Khuôn khổ chất lượng kiểm toán IAASB và một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán tại Việt Nam

ThS. TRẦN THỊ HẢI VÂN (Hội viên của Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc ACCA, Khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh) -  ThS. ĐỖ THỊ HƯƠNG (Khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Chất lượng nói chung và chất lượng kiểm toán nói riêng luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp. Trong xu hướng toàn cầu hóa, thành công của các công ty kiểm toán tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào chất lượng kiểm toán và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tình hình này đòi hỏi cần có những nghiên cứu và định hướng giúp nâng cao chất lượng kiểm toán, nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty kiểm toán tại Việt Nam. Bài viết đi sâu phân tích khuôn khổ IAASB về chất lượng kiểm toán, qua đó đánh giá và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán tại Việt Nam. Nội dung chính tập trung vào các điểm sau: (1) Chất lượng kiểm toán và khuôn khổ chất lượng kiểm toán của IAASB; (2) Thực trạng hoạt động kiểm toán và các vấn đề đặt ra với chất lượng kiểm toán tại Việt Nam và (3) Các giải pháp khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán.

Từ khóa: Chất lượng kiểm toán, khung chất lượng, kiểm toán báo cáo tài chính.

1. Chất lượng kiểm toán và khuôn khổ chất lượng kiểm toán của IAASB

1.1. Chất lượng kiểm toán

Trên thế giới, có nhiều nghiên cứu đã đưa ra định nghĩa về chất lượng kiểm toán (CLKT), cách thức đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán và tác động của chất lượng đến khả năng cạnh tranh (Hosseinniakani và cộng sự, 2014).  Chất lượng kiểm toán được hiểu là mức độ đảm bảo khả năng phát hiện và báo cáo các sai sót trên báo cáo tài chính; hay chất lượng kiểm toán là mức độ tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán và kết hợp mức độ tuân thủ chuẩn mực và mức độ đảm bảo về khả năng phát hiện và báo cáo về các sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính (Brown và cộng sự, 2016).

Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220 về kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán định nghĩa về chất lượng kiểm toán “là mức độ thỏa mãn của các đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán về tính khách quan và độ tin cậy vào ý kiến kiểm toán của kiểm toán viên; đồng thời thỏa mãn mong muốn của đơn vị được kiểm toán về những ý kiến đóng góp của KTV, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, trong thời gian định trước với giá phí hợp lý".

1.2. Khuôn khổ IAASB về chất lượng kiểm toán

Năm 2014, với mục đích thúc đẩy các doanh nghiệp kiểm toán nâng cao chất lượng và thông điệp truyền thông về chất lượng kiểm toán đến người sử dụng, IAASB đã ban hành Khuôn khổ chất lượng kiểm toán. Nội dung chủ yếu của Khung chất lượng kiểm toán nhằm mô tả các yếu tố ảnh hưởng liên quan đến đầu vào, quá trình, và đầu ra của cuộc kiểm toán. Khuôn khổ chất lượng kiểm toán cũng nêu cao sự quan trọng của các nhân tố liên quan đến việc tương tác (giữa các bên liên quan) và sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh khác nhau.

Có thể tóm tắt các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán theo Khuôn khổ chất lượng kiểm toán của IAASB như sau:

- Nhân tố đầu vào: Nhân tố đầu vào là các nhân tố quan trọng đóng vai trò như “nguyên liệu chính” tạo nên chất lượng của cuộc kiểm toán. Các nhân tố đầu vào được chia thành hai nhóm:

+ Giá trị, đạo đức và thái độ của kiểm toán viên, chịu ảnh hưởng bởi văn hóa của doanh nghiệp kiểm toán.

+ Kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của kiểm toán viên (KTV) và thời gian phân bổ cho việc thực hiện cuộc kiểm toán.

- Nhân tố quá trình: Quy trình kiểm toán và các thủ tục kiểm soát chất lượng có sự tác động đến chất lượng kiểm toán, thể hiện ở các điểm sau:

+ Kiểm toán viên/nhóm kiểm toán tuân thủ chuẩn mực kiểm toán, luật và các quy định liên quan, các thủ tục kiểm soát chất lượng tại doanh nghiệp kiểm toán.

