Khai thác tài nguyên du lịch tại Bình Thuận nhìn từ góc độ mặt hàng lưu niệm

ThS. NGUYỄN THỊ HOÀI THANH (Khoa Kinh tế Tài nguyên Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Tỉnh Bình Thuận có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Hàng lưu niệm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành của sản phẩm du lịch và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu xã hội từ du lịch. Bài viết đề cập đến thực trạng mặt hàng lưu niệm bày bán tại các cửa hàng, khu du lịch đa phần được cung cấp từ địa phương khác, hoặc nhập khẩu. Hàng lưu niệm có nguồn gốc từ các làng nghề trong tỉnh phục vụ khách du lịch còn đơn điệu về mẫu mã, chủng loại và hao hao giống sản phẩm của các địa phương vùng biển khác..., Từ đó, tác giả kiến nghị một số giải pháp để đưa những sản phẩm lưu niệm đặc trưng của tỉnh đến với du khách nhiều hơn, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên văn hóa của ngành Du lịch Bình Thuận.

Từ khóa: Sản phẩm lưu niệm, làng nghề, tỉnh Bình Thuận, tài nguyên du lịch, sản phẩm đặc trưng.

1. Đặt vấn đề

Tài nguyên du lịch được hiểu là mọi nhân tố có thể kích thích động cơ du lịch của khách du lịch được ngành Du lịch khai thác, sử dụng để sinh ra lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Theo Luật Du lịch Việt Nam 2017, “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa”. Trong đề tài này, tác giả không đi sâu nghiên cứu về khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên, mà chỉ xem xét một khía cạnh của vấn đề khai thác tài nguyên du lịch văn hóa, thể hiện trên mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.

2. Vài nét về tiềm năng du lịch tỉnh Bình Thuận

Ngày 24 tháng 10 năm 1995, hàng vạn người bao gồm các nhà khoa học, khách du lịch trong nước và quốc tế đã đổ về núi Tà Dôn,thuộc huyện Hàm Thuận Bắc và Mũi Né - Phan Thiết để chiêm ngưỡng và nghiên cứu hiện tượng nhật thực toàn phần, cũng đồng thời nhận ra nơi này có nhiều cảnh quan kỳ thú và tiềm năng du lịch phong phú. Đây được coi là mốc thời gian tỉnh Bình Thuận bắt đầu có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Đến nay, Bình Thuận được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Với vị trí địa lý kết nối thuận lợi với các trung tâm du lịch: Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu. Toàn tỉnh có 192 km bờ biển. Vịnh Phan Thiết tương đối nông, nhiều gió nên phù hợp với các loại hình thể thao biển mà người châu Âu ưa thích. Lợi thế không chỉ ở biển mà còn ở sự tồn tại phong phú về danh lam thắng cảnh, di tích kiến trúc-lịch sử; hệ thống văn hóa lễ hội cả dân gian lẫn hiện đại, cùng với các làng nghề thủ công truyền thống đa dạng phân bố khắp trong tỉnh.

Thị trường khách quốc tế chủ yếu trong thời gian gần đây là Nga (25 - 30%), Trung Quốc (25 - 30%), Asean (10 - 20%), Bắc Âu (5 - 10%),… Thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau rơi vào mùa Đông ở các nước châu Âu là mùa cao điểm của khách quốc tế. Đặc biệt, Mũi Né là điểm đến nghỉ dưỡng hàng năm của du khách Nga (Đông Âu), Thụy Điển (Bắc Âu), Đức, Anh, Pháp (Tây Âu),… Khách du lịch thuộc giới trẻ chiếm phần lớn lượng khách quốc tế đến Mũi Né với sở thích nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí sôi động, du lịch dã ngoại, mạo hiểm. Trong đó, thời gian lưu trú trung bình: 3 ngày; mức chi tiêu trung bình khoảng 1.600.000 đồng/ngày; cơ cấu chi tiêu: lưu trú và ăn uống chiếm 63%, vận chuyển chiếm 12%, vui chơi giải trí, tham quan chiếm 9%, hàng lưu niệm, quà tặng và các dịch vụ khác chiếm 16%.

