TÓM TẮT:

Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được xây dựng dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS) từ năm 2000 đến năm 2005, theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng và ban hành được 26 VAS.

Việc được xây dựng, dựa trên IAS là nhằm đảm bảo hệ thống VAS góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong báo cáo tài chính (BCTC) của các DN, phản ánh được các giao dịch của nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, giữa VAS và IAS/IFRS còn nhiều khác biệt. Vì vậy, bài viết đưa ra những khác biệt và giải pháp khắc phục.

Từ khóa: Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), chuẩn mực kế toán Việt Nam quốc tế (IAS, IFRS), báo cáo tài chính.

1. Điểm khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) với chuẩn mực kế toán quốc tế ( IAS/IFRS)

Khi xây dựng các các chuẩn mực kế toán (CMKT), quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là tuân thủ hệ thống IAS. VAS cơ bản đã được xây dựng dựa trên IAS/IFRS, theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của DN Việt Nam. Do vậy, VAS đã cơ bản tiếp cận với IAS/IFRS, phản ánh được phần lớn các giao dịch của nền kinh tế thị trường, nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin về BCTC của các DN. Mặc dù vậy, VAS hiện nay vẫn bộc lộ nhiều điểm khác biệt với IAS/IFRS. Điều này thể hiện qua một số biểu hiện chủ yếu sau:

- Khác biệt cơ bản nhất là VAS chưa có quy định cho phép đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc kế toán các tài sản và nợ phải trả được phân loại là công cụ tài chính - làm suy giảm tính trung thực, hợp lý của BCTC và chưa phù hợp với IAS/IFRS - VAS 21 không quy định trình bày Báo cáo biến động vốn chủ sở hữu thành một báo cáo riêng biệt như IAS 1, mà chỉ yêu cầu trình bày trong thuyết minh BCTC. Ngoài ra, chế độ kế toán Việt Nam quy định mẫu biểu báo cáo một cách cứng nhắc, làm giảm tính linh hoạt và đa dạng của hệ thống BCTC, trong khi IAS/IFRS không đưa ra mẫu biểu cụ thể của báo cáo.

- Theo VAS 21, doanh thu và chi phí tài chính được tính vào lãi/lỗ hoạt động kinh doanh trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là không phù hợp với thông lệ quốc tế, khi các khoản lãi/lỗ bán cổ phiếu vốn không phải là hoạt động mang tính thường xuyên của DN lại được hiểu là kết quả hoạt động kinh doanh chủ yếu.

- IAS 2 cho phép sử dụng các phương pháp ước tính giá trị hàng tồn kho như phương pháp chi phí định mức hoặc phương pháp giá bán lẻ, nhưng vấn đề này không được đề cập ở VAS 2. VAS 2 cho phép áp dụng phương pháp “Nhập sau - Xuất trước” (LIFO) trong khi IAS/ IFRS không cho phép áp dụng phương pháp này.

- VAS 3 chỉ cho phép đánh giá lại tài sản cố định là bất động sản, nhà xưởng và thiết bị trong trường hợp có quyết định của Nhà nước, đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, liên kết, chia tách, sáp nhập DN và không được ghi nhận phần tổn thất tài sản hàng năm. Trong khi đó, theo IAS 16, DN được phép lựa chọn mô hình đánh giá lại tài sản theo giá trị hợp lý và được xác định phần tổn thất tài sản hàng năm, đồng thời được ghi nhận phần tổn thất này theo quy định tại IAS 36.

Gần đây, có một số nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định mức độ hòa hợp giữa VAS với IAS. Kết quả của một nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ hòa hợp của VAS với IAS/IFRS liên quan đến 10 chuẩn mực được chọn nghiên cứu ở mức bình quân là 68%. Theo đó, các chuẩn mực về doanh thu và chi phí có mức độ hòa hợp cao hơn các chuẩn mực về tài sản. Mức độ hòa hợp về đo lường (81,2%) cao hơn nhiều so với mức độ hài hòa về khai báo thông tin (57%) .

Như vậy, mức độ hòa hợp giữa VAS và IAS/IFRS thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 90%, theo ý kiến của một chuyên gia nguyên lãnh đạo Vụ chế độ Kế toán - Kiểm toán (Bộ Tài chính) trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí, nghĩa là tồn tại một khoảng cách đáng kể giữa VAS với IAS/IFRS. Trong một chừng mực nào đó, rõ ràng những khác biệt này có ảnh hưởng đến quá trình hội nhập quốc tế về kế toán của Việt Nam, dù rằng, không phải là không có những nguyên nhân khách quan.

2. Nguyên nhân tồn tại những khác biệt giữa VAS và IAS/IFRS

Có nhiều lý do để giải thích cho sự chưa hòa hợp giữa VAS và IAS/IFRS, trong đó có những nguyên nhân trực tiếp và những nguyên nhân thuộc về môi trường kế toán.

2.1. Nguyên nhân trực tiếp

VAS về cơ bản được soạn thảo dựa trên các IAS/IFRS tương ứng được ban hành đến cuối năm 2003, nhưng sau đó không được cập nhật những sửa đổi của IAS liên quan và IFRS mới được ban hành sau năm 2003.

