Kế toán quản trị chi phí trong các DN chế biến thủy sản Việt Nam

ThS. TRẦN THỊ PHƯƠNG THẢO (Học viện Tài chính)

TÓM TẮT:

Kế toán quản trị (KTQT) là công cụ quản lý khoa học trong công tác điều hành doanh nghiệp, giúp các nhà quản trị doanh nghiệp hoạch định và kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị có hiệu quả. Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy, nhưng kế toán quản trị vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam, đặc biệt là đối với ngành Chế biến thủy sản. Bài viết phân tích và đánh giá thực trạng vận dụng công tác kế toán quản chi phí đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản, từ đó xây dựng các nội dung cơ bản của kế toán quản trị chi phí phục vụ cho loại hình doanh nghiệp này.

Từ khóa: Kế toán quản trị, doanh nghiệp chế biến thủy sản, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Với nhiều thế mạnh nổi trội về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu khu vực. Trong đó, ngành Chế biến thủy sản hiện nay phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, ngành sản xuất hàng hóa lớn đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế đã minh chứng bằng việc tăng trưởng liên tục của ngành Thủy sản trong các năm vừa qua, sản phẩm thủy sản đã thực sự góp phần làm thay đổi cơ cấu công nông nghiệp Việt Nam và góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu. Tổng sản lượng thủy sản khai thác dự tính sẽ tăng bình quân 5,13%/năm trong 15 năm tới, nuôi trồng thủy sản sẽ tăng nhanh khoảng 8-10%/năm.

Tuy nhiên, thủy sản là ngành có tính cạnh tranh cao, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam luôn phải đối đầu với những thách thức gay gắt về chất lượng, giá cả, các tiêu chuẩn về hàm lượng kháng sinh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ chế biến lạc hậu, giá thành sản phẩm cao làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Việc nghiên cứu vận dụng KTQT chi phí trong hoạt động quản lý và điều hành doanh nghiệp là một trong những giải pháp hữu ích, nhằm kiểm soát tốt chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo lợi thế cho doanh nghiệp cạnh tranh.

Trên thế giới đã có rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu để đưa ra khái niệm về KTQT, mỗi khái niệm có thể xác định KTQT đáp ứng nhu cầu thông tin cho các quyết định quản trị tác nghiệp hay chiến lược dài hạn. Song chúng đều thống nhất cho rằng, KTQT là quá trình sử dụng kỹ thuật để cung cấp thông tin cho các nhà quản trị, thực hiện các chức năng hoạch định, tổ chức thực hiện, kiểm soát và quyết định, nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Thông tin KTQT cung cấp bao gồm thông tin tài chính và phi tài chính về các quá trình hoạt động của doanh nghiệp, trong đó thông tin chi phí có vai trò quan trọng trong hệ thống thông tin. Bộ phận KTQT cung cấp thông tin chi phí trong doanh nghiệp, được gọi là KTQT chi phí. Như vậy có thể hiểu KTQT chi phí là một bộ phận của hệ thống KTQT, chuyên thực hiện việc xử lý và cung cấp các thông tin về chi phí, nhằm phục vụ cho việc thực hiện các chức năng của nhà quản trị như hoạch định, tổ chức thực hiện, kiểm tra và ra quyết định. Thông tin KTQT cung cấp bao gồm: Thông tin dự toán chi phí, thông tin về giá thành sản phẩm, thông tin về biến động chi phí và các báo cáo phân tích thông tin chi phí. Những yêu cầu về thông tin chi phối các nội dung KTQT chi phí cần phải thực hiện như: Lập các dự toán chi phí, tính giá thành sản phẩm, lập các báo cáo nội bộ đánh giá trách nhiệm quản lý và phân tích thông tin chi phí.

