Hướng đến mục tiêu cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, đến năm 2020, chi phí thuế của doanh nghiệp giảm xuống mức trung bình ASE

Trong những năm gần đây, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là một trọng tâm của Chính phủ. Một loạt Nghị quyết của Chính phủ đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào cải cách thể chế và thủ tục hành chính, thuận lợi hóa các hoạt động kinh doanh. Việc thực hiện các Nghị quyết này đã góp phần giảm gánh nặng chi phí kinh doanh nói chung và chi phí tuân thủ pháp luật nói riêng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy Chính phủ vẫn có thể có nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa.

Các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam theo Khảo sát Doing Business của Ngân hàng thế giới tuy có cải thiện đáng kể nhưng thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực. Theo Doing Business 2018, tổng mức thuế và chi phí bảo hiểm doanh nghiệp Việt Nam phải nộp chiếm 38,1% lợi nhuận trước thuế trong khi con số này ở Thái Lan là 28,7%, ở Indonesia là 30%. Khảo sát PCI 2017 cho thấy 59,3% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; lãnh đạo của khoảng 30% doanh nghiệp phải phải dành hơn 10% quỹ thời gian cho tìm hiểu và tuân thủ quy định pháp luật; 44% doanh nghiệp cho rằng thủ tục thuê, mua đất phức tạp; 16% doanh nghiệp cho rằng giá đất theo quy định nhà nước cao. Nhìn chung, còn nhiều bất cập trong các khoản chi phí do Nhà nước tạo ra hoặc quy định mà doanh nghiệp phải trả. Do đó, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế của doanh nghiệp bị hạn chế. Điều này cản trở việc thực hiện các chính sách về nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Để góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách hướng tới cắt giảm các chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp.

Dự thảo cũng đề rõ mục tiêu của Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, mục tiêu tổng quát là: Cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đồng thời cắt giảm một phần đáng kể chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định, dễ tiên liệu; khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh.

Mục tiêu cụ thể: Cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh; đến năm 2020, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để đạt điểm số trung bình của ASEAN-4 theo Chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng thế giới.

Đồng thời đến năm 2020, giảm một nửa tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành phải chi trả chi phí không chính thức theo Khảo sát PCI đến năm 2020. Công khai 100% các hoạt động thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý trên trang internet của cơ quan có thẩm quyền. Chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp theo Doing Business giảm xuống mức trung bình ASEAN 4.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp xây dựng kế hoạchtriển khai thực hiện Chương trình hành độngnày;báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tưtrước ngày 20 tháng 12hàng nămđể tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủkết quả thực hiện Chương trình hành động này trước ngày 25 tháng 12 hàng năm; công bố báo cáo sau khi được Chính phủ phê duyệt.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Chương trình hành động, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.