Kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

TS. HÀ THỊ THÚY VÂN (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Kế toán quản trị môi trường đã được thế giới thừa nhận là một giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp đạt tới hoạt động kinh doanh bền vững, nghĩa là vừa đạt được lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. tuy nhiên, việc tìm hiểu và từng bước áp dụng kế toán quản trị môi trường trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. bài viết này góp phần làm rõ vai trò và thực trạng áp dụng kế toán của kế toán quản trị môi trường trong các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đưa ra những quan điểm và giải pháp áp dụng rộng rãi kế toán quản trị môi trường trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ khóa: kế toán quản trị môi trường, doanh nghiệp, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong lĩnh vực kế toán môi trường, hiện chưa có những hướng dẫn tổng quát đến cụ thể cho việc áp dụng kế toán môi trường trong doanh nghiệp như việc làm thế nào để nhận diện, thu thập, ghi nhận thông tin, lập báo cáo chi phí, lợi ích môi trường… Vì vậy, chế độ kế toán hiện hành trong đó có vấn đề kế toán môi trường cần được nghiên cứu và xây dựng để làm cơ sở cho ứng dụng trong thực tế

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung vào hệ thống kế toán tài chính chứ chưa nhận thức được khả năng hỗ trợ của kế toán quản trị môi trường trong việc xây dựng hệ thống thông tin kế toán hữu hiệu cho kinh doanh. Rõ ràng đây là một vấn đề được doanh nghiệp quan tâm và cần thiết bổ sung để kế toán thực sự trở thành công cụ quản lý hiệu quả. Điều đó đặt ra vấn đề phải đánh giá đúng thực trạng kế toán quản trị môi trường trong các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đưa ra những giải pháp ứng dụng kế toán quản trị môi trường trong các doanh nghiệp Việt Nam.

2. Lịch sử ra đời và phát triển của kế toán môi trường

Các nghiên cứu về kế toán môi trường bắt đầu xuất hiện trong nửa cuối của thế kỷ 20. Theo Todea et al (2010), sự phát triển của kế toán môi trường có thể chia thành các giai đoạn:

Giai đoạn 1971 - 1987: Đây là giai đoạn mà các nghiên cứu về kế toán môi trường bắt đầu được quan tâm. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các nghiên cứu lý thuyết đầu tiên chưa tách biệt hai lĩnh vực kế toán môi trường và kế toán xã hội. Sau đó, vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20, các nghiên cứu bắt đầu phân biệt kế toán xã hội và kế toán môi trường, gia tăng các nghiên cứu về báo cáo môi trường so sánh với báo cáo xã hội. Cũng trong giai đoạn này, bắt đầu xuất hiện sách kế toán viết về khía cạnh xã hội và môi trường, tuy nhiên kiểm toán môi trường và kế toán quản trị môi trường chưa được tách biệt. Các xuất bản về kế toán môi trường cũng như các quy định của Luật pháp về môi trường rất ít.

Giai đoạn 1988 - 1994: Vấn đề kế toán môi trường trở thành chủ đề được bàn luận khá nhiều. Điều này xuất phát từ việc gia tăng chú ý của xã hội về môi trường nhằm để phát triển bền vững. Các nhà quản trị và cả các kế toán viên bắt đầu quan tâm đến vấn đề kế toán môi trường. Đã có một số sách và bài báo về kế toán môi trường, tuy nhiên các luật lệ về kế toán môi trường phát triển khá chậm, nhưng nhanh hơn nhiều so với kế toán xã hội.

Giai đoạn 1995 - 2001: Kế toán môi trường ở cả mặt lý thuyết và thực hành bắt đầu phát triển nhanh chóng, đặc biệt ở các nước phát triển. Số lượng nghiên cứu trong giai đoạn này tăng, giai đoạn này có thể gọi là “thời kỳ nền tảng” của kế toán môi trường. Những thành phần của kế toán môi trường như kế toán chi phí môi trường, kế toán quản trị môi trường và kiểm toán môi trường bắt đầu phát triển. Các nghiên cứu về kế toán môi trường bắt đầu giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực này, số lượng các nghiên cứu gia tăng đáng kể. Mục tiêu chính là hướng tới xây dựng chuẩn mực về quản trị môi trường và kiểm toán môi trường.