2. Thực trạng

Để nghiên cứu thực trạng vận dụng KTQT chi phí tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam, tác giả thực hiện phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với nghiên cứu định lượng. Căn cứ vào kết quả khảo sát 150 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên phạm vi cả nước cho thấy, 90% các doanh nghiệp khảo sát đều thực hiện lập dự toán chi phí. Trong đó, dự toán giá thành theo khoản mục, dự toán chi phí nguyên vật liệu và dự toán chi phí nhân công trực tiếp là các dự toán được các doanh nghiệp sử dụng nhiều. Tuy nhiên, hai loại dự toán là dự toán giá thành sản phẩm theo biến phí và dự toán chi phí linh hoạt có rất nhiều ứng dụng trong KTQT nhưng tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng lại thấp dưới 70%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận các loại dự toán để có thể hỗ trợ tốt hơn cho việc ra quyết định của nhà quản trị.

Về phương pháp tính giá thành sản phẩm, doanh nghiệp đang tính giá theo hai loại, đó là phương pháp tính giá toàn bộ (chiếm 58%) và phương pháp tính giá trực tiếp (chiếm 42%). Điều này cho thấy, phương pháp tính giá thành phổ biến của các doanh nghiệp chế biến thủy sản là phương pháp toàn bộ. Phương pháp tính giá trực tiếp có nhiều ưu điểm trong việc đánh giá mức đóng góp lợi nhuận theo từng mặt hàng hay từng bộ phận, nhưng chưa được khai thác ứng dụng nhiều trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Đặc biệt các phương pháp tiên tiến lại được rất ít các doanh nghiệp áp dụng, nổi bật là các phương pháp tính giá hiện đại có nhiều ưu điểm như phương pháp ABC (chiếm 12%), phương pháp chi phí mục tiêu (chiếm 34%). Điều này cho thấy, các phương pháp tính giá hiện đại đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam còn rất nhiều hạn chế và chưa được các doanh nghiệp quan tâm nhiều.

Trong thực tế, việc định giá được thực hiện trước khi sản xuất đơn hàng và chưa có số liệu về giá thành thực tế (nếu có là giá thành của kỳ trước). Do vậy, với hiện trạng giá cả nguyên liệu thủy sản lên xuống thất thường và biến động theo mùa vụ, thì việc định giá trên cơ sở định mức chi phí hiện hành và dự toán giá mua nguyên liệu của kỳ kế hoạch sẽ phù hợp với thực tế hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi định giá cũng phải dựa trên quy luật cung cầu của thị trường, nếu định giá quá thấp so với thị trường thì sẽ thua thiệt, ngược lại nếu định giá quá cao dẫn đến doanh nghiệp không bán được sản phẩm. Vì vậy các doanh nghiệp đều có xu hướng chọn định giá trên cơ sở thị trường. Theo cách tính toán của doanh nghiệp, để có lợi nhuận, giá bán phải bù đắp toàn bộ chi phí. Chính vì vậy, phương pháp định giá chi phí toàn bộ trong doanh nghiệp khảo sát chiếm tỷ trọng áp dụng lớn (chiếm 60%), các phương pháp khác (phương pháp trực tiếp và phương pháp chi phí mục tiêu) chiếm tỷ lệ áp dụng thấp. Đây cũng là nội dung cần xem xét, đề xuất ứng dụng các phương pháp này vào công tác lập dự toán và tính giá cũng như định giá tại các doanh nghiệp.

Các báo cáo KTQT trong các doanh nghiệp gồm: Báo cáo chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, Báo cáo tình hình sử dụng nguyên liệu, Báo cáo kết quả sản xuất và kết quả kinh doanh theo từng mặt hàng (ít nhất 97% các doanh nghiệp sử dụng), đây là các báo quan trọng và được sử dụng khá thường xuyên. Tuy nhiên, báo cáo kết quả theo từng khoản mục chi phí vẫn còn nhiều doanh nghiệpsản xuất Việt Nam nói chung và doanh nghiệpchế biến thủy sản nói riêng chưa quan tâm. Hệ thống kế toán đánh giá trách nhiệm quản lý chưa được chú trọng, kéo theo các báo cáo đánh giá thành quả theo từng khoản mục chi phí cũng chưa được khai thác và ứng dụng nhiều. Thiết nghĩ, đây cũng là khoảng trống về lĩnh vực KTQT chi phí tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện nay.

