TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm khảo sát khả năng phòng trị sâu bệnh hại cây rau cải xanh trồng hữu cơ dựa trên sản phẩm giấm tre thu được qua nhiệt phân cây tầm vông ở điều kiện hiếm khí. Để tiến hành thực nghiệm, một loạt các biện pháp tác động từ: làm đất, ủ phân, rửa đất, xử lý hạt giống, dọn dẹp vệ sinh vườn, phun chế phẩm phòng sâu bệnh định kì được làm theo đúng qui trình kĩ thuật đề ra.

Sau 3 tháng làm thực nghiệm, kết quả được ghi nhận như sau: (1) Đối với cải xanh trồng chậu, 2 nghiệm thức giấm tre pha loãng được đánh giá tốt nhất cho việc phòng trị sâu bệnh hại cải xanh là: NT4 (1:250) và NT5 (1:300) với khả năng ngăn ngừa sâu tơ đến 99%. (2) Trồng cải xanh trên lip, ngoài sâu tơ gây hại còn có rệp sáp. Kết quả phun giấm tre ở nghiệm thức pha loãng 250 lần giúp hạn chế tác hại của sâu tơ đến 97% và của rệp sáp đến 95%. Đồng thời, phun giấm tre ở tỉ lệ 1:250 giúp tăng trọng lượng rau cải trồng hữu cơ trên một đơn vị diện tích (7,0 kg/m2 so với 6,2 kg/m2 theo canh tác của nông trại).

Từ khóa: Giấm tre, rau cải, kiểm soát, sâu bệnh, hữu cơ.

1. Đặt vấn đề

Rau cải ở Việt Nam có rất nhiều chủng loại khác nhau, gồm: cải ngọt, cải đắng, cải thảo, bắp cải, cải sen, cải làn... Rau cải có nhiều công dụng đó là vừa làm rau ăn, vừa làm thuốc chữa bệnh. Trong đó, cải xanh (Brassica Jiuncea) là loài có biên độ sinh thái rộng, có thể trồng được cả ở khu vực có khí hậu 4 mùa và 2 mùa. Cây cải xanh không chỉ là loại rau ăn quen thuộc, mà còn là một cây thuốc được sử dụng rộng rãi trong dân gian để điều trị các bệnh thông thường như an thần, tiêu thũng, giảm đau, ho, hen (Võ Văn Chi, 2011).

Ở các tỉnh phía Nam, cải xanh được trồng quanh năm bởi giá trị kinh tế cao, dễ trồng, không kén đất, thời gian thu hoạch ngắn (khoảng 30 ngày/vụ). Do đó, trong vòng 1 năm, có những vùng người dân trồng được 9 - 10 lứa cải xanh. Điều này giúp thu nhập của người trồng rau được cải thiện, song cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại cây rau tích lũy và phát triển, khiến công tác phòng trị bệnh trở nên khó khăn. Thực tiễn sản xuất rau cho thấy, bên cạnh các biện pháp như luân canh cây trồng, phơi đất, rửa đất và trồng cây xua đuổi côn trùng, việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật đã luôn được áp dụng cho toàn bộ quá trình canh tác.

Theo thời gian, sử dụng liên tục hóa chất bảo vệ thực vật sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người, làm cho sâu và vi sinh vật gây bệnh bị kháng thuốc. Vì vậy, các nhà khoa học và quản lý nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng hóa chất trong nông nghiệp và thay thế dần bằng các chế phẩm sinh học và thảo mộc (Nguyễn Thơ, 2017). Đồng thời, phải thiết lập lại chế độ canh tác đảm bảo an toàn cho con người, đất và cây trồng. Canh tác nông nghiệp hữu cơ được đánh giá là phương thức canh tác hiệu quả nhất, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, tiến tới chấm dứt tình trạng ô nhiễm đất, nước, không khí, đặc biệt là tạo ra nông sản sạch, chất lượng dinh dưỡng cao, an toàn cho con người và vật nuôi (Vũ Thị Quyền và cs, 2017).