Giai đoạn từ 2002 đến nay: Kế toán môi trường được nghiên cứu mở rộng sang các nước đang phát triển. Các tác giả đóng góp tiêu biểu cho lĩnh vực nghiên cứu này như là: C. Deegan, ODonovan, Freedman và Stagliano, Cormier, Mobus, Gray, Chatterger, Aerts và Cornier.

Kế toán quản trị môi trường đã trở thành một đề tài ngày càng phổ biến đối với các tổ chức quốc tế như Ủy ban Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNDSD), Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), Viện Kế toán viên công chứng Canada (CICA), Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) 2005 tài liệu hướng dẫn, Kế toán quản trị môi trường, New York; Ủy ban Liên hiệp quốc về phát triển bền vững, Noellette Conway-Schempf, Hạch toán chi phí đầy đủ, Kết hợp chi phí xã hội và chi phí môi trường vào hệ thống hạch toán truyền thống, Đại học Carnegie Mellon, Pittsburgh; Christian Herzig và Tobias Viere, Dự án EMA-SEA thử nghiệm tại Công ty Intex, Trung tâm quản lý bền vững (CSM), Đại học Lueneburg Đức đã công bố các báo cáo khác nhau và phát hành khuyến nghị, hướng dẫn. Kế toán quản trị môi trường được nghiên cứu đa dạng cả về phương pháp luận cũng như khía cạnh nghiên cứu (ví dụ như kế toán khí carbon, kế toán chi phí dòng chảy nguyên liệu, thẩm định đầu tư về môi trường), do vậy kế toán quản trị môi trường đã là một vấn đề tương đối phổ biến trong hai thập kỷ qua trên thế giới.

Qua nghiên cứu và tìm hiểu thực tế, ở Việt Nam đã ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005 nhưng chưa ban hành chế độ kế toán có liên quan đến việc kế toán môi trường trong doanh nghiệp. Việc nghiên cứu, triển khai áp dụng kế toán quản trị môi trường vào Việt Nam đặc biệt mới mẻ và đang đi những bước khởi đầu. Do vậy, số lượng công trình nghiên cứu trong nước về vấn đề này còn rất hạn chế. Một số công trình nghiên cứu về kế toán môi trường đã được công bố như sau:

Điển hình là bài viết của Lê Kim Ngọc (2013) đã nghiên cứu hướng dẫn kế toán môi trường của Nhật Bản và đưa ra những giải pháp để áp dụng vào Việt Nam. Theo đó, chi phí môi trường được nhận diện thành bốn loại: chi phí môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí môi trường trước và sau quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí quản lý môi trường, chi phí cho các hoạt động xã hội về môi trường. Từ đó, tác giả cũng đề xuất hai mẫu báo cáo kế toán môi trường trong các doanh nghiệp Việt Nam là báo cáo về chi phí môi trường của doanh nghiệp và báo cáo lợi ích môi trường. Tác giả Trọng Dương (2009) lại căn cứ vào cuốn sách “Các nguyên tắc và trình tự kế toán quản lý môi trường” của Ủy ban Phát triển bền vững Liên hiệp quốc (UNSND) để đưa ra những đề xuất áp dụng tại Việt Nam. Bài báo đưa ra có bốn loại chi phí liên quan đến môi trường: Chi phí xử lý chất thải, phòng ngừa và quản lý môi trường, giá trị thu mua các phế thải (giá trị phế thải được xác định theo giá trị thu mua) và chi phí xử lý phế thải. Bên cạnh việc nhận diện các loại chi phí môi trường phát sinh, bài báo cũng chỉ ra các khoản thu nhập liên quan đến môi trường bao gồm tiền trợ cấp và tiền thưởng, các khoản thu nhập khác từ việc bán phế liệu,...