Thị trường khách nội địa chiếm tỷ lệ lớn và tăng trưởng trong thời gian gần đây, chủ yếu là khách từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đến tỉnh chủ yếu bằng đường bộ. Tập trung vào những ngày cuối tuần, dịp lễ, tết, nghỉ hè hoặc khách đi công tác kết hợp với nghỉ dưỡng. Mục đích du lịch chủ yếu là nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, công tác, hội nghị, tập huấn, còn lại thăm thân nhân, bạn bè, thương mại và mục đích khác. Trong đó, thời gian lưu trú trung bình: 1,5 ngày; mức chi tiêu bình quân: 600 nghìn đồng/ngày; cơ cấu chi tiêu: lưu trú và ăn uống chiếm 64%, vận chuyển chiếm 13%, vui chơi giải trí, tham quan chiếm 5%, hàng lưu niệm, quà tặng và các dịch vụ khác chiếm 18%.

Thời gian lưu trú của khách du lịch đến Việt Nam nói chung và tại Bình Thuận nói riêng là còn ngắn và chi tiêu mua sắm quà tặng, hàng lưu niệm còn rất khiêm tốn, trong khi đó ở Thái Lan, Malaysia, du khách có thể dành 50-55% trong chi phí của chuyến đi để mua sắm.

3. Khái niệm và giá trị của sản phẩm lưu niệm

Sản phẩm lưu niệm là một khái niệm rộng và thường hiểu là đồ vật được giữ lại để làm kỷ niệm. Đó có thể là mô hình một cái tháp, một bức tranh, một vòng đeo cổ, cái nón lá, cái quạt tay, hay túi xách tay,… với những kiểu dáng đặc trưng. Sản phẩm lưu niệm là vật cụ thể có thể tặng, cho, trưng bày hay cất giữ để nhắc ta nhớ tới một người, một địa điểm hoặc sự kiện nào đó… khi lưu thông trên thị trường nó là hàng hóa và đó là loại hàng có những đặc điểm khác biệt so với các hàng hóa thông thường cùng chủng loại.

 Sản phẩm lưu niệm là một phương tiện cụ thể, trực tiếp có thể diễn đạt được mọi khía cạnh của cuộc sống. Có thể nói, sản phẩm lưu niệm mang lại rất nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, giáo dục và kích thích tiêu thụ cho du lịch.

Sản phẩm lưu niệm là mặt hàng xuất khẩu tại chỗ, bởi vì nó được bán trong nước nhưng khi khách du lịch quốc tế đến du lịch và mua đồ lưu niệm đó đã mang sản phẩm ra khỏi biên giới, nên sản phẩm bán ra không chịu chi phí vận chuyển và thuế xuất cảnh. Đặc điểm này không phải sản phẩm nào cũng có được. Sản phẩm lưu niệm phong phú và đa dạng về thể loại, chất liệu từ đơn giản đến phức tạp, từ rẻ đến đắt, từ một đồ riêng lẻ đến một bộ sưu tập… Sản phẩm lưu niệm dễ vận chuyển có thể bán được ở nhiều địa điểm, như: các điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn, các đầu mút giao thông, các làng nghề, các siêu thị, các chợ lớn… Chính vì thế, sản phẩm lưu niệm có thể tiêu thụ được một khối lượng sản phẩm lớn và mang lại doanh thu lớn cho ngành Du lịch, góp phần làm tăng doanh thu, tăng doanh số bán sản phẩm thủ công truyền thống trong các làng nghề.

Việc phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm giúp tạo ra nhiều công ăn việc làm cho cư dân địa phương, thu hút nguồn lao động từ các vùng lân cận, tăng thêm thu nhập và góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân.

Sản phẩm lưu được sản xuất chủ yếu ở các làng nghề và gắn với đặc thù của những làng nghề đó. Thường là các đồ thủ công mỹ nghệ có nét riêng độc đáo mang đậm dấu ấn của nơi sản xuất. Do vậy, nhiều khi tên của sản phẩm luôn kèm theo tên của làng nghề hay địa danh, nơi sản xuất ra sản phẩm đó. Sản phẩm nổi tiếng cũng làm cho làng nghề, thậm chí là địa phương và khu vực địa lý đó nổi tiếng theo, ví dụ nón lá Huế, gốm sứ Bát Tràng,… Phương thức, quy trình, kỹ thuật sản xuất sản phẩm lưu niệm phần nhiều do cha truyền con nối nên vẫn giữ được phong cách truyền thống, mang bản sắc văn hóa của vùng. Đây cũng chính là đặc điểm hấp dẫn du khách đặc biệt là du khách quốc tế.