Giấm tre là một chất lỏng màu nâu sẫm, được ngưng tụ từ quá trình nhiệt phân tre nứa ở nhiệt độ 300oC - 550oC trong điều kiện hiếm khí, có pH từ 2-3 và chứa khoảng 200 hợp chất hữu cơ khác nhau. Giấm tre được sử dụng như một loại thuốc thảo mộc để diệt nấm khuẩn, , kích thích tăng trưởng hệ rễ, loại bỏ mùi hôi chuồng bò, dê và gia cầm (http://livinggreenmag.com/2012/09/07/food-health/bamboo-vinegar-heals-sanitizes). Trong thí nghiệm này, nhóm nghiên cứu sử dụng giấm tre sản xuất từ cây tầm vông (Thyrsostachys siamensis) để làm thực nghiệm đánh giá khả năng phòng trị sâu bệnh hại của giấm tre đối với rau cải xanh (Brassica Jiuncea) trồng hữu cơ tại Nông trại Sen Việt, Bình Quới, TP. Hồ Chí Minh.

Mục tiêu nghiên cứu: Xác định được mức liều lượng giấm tre phù hợp trong công tác phòng và điều trị sâu bệnh hại cây cải xanh trồng hữu cơ tại Nông trại Sen Việt.

2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng và vật liệu nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Cây cải xanh. Hạt giống rau cải xanh mua tại Công ty CP Giống cây trồng miền Nam. Được xử lý gieo ươm và cấy vào chậu trồng khi cây con được 3 - 4 lá thật.

- Vật liệu nghiên cứu:

+ Giấm tre: Giấm tre sử dụng trong nghiên cứu này là sản phẩm được nhóm nghiên cứu tạo ra từ cây tre tầm vông (Thyrsostachys siamensis) chứa 97,8% nước; pH = 2,83; 24,6 mg/kg axit hữu cơ tổng số; 76 mg/L phenolic; 33 mg/L furfural; 14 mg/L Aceton (KQ phân tích của SGS) có pH = 8,3; hàm lượng axit hữu cơ tổng số 24,6 mg/kg, phenol 76 mg/L, acid acetic 2,63%.

+ Giá thể trồng rau: Đất tầng AB 30% + xơ dừa 40% + phân chuồng ủ hoai 20% + biochar 10% (+ 2,5 kg lân/1m3 giá thể). Tất cả được xử lý nấm bệnh theo đúng qui trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện hành.

+ Trồng trên luống trong nhà lưới: Đất trồng thí nghiệm là đất pha sét. Theo kết quả phân tích đất trước canh tác, đất có thành phần lý hóa như sau: pH=4,2; C=3,69%; Nts=0,18%; P2O5ts=107 mg/kg; P2O5dt=17,6mg/kg; K2Ots=830mg/kg. Toàn bộ đất canh tác được xử lý bằng vôi bột (500 kg/1000 m2 ) và phơi nắng trước khi làm thí nghiệm 7 ngày. Sau đó lên líp và bón thúc bằng phân chuồng hoai trộn với than sinh học (1,5 tấn phân chuồng hoai + 0,5 tấn than sinh học bón cho 1.000 m2).

+ Phân bón thúc: Phân hữu cơ sinh học TSBio (Sản phẩm được OMRI công nhận dùng cho nông nghiệp hữu cơ). Thành phần: Carbon 7,4%; protein 2,2%; lipit 1,9%; NPK (0,24-0,15-0,09%); CaO 0,4%; MgO 400 mg/L; pH=3,4-4,5. Định kỳ 7 ngày phun 1 lần theo tỉ lệ 1:300.

2.2. Nội dung nghiên cứu

- Đánh giá hiệu lực của giấm tre đối với khả năng phòng trị bệnh của cây cải xanh trồng chậu.

- Đánh giá hiệu lực của giấm tre đến khả năng kiểm soát sâu bệnh hại cải xanh trồng trên lip trong nhà lưới.

2.3. Phương pháp thí nghiệm

Thí nghiệm 1: Cây trồng trong chậu: Thực hiện thí nghiệm 1 nhân tố, gồm 5 mức nồng độ pha loãng của giấm tre: 1:200, 1:250, 1:300, 1:350, 1:400. Mỗi chậu trồng 3 cây. Định kỳ 7 ngày phun giấm tre 1 lần. Các nghiệm thức được kí hiệu như sau: NT1- đối chứng (phun nước lã) -- kí hiệu ĐC1; NT2 - phun giấm tre 1:200 - kí hiệu BW1; NT3 - phun giấm tre 1:250 - kí hiệu BW2; NT4 - phun giấm tre 1:300 - kí hiệu BW3; NT5 - phun giấm tre 1:350 - kí hiệu BW4; NT6 - phun giấm tre 1:400 - kí hiệu BW5.