3. Thực trạng kế toán quản trị môi trường trong các doanh nghiệp Việt Nam

Qua thực tế nghiên cứu và khảo sát số liệu trong giai đoạn năm 2011 - 2016 trong phạm vi cả nước hiện nay có 50 doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng kế toán môi trường vào trong doanh nghiệp như các công ty sản xuất xi măng, công ty sản xuất hàng may mặc và qua khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp có thể nhận thấy rằng:

Thứ nhất: Về tổ chức thu thập thông tin chi phí, lợi ích môi trường

Các doanh nghiệp đều sử dụng mô hình truyền thống trong thu thập thông tin về chi phí, lợi ích môi trường. Các thông tin này chủ yếu được thể hiện dưới hình thức tiền tệ. Các chi phí môi trường theo quan niệm của doanh nghiệp thường cho rằng chi phí môi trường là nhỏ, không đáng kể. Một số khoản mục chi phí liên quan đến yếu tố môi trường dễ nhận thấy thì được các công ty kế toán vào một khoản mục riêng, còn các chi phí môi trường khác thường bị ẩn đi hoặc tính gộp vào chi phí sản xuất chung hay chi phí quản lý doanh nghiệp. Các chi phí này thường được phân bổ cho các sản phẩm, dịch vụ hoàn thành trong kỳ theo khối lượng sản xuất thực tế hoàn thành. Phương pháp sử dụng để phân bổ chi phí là phương pháp truyền thống với một tiêu thức phân bổ duy nhất thường là chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nguyên vật liệu chính hoặc chi phí nhân công.

Thứ hai: Về nhận diện chi phí, lợi ích môi trường

Hướng dẫn của chế độ kế toán hiện hành quy định các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện phân loại chi phí, lợi ích của hoạt động kinh doanh theo yêu cầu quản lý của kế toán tài chính. Phần lớn các doanh nghiệp tiến hành phân loại chi phí theo hai cách phổ biến là phân loại chi phí theo các yếu tố chi phí hoặc phân loại chi phí theo khoản mục tính giá thành.

Như vậy, các doanh nghiệp thường không tổ chức theo dõi riêng nội dung chi phí môi trường. Theo quan điểm của các doanh nghiệp này thường cho rằng không nhất thiết phải tách chi phí môi trường riêng khỏi chi phí sản xuất kinh doanh vì những chi phí đó là để phục vụ cho chính hoạt động sản xuất và quản lý của doanh nghiệp. Vì vậy, các chi phí môi trường có thực tế phát sinh thường được phân loại vào một trong các khoản mục chi phí nêu trên như chi phí sản xuất chung, chi phí quản lý doanh nghiệp (theo cách phân loại chi phí theo khoản mục tính giá thành), là chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí dịch vụ mua ngoài hoặc chi phí khác bằng tiền (theo cách phân loại chi phí theo yếu tố).

Về lợi ích môi trường, các doanh nghiệp thường coi là không đáng kể và không tiến hành kế toán riêng. Một số khoản lợi ích nhỏ từ môi trường có thể được ghi nhận là tiền thu từ bán phế phẩm của hoạt động sản xuất kinh doanh

Thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang thực hiện phân loại chi phí môi trường như sau:

- Chi phí xử lý chất thải bao gồm chi phí khấu hao, bảo dưỡng, vận hành các hệ thống xử lý chất thải; chi phí trả lương cho công nhân vệ sinh; lương, nhiên liệu cấp cho đội xe xử lý bụi, chi phí vật tư hoạt động xử lý chất thải, các khoản phí, lệ phí liên quan đến môi trường.

- Chi phí ngăn ngừa và quản lý môi trường bao gồm chi phí dịch vụ bên ngoài; chi phí nhân sự của ban KCS; chi phí quan trắc môi trường định kỳ hàng năm; chi phí chăm sóc, trồng cây xanh làm đẹp cảnh quan; chi phí trang bị bảo hộ lao động…

- Chi phí phân bổ cho chất thải

- Chi phí tái chế

Lấy ví dụ về các loại chi phí môi trường cho từng loại sản phẩm tại một doanh nghiệp như sau (Bảng 1).

