Khó khăn trong vận chuyển kìm hãm hoạt động xuất khẩu gạo khu vực Châu Á

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm nhẹ trong tuần này và trở nên cạnh tranh hơn với các quốc gia xuất khẩu gạo lớn khác như Việt Nam và Ấn Độ. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo của các nước khu vực Châu Á đang gặp nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển tăng cao.
Xuất khẩu gạo
Công nhân bốc xếp gạo tại một cảng xuất khẩu gạo của Thái Lan (Ảnh: SCMP)

Giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan trong tuần này được chào giá tại mức 390 USD – 400 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức 390 USD – 403 USD/tấn ghi nhận trong tuần trước. Mức giá này hiện giúp gạo Thái Lan cạnh tranh hơn đáng kể so với các quốc gia xuất khẩu gạo lớn khác như Việt Nam và Ấn Độ.

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết mặc dù mức giá thấp hơn đã giúp thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng nhưng chi phí vận chuyển đường biển tăng vọt cùng với sự khan hiếm tàu vận chuyển đã khiến các giao dịch bị đình trệ.

Theo ông Charoen Laothammatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), chi phí vận chuyển hiện đang ở mức rất cao, đặc biệt chi phí trên các tuyến đi từ cảng Bangkok đến New York và Los Angeles (Hoa Kỳ) đã lên đến 15.000 USD – 18.500 USD/container. Mức giá này cao gấp nhiều lần so với mức từ 3.000 USD – 4.000 USD/container trong năm 2019.

Ông Charoen Laothammatas nhận định sản lượng gạo của Thái Lan, bao gồm cả gạo hom mali, sẽ đạt mức thông thường trong năm nay sau khi sụt giảm mạnh tới 20% trong vòng 2 năm vừa qua do tình trạng hạn hán trên diện rộng. 

Thái Lan dự kiến sẽ tăng cường hoạt động xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm nay để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã xuất khẩu được 2,59 triệu tấn gạo, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc giá cước vận tải đường biển tăng vọt cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Một số thương nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam cho biết giao dịch trên thị trường diễn ra hạn chế, các đối tác mua hàng đang e ngại về chi phí vận chuyển. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 3 triệu tấn gạo, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Việc đẩy mạnh thu mua gạo trong năm ngoái cũng giúp các nhà nhập khẩu gạo duy trì kho dự trữ ở mức cao, cho phép giãn tiến độ mua hàng dài hơn để quan sát tình hình thị trường trong nửa cuối năm nay. Lực cầu ở mức yếu, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn cùng với đó là nguồn cung gạo có xu hướng tăng lên khi vụ thu hoạch mới chuẩn bị bắt đầu đã đẩy giá gạo thị trường Châu Á xuống mức thấp trong thời gian gần đây.  

Trong khi đó, Bangladesh vừa giảm mạnh thuế nhập khẩu gạo từ mức 25% xuống còn 15% nhằm tăng cường lượng gạo dự trữ và kiềm chế đà tăng cao của giá gạo trên thị trường nội địa nước này. Đây là lần thứ hai Bangladesh giảm thuế nhập khẩu gạo kể từ hồi tháng 12 năm ngoái.

Tình trạng lũ lụt nghiêm trọng trong năm ngoái đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động canh tác lúa gạo của Bangladesh và khiến lượng gạo tồn trữ giảm nhanh hơn so với thông thường.

Dự kiến, các doanh nghiệp tư nhân tại Bangladesh sẽ được nhập khẩu 1,7 triệu tấn gạo trong những tháng cuối năm nay. Tính chung 6 tháng đầu năm vừa qua, Bangladesh đã nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo – mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Quang Đặng