IAS/IFRS ngày càng hướng tới đo lường tài sản dựa trên cơ sở giá trị hợp lý nhằm đảm bảo tính “liên quan” của thông tin kế toán đối với các đối tượng sử dụng, trong khi đó giá gốc vẫn là cơ sở đo lường chủ yếu được quy định bởi VAS.

IAS/IFRS cho phép sử dụng xét đoán và ước tính nhiều hơn so với VAS, dẫn đến IAS/IFRS yêu cầu khai báo thông tin liên quan đến sử dụng xét đoán và ước tính nhiều hơn.

2.2. Nguyên nhân thuộc về môi trường kế toán

- Thứ nhất, văn hoá của người Việt Nam là tránh rủi ro và sự không chắc chắn. Áp dụng IAS/IFRS, sự không chắc chắn là rất cao bởi BCTC theo IAS/IFRS sử dụng nhiều ước tính kế toán, ví dụ như giá trị hợp lý. VAS với các ước tính kế toán ít hơn và thận trọng hơn làm hạn chế những yếu tố không chắc chắn. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến giảm nhiều sự phù hợp của thông tin trên BCTC. Đặc điểm văn hoá này là yếu tố ảnh hưởng gián tiếp và rất quan trọng đến việc VAS chưa áp dụng hoàn toàn IAS/IFRS.

- Thứ hai, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn khá non trẻ. Việt Nam mới phát triển kinh tế thị trường từ những năm cuối của thế kỷ XX - thị trường vốn của Việt Nam là một trong những thị trường non trẻ nhất trên thế giới - mới được hình thành hơn 10 năm nay. Đến nay, nó vẫn chưa thể hiện rõ vai trò quan trọng trong nền kinh tế mà mới chỉ trong phạm vi quốc gia, chưa liên thông với thị trường vốn trên thế giới. Trong khi đó, định hướng của IAS/IFRS là xây dựng hệ thống các CMKT hoàn toàn thị trường và hỗ trợ thị trường vốn, một hệ thống CMKT phục vụ cho lợi ích chung, chất lượng cao, dễ hiểu và có thể áp dụng trên toàn thế giới, nhằm giúp những người tham gia vào các thị trường vốn khác nhau trên thế giới ra quyết định kinh tế. Do vậy, định hướng phát triển của VAS để phục vụ cho các nhà đầu tư trên thị trường vốn không mạnh như IAS/IFRS. Nhu cầu của Việt Nam về một hệ thống kế toán phức tạp và hợp lý như IAS/IFRS để phục vụ thị trường vốn là chưa cấp bách.

- Thứ ba, Việt Nam là một nước theo hướng điển chế luật hay luật thành văn khác với các nước theo hướng thông luật. Trong các nước theo hướng điển chế luật, nhìn chung, sự bảo vệ quyền cổ đông và yêu cầu về tính minh bạch của thông tin thấp hơn trong các nước theo hướng thông luật. VAS được xây dựng phù hợp với đặc điểm hệ thống luật của một nước theo hướng điển chế luật, trong khi IAS/IFRS được phát triển phù hợp với các nước theo hướng thông luật.

Theo đó, Nhà nước có vai trò kiểm soát kế toán về phương pháp đo lường, đánh giá, soạn thảo và trình bày báo cáo. Việc soạn thảo, ban hành các CMKT và các hướng dẫn thực hiện phải do các cơ quan Nhà nước thực hiện và được đặt trong các bộ luật hoặc các văn bản pháp lý dưới luật. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển IAS/IFRS, các cơ sở, nguyên tắc kế toán không quy chiếu vào chế độ kế toán quốc gia. Việc kiểm soát của Nhà nước được thực hiện, thông qua việc giải thích mục tiêu, nguyên tắc kế toán, phương pháp đo lường, đánh giá, soạn thảo và trình bày BCTC.

3. Giải pháp khắc phục khác biệt

Có thể nói rằng, việc áp dụng IAS/IFRS đã mở ra một thời kỳ mới làm thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các yếu tố của BCTC, loại trừ sự khác biệt trong CMKT, là điều kiện để đảm bảo các DN và tổ chức trên toàn thế giới, áp dụng các nguyên tắc kế toán một cách thống nhất trung lập và trình bày BCTC. IAS/IFRS được chấp nhận như chuẩn mực lập BCTC cho các công ty tìm kiếm sự thừa nhận trên thị trường chứng khoán thế giới. Việc sử dụng IAS/IFRS mang lại những lợi ích khá rõ như: Tiết kiệm chi phí soạn thảo chuẩn mực và nhanh chóng hòa nhập vào CMKT quốc tế được chấp nhận. Sự hội nhập về kế toán giúp cho các công ty huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc áp dụng IAS/IFRS không phải là hoàn toàn dễ dàng đối với các DN ở các quốc gia. Một trong những thách thức đó là phải có đội ngũ nhân viên kế toán và chi phí. Điều này không đơn giản, vì IAS/IFRS được xem là khá phức tạp ngay cả đối với các nước phát triển. Để áp dụng IAS/IFRS đơn vị phải bỏ ra chi phí ban đầu khá lớn, xây dựng lại hệ thống thu thập, xử lý và trình bày các thông tin tài chính. Ngoài ra, phương pháp xây dựng IAS/IFRS về cơ bản là theo mô hình Anglo-America, do đó có thể không phù hợp với các nước đang phát triển vì có sự khác biệt lớn về văn hóa và môi trường kinh tế giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, việc Việt Nam lựa chọn mô hình vận dụng có chọn lọc IAS/IFRS làm cơ sở chủ yếu, để xây dựng hệ thống CMKT cho mình là một sự lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập về kế toán nói riêng, một số giải pháp mang tính định hướng cần được xem xét một cách tích cực, như sau:

