Kết nối cung cầu, thúc đẩy thị trường tiêu dùng nội địa

Hội nghị nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng Việt; hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Vừa qua tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước” nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng Việt; hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Hội nghị hướng đến mục tiêu tạo nguồn cung hàng Việt cho hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các sản phẩm Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, tạo chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ bền vững.

Đáng chú ý, đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 do Bộ Công Thương chủ trì. Và đây cũng là hoạt động quan trọng trong việc thực hiện kích cầu tiêu dùng nội địa do Thủ tướng giao Bộ Công Thương thực hiện.

Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước

Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước
Hội nghị nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng Việt; hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt

Phát biểu khai mạc, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, nhờ tác động của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng trưởng 2 con số. Giai đoạn 2016-2019, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, dịch vụ ở mức rất cao từ 10,2%-12,7%.

Đây là những con số hết sức ấn tượng cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có sự đóng góp của các doanh nghiệp bán lẻ, của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, chuỗi cung ứng bị gián đoạn thì các nhà bán lẻ là cứu cánh, Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất kinh doanh trong nước, bà Lê Việt Nga kỳ vọng thời gian tới sẽ thúc đẩy kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo Phó Vụ trưởng, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cần tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, nông dân tham gia vào các chuỗi phân phối hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Là một doanh nghiệp đầu mối, kết nối, thu mua và điều phối hàng hóa với các nhà sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tác động MEVI cho biết, doanh nghiệp hiện đang phân phối trên 200 sản phẩm của trên 60 doanh nghiệp. Công ty đang phân phối cho gần 30 đại lý và 30 nhà phân phối ký kết hợp đồng liên kết, các cửa hàng thực phẩm và siêu thị.

Vì kinh doanh các sản phẩm thực phẩm nên tiêu chí đầu vào đầu tiên của MEVI là an toàn và minh bạch, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Tiếp đó là tạo sinh kế cho phụ nữ nông thôn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc miền núi và môi trường. Để tránh được mùa mất giá, công ty cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn các nhà sản xuất chủ động sản xuất, hay tạo ra các sản phẩm mới.

Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước

Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước

Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước
Trên 150 doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước

Tạo cầu nối cho các thành viên là cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên cả nước, Liên hiệp hợp tác xã tiêu dùng Việt Nam (VCCU) quy tụ các nhà sản xuất, phân phối hàng hóa vào trong Liên hiệp thông qua hợp đồng cung cấp, tiêu thụ để điều tiết hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch VCCU chia sẻ, hiện nay VCCU đã xây dựng hệ thống “Trung tâm hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng” tại từng xã, phường, thị trấn trên cả nước. Hàng hóa trong chuỗi VCCU từ nguyên liệu đầu vào đến hàng tiêu dùng đều được kiểm soát chất lượng thông qua tem truy xuất độc quyền, kết hợp với thanh toán bảo mật, hợp đồng tự động giúp các bên tham gia cùng theo dõi, giám sát chuỗi một cách minh bạch.

Thực tế, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn phức tạp thì việc tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, Hiệp hội mong muốn kết nối các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt để đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa nhằm hỗ trợ sản xuất cũng như để hàng hóa đến người tiêu dùng gần nhất và chất lượng tốt nhất.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Vũ Thị Hậu, việc cắt bớt các khâu trung gian sẽ giúp giá bán của sản phẩm từ các nhà bán lẻ sẽ đến người tiêu dùng thấp hơn và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có những sản phẩm đa dạng hơn, có nhiều sự lựa chọn với các sản phẩm tốt.

Trong khuôn khổ Hội nghị, lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam và Công ty An Việt; Liên hiệp hợp tác xã tiêu dùng Việt Nam (VCCU) với Hợp tác xã Sông Hồng, Công ty TNHH AP Phú Hưng, Hợp tác xã sản xuất dược liệu Phú Lương... cũng đã được diễn ra nhằm  kết nối, tạo nguồn cung hàng Việt Nam cho hệ thống phân phối.

 

Hạ Vũ