Kế toán tài sản cố định hữu hình sau ghi nhận ban đầu theo mô hình đánh giá lại trong kế toán quốc tế và bài học kinh nghiệm cho kế toán Việt Nam

ThS. PHẠM THU HUYỀN (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)

TÓM TẮT:

Đánh giá tài sản cố định (TSCĐ) là việc sử dụng giả định thước đo tiền tệ trong kế toán nhằm xác định giá trị ghi sổ của TSCĐ phục vụ hạch toán và quản lý. Đánh giá  TSCĐ trong doanh nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc và giả định kế toán. Việc áp dụng các mô hình đánh giá sau ghi nhận ban đầu khác nhau thường sẽ có ảnh hưởng trọng yếu đến các thông tin tài chính được cung cấp trên các báo cáo tài chính. Bài viết nghiên cứu kế toán TSCĐ hữu hình sau ghi nhận ban đầu theo mô hình đánh giá lại trong kế toán quốc tế và bài học kinh nghiệm cho kế toán Việt Nam.

Từ khóa: Mô hình đánh giá lại, giá trị hợp lý, tài sản cố định.

1. Mô hình đánh giá lại tài sản

Theo mô hình đánh giá lại, tài sản được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, khi lập Báo cáo tài chính, tài sản được đánh giá theo giá đánh giá lại. Giá đánh giá lại là giá trị hợp lý của tài sản tại thời điểm đánh giá trừ khấu hao lũy kế và các khoản giảm giá (nếu có).

Theo IAS 16 sau ghi nhận, một bất động sản, nhà xưởng hay thiết bị nếu có thể xác định được giá trị hợp lý của nó một cách đáng tin cậy thì giá trị của nó có thể được ghi nhận theo giá đánh giá lại. Giá đánh giá lại bằng giá trị hợp lý tại thời điểm đánh giá lại trừ đi bất kỳ khoản khấu hao lũy kế nào sau ngày đánh giá lại và trừ đi bất kỳ khoản lỗ do giảm giá trị tài sản nào sau ngày đánh giá lại.

Giá trị còn lại = Giá trị hợp lý tại thời điểm đánh giá lại - Khấu hao lũy kế - Tổn thất lũy kế do tài sản giảm giá trị.

Giá trị hợp lý được hiểu là mức giá mà một tài sản có thể được trao đổi giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong một giao dịch ngang giá. Giá trị hợp lý của đất đai và nhà cửa thường được xác định theo những chứng cứ có cơ sở thị trường được hình thành từ những đánh giá được thực bởi những nhà đánh giá chuyên nghiệp. Giá trị của nhà xưởng và thiết bị thường là giá trị thị trường của chúng. Các chuẩn mực kế toán cũng đã đưa ra một hệ thống thang áp dụng giá trị hợp lý trong đó có 3 cấp độ theo mức độ sẵn có để xác định giá trị, trong đó cao nhất là có giá tham chiếu trên thị trường hoạt động và thấp nhất là hoàn toàn chỉ có thông tin nội bộ doanh nghiệp.

Theo Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), việc xác định giá trị hợp lý dựa trên 3 quan điểm: Quan điểm thị trường (Giá trị hợp lý được xác định dựa trên giá cả thị trường quan sát được và các thông tin về các giao dịch thực tế trên thị trường); Quan điểm thu nhập (sử dụng các phương pháp kỹ thuật sẽ được áp dụng để quy đổi các khoản tiền trong tương lai về giá trị hiện tại; Quan điểm giá phí (Giá trị hợp lý bao gồm các chi phí phải bỏ ra để có được một tài sản thay thế tương đương về năng lực sản xuất).

Như vậy, theo quy định của các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế hiện hành, giá trị hợp lý được vận dụng trong đánh giá và ghi nhận các yếu tố của Báo cáo tài chính là khá phổ biến.

Tần suất của việc đánh giá lại phụ thuộc vào sự thay đổi trong giá trị hợp lý của tài sản được đánh giá lại. Khi giá trị hợp lý của một tài sản được đánh giá lại khác biệt lớn với giá trị còn lại của nó thì cần có thêm một lần đánh giá lại nữa. Một vài TSCĐ có thể có sự biến động lớn và thất thường trong giá trị hợp lý, do đó cần thiết phải đánh giá lại giá trị của các tài sản này hàng năm.