Thứ nhất, trong IAS/IFRS, giá trị hợp lý được sử dụng ngày càng nhiều trong đo lường và ghi nhận các yếu tố của BCTC. Việc hội tụ hệ thống IFRS, trong đó có đề cập đến việc sử dụng giá trị hợp lý như một cơ sở đo lường chủ yếu, nhằm tăng cường tính thích hợp của thông tin trình bày trên BCTC. Năm 2009, IASB công bố Dự thảo “Các quy định về đo lường giá trị hợp lý’, trong đó, thống nhất giá trị hợp lý là “Giá trị đầu ra” của tài sản hay nợ phải trả. Trong khi đó, VAS1 hầu như chỉ đưa ra nguyên tắc giá gốc.

Việc sử dụng giá gốc làm cơ sở đo lường chủ yếu có thể đạt được độ “tin cậy” nhưng làm giảm tính “liên quan” của thông tin được cung cấp bởi BCTC. Do vậy, trong một tương lai không xa, việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở lý luận và điều kiện, phương pháp vận dụng “Nguyên tắc giá trị hợp lý” trở thành một vấn đề cần được Việt Nam xem xét và thực hiện
một cách nghiêm túc.

Thứ hai, xây dựng và phát triển đội ngũ những người làm kế toán được trang bị đầy đủ cả về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, nhằm đạt đựơc sự công nhận của khu vực và quốc tế, nhằm đưa hệ thống CMKT vào thực tiễn một cách nhanh chóng. Đây là vấn đề cốt lõi của bất cứ một quá trình đổi mới nào. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận và thực tiễn về CMKT của các trường đại học, các tổ chức nghề nghiệp, các DN cần tiến hành sớm, thường xuyên và có sự phối hợp với nhau,…

Thứ ba, sẽ tiếp tục nghiên cứu một số CMKT quốc tế, để ban hành những nội dung chủ yếu của một số chuẩn mực mà Việt Nam chưa có, như: Chuẩn mực số 32- Công cụ tài chính; Chuẩn mực số 36- Tổn thất tài sản; Chuẩn mực số 41- Nông nghiệp; Chuẩn mực số 39- Đánh giá và ghi nhận thông tin tài chính,... Những chuẩn mực này đều là những chuẩn mực khó và chưa phổ biến ở Việt Nam. Do đó, quá trình soạn thảo cần tiến hành từng bước, trong một thời gian nhất định đủ để hiểu được nội dung CMKT quốc tế và xác định cách thức áp dụng vào Việt Nam cho phù hợp. Riêng lĩnh vực tài chính công cần sớm ban hành CMKT công, nhằm đổi mới cách thức về quản lý kế toán, tài chính và ngân sách trong lĩnh vực công theo mô hình kế toán "Dồn tích". Để tạo lập một hệ thống thông tin thống nhất và phù hợp với xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. http://www.vpaudit.vn/ArticlesDetail/864/874/606/tin-trong-nuoc/bo-tai-chinh-ban-hanh-37-chuan-muc-kiemtoan-viet-nam-ap-dung-tu-01012014.aspx.
  2. Phạm Hoài Hương, Mức độ hài hòa giữa VAS và IAS/IFRS, Tạp chí Khoa học và công nghệ, Đại học Đà Nẵng số 5(40), 2010.
  3. Nguyễn Thị Liên Phương, phân tích ảnh hưởng sự khác biệt giữa VAS và IAS.

 The differences between VAS and IAS/IFRS: Reasons and Solutions

Master. Nguyen Thi Huyen

Master. Nguyen Ngan Giang

Viet Tri University of Industry

ABSTRACT:

Vietnamese Accounting Standards (VAS) are based on International Accounting Standards (IAS/IFRS) from 2000 to 2005. The VAS are established according to the principle of selective application of international practices with the characteristics of economy and management level of Vietnamese enterprises. The Government of Vietnam has issued 26 VAS.

IAS are applied to establish IAS in order to ensure that VAS could imporve the publicity and transparency of financial statements, reflecting the transactions of the market economy and meeting international integration requirements. However, there are many differences between VAS and IAS / IFRS. This article presents these differences and solutions to solve these differences.

Keywords: Vietnamese Accounting Standards (VAS), International Accounting Standards (IAS, IFRS), financial statements.