Khó khăn kép do giãn cách kéo dài, doanh nghiệp sản xuất cần “trợ sức”

Lực lượng doanh nghiệp đang “kiệt sức” trong thời điểm TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng nay. Chi phí tăng cao do mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, không huy động được hết người lao động đến làm việc khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp đồng loạt kêu khó

Nhằm duy trì sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, đối với bộ phận trực tiếp sản xuất, Công ty CP Pin Ắc quy miền Nam (Pinaco) đã triển khai “3 tại chỗ” tại các nhà máy sản xuất như 2 Xí nghiệp ắc quy ở Đồng Nai bắt đầu từ tháng 7/2021 và Xí nghiệp pin Con Ó vào cuối tháng 9/2021. Riêng khối văn phòng Công ty thì làm việc tại nhà. Do vậy, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Pinaco vẫn diễn ra tương đối bình thường và đáp ứng được cho nhu cầu của khách hàng trong tình hình dịch bệnh.

pinaco
Hoạt động SXKD của Pinaco vẫn diễn ra bình thường nhưng hiệu quả không cao do phát sinh nhiều chi phí khi thực hiện "3 tại chỗ"

Tuy nhiên, ông Lê Văn Năm – Tổng giám đốc Pinaco chỉ rõ, giống như nhiều doanh nghiệp khác, thực tế việc triển khai sản xuất “3 tại chỗ” tại Pin Ắc quy miền Nam có hiệu quả không cao vì tốn nhiều chi phí hơn so với bình thường. Bên cạnh đó, tâm lý người lao động không ổn định do tập trung tại một chỗ quá lâu. Chưa kể, các nhà cung cấp cũng giảm năng lực đáng kể nên cũng không cung cấp kịp thời vật tư nguyên liệu cho sản xuất nên năng suất lao động chung không cao nên chi phí cũng tăng theo.

“Đáng chú ý, việc thực hiện “3 tại chỗ” khiến doanh nghiệp không thể huy động toàn bộ lao động để sản xuất mà phải bảo đảm nơi ăn ở và các yêu cầu phòng chống dịch. Số lượng lao động có thể tập trung tại Công ty chỉ vào khoảng 50-60%, nên dẫn đến năng lực sản xuất và năng suất lao động giảm đáng kể” – ông Lê Văn Năm chia sẻ.

Tương tự, dù vẫn duy trì được sản xuất và có doanh thu, song Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các biện pháp sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng giám đốc Công ty cho biết, khi triển khai phương án “3 tại chỗ”, DRC gặp rất nhiều khó khăn do công nhân sống tập trung, rủi ro lây nhiễm chéo rất lớn nên tạo áp lực tâm lý.

Công ty cũng không thể bố trí đủ điều kiện để người lao động nghỉ lại trong thời gian dài, bảo đảm các yêu cầu tối thiểu như: vệ sinh cá nhân, quản lý an toàn… Đặc biệt, phương án “3 tại chỗ” khiến DRC phát sinh chi phí rất lớn như: chi phí ăn ở, phục vụ, chi phí xét nghiệm 3 ngày/lần, hỗ trợ lương… “Vừa qua, để đảm bảo thực hiện tốt nhất “3 tại chỗ”, Công ty phải thuê khách sạn cho người lao động ăn ở, khiến chi phí đội lên rất lớn” – ông Lê Hoàng Khánh Nhựt bộc bạch.

Ngoài khó khăn do chi phí tăng, vì sản xuất “3 tại chỗ” nên DRC chỉ được huy động 30-70% lao động đến làm việc trực tiếp. Khả năng khai thác công suất thấp, năng suất lao động giảm, chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc cao dẫn đến chi phí chung cho sản xuất tăng mạnh, trong khi hiệu quả sản xuất, kinh doanh giảm. Đây là khó khăn rất lớn của doanh nghiệp.

Ngoài việc phát sinh chi phí, thời gian qua, Công ty CP Hóa chất Cơ bản miền Nam (HCCB) còn gặp khó khăn về điều kiện cơ sở hạ tầng. Do mặt bằng chật hẹp nên việc bố trí cho người lao động thực hiện “3 tại chỗ” chỉ có thể đáp ứng được 1/3 số số lao động nên việc sắp xếp bố trí lao động tại các ca kíp gặp nhiều trở ngại, làm giảm năng suất lao động.

Bên cạnh đó, thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài, cùng với việc xét nghiệm thường xuyên cũng tạo tâm lý mệt mỏi cho người lao động. Do điều kiện không thể bố trí “3 tại chỗ” cho đa số người lao động nên Công ty chỉ bố trí tối thiểu số lượng lao động tại các vị trí trọng yếu để duy trì hoạt động liên tục cho dây chuyền vận hành ở mức công suất tối thiểu.

hoa chat mien nam
Không thể bố trí "3 tại chỗ" cho tất cả lao động nên Hóa chất Cơ bản miền Nam chỉ duy trì ở mức công suất tối thiểu

“Việc thành phố và các tỉnh phía Nam cũng như các sở ban ngành liên tục ban hành và thay đổi các chỉ thị và thông báo về công tác phòng chống dịch và lưu thông hàng hoá không đồng bộ và thống nhất cũng gây rất nhiều khó khăn và mất thời gian cho doanh nghiệp. Cũng do không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” nên một số khách hàng lớn của HCCB phải dừng hoạt động, khiến cho lượng tiêu thụ sản phẩm của Công ty giảm mạnh. Quan trọng hơn cả, do không có việc, lao động nghỉ việc nên khi được trở lại sản xuất, các doanh nghiệp sẽ xuất hiện tình trạng thiếu lao động, gây xáo trộn cũng như mất ổn định trong công tác sản xuất” – ông Lê Thanh Bình – Tổng giám đốc HCCB lo ngại.