Khi một tài sản được đánh giá lại, bất kỳ khoản khấu hao lũy kế tồn tại tại thời điểm đánh giá lại được xử lý theo một trong hai cách sau:

- Tăng hoặc giảm một cách tương ứng với sự thay đổi của nguyên giá tài sản để giá trị còn lại của tài sản sau khi đánh giá lại bằng với giá đánh giá lại. Phương pháp này thường được sử dụng khi một tài sản được đánh giá lại bằng cách áp dụng một chỉ số để quyết định giá trị thay mới đã chiết khấu của tài sản.

- Lấy nguyên giá cũ trừ đi khoản khấu hao lũy kế này để ra giá trị ghi sổ của tài sản trước thời điểm đánh giá lại rồi ghi tăng hoặc giảm giá trị còn lại này của tài sản để đưa giá trị còn lại này về giá đánh giá lại. Phương pháp này thường được sử dụng cho các bất động sản.

Ưu điểm của mô hình đánh giá lại là phản ánh một cách chính xác giá trị còn lại của tài sản. Nhược điểm của phương pháp này là việc xác định giá trị của tài sản tương đương với tài sản hiện có của doanh nghiệp là không hề đơn giản, hơn nữa còn tạo ra sự biến động liên tục số liệu về TSCĐ hữu hình có thể gây khó khăn cho công tác quản lý và kế toán. Thêm vào đó, việc đánh giá lại chỉ có thể thực hiện khi doanh nghiệp có thể thu thập được các thông tin thị trường đáng tin cậy về giá trị của tài sản. Việc thu thập thông tin này chỉ dễ dàng ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển và có các công ty định giá chuyên nghiệp. Vì thế, phương pháp này thường được sử dụng kết hợp với phương pháp giá gốc và đặc biệt có tác dụng trong các trường hợp góp vốn, nhận vốn góp bằng TSCĐ hữu hình, sát nhập, giải thể hay thay đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp.

2. Kế toán đánh giá lại TSCĐ hữu hình sau ghi nhận ban đầu theo mô hình đánh giá lại

Trường hợp 1: Đánh giá tăng TSCĐ hữu hình

Khi đánh giá lại làm tăng giá trị ghi sổ của tài sản thì phần chênh lệch do đánh giá tăng sẽ được ghi nhận trong thu nhập toàn diện khác và được lũy kế trong vốn sở hữu ở phần thặng dư đánh giá lại tài sản.

+ Nếu điều chỉnh khấu hao lũy kế tỷ lệ với nguyên giá gộp sau đánh giá của TSCĐ hữu hình để giá trị còn lại của TSCĐ sau đánh giá bằng với giá đánh giá lại, kế toán ghi nhận:

Nợ TK TSCĐ hữu hình: Chênh lệch điều chỉnh tăng nguyên giá

Có TK hao mòn TSCĐ hữu hình: Chênh lệch điều chỉnh tăng hao mòn lũy kế

Có TK chênh lệch đánh giá lại tài sản: Chênh lệch do điều chỉnh tăng

+ Nếu khấu hao lũy kế được trừ vào nguyên giá gộp của TSCĐ và giá trị thuần được báo cáo bằng với giá đánh giá lại của TSCĐ. Khi đó kế toán ghi nhận:

Nợ TK TSCĐ hữu hình: Chênh lệch nguyên giá gộp đánh giá tăng

Nợ TK hao mòn TSCĐ hữu hình: Số hao mòn lũy kế

Có TK chênh lệch đánh giá lại tài sản: Chênh lệch đánh giá tăng TSCĐ

Ví dụ 1: Giả sử đầu năm 2012, Công ty Minh Anh mua một TSCĐ hữu hình có trị giá 12 tỷ đồng, thời gian sử dụng 20 năm, Công ty khấu hao theo phương pháp đường thẳng. Cuối năm 2013, Công ty đánh giá lại TSCĐ này có nguyên giá gộp (bao gồm cả khấu hao lũy kế) là 13,2 tỷ đồng, giá trị còn lại là 10,56 tỷ đồng, thời gian sử dụng không thay đổi so với ban đầu (thời gian sử dụng còn lại sau đánh giá lại là 18 năm). Công ty điều chỉnh khấu hao lũy kế tỷ lệ với nguyên giá gộp sau đánh giá của TSCĐ để tính giá trị còn lại của TSCĐ.

