Vì sao hiếm có sóng kết quả kinh doanh quý III?

Theo quy định, các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán phải công bố báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý. Mỗi mùa báo cáo kết quả kinh doanh đều có thể giúp thị trường khởi sắc hơn vì xuất hiện thông tin hỗ trợ. Tuy nhiên lịch sử thị trường lại cho thấy rất hiếm khi có sóng vào tháng 10 hàng năm.

Ví dụ, tháng 10/2018, chỉ số VN-Index sụt giảm 10,88%; Tháng 10/2017 chỉ số tăng 5,05%; Tháng 10/2016 chỉ số giảm 1,71%; Tháng 10/2015 chỉ số tăng 6,6%; Tháng 10/2014 chỉ số giảm 1,38%; Tháng 10/2013 chỉ số tăng 0,98%; Tháng 10/2012 chỉ số giảm 1,18%; Tháng 10/2011 chỉ số giảm 1,97%; Tháng 10/2010 chỉ số giảm 0,14%.

Như vậy, trong 9 năm gần nhất, chỉ 3 năm thị trường chứng khoán có diễn biến tăng đối với chỉ số VN-Idex, còn lại 6 năm là giảm. Dĩ nhiên diễn biến thị trường còn phụ thuộc vào việc kết quả kinh doanh hàng năm trong quý 3 có tích cực hay không, nhưng việc có xác suất khá lớn thị trường không có sóng kết quả kinh doanh quý III cũng đã xảy ra.

Nguyên nhân khiến thị trường ít khi tăng vào tháng 10, thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý III xuất phát từ chính yếu tố kỳ vọng của nhà đầu tư. Trước khi có kết quả kinh doanh quý III, thị trường thường trải qua một đợt tăng tốt vào giữa năm, từ tháng 6 tới tháng 7, là thời điểm công bố báo cáo tài chính quý II hàng năm. Quý II luôn là quý quan trọng nhất trong năm, sau báo cáo cả năm, vì có yếu tố soát xét kiểm toán. Nói cách khác, số liệu lợi nhuận quý II thường chính xác nhất.

Do vậy doanh nghiệp có thông lệ là báo cáo tốt vào quý II thay vì “để dành” lợi nhuận sang quý III. Lợi nhuận doanh nghiệp có khả năng “co kéo” bằng các thủ thuật kế toán giữa các kỳ chưa được kiểm toán chính thức. Do vậy, trừ các điều kiện đặc biệt, lợi nhuận quý III hàng năm không mấy ấn tượng.

Mặt khác, trên thị trường có các thời điểm dòng vốn vận động mạnh hơn các thời điểm khác. Chẳng hạn đối với các quỹ đầu tư, việc chốt danh mục tài sản bán niên - cuối tháng 6 hàng năm - có vai trò quan trọng hơn là các quý. Do đó, dòng vốn đầu tư vào thị trường cũng mạnh hơn, dễ dẫn đến cổ phiếu tăng giá, từ đó làm kết quả đầu tư báo cáo đẹp hơn.

Đó là các diễn biến thường thấy khi thị trường trong điều kiện thông thường. Năm 2019 thị trường diễn biến khác lạ đáng kể. Quan trọng phải kể tới căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu đều trở nên khó đoán định. Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, suốt từ đầu năm 2019 đến nay, VN-Index chưa bao giờ tăng quá được khoảng 1.000 - 1015 điểm. Bất kể cả kết quả kinh doanh bán niên hay các quý riêng lẻ, thị trường đều không đủ sức tăng trưởng cao hơn.

thị truong chưng khoan quy 3
Năm 2019 thị trường chứng khoán diễn biến khác lạ đáng kể

Khi thị trường bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2019, thị trường đã ở sát ngưỡng 1.000 điểm. Vì vậy nếu thị trường có khả năng xuất hiện sóng tăng cho tháng 10 thì sẽ vượt ngưỡng kháng cự suốt 10 tháng qua. Đây là điều khó vì không chỉ liên quan đến quan niệm đầu tư, mà còn vì thực tế dòng tiền trong thị trường không đủ lớn.

Ngoài ra, những con số lợi nhuận cho quý III năm nay phần lớn là không gây ấn tượng. Điểm nổi bật vẫn là mức lãi ngàn tỷ của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên khi nhà đầu tư nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng, ngoài mức tăng đã có từ quý II, cổ phiếu ngân hàng không có chuyển biến tốt hơn. Nói cách khác, nếu giá cổ phiếu đã tăng phản ánh đủ kỳ vọng về lợi nhuận thì sẽ ít có động lực tăng cao thêm nữa khi con số chính thức được công bố.