Các nội dung phân tích thông tin chi phí cũng được nhiều doanh nghiệpvận dụng (chiếm tỷ lệ trên 90%) như: Phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận, phân tích thông tin chi phí ra quyết định ngắn hạn, phân tích và đánh giá các quyết định đầu tư dài hạn, phân tích mức biến động chi phí và phân tích kết quả kinh doanh bộ phận. Tại các nước phát triển, doanh nghiệp sử dụng các công cụ KTQT chi phí hiện đại một cách phổ biến để hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam lại có rất ít doanh nghiệp vận dụng, chủ yếu tập trung mô hình quản trị hàng tồn kho kịp thời (chiếm tỷ trọng 79,8 doanh nghiệp được khảo sát), mô hình quản lý chất lượng tổng thể chỉ chiếm 26,4% doanh nghiệp áp dụng, còn lại là các mô hình thẻ điểm cân bằng (BSC), mô hình quản lý theo chuỗi giá trị, mô hình Kaizen là những công cụ KTQT tiên tiến được các doanh nghiệp nước ngoài vận dụng từ nhiều năm, thì đối với doanh nghiệpViệt Nam lại nằm trong tình trạng chưa biết hoặc biết nhưng chưa vận dụng chiếm tỷ lệ cao (khoảng 18,7%). Đặc biệt, mô hình thẻ điểm cân bằng được cho là công cụ quản lý có hiệu quả tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản, thì tỷ lệ doanh nghiệp vận dụng lại chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 5,5% doanh nghiệp được khảo sát).

Từ các phân tích trên cho thấy, phương pháp KTQT chi phí đã được triển khai song mức triển khai còn đơn giản. Phần lớn tập trung ở những nội dung KTQT chi phí truyền thống, những nội dung KTQT tiên tiến hiện đại có thể tạo ra những thay đổi đột phá cho các doanh nghiệpthì chưa tiếp cận nhiều. Nguyên nhân chính là do trình độ về KTQT của kế toán còn thấp (tỷ lệ 85%), dẫn đến các doanh nghiệp khó vận dụng các nội dung KTQT chi phí. Bên cạnh đó, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và nhận thức của các nhà quản lý cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT chi phí tại doanh nghiệp. Trong các trường đào tạo chuyên ngành kế toán, bộ môn KTQT đã được đưa vào giảng dạy nhưng các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho kế toán thì các kiến thức về KTQT lại ít được quan tâm do họ chưa nhận thức được KTQT có ý nghĩa như thế nào trong lĩnh vực quản lý. Mặt khác các doanh nghiệp hầu như làm việc theo nền nếp, chưa sáng tạo đột phá trong quản lý. Chính vì vậy cần nâng cao kiến thức về KTQT cho các doanh nghiệp và nhân viên kế toán.

3. Một số kiến nghị

Từ các kết quả đánh giá thực trạng KTQT chi phí tại doanh nghiệpchế biến thủy sản Việt Nam, để vận dụng một cách hiệu quả KTQT chi phí trong các doanh nghiệpchế biến thủy sảnViệt Nam cần thực hiện những nội dung sau:

Thứ nhất, khâu lập dự toán, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cần chú trọng xây dựng các dự toán chi phí, dự toán giá thành sản phẩm. Nhằm hỗ trợ nhà quản trị lựa chọn các đưa ra các quyết định tốt nhất ở các quy mô sản xuất khác nhau thì cần ứng dụng phương pháp lập dự toán chi phí linh hoạt, ứng dụng lập dự toán theo phương pháp trực tiếp để dự toán chính xác lợi nhuận, quyết định lựa chọn mặt hàng sản xuất, kết cấu các mặt hàng nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Thứ hai, các doanh nghiệpứng dụng phương pháp tính giá trực tiếp trong việc tính giá thành các sản phẩm thủy sản, từ đó có hướng kiểm soát tốt các chi phí không góp phần tạo ra lợi nhuận qua việc lập các báo cáo chi phí và công tác phân tích chi phí. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ứng dụng các phương pháp tính giá hiện đại như phương pháp ABC, phương pháp tính giá mục tiêu,… trong tính giá các sản phẩm thủy sản phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp chế biến thủy sản để kiểm soát chi phí tốt hơn và ra quyết định phù hợp của các nhà quản trị.