Thứ ba: Về nhận thức của các cấp quản lý về vấn đề bảo vệ môi trường và kế toán môi trường

Trong quá trình phát triển, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xác định được đúng hướng đi, sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng sự tin cậy của khách hàng về chất lượng, từng bước nâng cao tiêu chí thân thiện với môi trường và người sử dụng. Nhiều doanh nghiệp đã đề ra và thực thi các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm như trang bị hệ thống hút bụi công suất lớn, coi trọng công tác vệ sinh công nghiệp trong và ngoài khu vực sản xuất. Đối với các loại chất thải rắn, các doanh nghiệp thường hợp đồng với công ty môi trường đô thị thu gom hàng ngày, tránh tình trạng gây ô nhiễm. Đối với nước thải, các doanh nghiệp thường đầu tư trang bị hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn tổ chức trồng và quy hoạch vành đai cây xanh góp phần làm trong sạch môi trường. Như vậy có thể nói các doanh nghiệp đã và đang có những sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường bằng việc đầu tư máy móc, trang thiết bị xử lý ô nhiễm, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội cao.

Tuy nhiên, trong công tác kế toán, phần lớn các doanh nghiệp lại chưa có sự quan tâm, theo dõi một cách đúng mức. Hầu hết các doanh nghiệp không bố trí cán bộ kế toán chuyên trách để tính toán các khoản chi phí, lợi ích môi trường và vẫn duy trì hệ thống kế toán truyền thống, chưa tích hợp các thông tin của kế toán môi trường vào hệ thống kế toán chung.

4. Giải pháp áp dụng kế toán quản trị môi trường trong các doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, xây dựng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hiểu biết về tầm quan trọng của kế toán quản trị môi trường trong doanh nghiệp

Trong bối cảnh hiện nay khi mà ý thức về môi trường của người tiêu dùng đã được nâng cao cùng với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành, nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm và chú trọng vào những lợi ích trong ngắn hạn, đồng thời đưa ra những chính sách và hành động có ảnh hưởng xấu đến môi trường thì hậu quả sẽ không chỉ là những hình phạt từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mà nghiêm trọng hơn là sự tẩy chay của người tiêu dùng. Chính vì vậy các doanh nghiệp cần thay đổi quan niệm là quan tâm đến môi trường không chỉ là vấn đề đạo đức mà những thiệt hại môi trường do doanh nghiệp gây ra sẽ trở thành những thiệt hại kinh tế cho chính bản thân doanh nghiệp. Như vậy để làm được những điều đó, bảo vệ môi trường cần bắt đầu bằng việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các nhà quản trị doanh nghiệp và đội ngũ những người lao động trong các doanh nghiệp.

Thứ hai, xây dựng quy trình từng bước áp dụng kế toán quản trị môi trường trong doanh nghiệp

Để từng bước áp dụng kế toán quản trị môi trường trong thực tế, các doanh nghiệp cần tiến hành xây dựng quy trình gồm các bước cần tiến hành khi thực hiện một hệ thống kế toán quản trị môi trường. Quy trình thực hiện có thể bao gồm các bước cụ thể như sau (Bảng 2).