 Các thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên (Complete Randomized Design - CRD), 3 lần lặp lại, mỗi lần lặp 3 chậu rau.

 Theo dõi tất cả các cây để xác định tỉ lệ cây bị nhiễm/chậu (%) ở thời điểm sau khi phun được 5, 10 và 14 ngày; theo dõi sinh trưởng chiều cao, số lá và trọng lượng rau ở tuổi thu hoạch. Định kỳ 7 ngày phun 1 lần.

Thí nghiệm 2: Hai nghiệm thức tốt nhất của thí nghiệm 1 được chọn để đưa vào làm ở thí nghiệm 2 (BWopt1 và BWopt2). Thực hiện thí nghiệm 1 nhân tố, các nghiệm thức được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên (CRD), 3 lần lặp lại, diện tích mỗi ô nghiệm thức là 10m2.

Ký hiệu nghiệm thức: NT1- đối chứng 1 (phun nước lã) - kí hiệu ĐC1; NT2 - Đối chứng 2 (phun thuốc trừ sâu sinh học VIBAMEC nhà vườn hiện dùng) - Kí hiệu ĐC2; NT3 - phun giấm tre BWopt1; NT4 - phun giấm tre BWopt2.

Số liệu được đo đếm 3 điểm cố định (được chọn ngẫu nhiên theo 2 đường chéo góc). Số mẫu điều tra tại mỗi điểm và chỉ tiêu theo dõi từng nhóm sâu bệnh hại theo phương pháp điều tra tình hình sâu bệnh trên rau cải xanh tại QCVN 01 - 169: 2014/BNNPTNT. Xác định tỉ lệ cây bị nhiễm/m2 (%) ở thời điểm sau khi phun 5, 10 và 14 ngày; theo dõi sinh trưởng chiều cao, số lá và trọng lượng rau ở tuổi thu hoạch.

- Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu được đo đếm, ghi chép, tổng hợp và xử lý thống kê bằng phần mềm Excel, SPSS và Statgraphics Plus 15.0.

- Thời gian thực hiện các thí nghiệm: từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2019.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Ảnh hưởng của giấm tre đến khả năng phòng trị sâu tơ trên cây cải xanh trồng chậu

Kết quả phun giấm tre ở các mức nồng độ pha loãng khác nhau đối với rau cải xanh cho thấy: Khi phun giấm tre ở các mức pha loãng khác nhau đã có ảnh hưởng khác nhau đến mật độ sâu tơ và tỉ lệ cây bị nhiễm sâu tơ ở cải xanh trồng chậu. Mật độ sâu tơ cao nhất đạt 3,6 con/chậu (cây con) và 8,3 con/chậu (cây lớn) ở nghiệm thức đối chứng 2 (BW0 - không phun giấm tre), kế đến là nghiệm thức 7 (BW5) với 2,6 con/chậu; các nghiệm thức từ NT3 đến NT5 và đối chứng 1 có cùng xếp hạng Ducan và cùng có mật độ sâu/chậu là thấp nhất, thấp hơn một cách có ý nghĩa thống kê ở mức 1% so với các nghiệm thức NT2 và NT7. (Bảng 1)

Bảng 1: Ảnh hưởng của phun giấm tre đến mật độ tỉ lệ bị hại do sâu tơ trên cây cải xanh trồng chậu

anh_huong_cua_phun_giam_tre_den_mat_do_va_ti_le_bi_hai_do_sau_to_tren_cay_cai_xanh_trong_chau

Ghi chú: dấu ** cho biết sự khác biệt có ý nghĩa trong thống kê ở mức 0,01. Giá trị tỉ lệ bị hại của 3 lần lặp lại được chuyển đổi sang Arcsin (x)1/2 trước khi xử lý thống kê. Các giá trị trong cùng cột theo sau bởi cùng một ký tự khác biệt không có ý nghĩa qua trắc nghiệm phân hạng Duncan ở mức p=0,01.

Ở chỉ tiêu tỉ lệ cây bị hại, đã có sự khác biệt rất có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức ở cả giai đoạn cây con và cây lớn. Theo đó, tỉ lệ cây bị hại thấp nhất thuộc về NT4 và NT5 (1,0 và 0,7%) ở cả giai đoạn cây con và cây lớn; các nghiệm thức NT1, NT3 và NT6 cùng có tỉ lệ nhiễm tương đương nhau (8,9% ở cây lớn); tỉ lệ cây bị hại cao nhất vẫn là NT2 (BW0) với 19,2% ở cây con và 27,8% ở cây lớn.