Ông Ngô Văn Đông – Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền chia sẻ thêm, bên cạnh việc đội chi phí do phải đảm bảo chỗ ăn , nghỉ, cho công nhân, phải xét nghiệm thường xuyên và tình trạng thiếu hụt lao động nên Công ty phải giảm công suất của các dây chuyền sản xuất. Điều này khiến doanh nghiệp mất cơ hội do sản xuất không đáp ứng nhu cầu của thị trường khi vào vụ sản xuất cuối năm.

Để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, Công ty CP Bột giặt Lix (LIX) đã tổ chức “3 tại chỗ” cho người lao động ở lại Công ty từ ngày 5/7 đến nay. Ông Lê Đình Vỹ - Phó tổng giám đốc LIX cho biết, việc tăng đội chi phí là điều đương nhiên vì phải chuẩn bị cơ sở vật chất cho người lao động lưu trú, phát sinh thêm chi phí hỗ trợ hằng ngày cho người lao động thực hiện “3 tại chỗ”, chi phí ăn uống sinh hoạt, chi phí xét nghiệm PCR hằng tuần.

Tuy nhiên điều đang lo ngại hơn là việc ăn ở tập trung có thể gây nên rủi ro về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy. Nguyên vật liệu sử dụng cho sản xuất thiếu hụt và giá cả liên tục tăng cao làm thay đổi kế hoạch hoặc dừng sản xuất dẫn đến người lao động không có việc làm.

Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

xet nghiem
Do phải xét nghiệm covid thường xuyên cho người lao động nên đây cũng là gánh nặng với các doanh nghiệp

Để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh, ông Lê Văn Năm kiến nghị, Nhà nước cần sớm có giải pháp chống dịch gắn với mở cửa một cách đồng bộ cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, khôi phục lại sản xuất kinh doanh và vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch. Bên cạnh đó, cần miễn giảm hoặc giãn cách thêm thời gian nộp thuế, phí, các khoản trích nộp ngân sách Nhà nước… để giảm bớt khó khăn về tài chính của đơn vị trong thời gian xảy ra dịch.

Khẳng định rằng trong thời gian vừa qua, Nhà nước và Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều các chính sách cho doanh nghiệp, song ông Lê Hoàng Khánh Nhựt cũng nhấn mạnh, đó chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn, Chính phủ cần sớm mở lại việc lưu thông hàng hóa trong nước, để cho các dự án cũng như người tiêu dùng có thể sử dụng được sản phẩm, lúc đó doanh nghiệp mới sống được bằng các sản phẩm của mình. “Trong quá trình sản xuất, tình trạng “zero covid” là không thể, nên xảy ra dịch ở đâu thì xử lý ở đó. Về tinh thần là DRC luôn luôn chuẩn bị thích ứng với trạng thái bình thường mới” – ông Nhựt nêu quan điểm.

logistic
Chi phí logicstic tại DRC có những khoản tăng lên gấp 10 lần so với thời điểm trước dịch bệnh

Ngoài ra, hiện nay chi phí logistics vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp khi có những khoản đã tăng lên gấp 10 lần. Đây là nút thắt các doanh nghiệp khẩn thiết mong Chính phủ tác động để tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu được thuận lợi.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đều đồng tình cho rằng, vaccine là giải pháp quan trọng hàng đầu để phòng chống dịch bệnh. Ông Lê Thanh Bình kiến nghị, cần khẩn trương hoàn tất việc tiêm vaccine cho người lao động của doanh nghiệp đóng tại các KCN trên địa bàn các tỉnh phía Nam.

Bên cạnh đó, cần sớm ban hành các hướng dẫn một các thống nhất từ Trung ương đến địa phương để dần nới lỏng giãn cách xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên cả nước trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế và lãi suất vay vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Đồng ý kiến, ông Lê Đình Vỹ cho hay, hiện LIX đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine đạt hơn 90%, trong đó tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi là 61% và đang thuộc vùng xanh an toàn Covid. Vì vậy, Công ty mong muốn TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung sớm khởi động lại trạng thái bình thường mới nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV năm 2021.

Ông Ngô Văn Đông chia sẻ thêm, việc tiêm vaccine là yếu tố quan trọng cho sản xuất trở lại. Do đó, cần cho phép các công nhân, người lao động đã được tiêm vaccine được tham gia sản xuất nhằm sử dụng hết công suất của máy móc, giảm chi phí sản xuất và tăng sản phẩm sản xuất, cung ứng kịp thời đến bà con nông dân. Các cơ quan hữu quan cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng như cung ứng sản phẩm ra thị trường đến với người nông dân và đảm bảo không bị đứt gãy hệ thống phân phối sản phẩm.

 

Trần Bản