+ Kiểm toán viên/nhóm kiểm toán sử dụng tốt các công nghệ thông tin.

+ Có sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng giữa các thành viên có liên quan đến cuộc kiểm toán.

+ Có sự hỗ trợ và tương tác phù hợp từ phía các nhà quản lý để đạt được quy trình kiểm toán hữu hiệu và hiệu quả.

- Nhân tố đầu ra: Cuộc kiểm toán cung cấp sự đảm bảo cho rất nhiều các bên liên quan khác nhau. Sản phẩm đầu ra của một cuộc kiểm toán được đánh giá dựa trên sự hữu dụng và tính kịp thời của báo cáo kiểm toán đối với người sử dụng. Ngược lại, người sử dụng kết quả kiểm toán cũng có những ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Các nhà quản lý doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thể có những những đánh giá và hiểu biết quan trọng giúp kiểm toán viên thực hiện tốt hơn một cuộc kiểm toán, và do vậy chất lượng kiểm toán cũng sẽ tốt hơn. Chẳng hạn, các thông tin được cung cấp từ Ủy ban Kiểm toán của doanh nghiệp, sẽ là nguồn thông tin quan trọng đối với kiểm toán viên.

- Nhân tố tương tác: Các tương tác chính thức và phi chính thức giữa các bên có liên quan đến cuộc kiểm toán sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Các tương tác này được IAASB liệt kê như sau:

+ Tương tác giữa kiểm toán viên và nhà quản lý doanh nghiệp.

+ Tương tác giữa kiểm toán viên và Hội đồng quản trị của doanh nghiệp.

+ Tương tác giữa kiểm toán viên và người sử dụng kết quả kiểm toán.

+ Tương tác giữa kiểm toán viên và cơ quan quản lý.

+ Tương tác giữa nhà quản lý và Hội đồng quản trị của doanh nghiệp, với người sử dụng báo cáo tài chính và với cơ quan quản lý.

+ Tương tác giữa Hội đồng quản trị và cơ quan quản lý, người sử dụng báo cáo tài chính và nhà quản lý.

- Nhân tố ngữ cảnh: Các nhân tố ngoại cảnh có thể tác động đến cuộc kiểm toán theo nhiều cách khác nhau. Ở những quốc gia có sự phát triển còn chưa đồng bộ về luật pháp hay các thực tiễn về hoạt động kinh doanh chưa thực sự hoàn thiện, thì báo cáo tài chính sẽ có nhiều hạn chế và do đó sự kỳ vọng của người sử dụng thông tin cũng sẽ thấp. Ngược lại, ở các quốc gia phát triển hơn, thị trường tài chính phát triển và đòi hỏi sự minh bạch cao hơn, việc sử dụng các báo cáo tài chính sẽ trở nên quan trọng hơn đối với nhiều người sử dụng thông tin. Từ đó, Luật và các quy định liên quan đến công bố thông tin cũng sẽ chặt chẽ hơn và điều này ít nhiều có tác động đến quy trình và chất lượng của việc lập báo cáo tài chính cũng như chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính.

Hình: Khung các Nhóm nhân tố tác động đến CLKT

Khung các Nhóm nhân tố tác động đến CLKT

Nguồn: IAASB (2014)

2. Thực trạng hoạt động kiểm toán và các vấn đề đặt ra với chất lượng kiểm toán tại Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 20/4/2019, Việt Nam có 191 công ty kiểm toán, trong đó có 2 công ty 100% vốn nước ngoài là PwC, KPMG; 9 công ty có vốn đầu tư nước ngoài là E&Y, E-Jung, Mazars, HSKV, Immanuel, S&S, Crowe Việt Nam, BDO, Jung IL; 180 công ty còn lại có 100% vốn trong nước. Trong 191 công ty kiểm toán đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán thì có 81 công ty có chi nhánh. Tổng số chi nhánh đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán là 143. Doanh thu hàng năm của toàn ngành Kiểm toán độc lập đạt hàng nghìn tỷ đồng. Việc nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do cũng đã đặt ra cho Ngành này khá nhiều cơ hội lẫn thách thức.