Thứ ba, cần có cơ chế và phương pháp định giá thích hợp, vừa phù hợp với thị trường; đồng thời, đảm bảo doanh nghiệp có lãi và có khả năng cạnh tranh cao vì đối với các sản phẩm thủy sản Việt Nam chi phí nguyên liệu chiếm tới hơn 80% giá thành và giá cả biến động theo mùa vụ, thời tiết và tình hình thị trường.

Thứ tư, tổ chức hệ thống báo cáo KTQT chi phí bao gồm: Báo cáo chi phí và giá thành, Báo cáo tình hình sử dụng nguyên liệu, Báo cáo kết quả kinh doanh theo từng mặt hàng, báo cáo đánh giá thành quả theo từng trung tâm chi phí (Phân xưởng sản xuất, bộ phận quản lý,..) gắn với trách nhiệm từng cấp quản lý, đặc biệt chú trọng cấp phân xưởng sản xuất. Doanh nghiệp ứng dụng phương pháp trực tiếp để lập báo cáo kết quả kinh doanh bộ phận nhằm xác định mức đóng góp của từng bộ phận vào việc tạo ra lợi nhuận chung toàn doanh nghiệp.

Thứ năm, các doanh nghiệp ra quyết định mở rộng hay thu hẹp qui mô từng mặt hàng, hoặc cơ cấu mặt hàng sản xuất nhằm tối đa hóa lợi nhuận thông qua xác định các nội dung phân tích thông tin chi phí, phục vụ cho việc ra các quyết định ngắn hạn của các cấp quản lý cấp trung và cấp thấp (Phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận, phân tích mức biến động chi phí so với dự toán, phân tích báo cáo kết quả kinh doanh bộ phận, phân tích mức đóng góp lợi nhuận từng mặt hàng). Đồng thời, ứng dụng các kỹ thuật phân tích thông tin chi phí, đánh giá và lựa chọn các quyết định đầu tư dài hạn.

Thứ sáu, lựa chọn và ứng dụng các mô hình KTQT chi phí hiện đại, phù hợp với từng doanh nghiệp chế biến thủy sản, nhằm kiểm soát chi phí và đảm bảo chất lướng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường như: phương pháp quản trị hàng tồn kho kịp thời, phương pháp quản trị chất lượng toàn diện, phương pháp thẻ điểm cân bằng hay phương pháp phân tích chuỗi giá trị,… Việc lựa chọn phương pháp nào, còn tuỳ thuộc vào điều kiện và khả năng của từng doanh nghiệp. Đồng thời, cần có sự cam kết thống nhất toàn doanh nghiệp, trong việc triển khai vận dụng các công cụ này.

Ngoài ra, theo phần lớn các ý kiến của doanh nghiệp, những nguyên nhân dẫn đến việc khó khăn khi vận dụng các nội dung KTQT chi phí tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản vì trình độ kế toán còn thấp, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin chưa cao, các nhà quản trị chưa nhận thức được tính hữu ích của KTQT chi phí đối với hoạt động quản lý. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ của kế toán về lĩnh vực KTQT thông qua các chương trình đào tạo, bỗi dưỡng. Mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực KTQT, khai thác các phần mềm ứng dụng phân tích và xử lý các thông tin chi phí một cách nhanh và chính xác, kịp thời, phục vụ nhu cầu của các nhà quản trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Văn Thuận (2004). Quản trị tài chính, Nhà xuất bản Thống kê.

2. Đào Đình Thi (2015). Nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 12/2015.

COST MANAGEMENT ACCOUNTING IN VIETNAMESE SEAFOOD PROCESSING ENTERPRISES

Master. TRAN THI PHUONG THAO

Academy of Finance

ABSTRACT:

Management accounting is a scientific management tools to control the operation of enterprises. This tool helps managers to plan and control activities of enterprises effectively. Despite its important role, the management accounting has yet applied widely in Vietnamese enterprises, especially in the seafood processing industry. This study analyzes and assesses the current status of applying cost management accounting in seafood processing enterprises, thereby building the fundamental contents of cost management accounting for seafood processing enterprises.

Keywords: Management accounting, seafood processing enterprises, Vietnam.