Sản phẩm lưu niệm mang đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, tôn vinh giá trị văn hóa, trên các sản phẩm thường biểu đạt phong cách sinh hoạt, con người, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, quan niệm về tự nhiên, biểu tượng vùng miền, thần phật. Bởi vậy, sản phẩm lưu niệm là những tác phẩm nghệ thuật biểu trưng của nền văn hóa xã hội, mức độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí nhân văn của dân tộc. Thông qua các mặt hàng lưu niệm, du khách phần nào thấy được hình ảnh con người, vùng đất, địa phương nói chung và bản sắc văn hóa của người dân nơi tạo ra sản phẩm lưu niệm nói riêng. Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với du khách. Mỗi sản phẩm lưu niệm không chỉ là một sản phẩm hàng hóa thông thường mà còn là nơi gửi gắm tâm hồn, tài năng, thể hiện khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của nghệ nhân - những người lưu giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc trong các sản phẩm lưu niệm, đồng thời không ngừng sáng tạo để có thêm nhiều sản phẩm mới.

4. Thực trạng nghề thủ công và làng nghề truyền thống tại Bình Thuận

Từ xa xưa ở Bình Thuận đã hình thành nhiều làng nghề. Những làng nghề này tận dụng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương tạo nên một số nghề truyền thống dân gian, đáp ứng nhiều mặt nhu cầu của cuộc sống. Có nghề đã thất truyền, có nghề còn tiếp nối.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 30 làng nghề hoạt động có đến 6.200 hộ tham gia sản xuất tại các làng nghề này và giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 10.000 lao động chính thức và khoảng 12.000 lao động nông nhàn, hoạt động trong lĩnh vực chế biến hải sản, nước mắm, sản xuất gạch ngói, mía đường, bánh tráng, đan lát hàng thủ công mỹ nghệ,... trên địa bàn tỉnh.

Là xứ sở giàu lâm sản như mây, tre, nứa, lá buông nên nghề thủ công mỹ nghệ đan lát khá phổ biến, hiện một số sản phẩm đã được xuất khẩu ủy thác thông qua các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai,.. Làng nghề mây tre lá Thái Thuận Phú ở huyện Ðức Linh tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 130 nghìn sản phẩm các loại, sản phẩm mỹ nghệ khung kính, hộp bình, giỏ hoa từ nguồn lá bèo, dây chuối sứ cộng lục bình khô giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động.

Làng nghề đan cót, xà bớ, nong nia ở xã Ðồng Kho - Tánh Linh và làng nghề đan giỏ cá khô, cá hấp, thúng, chai ở cửa biển Cồn Chà, Phan Thiết cho ra sản phẩm rất quen thuộc với đời sống người lao động. Làng nghề Trúc Mai ở Hàm Tân tạo sản phẩm mỹ nghệ bằng bẹ chuối khô làm ra các mặt hàng mâm đựng ngũ quả, ghế ngồi, nệm lưng, giỏ xách kiểu mới,... đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Dệt thổ cẩm ở Bình Thuận, hiện chỉ còn duy trì trong cộng đồng người Chăm Bàni ở huyện Bắc Bình và xã Hàm Trí huyện Hàm Thuận Bắc. Hoa văn trên sản phẩm dệt của người Chăm ngoài chức năng làm đẹp mà còn mang các giá trị biểu trưng cho sắc thái văn hóa của một tộc người. Tùy vào mỗi loại khung dệt mà sản phẩm tạo ra có sự khác biệt. Nếu trên khung dạng tấm dệt nên những tấm vải phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày của con người thì khung dạng dài chỉ giới hạn cho nhu cầu tôn giáo và tín ngưỡng. Ngành Du lịch đã khai thác nghề truyền thống này vào phục vụ du lịch. Du khách có thể tham quan và trải nghiệm quá trình làm ra thổ cẩm hoặc có thể hoá thân thành những “thợ dệt” để tự mình dệt nên những tấm vải hay khăn thổ cẩm truyền thống tại Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm (huyện Bắc Bình) và tháp PoSahInư (TP. Phan Thiết) vào các dịp lễ hội diễn ra hàng năm. Với những trải nghiệm thực tế đó, du khách sẽ có thể hiểu hơn về lịch sử - văn hóa lâu đời của người Chăm qua nhiều thế kỷ vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Làng nghề gốm gọ Bình Đức, huyện Bắc Bình có khoảng 67 hộ/150 lao động tham gia sản xuất.

Nghề chạm khắc gỗ là nghề thủ công mỹ nghệ xưa kia rất thịnh hành ở Bình Thuận, nghề làm nhạc cụ cũng là một nghề kinh nghiệm dân gian của đồng bào Chăm. Nhạc cụ Chăm, hình thức vốn đơn giản, mộc mạc nhưng lại phức tạp về vật lý âm thanh, do đó không mấy ai có thể làm được. Hiện nay ở Bình Thuận chỉ còn một vài nơi nghệ nhân còn tiếp lục hành nghề ở huyện Bắc Bình.