Khấu hao lũy kế của TSCĐ trước khi đánh giá: 2 x 12 / 20 = 1,2 tỷ đồng

Giá trị còn lại của căn trước khi đánh giá: 12 tỷ - 1,2 tỷ = 10,8 tỷ đồng.

Mức điều chỉnh tăng nguyên giá gộp của tài sản là 10% [(13,2 - 12)/12 = 10%] nên khấu hao lũy kế được điều chỉnh tăng 10%.

Khấu hao lũy kế sau đánh giá lại là 1,2 x (1 + 10%) = 1,32 tỷ đồng.

Giá trị còn lại sau đánh giá lại: 13,2 – 1,32 = 11,88 tỷ đồng

Chênh lệch điều chỉnh tăng nguyên giá TSCĐ: 13,2 tỷ – 12 tỷ = 1,2 tỷ đồng

Chênh lệch điều chỉnh tăng hao mòn lũy kế TSCĐ: 1,32 tỷ - 1,2 tỷ = 0,12 tỷ đồng.

Chênh lệch đánh giá lại TSCĐ: 11,88 tỷ - 10,8 tỷ = 1,08 tỷ đồng

Kế toán ghi nhận như sau:

Nợ TK tài sản cố định hữu hình 1,2 tỷ đồng

Có TK hao mòn TSCĐ hữu hình 0,12 tỷ đồng

Có TK chênh lệch đánh giá lại TSCĐ 1,08 tỷ đồng

Sau bút toán này, nguyên giá mới của TSCĐ là 12 –1,2 + 1,08 = 11,88 tỷ đồng, khấu hao lũy kế bằng 0, giá trị còn lại là 11,80 tỷ đồng. Sau khi đánh giá lại, mức khấu hao hàng năm là 11,88/18 = 0,66 tỷ đồng. Hằng năm trích khấu hao công ty ghi:

Nợ TK chi phí khấu hao TSCĐ 0,66 tỷ đồng

Có TK hao mòn TSCĐ hữu hình 0,66 tỷ đồng

So với mức khấu hao cũ, mức khấu hao hàng năm sau đánh giá lại tăng 0,66 tỷ - 0,6 tỷ = 0,06 tỷ đồng. Sự gia tăng về mức khấu hao này công ty có thể hạch toán tăng lợi nhuận chưa phân phối, giảm chênh lệch đánh giá lại tài sản:

Nợ TK chênh lệch đánh giá lại tài sản 0,06 tỷ đồng

Có TK lợi nhuận chưa phân phối 0,06 tỷ đồng

Trường hợp chính tài sản này trước đó đã được đánh giá giảm mà số chênh lệch giảm đó được ghi vào chi phí thì chênh lệch do đánh gia tăng lần này cần được bù trừ với chi phí phát sinh từ chêch lệch do đánh giá giảm trước đó. Phần chênh lệch do đánh giá tăng mà vượt quá số có thể bù trừ với phần chênh lệch do đánh giá giảm đã được ghi nhận là chi phí sẽ được ghi nhận là thu nhập trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Kế toán ghi nhận như sau:

Nợ TK hao mòn TSCĐ: Phần chênh lệch được ghi vào báo cáo lỗ lãi chưa hoàn nhập

Nợ TK TSCĐ hữu hình: Chênh lệch đánh giá tăng còn lại

Có TK lỗ do đánh giá lại TSCĐ (nếu có)

Có TK chênh lệch đánh giá lại TSCĐ

Trường hợp 2: Đánh giá giảm TSCĐ hữu hình

Khi đánh giá lại làm giảm giá trị ghi sổ của tài sản thì phần chênh lệch do đánh giá giảm đó sẽ được ghi nhận là chi phí trong báo cáo kết quả kinh doanh. Kế toán ghi nhận như sau:

