TÓM TẮT:
Thời gian tới, đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ cấp thiết để phát triển bền vững, tránh bẫy thu nhập trung bình. Đổi mới mô hình tăng trưởng phải dựa trên đổi mới sáng tạo. Do đó, việc phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân có ý nghĩa khai thác tốt nhất tiềm năng về nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bổ sung thế mạnh kinh tế mới, tạo ra động lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, một số hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Từ khóa: Mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, khu vực kinh tế tư nhân, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

1. Đặt vấn đề

Mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua dù có nhiều kết quả nhưng đã bộc lộ hạn chế, khiếm khuyết. Tăng trưởng dựa vào chiều rộng đang dần hết dư địa. Theo nhận định của giới chuyên gia, thành phần kinh tế nhà nước chiếm 28% GDP và kinh tế hộ gia đình chiếm 32% GDP có sức cạnh tranh yếu, khó là trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế có năng lực đổi mới sáng tạo, hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Do đó, nhận thức vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 10-NQ/TW đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.
Trong giai đoạn 2016-2018, chính sách phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục được hoàn thiện, đồng thời đẩy mạnh rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý cản trở sản xuất kinh doanh; nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Xung lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng

Giai đoạn 2016 - 2018, mô hình tăng trưởng chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo nguồn lực thực hiện tốt hơn an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân.
Tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 6,57%, cao hơn mức bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011-2015, đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5%-7% đề ra trong kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Chất lượng tăng trưởng đạt được nhiều kết quả khả quan, dịch chuyển mạnh sang chiều sâu, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế tăng lên. Giai đoạn 2011-2015, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP là 33,58%; đóng góp của vốn là 51,20%; đóng góp của lao động là 15,22%. Giai đoạn 2016-2018, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế đạt 42,18%.
Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể, tăng đều qua các năm. Tính theo giá hiện hành, năng suất lao động của nền kinh tế năm 2016 đạt 84,5 triệu đồng/lao động; năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/lao động; năm 2018 đạt 102,3 triệu đồng/lao động. Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động nền kinh tế năm 2016 tăng 5,3%; năm 2017 tăng 6%; năm 2018 tăng 5,55%. Bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 5,62%/năm, cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015.
Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng khai khoáng. Đóng góp của ngành khai khoáng vào tăng trưởng kinh tế giảm từ 5,1 điểm % giai đoạn 2011-2015 xuống -0,33 điểm % năm 2016 và -0,54 điểm % năm 2017. Tỷ trọng trong GDP của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 14,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 16,2% năm 2016, 17,4% năm 2017 và 18,8% năm 2018.
Xuất khẩu khu vực trong nước tăng nhanh, khoảng cách về tốc độ tăng giá trị xuất khẩu giữa khu vực FDI và khu vực trong nước thu hẹp dần qua các năm. Năm 2017, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu của khu vực trong nước là 17,8%, so mức tăng 19,6% của khu vực FDI không tính dầu và điện thoại.
Cũng trong giai đoạn 2016 - 2018, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, đầu tư, xuất khẩu, đóng góp cho ngân sách, tạo việc làm. Cụ thể, năm 2018 ước tính đóng góp 42,1% GDP; tỷ trọng vốn đầu tư trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 43,27%; chiếm tỷ trọng 25,3-26,3% kim ngạch xuất khẩu và 34,7-34,8% kim ngạch nhập khẩu; đóng góp ngân sách vượt khu vực FDI và vượt xa khu vực DNNN; chiếm 83,3% tổng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước.
Doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục về số lượng và số vốn đăng ký: Năm 2016 hơn 110.000 doanh nghiệp, vốn đăng ký 891.094 tỷ đồng; năm 2017 có 127.000 doanh nghiệp, vốn đăng ký 1.295.911 tỷ đồng; năm 2018 trên 131.000 doanh nghiệp, vốn đăng ký 1.478 nghìn tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2019 có gần 54 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký là 669,7 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội gia tăng: Năm 2015 là 38,7%; Năm 2016 là 38,9%; Năm 2017 là 40,6%. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế: Năm 2015 chiếm 43,22%, năm 2016 là 42,56%, năm 2017 là 41,74%.
Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện rất rõ tiềm năng trở thành động lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Giai đoạn 2016 - 2018, tỷ trọng doanh nghiệp công nghệ cao tăng từ 11,4% lên 12,68%, riêng doanh nghiệp tư nhân tăng từ 96,5% lên 97,7%. Tỷ trọng lao động trong doanh nghiệp công nghệ cao tăng từ 13,81% lên 18,12%; trong doanh nghiệp tư nhân tăng từ 95,1% lên 97,2%. Tỷ trọng doanh thu của doanh nghiệp công nghệ cao tăng từ 27,05% lên 40,11%; trong doanh nghiệp tư nhân tăng từ 86,3% lên 92,4%.