Bên cạnh việc khảo sát khả năng phòng trị sâu bệnh hại, chỉ tiêu sinh trưởng về chiều cao, số lá và trọng lượng cải xanh cũng được thu thập nhằm đánh giá ảnh hưởng của phun giấm tre đến sinh trưởng và trọng lượng của cây cải xanh trồng chậu. Kết quả ở Bảng 2 ghi nhận: Phun giấm tre và thuốc trị sâu bệnh sinh học của nông trại đều cho số lá/cây và trọng lượng rau/chậu cao hơn một cách có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức không phun chế phẩm bảo vệ thực vật, chỉ phun nước lã (NT2 ĐC2- BW0) ở mức 1%. Điều này lý giải vì sao công tác phòng sâu bệnh hại cho rau cải xanh là vô cùng quan trọng. Việc phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thảo mộc định kỳ giúp ngăn chặn sâu bệnh ngay từ đầu, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. (Bảng 2)

Bảng 2. Ảnh hưởng của phun giấm tre đến sinh trưởng và trọng lượng

của cây cải xanh trồng chậu

anh_huong_cua_phun_giam_tre_den_sinh_truong_va_trong_luong_cua_cay_cai_xanh_trong_chau

Ghi chú: ns : Sự khác biệt không có ý nghĩa trong thống kê.

Kết quả của thí nghiệm 1 giúp nhóm nghiên cứu chọn được 2 nghiệm thức tốt nhất để đưa vào làm ở thí nghiệm 2 là: NT4 1:250 -BW2 và NT5 1:300 -BW3.

3.2. Ảnh hưởng của giấm tre đến khả năng kiểm soát sâu bệnh hại cải xanh trồng trên líp trong nhà lưới

Đã có sự khác biệt nhau về kết quả các chỉ tiêu nghiên cứu (mật độ sâu tơ ở giai đoạn lớn; tỉ lệ cây bị hại ở cả giai đoạn cây con và cây lớn) giữa nồng độ pha loãng của dung dịch giấm tre tỉ lệ 1:250 so với 1:300 và 2 nghiệm thức đối chứng (Bảng 3). Kết quả đã cho thấy, ở giai đoạn cây non, mật độ sâu tơ chưa có sự khác biệt có ý nghĩa giữa các nghiệm thức phun chế phẩm bảo vệ thực vật, nhưng giữa chúng lại khác biệt rất có ý nghĩa so với đối chứng. Đến giai đoạn cây lớn, mật độ sâu đạt thấp nhất ở nghiệm thức 3 (NT3 1:250 -BWopt1) với 5,2 con/m2, đứng thứ nhì và có cùng xếp hạng là nghiệm thức 2 (7,3 con/m2) và nghiệm thức 4 (6,6 con/m2); nghiệm thức 1 (ĐC1-phun nước lã) vẫn chiếm mật độ sâu tơ cao nhất  34,3 con/m2.

Với chỉ tiêu tỉ lệ cây bị hại (cây/m2), nghiệm thức 3 có tỉ lệ nhiễm thấp nhất (3,2 % ở cây con và 2,7% ở cây lớn) và khác biệt rất có ý nghĩa về mặt thống kê (ở mức ý nghĩa 1%) so với các nghiệm thức còn lại. Chiếm tỉ lệ sâu tơ hại cao nhất là nghiệm thức 1, 16,6% ở cây con và 28,9% ở cây lớn. (Bảng 3)

Bảng 3. Ảnh hưởng của giấm tre đến mật độ và tỉ lệ bị hại do sâu tơ

trên cây cải xanh trồng líp

anh_huong_cua_giam_tre_den_mat_do_va_ti_le_bi_hai_do_sau_to_tren_cay_cai_xanh_trong_lip

Ở thí nghiệm trồng chậu, chưa thấy xuất hiện rệp sáp, nhưng ở thí nghiệm 2, rệp sáp đã xuất hiện ở ngay thời điểm cây còn non, vì vậy quá trình nghiên cứu cho rệp sáp cũng được thực hiện. (Bảng 4)