Nợ TK hao mòn TSCĐ: Hao mòn lỹ kế

Nợ TK Lỗ do đánh giá lại TSCĐ: Chênh lệch đánh giá giảm

Có TK TSCĐ hữu hình: Chênh lệch giảm nguyên giá

Tuy nhiên, nếu trước đó tài sản được đánh giá tăng và phần chênh lệch do đánh giá tăng đã được ghi nhận trong phần thặng dư đánh giá lại tài sản thì phần chênh lệch do đánh giá giảm lần này sẽ được bù trừ với với phần chênh lệch do đánh giá tăng trước đó. Phần chênh lệch do đánh giá giảm mà vượt quá số có thể ghi giảm vào khoản mục thặng dư đánh giá lại tài sản (là số hiện đang ghi nhận phần chênh lệch do đánh giá tăng của cùng tài sản) cần được ghi nhận là chi phí. Thặng dư đánh giá lại tài sản được ghi nhận trong vốn chủ sở hữu có thể được kết chuyển thẳng sang thu nhập phân phối khi tài sản bị loại bỏ ra khỏi sổ sách (bằng cách bán hay thanh lý). Tuy nhiên, một phần thặng dư có thể được kết chuyển sang lợi nhuận chưa phân phối trong quá trình sử dụng tài sản. Phần thặng dư được kết chuyển là chênh lệch giữa khấu hao trên giá trị được đánh giá lại và khấu hao trên nguyên giá trước đánh giá lại. Kế toán ghi nhận cụ thể:

Nợ TK hao mòn TSCĐ hữu hình: Hao mòn lũy kế

Nợ TK lỗ do đánh giá lại TSCĐ: Phần chênh lệch còn lại sau khi trừ số dư trên báo cáo

Nợ TK chênh lệch đánh giá lại TSCĐ: Số dư còn lại của TSCĐ trên báo cáo

Có TK TSCĐ hữu hình: Tổng chênh lệch giảm TSCĐ

Ví dụ 2: Giả sử cuối năm 2013, Công ty Minh Anh đánh giá tăng TSCĐ như ở ví dụ 1. Cuối năm 2015, Công ty Minh Anh đánh giá lại TSCĐ trên có giá trị còn lại 9,5 tỷ đồng. Giá trị còn lại của TSCĐ trước khi đánh giá lại là 11,88 – 0,66 x 2 = 10,56 tỷ đồng. Như vậy, TSCĐ được đánh giá giảm 10,56 – 9,5 = 1,06 tỷ đồng. Phần số dư chênh lệch đánh giá lại tài sản này đang được phản ánh trên tài khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản là 1,08 – 0,06 x2 =0,96 tỷ đồng. Do đó, tổng chênh lệch đánh giá lại tài sản này sau khi trừ số dư tài khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản được ghi vào báo cáo lãi lỗ là: 1,06 – 0,96 = 0,1 tỷ đồng. Nếu công ty áp dụng phương pháp xóa giá trị hao mòn lũy kế vào nguyên giá của tài sản thì bút toán hạch toán như sau:

Nợ TK hao mòn TSCĐ hữu hình 1,32 tỷ đồng

Nợ TK lỗ do đánh giá lại TSCĐ 0,1 tỷ đồng

Nợ TK chênh lệch đánh giá lại tài sản 0.96 tỷ đồng

Có TK TSCĐ hữu hình 2,38 tỷ đồng

3. Liên hệ thực tiễn sử dụng mô hình đánh giá lại sau ghi nhận ban đầu đối với TSCĐ hữu hình trong hệ thống kế toán Việt Nam

Ở Việt Nam, giá gốc được quy định là một nguyên tắc cơ bản của kế toán Việt Nam được sử dụng khi ghi nhận giá trị của các tài sản nói chung, TSCĐ nói riêng trong doanh nghiệp.

Vai trò của giá trị hợp lý còn khá mờ nhạt. Đặc biệt, TSCĐ lại có giá trị lớn, thời gian sử dụng dài, trong điều kiện nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát cao nếu ghi nhận theo nguyên tắc giá gốc sẽ làm các chỉ tiêu liên quan tới TSCĐ trên báo cáo tài chính sẽ không không thích hợp với các đối tượng sử dụng thông tin để ra quyết định kinh tế.