3. Hạn chế, tồn tại

Cấu trúc của nền kinh tế thay đổi không đáng kể, vẫn dựa vào hai lực lượng chính là kinh tế hộ gia đình chiếm hơn 33% GDP và doanh nghiệp nhà nước chiếm 32% GDP. Các ngành sản xuất vẫn ở công đoạn thấp trong chuỗi giá trị. Đầu tư chủ yếu qua tín dụng ngân hàng, dẫn tới tỷ lệ tín dụng/GDP tăng nhanh và rủi ro. Mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài có xu hướng tăng.
Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhiều thách thức, chưa đạt được bước tiến mạnh mẽ trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Môi trường kinh doanh được cải thiện chủ yếu ở điều kiện gia nhập thị trường.
Năng suất lao động tăng vẫn dựa nhiều vào tăng vốn. Tốc độ gia tăng thâm dụng vốn tăng từ 5,9% năm 2016 lên 6,3% năm 2017, nâng mức đóng góp của cường độ vốn vào tăng năng suất lần lượt lên 58,9% và 55,8%. Năng suất lao động vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, chênh lệch về năng suất lao động với các nước tiếp tục gia tăng. Nhiều ngành thế mạnh (dệt may, da giày, du lịch, thủy sản hay kể cả điện tử…) vẫn ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị.
Hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều cải thiện. Khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn yếu thế trong quá trình phân bổ nguồn lực vật chất so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Mô hình phát triển ở các ngành kinh tế chủ chốt còn nhiều bất cập. Ngành Công nghiệp nội địa chưa tạo được năng lực cạnh tranh cao, năng suất lao động còn thấp. Việc phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn chưa đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Nông nghiệp chuyển biến nội ngành chưa bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn hóa quy mô còn hạn chế, khả năng cạnh tranh của nông sản còn thấp, kinh tế hộ chiếm tỷ trọng cao; sản xuất quy mô lớn.
Thực trạng này có một phần nguyên nhân từ thực tế kinh tế tư nhân chủ yếu là các DN nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 95 - 96% tổng số DN, số DN vừa chỉ chiếm khoảng 1,7%. Tỷ trọng quá nhỏ của nhóm DN vừa trong khu vực kinh tế tư nhân đã phần nào hạn chế kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng trong giai đoạn 2016-2018, khu vực tư nhân trong nước vẫn phát triển chậm. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực này năm 2016 là 5,51% và năm 2017 là 6,23%, so bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 6,61%. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, không có sự biến động đáng kể trong giai đoạn 2016-2018.

4. Nguyên nhân

Định hướng ưu tiên đổi mới mô hình tăng trưởng chưa được quán triệt xuyên suốt và nhất quán. Kết quả triển khai chủ trương, chính sách đổi mới mô hình tăng trưởng với trách nhiệm người đứng đầu còn hạn chế.
Phát triển kinh tế - xã hội chưa tập trung đủ mức để đạt được các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng. Thiếu hệ thống chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng và cơ chế giám sát chất lượng tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân đối mặt với nhiều rào cản nên chưa phát huy hết tiềm năng để thực sự đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chưa có chiến lược phát triển doanh nghiệp đúng nghĩa, mới quan tâm đến số lượng chứ chưa có cách tiếp cận phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân.
Nhận thức về kinh tế tư nhân chậm thay đổi, không định hướng phát triển các thị trường và lực lượng thị trường đúng nghĩa. Việc kéo dài ưu đãi phi thị trường đối với khu vực FDI gây méo mó hệ thống, cản trở phát triển kinh tế tư nhân.

5. Một số giải pháp

Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2018 - 2020 là tiếp tục đẩy mạnh thực chất chuyển đổi mô hình tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Tập trung xử lý các điểm nghẽn của nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân.
Nghị quyết số 10-NQ/TW cũng xác định hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến thông qua hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ; chính sách thuế, hỗ trợ tài chính; các cơ chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp, đào tạo nhân lực.

