4 năm 2020-2023.

Chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp

Từ năm 2015 - 2020, Samsung đã phối hợp với Cục Công nghiệp triển khai chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam do các chuyên gia Samsung Hàn Quốc thực hiện.

Số doanh nghiệp đã được tư vấn cải tiến đến nay là 98 doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc chương trình hợp tác cải tiến với các tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

Chương trình tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng mới

Cục Công nghiệp hỗ trợ Samsung triển khai các chương trình triển lãm (Sourcing fair) trưng bày và tìm kiếm nhà cung cấp hàng năm nhằm hình thành một mạng lưới các doanh nghiệp nội địa tiềm năng.

Hiện nay, Samsung đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp, không chỉ với các nhà cung ứng cấp 1 mà còn với các nhà cung ứng cấp 2 hoạt động đa dạng trong nhiều ngành nghề và sản phẩm.

Trước đây các nhà cung cấp chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất bao bì/sản phẩm ép nhựa thì nay đang chuyển dần sang lĩnh vực điện/điện tử, thiết bị mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Hợp tác với Công ty TNHH Uniqlo Việt Nam

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trao đổi với đại diện Uniqlo Việt Nam về các nội dung, tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Uniqlo Việt Nam (MOU) nhằm phát triển ngành dệt may Việt Nam.

Trong đó, tập trung vào 5 nội dung chính, bao gồm: (i) Phát triển hệ thống bán lẻ, đẩy mạnh đầu tư; (ii) Đẩy mạnh xuất nhập khẩu; (iii) Đẩy mạnh sản xuất trong nước; (iv) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (v) Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

Giao Thủy