Một số làng nghề mới xuất hiện từ ba chục năm nay như nghề trồng thanh long, làm mũ trôm...

Làng nghề hiện nay chưa trở thành điểm tham quan và là điểm đến cho du khách. Nhiều làng nghề đã bị thất truyền như nghề nuôi tằm, dệt lụa vốn trước kia nức tiếng có thể kể tên đó là các địa danh xóm Lụa ở làng Xuân Hội, Hiệp Thành nay là xã Hồng Thái (huyện Bắc Bình); xóm Lò Thổi (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc); xóm Lò Tỉn (xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết)…

5. Thực trạng mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch ở Bình Thuận

Để có một tour du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn dành cho du khách, yếu tố mua sắm sản phẩm lưu niệm, sản vật vùng miền là một thành phần không thể tách rời, là yếu tố kích thích tăng mức chi tiêu của du khách tại điểm du lịch, góp phần tăng doanh thu điểm đến và phát triển kinh tế địa phương.

Hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, bước đầu được tỉnh quan tâm. Đã có 3 siêu thị, nâng cấp và xây mới các chợ đầu mối, chợ chuyên doanh hải sản và hệ thống cửa hàng trên các trục thương mại dịch vụ của TP. Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, TX. La Gi. Trong các khách sạn, khu du lịch cũng bố trí khu thương mại, cửa hàng lưu niệm phục vụ du khách, bày bán các mặt hàng lưu niệm, quà tặng từ bánh kẹo, đồ uống, mủ trôm, quả và rễ cây rừng làm thuốc; các đồ lưu niệm như vòng tay, vòng cổ, móc chìa khóa, đồ chơi cho trẻ em, túi xách, khăn quàng,... Tuy nhiên, đa phần các mặt hàng này được cung cấp từ địa phương khác, hoặc nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và có thể dễ dàng tìm mua ở những điểm du lịch của tỉnh khác.

Các mặt hàng có nguồn gốc tại địa phương chủ yếu là các đặc sản biển: nước mắm cá cơm nguyên chất, cá thu, hải sâm, bào ngư, mực trứng sữa, khô cá chỉ vàng, cá đục; Hàng lưu niệm với số lượng khiêm tốn, có: gốm, gỗ mỹ nghệ, tranh cát, sản phẩm vỏ ốc, vỏ sò biển được làm thành mô hình con thuyền, bông hoa cây thanh long hoặc làm thành những sản phẩm vừa có giá trị lưu niệm nhưng cũng có thể làm vật dụng như chuông gió, vòng tay, túi xách, chụp đèn ngủ,… có in dòng chữ Phan Thiết hoặc hình tháp nước, tháp PoshaInư. Đây là những sản phẩm mang nét đặc trưng của vùng biển và sử dụng nguyên liệu tại địa phương, tuy nhiên mẫu mã còn đơn điệu và kiểu dáng cũng như chủng loại hao hao giống sản phẩm của các địa phương vùng biển khác.

Công tác quản lý các sản phẩm lưu niệm còn hạn chế, chưa có tính đồng bộ, nên tình trạng một số cửa hàng bán hàng kém chất lượng (túi xách, ví,... bán rong hoặc bán tại quầy hàng tại các khu vui chơi chùa chiền làm từ vải giống thổ cẩm và không rõ nguồn gốc, chỉ dùng vài lần đã hỏng đường chỉ may, dây kéo, phai màu, xộc xệch) ảnh hưởng đến chất lượng tour du lịch và hình ảnh thân thiện của du lịch Bình Thuận. Ngoài ra, du khách còn phản ánh rằng thường hay bị nói thách và mua phải giá cao,…

Thời gian qua, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận đã triển khai đề tài. “Sản xuất Sản phẩm thủ công mỹ nghệ lưu niệm đặc trưng của Bình Thuận để phục vụ du lịch” chủ yếu tập trung vào sản phẩm vỏ sò, vỏ ốc có chỉ dẫn địa danh Bình Thuận bằng từ ngữ hoặc hình tháp nước. Tại Trường Đại học Phan Thiết cũng thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng tỉnh Bình Thuận”, các biểu tượng đặc trưng của tỉnh Bình Thuận được thể hiện trên các sản phẩm: Bình gốm, cốc sứ, đĩa, đồ trang sức vàng, bạc và truyện tranh,... nhằm vào tính thực dụng của sản phẩm lưu niệm. Các sản phẩm này đã được trưng bày thử tại một số điểm du lịch, chưa nhân rộng mô hình.