Thứ ba, nhận diện đúng và đủ các khoản chi phí, lợi ích môi trường trên cơ sở nắm chắc đặc điểm tổ chức hoạt động sản xuất, quy trình công nghệ của doanh nghiệp

Như đã nhận định ở trên, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay mới chỉ nhận diện được các chi phí môi trường trực tiếp, trong khi đó chỉ là một phần nhỏ trong tổng chi phí môi trường mà doanh nghiệp có thể phải gánh chịu. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và hiểu biết đầy đủ về cách thức tổ chức hoạt động sản xuất, quy trình công nghệ của doanh nghiệp sẽ giúp xác định đúng và đủ các chi phí, lợi ích môi trường thực tế phát sinh. Theo quy trình đề xuất ở trên, các doanh nghiệp có thể đối chiếu thực tế tại đơn vị mình và lập bảng tổng hợp các khoản chi phí, lợi ích môi trường của doanh nghiệp gây tác động đến từng loại môi trường theo bảng chi phí và lợi ích môi trường của doanh nghiệp như Bảng 3


Thiết lập bảng này giúp doanh nghiệp xác định toàn diện các khoản chi phí, lợi ích môi trường tác động đến từng loại môi trường như không khí, nước thải, chất thải, cảnh quan môi trường và các dạng môi trường khác. Việc nhận diện chủ yếu được thực hiện bằng thước đo tiền tệ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thu thập thông tin sau này.

Thứ tư, cụ thể hóa phương pháp thu thập thông tin chi phí, lợi ích liên quan đến môi trường

Chi phí, lợi ích môi trường phát sinh trong doanh nghiệp nhưng thường không được theo dõi và kế toán riêng mà được ẩn trong các khoản mục khác. Chính việc đơn giản hóa quá trình ghi nhận thông tin làm cho ý nghĩa của các khoản chi phí, lợi ích môi trường không được làm rõ, thông tin không đầy đủ nên chưa có tác dụng hỗ trợ các nhà quản trị trong việc ra quyết định, trong đó có các quyết định liên quan đến việc đề ra những biện pháp cụ thể làm giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường tức là làm giảm chi phí cho môi trường. Với nội dung của các khoản chi phí, lợi ích môi trường rất đa dạng như trên, tác giả đề xuất bổ sung thêm tài khoản chi phí môi trường để phản ảnh riêng nội dung chi phí môi trường phát sinh trong doanh nghiệp. Như vậy, chi phí môi trường được tách ra từ chi phí sản xuất chung và chi phí quản lý doanh nghiệp. Chi phí môi trường trở thành một nội dung riêng trong giá thành sản xuất sản phẩm và giá thành sản xuất sản phẩm được xác định bằng chi phí sản xuất cộng chi phí môi trường.

5. Kết luận

Có thể nói, trong tương lai không xa, doanh nghiệp có chỉ số cạnh tranh cao nhất chính là doanh nghiệp đạt được yêu cầu về kinh doanh bền vững, nghĩa là đảm bảo cân bằng ba yếu tố: kinh tế, môi trường và trách nhiệm xã hội. Như vậy, với phương pháp luận tiếp cận có hệ thống của kế toán quản trị môi trường và những lợi ích mà nó mang lại, rõ ràng đây là một bộ công cụ rất hữu hiệu để hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được yêu cầu này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kỷ yếu hội thảo khoa học (2014), Kế toán quản trị trong môi trường kinh doanh hiện nay, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

2. Environmetal Management Accounting Workbook (Tokyo: Japanese Ministry of Economy, Trade and Industry, 2002).

3. International Federation of Accountants IFAC (2005), Environmental management accounting, International guildance document, New York.

4. Ministry of Environment (2005), Environmental Accounting Guildelines, Tokyo, Japan.

5. Bộ Tài chính (2014), Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về việc ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp, Hà Nội.

IMPLEMENTING ENVIRONMENTAL MANAGEMENT ACCOUNTING IN VIETNAMESE ENTERPRISE: CURRENT STATUS AND SOLUTIONS

Ph.D. HA THI THUY VAN

Vietnam Commercial University

ABSTRACT:

Environmental management accounting is largely considered as an effective tool for enterprises to develop business substantially or achieve both economic and environmental benefits. However, the implementation of environmental management accounting in Vietnamese enterprises still faces with difficulties. This study identifies and analyses the role of environmental management accounting in Vietnamese enterprises. Hence, the study proposes solutions to promote the implementation of environmental management accounting in Vietnam.

Keywords: Environmental management accounting, enterprise, Vietnam.