Hiện nay, trong phương pháp định giá các TSCĐ, kế toán Việt Nam cũng từng bước được cập nhật theo phương pháp giá trị hợp lý, kết hợp kế toán theo giá gốc và đánh giá lại phù hợp với đặc điểm của từng loại tài sản và thời điểm lập báo cáo tài chính. Cụ thể:

- Trong VAS 14, cũng đã đề cập tới giá trị hợp lý. Theo đó, giá trị hợp lý là giá trị tài sản có thể trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong trao đổi ngang giá.

- Về phương pháp xác định giá trị hợp lý, đoạn 24 của VAS 4 đã đề cập đến phương pháp xác định giá trị hợp lý của TSCĐ và Thông tư 21/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ Tài chính có hướng dẫn việc xác định giá trị hợp lý trong xác định giá phí hợp nhất kinh doanh. Năm 2015, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 126/TT/BTC hướng dẫn về thẩm định giá, trong đó có quy định khá cụ thể các phương pháp định giá và tiêu chuẩn định giá. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn chính thức và thống nhất về phương pháp xác định giá trị hợp lý trong kế toán việc áp dụng các phương pháp này như thế nào trong kế toán vẫn còn bỏ ngỏ.

- Trong hệ thống kế toán Việt Nam, TSCĐ chỉ tiến hành đánh giá lại khi có quyết định của Nhà nước về đánh giá lại tài sản, khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; và các trường hợp khác theo quy định (Như khi chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, góp vốn…). Giá trị tài sản được xác định lại trên cơ sở bảng giá Nhà nước quy định hoặc Hội đồng định giá tài sản thống nhất xác định. Chênh lệch đánh giá lại tài sản được ghi nhận vào nguồn vốn kinh doanh hoặc lỗ lãi (góp vốn).

Giá trị hợp lý đang dần khẳng định những ưu thế của mình trong định giá, việc sử dụng giá trị hợp lý được IASB, FASB ủng hộ và đang chuẩn bị những cơ sở quan trọng cho việc áp dụng rộng rãi tại các quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiến tới sử dụng giá trị hợp lý như là một cơ sở định giá chủ yếu trong kế toán cần phải có lộ trình hợp lý.

4. Định hướng sử dụng mô hình đánh giá lại sau ghi nhận ban đầu đối với TSCĐ hữu hình trong hệ thống kế toán Việt Nam

Sức ép của yêu cầu hội nhập và cả sức ép của yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chỉ ra rằng, trong một tương lai không xa, giá trị hợp lý phải là cơ sở định giá chủ yếu trong hệ thống kế toán Việt Nam nói chung, kế toán TSCĐ nói riêng. Vì vậy, việc vận dụng mô hình đánh giá lại sau ghi nhận ban đầu đối với TSCĐ hữu hình là rất cần thiết. Để thực hiện được điều này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, điều chỉnh Luật Kế toán, chuẩn mực chung (VAS 1); ban hành hướng dẫn áp dụng giá trị hợp lý, chuẩn hóa định nghĩa giá trị hợp lý, giải thích các cấp độ, phương pháp xác định giá trị hợp lý, quy định sự cân đối giữa các đặc tính chất lượng và các tiêu chuẩn đánh giá.

Trên cơ sở Luật Kế toán và VAS1, Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn áp dụng giá trị hợp lý, chuẩn hóa định nghĩa giá trị hợp lý, giải thích các cấp độ, phương pháp xác định giá trị hợp lý, quy định sự cân đối giữa các đặc tính chất lượng và các tiêu chuẩn đánh giá khi có hạn chế thông tin giữa tính thích hợp và tính đáng tin cậy, cũng như nội dung và phạm vi các thông tin cần công bố trong thuyết minh BCTC. Những hướng dẫn và giải thích này sẽ là cơ sở quan trọng để từng bước tạo lập hành lang pháp lý cho việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán, trước khi có một chuẩn mực chính thức về đo lường giá trị hợp lý trong kế toán Việt Nam, cụ thể trong kế toán TSCĐ.

