Khởi nghiệp và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

ThS. PHẠM THỊ THU HÀ (Khoa Kinh tế cơ sở - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong 4 năm trở lại đây, một “dòng chảy” khởi nghiệp mới đã thực sự xuất hiện và ghi dấu ấn đậm nét tại Việt Nam. Bất chấp những khó khăn, thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đứng trong top 3 thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Á, cùng với Thái Lan và Indonesia. Điều này chứng tỏ thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang có sức sống và tiềm năng phát triển.

Từ khóa: Khởi nghiệp, cơ hội cho doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

1. Vận hội cho kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam trước làn sóng khởi nghiệp

Tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, chiếm gần 97% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP… Số tiền thuế và phí mà các doanh nghiệp này đã nộp cho Nhà nước đã tăng 18,4 lần sau 10 năm. Những con số trên đã khẳng định tầm quan trọng và giá trị mà các doanh nghiệp dân doanh mang lại. Tuy nhiên, theo một thống kê bỏ túi từ 100 người đã khởi nghiệp trong 02 năm trở lại đây thì 80% đứng trước nguy cơ giải thể trong năm đầu tiên hoạt động. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu vốn (chiếm 40%); thiếu kiến thức về quản trị điều hành doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 50%), thiếu kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh (chiếm 30%). Rõ ràng, Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ doanh nhân ngày càng trẻ hơn về tuổi đời. Họ tự tin, quyết liệt, mạnh mẽ để tự tạo ra việc làm cho bản thân mình và cho nhiều người khác. Dù vậy, để doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công, họ rất cần sự đồng hành của rất nhiều tổ chức và cá nhân.

Quý I năm 2016 có thể không phải là một khoảng thời gian tươi đẹp đối với nền kinh tế Việt Nam, ít nhất là trên khía cạnh giấy tờ sổ sách, khi tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt mức khá khiêm tốn là 5,46%, thấp hơn nhiều so với mức 6,12% của quý I năm 2015. Đó là chưa kể hàng loạt các vấn đề đang đè nặng lên nền kinh tế, như hạn mặn kỷ lục tại đồng bằng sông Cửu Long, gánh nặng nợ công và bội chi ngân sách đã trở nên quá sức chịu đựng. Tuy nhiên, ở một phương diện khác, đây có thể xem là những tín hiệu vui vì chúng ta đã dám công khai và nhìn thẳng vào các vấn đề nghiêm trọng nhất của đất nước và nền kinh tế. Chỉ khi nhận thức rõ tất cả những khó khăn ấy, Việt Nam mới có thể “dám” bắt tay vào thực hiện mục tiêu và cũng là lối thoát duy nhất của đất nước và nền kinh tế là “trở thành một quốc gia khởi nghiệp”. Trở thành quốc gia khởi nghiệp cũng đồng nghĩa với việc giải phóng tối đa tất cả tiềm năng của người dân trong việc phát triển kinh tế, dựa trên việc mỗi người tự tìm lấy lợi thế sở trường của mình với sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ.

Trong thời điểm hiện tại, rõ ràng việc trở thành một quốc gia khởi nghiệp là lối thoát duy nhất cho nền kinh tế Việt Nam. Vì một thực tế là cả khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều không thể hấp thụ và giải quyết hết lượng lao động dư thừa trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Khu vực DNNN thì đang có xu hướng thu hẹp quy mô hoạt động, còn khu vực FDI vẫn thiên về thâm dụng lao động trình độ thấp. Theo thống kê, số lao động có trình độ đại học thất nghiệp tại Việt Nam chiếm tới 20% tổng số lao động thất nghiệp trong cả nền kinh tế. Đây rõ ràng là một tín hiệu đáng báo động, không chỉ cho nền giáo dục Việt Nam, mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam nữa. Vì một nền kinh tế có lượng cử nhân đại học thất nghiệp chiếm tỷ lệ lớn như vậy, là một nền kinh tế bị đặt dấu hỏi về trình độ phát triển khi quá tập trung vào tuyển dụng những người lao động trình độ thấp và chủ yếu thực hiện giai đoạn gia công và thâm dụng lao động đơn giản.