6. Một số giải pháp nhằm đưa sản phẩm lưu niệm đặc trưng của tỉnh đến với du khách

Đề ngành Du lịch của tỉnh nhà tạo sức hút, để mỗi khi du khách bắt đầu có ý định sang Việt Nam du lịch là nhớ đến ngay Phan Thiết - Bình Thuận, nơi được xem là thủ đô của resort, thì ngành Du lịch Bình Thuận cần chủ động nghiên cứu và phối hợp với các làng nghề truyền thống để sản xuất ra những mặt hàng lưu niệm đẹp, thể hiện được nét đặc trưng văn hóa đất nước và con người Bình Thuận, vừa gọn nhẹ, thuận tiện cho việc mang đi xa. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá để du khách nhận diện được đó là quà lưu niệm đặc trưng của văn hóa đất nước và con người Bình Thuận.

Mẫu mã và chất lượng của sản phẩm lưu niệm luôn là yếu tố đầu tiên quyết định đến nhu cầu mua sắm các sản phẩm lưu niệm. Yếu tố quan trọng tiếp theo chính là giá cả, địa điểm sản xuất, bày bán sản phẩm lưu niệm. Bên cạnh đó, thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng cũng cần quan tâm hơn nữa, cũng là yếu tố quan trọng.

Các cấp chính quyền của tỉnh cần thực hiện có hiệu quả các chính sách vĩ mô để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, đặc biệt chú trọng đến thành phần kinh tế tư nhân nhỏ ở làng nghề bằng các giải pháp cụ thể như chính sách thông thoáng, nguồn vốn dễ tiếp cận, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nghề, giúp đỡ giải quyết ô nhiễm môi trường.

 Khuyến khích các hộ sản xuất ở làng nghề liên kết với nhau để thành những cơ sở, những doanh nghiệp mạnh tại các huyện. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong các làng nghề tham gia nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cần bố trí, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư Trung tâm giới thiệu tập trung sản phẩm lưu niệm, quà tặng, sản vật đặc trưng của tỉnh tại các khu du lịch. Kết hợp tổ chức các lễ hội gắn với đặc sản của tỉnh như: Lễ hội quả thanh long, chế biến quả thanh long Bình Thuận, tăng thêm kễ hội ẩm thực, chế biến mực một nắng...

Tiềm năng du lịch Bình Thuận được đánh giá là thế mạnh nổi trội so với nhiều ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, ngoài dựa trên nguồn lực tài nguyên du lịch tự nhiên hoặc di tích văn hóa sẵn có, cần có sự liên kết các nguồn tài nguyên, trong đó việc khai thác sản phẩm làng nghề truyền thống, tìm được sản phẩm lưu niệm đặc trưng nổi trội, chính là khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch, còn là đóng góp quan trọng trong việc khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công đã bị mai một trong nền kinh tế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần gìn giữ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Duy Quang (2019),Tiềm năng lớn, vì sao du lịch Bình Thuận chưa thể “cất cánh”.
  2. Quốc hội (2017), Luật Du lịch năm 2017, số 09/2017/QH14, ngày 19/6/2017.
  3. UBND tỉnh Bình Thuận (2019), Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
  4. UBND tỉnh Bình Thuận (2019), Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
  5. Địa chí Bình Thuận (2006). Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Thuận, Bình Thuận.

 

HARNESS THE TOURISM RESOURCES OF BINH THUAN PROVINCE FROM SOUVENIRS

Master. NGUYEN THI HOAI THANH

Faculty of Natural Resources and Environment Economics

Ho Chi Minh City University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

Binh Thuan Province’s tourism potential is huge to make the tourism industry become the provincial spearhead economic sector. Souvenirs are one of the most important factors in the tourism product and they play a vital role in the tourism industry’s revenue source. This paper presents the issue of introducing and selling imported and non-local souvenirs in tourist areas. Local products that are made by Binh Thuan Province’s traditional craft villages are quite simple and not unique. Based on this paper’s findings, some solutions are given in order to promote local souvenirs of Binh Thuan Province, contributing to boost the harnessing efficiency of provincial cultural resources of Binh Thuan Province’s tourism industry.

Keywords: Souvenir, traditional craft villages, Binh Thuan Province, tourism resources, local typical products.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 16, tháng 7 năm 2020]