Huyện Ân Thi lần đầu tiên có những sản phẩm gạo chất lượng cao

Mô hình chế biến gạo chất lượng cao (giai đoạn 1) được triển khai theo dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ, tiên tiến hiện đại. Sản phẩm của doanh nghiệp là sản phẩm mới trên địa bàn huyện Ân Thi chưa có đơn vị nào sản xuất.

Mới đây, tại huyện Ân Thi, Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên) phối hợp với Công ty Cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Hưng Việt tổ chức Hội nghị Giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến gạo chất lượng cao (giai đoạn 1) thuộc đề án khuyến công quốc gia năm 2018.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho biết, toàn tỉnh hiện có diện tích trồng lúa trên 70 nghìn ha, tập trung nhiều ở các huyện Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động, trong đó huyện Ân Thi là địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh (hơn 15 nghìn ha); năng suất lúa trung bình đạt gần 60 tạ/ha.

mô hình trình diễn gạo chất lượng cao
Các sản phẩm gạo được đóng gói trong bao bì PP, PE được hút chân không, giữ ổn định chất lượng với trọng lượng các gói khác nhau phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng

Đây là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào dồi dào cho các đơn vị chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Việc ứng dụng các mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến gạo chất lượng cao tại huyện Ân Thi nhằm xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo quy trình khép kín từ nhân giống phục vụ sản xuất đến tạo vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân, bà Hạnh cho biết.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại (Trung tâm) cũng cho biết, Trung tâm đã đăng ký kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2018 đối với nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến gạo chất lượng cao (giai đoạn 1) tại Công ty Cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Hưng Việt làm mô hình giới thiệu và nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mô hình chế biến gạo chất lượng cao (giai đoạn 1) được triển khai theo dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ, tiên tiến hiện đại. Sản phẩm của doanh nghiệp là sản phẩm mới trên địa bàn huyện Ân Thi chưa có đơn vị nào sản xuất.

mô hình trình diễn gạo chất lượng cao
Mô hình chế biến gạo chất lượng cao (giai đoạn 1) được triển khai theo dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ, tiên tiến hiện đại

Mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến gạo chất lượng cao góp phần thúc đẩy các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm nói chung cũng như chế biến gạo nói riêng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiến tới đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, mô hình cũng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm, thu nhập cho người lao động tại địa phương; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và đem lại hiệu quả kinh tế cho chủ đầu tư. Qua đó thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn, đại diện Trung tâm Khuyến công cho biết.

Ông Lê Văn Bằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Hưng Việt cho hay, sau khi được UBND tỉnh Hưng Yên chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng nhà xưởng, ký kết hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị… Đến thời điểm lập đề án khuyến công quốc gia năm 2018, Công ty Cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Hưng Việt đã đầu tư xong giai đoạn 1.

Với diện tích mặt bằng khoảng 61.498m2, quy mô của đề án là xây dựng một nhà máy chế biến gạo chất lượng cao (giai đoạn 1) có công suất dự kiến 150.000 tấn/năm với hệ thống máy móc, thiết bị đồng bộ, hiện đại. Sản phẩm được đóng gói trong bao bì PP, PE được hút chân không nhằm giữ ổn định chất lượng với trọng lượng các gói khác nhau (2kg, 5kg, 10kg) nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp còn thu hồi được tấm, cám (khoảng 40.000 tấn/năm) nhằm phục vụ cho những mục đích sản xuất khác, nâng cao sản lượng, doanh thu cho Công ty. Cũng theo ông Bằng, Dự án nhà máy dự kiến sẽ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 150 lao động tại địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con huyện Ân Thi.

Huy Tưởng