Phó chủ tịch Hiệp hội ngành hàng và các nhà xuất khẩu cà phê Indonesia (AICEI) Pranoto Soenarto cho biết Indonesia dự kiến sẽ tăng quy mô gieo trồng cà phê thêm 50 – 60% trong vòng 5 năm tới. Indonesia hiện là quốc gia cung cấp cà phê robusta lớn thứ 3 thế giới. Ông Pranoto Soenarto cho biết Indonesia đang tìm cách liên kết chặt chẽ các bên trong ngàn hàng cà phê, đặc biệt là các nhà máy chế biến – rang xay nhằm giúp đỡ các hộ nông dân tiếp cận vốn và nâng cao năng suất. Indonesia hiện yêu cầu Bộ Nông nghiệp nước này và Viện nghiên cứu cà phê và cacao phối hợp nhằm giúp nông dân nước này lựa chọn đúng các loại phân bón, hạt giống chất lượng cao và phương thức canh tác giảm thiểu sâu bệnh và có năng suất cao.

Các chuyên gia nhận định bất kỳ việc gia tăng sản lượng cà phê nào đến từ Indonesia sẽ tạo thêm áp lực lên giá mặt hàng này trên thị trường quốc tế. Giá cà phê robusta đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 – thời điểm mặt hàng này bắt đầu được giao dịch trên thị trường tương lai. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh giữa Indonesia và Việt Nam cũng như Brazil có thể ảnh hưởng đến giá.  

Thị trường cà phê Trung Quốc đang bùng nổ
Kế hoạch nâng cao sản lượng cà phê của Indonesia chủ yếu dựa vào việc thị trường cà phê Trung Quốc đang bùng nổ

Sản lượng cà phê Robusta chiếm khoảng 72% tổng sản lượng cà phê của Indonesia. Hiện có khoảng 2 triệu nông dân Indonesia tham gia ngành hàng cà phê với diện tích canh tác đạt khoảng 1,2 triệu ha. Tổng sản lượng cà phê của Indonesia trong năm 2019 được dự báo đạt 700.000 tấn.

Kế hoạch nâng cao sản lượng của Indonesia dựa vào tiềm năng tăng trưởng tiêu thụ cà phê trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ông Pranoto Soenarto cho biết nông dân không nên ngưng mở rộng canh tác cà phê do nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc dự kiến sẽ bùng nổ trong thời gian tới và nguồn cung cà phê trên thế giới có thể không đáp ứng được sự bùng nổ này. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), mức tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đã tăng gấp 9 lần trong 10 năm qua, lên mức 189.300 tấn trong niên vụ 2018/2019. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê của Indonesia cũng đang tăng lên và dự kiện đạt 300.000 tấn trong năm nay.