Năm 2017, cũng với tinh thần đó, thông điệp mạnh mẽ mà Chính phủ đưa ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, chính quyền phục vụ, truyền niềm hứng khởi quốc gia khởi nghiệp như thành công của đất nước Israel cho toàn dân. Hàng trăm ngàn cá nhân, tổ chức hưởng ứng tinh thần khởi nghiệp với rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp trong toàn quốc. Tiếp sau cuộc phát động, Chính phủ đã có một loạt động thái tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ hàng loạt khó khăn vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Việc Bộ Công Thương bãi bỏ gần 700 giấy phép con trước ngày 14/9/2017 cùng với đề xuất loại bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh đang trói doanh nghiệp là minh chứng tiêu biểu cho tinh thần cải cách đó.

Tuy nhiên, phía trước cũng còn nhiều khó khăn thách thức cho tinh thần quốc gia khởi nghiệp. Chỉ nói riêng về chuyện doanh nghiệp khởi nghiệp cũng làm không ít người băn khoăn. Cộng đồng này mới hình thành chưa lâu ở nước ta, quy mô còn nhỏ, có bước phát triển và thành công nhất định, song thật đáng tiếc, khá nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của người Việt nhưng lại đăng ký kinh doanh ở nước ngoài và phát triển thị trường, sản phẩm ở nước ngoài. Nếu vậy, làm sao có thể thúc đẩy được tinh thần quốc gia khởi nghiệp, khi một trong những yếu tố quan trọng của sự sáng tạo quốc gia bắt đầu từ doanh nghiệp khởi nghiệp.

2. Giải pháp khởi nghiệp đi đến thành công

Để phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh và bền vững, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng các chính sách và quy định pháp luật phù hợp, đồng thời có những chương trình cụ thể giúp hình thành và phát triển những doanh nghiệp khởi nghiệp mới, trong đó, việc quan trọng nhất là thiết lập các cơ chế tài chính để tham gia cùng khối đầu tư tư nhân vào khởi nghiệp, theo mô hình mà nhiều quốc gia đã thực hiện rất thành công.

Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và chính các doanh nghiệp khởi nghiệp gần đây đã có những nỗ lực lớn trong việc hình thành “hệ sinh thái khởi nghiệp”, bao gồm những người khởi nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ và Nhà nước. Nhà nước đang là khâu yếu nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp này, chủ yếu do không thực hiện được chức năng xây dựng chính sách và pháp luật dẫn đến tình trạng bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh tại thị trường nội địa hay thậm chí cả thị trường quốc tế của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Hơn thế nữa, khi có những doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam rất thành công thì người hưởng lợi ở phía nhà đầu tư trong hệ sinh thái lại là các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài, với những quyết định đầu tư kịp thời, đúng đắn.

Bên cạnh đó cho đến nay tài chính vẫn là vấn đề nóng bỏng nhất của khởi nghiệp Việt Nam. Vấn đề này có nguyên nhân không hẳn từ việc thiếu những quỹ hỗ trợ hay đầu tư phù hợp, mà ở chỗ Việt Nam thiếu hẳn một hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tài chính khởi nghiệp. Hậu quả của sự thiếu hệ thống pháp luật như vậy là sự thiếu định hướng chiến lược của các quỹ hỗ trợ hiện có, quỹ hỗ trợ và đầu tư của Việt Nam không ra đời và phát triển, thiếu môi trường hấp dẫn cho các quỹ đầu tư nước ngoài phù hợp tham gia vào thị trường.

Tuy nhiên, tài chính cho khởi nghiệp không chỉ bao gồm tài chính có yếu tố rủi ro cao như quỹ đầu tư, mà còn bao gồm cả tài chính thông thường thông qua hệ thống ngân hàng. Sự kết hợp của tài chính rủi ro cao với tài chính ngân hàng sẽ là phương thức thúc đẩy khởi nghiệp hiệu quả. Sự kết hợp của tài chính tín dụng hay tài chính hỗ trợ với tài chính rủi ro của các quỹ đầu tư đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và trong tình huống mà các ngân hàng không tham gia đầy đủ vào quá trình này do phải đặt ưu tiên cao cho tài chính phục vụ doanh nghiệp theo cách truyền thống, thì các quỹ hỗ trợ của Nhà nước là một sự thay thế thích hợp.