- Giải pháp về đổi mới mô hình tăng trưởng:

Tiếp tục quán triệt chủ trương, chiến lược về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đề ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể, cơ chế giám sát thực hiện, gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu ngành, lĩnh vực và địa phương. Tăng cường tính phối hợp liên ngành chặt chẽ.
Xây dựng các tiêu chí đánh giá kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công, DNNN, ngành kinh tế, vùng kinh tế; hiệu quả của thị trường các yếu tố sản xuất (vốn, lao động, công nghệ, đất đai).
Xây dựng chính sách phát triển và xác định mục tiêu rõ ràng về tăng năng suất và hiệu quả của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Có các chính sách khuyến khích liên kết ngành, tham gia chuỗi giá trị của các doanh nghiệp tư nhân trong nước với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tư nhân trong nước.

- Giải pháp về phát triển kinh tế tư nhân:

Tiếp tục quan triệt tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Xây dựng thị trường cạnh tranh hiệu quả dựa trên hai trụ cột cải cách thể chế về bảo vệ quyền tài sản và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn trên cơ sở tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển mạnh khu vực tư nhân trong nước. Rà soát và cắt giảm mạnh cơ chế phân bổ xin cho khép kín đối với các nguồn lực do Nhà nước kiểm soát.
Đổi mới thể chế về sở hữu, quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của tổ chức, cá nhân. Bãi bỏ các quy định bất hợp lý, giảm tối đa rào cản, giảm rủi ro, xóa bỏ phân biệt đối xử trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng của doanh nghiệp tư nhân đối với các nguồn lực; mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia rộng rãi thị trường mua sắm công, cung cấp dịch vụ công, nâng cao tính công khai, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng.
Đẩy mạnh cắt giảm hợp lý và mạnh mẽ các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuế thu nhập cá nhân đối với lao động chất lượng cao.
Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, phát triển và chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị, phát triển hệ thống vườn ươm doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát hệ thống các DNNN, xác định những lĩnh vực Nhà nước cần nắm quyền chi phối, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạo không gian phát triển, cơ hội tiếp các nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân. Xem xét lại chính sách ưu đãi, kiểm soát chặt chẽ chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài, có chính sách phù hợp bảo vệ doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng bảo hộ ngược dẫn đến doanh nghiệp FDI lấn át doanh nghiệp trong nước.

- Giải pháp trong một số lĩnh vực kinh tế:

Hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh cơ cấu lại, gia tăng giá trị, phát triển theo chuỗi liên kết theo hướng hiện đại, quy mô lớn. Phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất tạo điều kiện cho tích tụ đất nông nghiệp. Chú trọng phát triển doanh nghiệp trong khu vực nông thôn; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, gia trại, trang trại, doanh nghiệp tư nhân.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu, có cơ chế để doanh nghiệp trong nước liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp FDI, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm công nghiệp. Hỗ trợ về thể chế và kết cấu hạ tầng đối với các dự án có tác động tích cực đến nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân.
Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao, hàm lượng tri thức và công nghệ cao (hàng hải, logistics, hàng không, dịch vụ thương mại, phân phối lưu thông; dịch vụ giáo dục, đào tạo; dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe; các loại dịch vụ tư vấn tài chính, ngân hàng, pháp lý…).

6. Kết luận

Mô hình tăng trưởng dựa trên công nghệ cùng với nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo, sử dụng công nghệ mới là yếu tố quyết định cho tăng trưởng dài hạn, là chìa khóa để thoát bẫy thu nhập trung bình. Quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay rất khó chỉ dựa vào các nguồn lực tài chính công do điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn trong cân đối và nợ công cao. Do đó, việc huy động nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tạo ra động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 10-NQ/TW về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
2. Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
3. Nghị quyết số 05-NQ-TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
4. Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
5. Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn và kế hoạch nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
6. Báo cáo kinh tế - xã hội hàng tháng, quý, năm giai đoạn 2016-2018 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.gso.gov.vn).

 

THE PRIVATE SECTOR THE DRIVING FORCE OF VIETNAM’S ECONOMIC GROWTH MODEL REFORM

Master. Tran Thi Hoa Ly
Electric Power University

ABSTRACT:
Reforming the economic growth model is becoming an urgent task for Vietnam’s economy to achieve a sustainable development and to avoid the middle-income trap. The reform in Vietnam’s economic growth model should be based on the country’s innovation. Therefore, if the private secor could be supported to grow strongly, this sector could become the driving force for the country’s economic growth model, adding the economic strength as well as enhancing the competitiveness of the national economy. This article focuses on analyzing the development potential of the private sector, and a number of limitations and shortcomings related to the growth of the private sector, thereby proposing solutions to reform Vietnam’s economic growth model to support the private economy’s development in the coming time.
Keywords: Economic growth model, innovation, private economic sector, economic competitiveness.