Điểm thứ hai là báo cáo kết quả kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán, những thành viên mật thiết của thị trường, đều kém khả quan. Những công ty chứng khoán lớn như SSI, HCM... đều sụt giảm lợi nhuận đáng kể do tình trạng thị trường kém. Các công ty chứng khoán ngay từ đầu năm 2019 đã “tiên lượng” thị trường năm nay kém khả quan, VN-Index chỉ loanh quanh mốc 1.000 điểm. Khi chính các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp còn không kỳ vọng nhiều vào diễn biến thị trường thì cơ hội tăng trưởng cũng giảm đi, vì đây cũng đồng thời là các nhà đầu tư lớn.

Canh tranh đầu tư, kênh chứng khoán đang yếu thế?

Điểm nổi bật của thị trường chứng khoán năm 2019 là thanh khoản hàng ngày sụt giảm nghiêm trọng. Lấy ví dụ thống kê của chính Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, nửa đầu năm 2019, giá trị giao dịch đã giảm tới gần 30% so với cùng kỳ 2018. Với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, giá trị giao dịch 6 tháng đầu năm còn giảm tới 54%.

Điều này cũng phù hợp với lý giải của chính các công ty chứng khoán về lợi nhuận ngày càng kém đi trong năm 2019, khi nhóm doanh nghiệp này phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến thị trường để kinh doanh.

Vì sao dòng tiền trên thị trường năm 2019 lại suy yếu như vậy? Rất khó có câu trả lời trực tiếp, nhưng khi tổng nguồn vốn đầu tư vẫn là một con số tương đối ổn định thì thị trường chứng khoán kém hấp dẫn, tiền sẽ chảy sang các kênh đầu tư khác.

giao dich chung khoan
Thị trường chứng khoán Mỹ trong nửa đầu tháng 10/2019, các quỹ đầu tư cổ phiếu bị rút hơn 28 tỷ USD

Trên toàn cầu hiện tượng này khá rõ ràng: Thị trường vàng tăng bùng nổ, thị trường trái phiếu lợi suất ngày càng giảm và hầu hết chuyển sang lợi suất âm. Trước các biến động khó đoán của nền kinh tế toàn cầu, dòng tiền đầu tư đã tìm đến các tài sản an toàn. Một ví dụ cụ thể là dữ liệu thống kê của thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy trong nửa đầu tháng 10/2019, các quỹ đầu tư cổ phiếu bị rút hơn 28 tỷ USD và trong 10 tháng mức vốn tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu lên tới 103 tỷ USD. Trong khi đó kênh trái phiếu được mua ròng 327,5 tỷ USD.

Đối với thị trường Việt Nam, không có các thống kê chi tiết như vậy nhưng diễn biến giá vàng tăng đột biến chắc chắn thu hút một lượng lớn tiền đầu cơ. Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ. Báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, lũy kế 8 tháng có 534 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có 394 đợt đã phát hành của 136 doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành là 157.901 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng đã phát hành 10.303 tỷ đồng trong tháng 8, chiếm tỷ trọng 38,69%; Nhóm bất động sản và chứng khoán với tỷ lệ lần lượt là 14,16% và 2,36%. Lãi suất phát hành bình quân nhóm bất động sản cao nhất trong 3 nhóm trên với mức 10,58%. Có hơn 11.925 tỷ đồng trái phiếu do các doanh nghiệp lĩnh vực khác phát hành, lãi suất bình quân đạt 10,73%/năm.

Rõ ràng để huy động được một lượng vốn khổng lồ như vậy, dòng tiền đầu tư tổng thể của các nhà đầu tư, các tổ chức đầu tư phải cân đối lại. Lợi suất cao hơn và an toàn hơn so với mức bình quân tăng trưởng của thị trường chứng khoán là tín hiệu cho thấy sự cạnh tranh không nhỏ. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã vươn tới các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm thông qua các công ty chứng khoán, các ngân hàng thương mại.

Chính vì có sự san sẻ về dòng vốn đầu tư nên thị trường chứng khoán đang đứng trước khó khăn nhất định. Đây là rào cản mang tính nội tại chứ không nhất thiết liên quan đến việc các yếu tố cơ bản của thị trường kém hấp dẫn, hay rủi ro mang tính vĩ mô.