Bảng 4. Ảnh hưởng của giấm tre đến mật độ và tỉ lệ bị hại do rệp sáp

trên cây cải xanh trồng líp

anh_huong_cua_giam_tre_den_mat_do_va_ti_le_bi_hai_do_rep_sap_tren_cay_cai_xanh_trong_lipKết quả thu thập về rệp sáp được trình bày ở Bảng 3, 4 ghi nhận:

Mật độ rệp sáp cao nhất là 21,7 con/m2 (cây con) và 27,2 con/m2 (cây lớn) nằm ở nghiệm thức 1 (ĐC 1- phun nước lã); mật độ này cao hơn và khác biệt rất có ý nghĩa về mặt thống kê so với các nghiệm thức còn lại. Đạt mật độ thấp nhất là nghiệm thức 3 với 5,3 con/m2 (cây con) và 4,0 con/m2 (cây lớn). Nghiệm thức 2 và nghiệm thức 3 đứng thứ hai về mật độ sâu tơ và có cùng xếp hạng về mặt thống kê.

Tương tự, chỉ tiêu tỉ lệ cây bị hại cao nhất cũng ở nghiệm thức 1 (36,7% ở cây con và 38,6% ở cây lớn); cao hơn và khác biệt rất có ý nghĩa về mặt thống kê so với các nghiệm thức còn lại. Tỉ lệ cây bị hại thấp nhất là 6,2% (cây con) và 5,3% (cây lớn) thuộc về nghiệm thứ 3; hai nghiệm thức (NT4 và NT2) cùng đứng thứ hai về tỉ lệ nhiễm rệp sáp với 8,0% - 9,6% (cây con) và 8,6% - 9,9% (cây lớn).

Kết quả tổng hợp ở Bảng 5 cho thấy, mặc dù chỉ tiêu sinh trưởng về chiều cao không có sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê giữa các nghiệm thức; nhưng chỉ tiêu số lá và trọng lượng cải xanh lại khác biệt có ý nghĩa thống kê ở nghiệm thức NT3 (1:250 -BWopt1) so với các nghiệm thức còn lại. Theo đó, số lá/cây ở các nghiệm thức phun chế phẩm bảo vệ thực vật đều cao hơn một cách có ý nghĩa so với đối chứng 1 (7 và 7,3 lá/cây so với 5,3 lá/cây). Tương tự, trọng lượng rau ở cả 3 nghiệm thức phun chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật đạt cao nhất, trong đó nghiệm thức 3 có trọng lượng cao nhất (7,0 kg/m2), nhưng vẫn đồng hạng với nghiệm thức 2 và 4 trong xếp hạng Ducan.

Đạt trọng lượng rau thấp nhất vẫn là nghiệm thức 1 (4 kg/m2), thấp hơn một cách có ý nghĩa ở mức 1% so với các nghiệm thức còn lại. Như vậy, kết quả phun giấm tre ở nghiệm thức pha loãng 250 lần giúp hạn chế tác hại của sâu tơ đến 97% (thuốc nông trại dùng hạn chế được 95%) và của rệp sáp đến 95% (so với thuốc của nông trại dùng là 90%). Đồng thời, phun giấm tre ở tỉ lệ 1:250 giúp tăng trọng lượng rau cải trồng hữu cơ trên một đơn vị diện tích (7,0 kg/m2 so với 6,2 kg/m2 theo canh tác của nông trại). (Bảng 5)

Bảng 5. Ảnh hưởng giấm tre đến sinh trưởng và trọng lượng

của cây cải xanh trồng líp

anh_huong_giam_tre_den_sinh_truong_va_trong_luong_cua_cay_cai_xanh_trong_lip

Ghi chú: ns : Sự khác biệt không có ý nghĩa trong thống kê.

Từ các kết quả thu được ở trên, đề tài tìm ra nghiệm thức NT3 (tỉ lệ pha loãng giấm tre 1:250) là tối ưu trong nghiên cứu này với khả năng phòng trị sâu bệnh tốt hơn ở một số chỉ tiêu nghiên cứu (phòng trị sâu tơ và rệp sáp) so với loại thuốc BVTV sinh học mà nhà vườn đang dùng.

5. Kết luận khuyến nghị

5.1. Kết luận

Sau 3 tháng làm thực nghiệm, kết quả được ghi nhận như sau:

(1) Đối với cải xanh trồng chậu, 2 nghiệm thức giấm tre pha loãng được đánh giá tốt hơn nhất cho việc phòng trị sâu bệnh hại cải xanh là: NT4 (1:250) và NT5 (1:300) với khả năng ngăn ngừa sâu tơ đến 99%, trong khi loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học mà nông trại đang sử dụng hạn chế được 91% sâu tơ.