Trong khoảng 5 năm gần đây, Chính phủ nhiều nước, ngay cả những nước có cơ chế thị trường hoàn hảo như Mỹ, cũng bắt đầu nhận ra tầm quan trọng chiến lược của khởi nghiệp đối với nền kinh tế, đã lập ra các quỹ hỗ trợ và đầu tư khởi nghiệp của Nhà nước. Sự tồn tại của các quỹ này không nói lên rằng Nhà nước của các quốc gia đó tham gia vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm mà thực chất chỉ làm công việc thúc đẩy khởi nghiệp, với mục tiêu chính trị phổ biến của các chính quyền là “tạo việc làm”, thông qua sự bổ trợ, kết hợp với các tổ chức đầu tư với bản chất kinh doanh là chấp nhận rủi ro cao, nhưng cũng kỳ vọng lợi nhuận cao.

Chính phủ các nước có quỹ đầu tư thúc đẩy khởi nghiệp đó đã có những hình thức hoạt động thông minh, đạt được mục tiêu đẩy nhanh tiến trình khởi nghiệp để phát triển kinh tế tổng thể, nhưng lại không quá rủi ro cho nguồn vốn là tiền đóng thuế của người dân.

Hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp của các quốc gia này tập trung vào hai lĩnh vực là làm chính sách và hỗ trợ tài chính. Công việc đầu tiên của Chính phủ luôn là xây dựng chính sách, pháp luật, nhưng sứ mệnh của một chính phủ không chỉ dừng lại ở đó. Chính sách và pháp luật cần phải được thực thi bởi những chương trình cụ thể, trong đó việc cam kết về tài chính là sự thể hiện cao nhất tinh thần trách nhiệm của một Chính phủ.

Sự kết hợp của Chính phủ và tư nhân trong đầu tư khởi nghiệp còn có một lợi ích đặc biệt cho Việt Nam, một quốc gia có điều kiện phát triển thấp hơn nhiều so với các quốc gia nêu làm ví dụ trong bài, đó là khả năng hạn chế và loại trừ tham nhũng trong việc sử dụng vốn Nhà nước, do các tổ chức tư nhân có cơ chế lợi ích hợp lý và cơ chế bảo đảm nguyên tắc minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Sự kết hợp Nhà nước và tư nhân trong thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia cũng là bước đi cần thiết của Chính phủ trong vấn đề xóa bỏ tư duy định kiến với tính chất mạo hiểm trong kinh doanh. Kinh nghiệm của thế giới đã cho thấy, sự thịnh vượng của các quốc gia có đóng góp rất lớn của các đột phá khởi nghiệp thành công từ kinh doanh mạo hiểm.

Bên cạnh đó, bản thân các nhà Start-up cần phải trang bị cho mình những kỹ năng, những kinh nghiệm nhất định. Khởi nghiệp là tốt, song nhận thức được điều đó chưa đủ, nó còn là quá trình bản thân họ học hỏi, đưa ra ý tưởng để ý tưởng đó phát triển ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Baotintuc.vn

2. Khoinghieptre.vn

3. Baodautu.vn

4. Tapchitaichinh.vn

OPPORTUNITIES AND OPPORTUNITIES

FOR VIETNAMESE ENTERPRISES

● MA. PHAM THI THU HA

Faculty of Economics - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Over the last four years, a new "flow" of startups has emerged and left a great impression in Vietnam. Despite the difficulties, Vietnam's start-up market still ranks among the top three emerging markets in Southeast Asia, along with Thailand and Indonesia. This proves that Vietnam's entrepreneurial market has the vitality and potential to develop.

Keywords: Startup, opportunities for businesses, small and medium enterprises.