Huyện Lộc Bình -Tạo động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư

Trong không khí thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVI, người dân và chính quyền huyện Lộc Bình đang nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát huy những thế mạnh, tạo động lực để địa phương đổi mới tăng trưởng và hội nhập.

Trong không khí thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVI, người dân và chính quyền huyện Lộc Bình đang nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát huy những thế mạnh, tạo động lực để địa phương đổi mới tăng trưởng và hội nhập.

 

Nhiều lợi thế để phát triển kinh tế và hội nhập

Về điều kiện tự nhiên, Lộc Bình là một huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lạng Sơn có diện tích tự nhiên 98.642,7 ha, nằm về phía Đông Nam của tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn 23 km theo Quốc lộ 4B từ Lạng Sơn đi Quảng Ninh. Huyện có chiều dài biên giới tiếp giáp với Trung Quốc là 28,89 km, có cửa khẩu quốc tế Chi Ma thuận tiện cho giao thương kinh tế.

Huyện Lộc Bình được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên đa dạng, phong phú, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội. Huyện Lộc Bình nằm ở lưu vực sông Kỳ Cùng, độ cao trung bình so với mặt nước biển là 352 m, cao nhất là đỉnh Mẫu Sơn với 1,541m. Các dạng địa hình của huyện thích hợp phát triển lâm nghiệp, đồng cỏ chăn thả, trồng cây ăn quả, trồng lúa nước và hoa màu. Phần lớn đất của huyện là đất lâm nghiệp với diện tích 80.244 ha. Độ che phủ rừng là 63%. Cây chủ yếu là Thông Mã Vĩ chiếm 51% tổng diện tích đất có rừng, ngoài ra huyện còn có các khu rừng trồng Keo, Bạch đàn và trên 20.000 ha rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh.

Khu du lịch Mẫu Sơn huyện Lộc Bình

Khu du lịch Mẫu Sơn huyện Lộc Bình

Về khoáng sản của huyện chủ yếu là than và đất sét cao lanh, ngoài ra còn có một lượng nhỏ vàng sa khoáng ở Mẫu Sơn, Đông Quan, Xuân Dương, Hữu Lân. Cát, sỏi xây dựng được khai thác dọc theo sông Kỳ Cùng.

Lĩnh vực văn hóa – du lịch của huyện có nhiều tiềm năng phát triển với núi Mẫu Sơn nổi tiếng, cảnh quan tươi đẹp, nền nhiệt độ thấp phù hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ mát. Người dân nơi đây còn làm ra các sản phẩm đặc sản địa phương như chanh rừng, nấm hương rừng, gà 6 cựa, cá hồi... và đặc biệt là rượu Mẫu Sơn nổi tiếng (đạt giải thưởng “Sao vàng đất Việt” năm 2002). Lộc Bình còn nổi tiếng với du lịch suối, hồ như: hồ Tà Keo, hồ Phai Sen, đập Khuôn Van, suối Khuỗi Lây, Bản Khiếng, suối Lặp Pịa, suối Long Đầu, suối Nà Mìu...

Thời gian gần đây kinh tế của huyện đang có những bước phát triển tích cực. Năm 2019, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong tổng số 19 chỉ tiêu chủ yếu có 06 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 12 chỉ tiêu đạt. Thu ngân sách huyện đạt vượt kế hoạch và đáp ứng cơ bản nhiệm vụ chi trên địa bàn. Trong năm qua, xã Tú Đoạn của huyện đã về đích nông thôn mới. Các mặt công tác của huyện đều hoàn thành và đạt kết quả cao, hoạt động thương mại, dịch vụ có chuyển biến tích cực, thị trường, giá cả được bình ổn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, các mục tiêu, địa bàn trọng yếu được bảo vệ tuyệt đối an toàn, đời sống người dân từng bước được nâng lên.

Nỗ lực thu hút đầu tư, đổi mới mô hình tăng trưởng

Trao đổi với phóng viên, Ông Hoàng Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng trong nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua 21 chỉ tiêu của Đại hội đảng bộ huyện đề ra đều đạt và vượt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu vượt sâu. Đối với Lộc Bình, việc thực hiện các mô hình tăng trưởng và thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới được chú trọng nhằm tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế trên địa bàn. Huyện tập trung phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế mới, tăng sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ từ đó tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Huyện đã phối hợp tốt với các ban ngành của tỉnh thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế như kêu gọi đầu tư vào khu du lịch Mẫu Sơn, GPMB để xây dựng Hồ chứa nước Bản Lải, GPMB nhà máy nhiệt điện Na Dương II; Quy hoạch 4 cụm công nghiệp vởi tổng diện tích 270 ha; xây dựng các tuyến đường tỉnh trên địa bàn, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, phát triển kinh tế đồi rừng, từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, lựa chọn sản phẩm OCOP, khuyến khích phát triển các mô hình hợp tác sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp...

Cửa khẩu Chi Ma huyện Lộc Bình

Cửa khẩu Chi Ma huyện Lộc Bình

Bên cạnh đó, huyện còn tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình đổi mới. Toàn huyện đã áp dụng cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”, tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân qua hệ thống phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích đã giúp cho công tác tiếp nhận giải quyết TTHC được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả, công khai minh bạch.

Phát huy tiềm năng du lịch sẵn có khi trên địa bàn với dãy núi Mẫu Sơn tuyệt đẹp, huyện Lộc Bình đang tạo điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn SunGroup thực hiện khởi công xây dựng dự án cáp treo Khu du lịch sinh thái Núi Tuyết - Mẫu Sơn vào cuối năm 2020. Dự án này khi hoàn thành với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đầy đủ tiện nghi, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan hứa hẹn đem lại nhiều đổi thay khởi sắc cho nền kinh tế xã hội của huyện Lộc Bình nói chung và của người dân xã Mẫu Sơn nói riêng.

Mùa đông trên đỉnh Mẫu Sơn

Mùa Đông trên đỉnh Mẫu Sơn

Để thực hiện thành công nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Lộc Bình lần thứ XXII và hướng tới các mục tiêu giai đoạn phát triển mới, huyện Lộc Bình sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Tiếp tục phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch; Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị; Huy động nguồn lực bằng nhiều hình thức khác nhau để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, công nghiệp xanh, an toàn và hiện đại. Đặc biệt, huyện tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH và tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn.

                                                                            PV Chung Thắng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chung Thắng