Thứ hai, bổ sung, cập nhật, nội dung các chuẩn mực kế toán hiện hành có liên quan đến giá trị hợp lý nói chung, giá trị hợp lý của TSCĐ nói riêng.

Trong quá trình rà soát và điều chỉnh các chuẩn mực kế toán đã ban hành, cần bổ sung các quy định về định giá theo hướng tiếp cận các chuẩn mực kế toán quốc tế. Các quy định bổ sung cần hướng đến việc tạo lập sự thống nhất, theo đó, cần quy định trong chuẩn mực các yêu cầu trình bày thông tin về giá trị hợp lý.

Trước mắt, giá trị hợp lý nhất thiết phải được sử dụng sau ghi nhận ban đầu đối với: TSCĐ, bất động sản đầu tư, hợp nhất kinh doanh; các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư vào công ty con…, vì phản ánh theo giá gốc sẽ không phản ánh được những thay đổi của thị trường, không phản ánh được lãi - lỗ chưa thực hiện vào đúng kỳ mà nó phát sinh.

Thứ ba, ban hành chuẩn mực Đo lường giá trị hợp lý cho tài sản, cho TSCĐ trong doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần nghiên cứu ban hành chuẩn mực Đo lường giá trị hợp lý. Nội dung của các chuẩn mực được xây dựng theo hướng cập nhật chuẩn mực kế toán quốc tế, đặc biệt là phù hợp với điều kiện áp dụng giá trị hợp lý trong định giá và IFRS 13 và IAS 16. Kết quả là, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam không chỉ phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế mà còn là hệ thống chuẩn mực kế toán áp dụng giá trị hợp lý làm cơ sở định giá chủ yếu, phù hợp với thông lệ và xu hướng quốc tế.

Thứ tư, từng bước hoàn chỉnh một hệ thống thị trường hoạt động (active market); đồng bộ và minh bạch hóa hành lang pháp lý về kinh doanh. Thị trường hàng hóa và thị trường tài chính Việt Nam phải được xây dựng ngày càng hiệu quả để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các dữ liệu tham chiếu trong đo lường giá trị hợp lý.

Với những giải pháp thích hợp được thực đồng bộ, hiệu quả trong từng giai đoạn cụ thể, hy vọng trong một tương lai không xa, giá trị hợp lý sẽ trở thành cơ sở định giá chủ yếu trong hệ thống kế toán Việt Nam, đáp ứng hiệu quả yêu cầu hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính, 26 chuẩn mực kế toán , ban hành từ năm 2001 đến năm 2005.

2. Ngô Thế Chi, Trương Thị Thủy, Giáo trình các chuẩn mực kế toán quốc tế, Nhà xuất bản Tài chính, 2010.

3. Lê Vũ Ngọc Thanh, Định hướng về việc sử dụng giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán doanh nghiệp Việt Nam, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, 2005.

4. Các sách báo, tạp chí có liên quan: Tạp chí Kế toán, Tạp chí Kiểm toán, Báo điện tử, www.webketoan.com.vn,ww.gso.gov.vn,http://www.khoahockiemtoan.vn,http://www.webketoan.vn

5. Cairns, D., Massodi D., Taplin R. & Tarca A. (2011), “IFRS fair value measurement and accounting policy choice in the United Kingdom and Australia”,The British Accounting.

RECORDING VALUE OF TANGIBLE FIXED ASSETS AFTER THEIR INITIAL RECOGNITION UNDER THE REVALUATION MODEL OF INTERNATIONAL ACCOUNTING SECTOR AND LESSONS FOR VIETNAMS ACCOUNTING SECTOR

Master. PHẠM THU HUYỀN

Faculty of Accounting and Auditing, Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

The revaluation of fixed assets is a technique that using monetary measure in accounting to determine the fixed assets carrying value for recording and managing. The revaluation of fixed assets in enterprises must comply with principles and accounting assumptions. Applying different revaluation models after a fixed assets initial recognition often lead to essential impacts on financial information which is provided in financial statements. This study analyzes recording of fixed assests value after their initial recognition under the revaluation model of international accounting sector in order to draw lessons for Vietnams accounting sector.          

Keywords: Revaluation model, fair value, fixed assets.