(2) Trồng cải xanh trên líp (trong nhà lưới),  ngoài sâu tơ gây hại còn có rệp sáp. Kết quả phun giấm tre ở nghiệm thức pha loãng 250 lần giúp hạn chế tác hại của sâu tơ đến 97% (trong khi thuốc nông trại dùng hạn chế được 95%) và của rệp sáp đến 95% (so với thuốc của nông trại dùng là 90%). Đồng thời, phun giấm tre ở tỉ lệ 1:250 giúp tăng trọng lượng rau cải trồng hữu cơ trên một đơn vị diện tích (7,0 kg/m2 so với 6,2 kg/m2 theo canh tác của nông trại). Kết quả thu được của nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phun giấm tre với tỉ lệ pha loãng 1:250, định kì 7 ngày phun 1 lần giúp phòng trị đáng kể tỉ lệ sâu tơ và rệp sáp hại cải xanh trồng hữu cơ.

5.2. Khuyến nghị

Kết quả nghiên cứu mới chỉ áp dụng được cho 1 vụ, vì vậy để có thể xây dựng qui trình kỹ thuật sử dụng giấm tre như một loại thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc cho rau, rất cần có thêm các thử nghiệm đồng ruộng, ít nhất là 2 vụ liên tục.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(2014), QCVN 01 - 169: 2014/BNNPTNT. Qui chuẩn kĩ thuật quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây rau họ hoa thập tự.
  2. Võ Văn Chi (2011), Từ điển Cây thuốc Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Y học.
  3. Vũ Thị Quyền, Trần Thị Hải Yến & Võ Lý Thu Thảo (2017), Ảnh hưởng của giấm gỗ đến năng suất, chất lượng rau dền và rau muống trồng hữu cơ, Kỷ yếu khoa học Quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học trong phát triển nông nghiệp xanh bền vững. ISBN 978-604-60-2664-8, Nhà xuất bản Nông nghiệp chi nhánh TP.HCM.
  4. Nguyễn Thơ (2017), Sử dụng biện pháp sinh học kiểm soát dịch hại bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu, Kỷ yếu khoa học Quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học trong phát triển nông nghiệp xanh bền vững, ISBN 978-604-60-2664-8, Nhà xuất bản Nông nghiệp chi nhánh TP.HCM.
  5. Website: http://livinggreenmag.com/2012/09/07/food-health/bamboo-vinegar-heals-sanitizes/#tOgwjb867cupY7t1.99

 

A STUDY ON THE PET AND DISEASE CONTROL CAPABILITIES

OF BAMBOO VINEGAR ON THE BRASSICA JIUNCEAE GROWN

IN SEN VIET FARM

Ph.D VU THI QUYEN

Head of Department of Biotechnology, Faculty of Technology

 Van Lang University

PHAM THE KIEN

K23S, Faculty of Technology, Van Lang University

NGUYEN HUYNH BAO DUY

K22S, Faculty of Technology, Van Lang University

ABSTRACT:

This study is to investigate the possibility of preventing and treating pests and diseases on Brassica Jiuncea by using the bamboo vinegar obtained from pyrolysis process of the Thyrsostachys siamensis under limitted oxygen conditions. To conduct this study, impact measures from soil preparation, composting, soil washing, seed treatment, garden cleaning to spraying of insecticidal products were done periodically followed set technical processes.

After 3 months of experimentation, the results show that (1) For Brassica Jiuncea that was planted in the pot, 2 treatments of diluted bamboo vinegar which give the best evaluation for the prevention and treatment of  Brassica Jiuncea pests were NT4 (1: 250) and NT5 (1: 300) with the ability prevent Plutella xylostella to 99 %. (2) The Brassica Jiuncea which was grown on the lip was damaged by Plutella xylostella and also Brevicoryne brassicae. The use of bamboo vinegar in the diluted treatment 250 times helped reduce the harmful effects of Plutella xylostella to 97%, and the Brevicoryne brassicae to 95%. At the same time, the use of bamboo vinegar at a ratio of 1: 250 helped increase the weight of organic Brassica Jiuncea (7.0 kg/m2 compared to 6.2 kg/m2 according to farm farming).

Keywords: Bamboo vinegar, Brassica Jiuncea, control, pet, disease, organic.