Bảng 1. Bảng xếp hạng các công ty kiểm toán năm 2018

Chỉ tiêu: Doanh thu trên 1 khách hàng

Bảng xếp hạng các công ty kiểm toán năm 2018

Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2018 của Bộ Tài chính

Tính đến ngày 31/12/2108, số người có chứng chỉ KTV Việt Nam làm việc trong các công ty kiểm toán là 3.784 người, trong đó có 2.160 người Việt Nam và 27 người nước ngoài. Số KTV hành nghề (đủ điều kiện ký báo cáo kiểm toán) là 2.037 người, chiếm khoảng 40% tổng số người được cấp chứng chỉ KTV đến nay (5.080 người).

Bảng 2. Bảng xếp hạng các công ty kiểm toán năm 2018

Chỉ tiêu: Số lượng nhân viên chuyên nghiệp

Bảng xếp hạng các công ty kiểm toán năm 2018

Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2018 của Bộ Tài chính

Tỷ lệ dịch vụ kiểm toán/phi kiểm toán năm 2018 là 61%/39%, so sánh với năm 2017 là 64%/36%. Như vậy, các công ty kiểm toán cũng đang từng bước chuyển dịch dần sang dịch vụ phi kiểm toán với mức tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Trong các dịch vụ phi kiểm toán, dịch vụ tư vấn thuế và tư vấn tài chính khác chiếm tỷ trọng lớn, lần lượt là 16% và 15%. Doanh thu của các dịch vụ này chủ yếu đến từ các Công ty Big 4. (CPA.VN, 2019)

Thời gian qua, Việt Nam cũng luôn theo dõi, cập nhật các thay đổi của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán do IFAC ban hành để biên dịch, biên soạn chuẩn mực Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế,… Năm 2015, sau khi Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ra đời, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 70/2015/TT-BTC quy định chung về các nguyên tắc đạo đức cơ bản áp dụng cho kế toán, KTV hành nghề. Theo đó, các nguyên tắc đạo đức này cũng tiệm cận với các quy định trên thế giới, cụ thể như: Tính chính trực, Tính khách quan, Năng lực chuyên môn và tính thận trọng, Tính bảo mật, Tư cách nghề nghiệp. Các tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn mực hỗ trợ hội viên hiểu và áp dụng các chuẩn mực kiểm toán, cũng như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp như: Chương trình kiểm toán mẫu kiểm toán báo cáo tài chính trong đó có các tài liệu hướng dẫn tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; Chương trình kiểm toán mẫu kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; Quy chế kiểm soát chất lượng mẫu cho các doanh nghiệp kiểm toán… Hàng năm, Bộ Tài chính phối hợp với VACPA tham gia kiểm soát chất lượng tại các DNKT, trong đó có thực hiện kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Về cập nhật kiến thức đạo đức nghề nghiệp, hàng năm mỗi KTV hành nghề được cập nhật chuyên đề đạo đức nghề nghiệp tối thiểu 40 giờ để nắm bắt những quy định mới, Hải Vân (2020).

Có thể thấy, hoạt động kiểm toán độc lập tại Việt Nam những năm gần đây đã ngày càng phát triển theo xu hướng tiệm cận với sự phát triển của nghề nghiệp này trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề đặt ra và trở thành những khó khăn thách thức cho việc nâng cao chất lượng kiểm toán tại Việt Nam.

Thứ nhất, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng, thông tin tài chính đòi hỏi phải được trình bày theo chuẩn mực quốc tế, kiểm toán viên cần có những am hiểu sâu sắc vể chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) để thực hiện công việc kiểm toán, tư vấn,… theo lộ trình Bộ Tài chính xây dựng Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong khi đó, số lượng và chất lượng kiểm toán viên mang tầm quốc tế vẫn là vấn đề cần cải thiện: về kĩ năng mềm, tính tuân thủ kỷ luật, các hiểu biết về thương mại quốc tế và báo cáo tài chính quốc tế,…

Thứ hai, trước sự phát triển của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng 4.0, kiểm toán viên cần phải có am hiểu nhất định đến những hoạt động dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới internet, trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain, điện toán đám mây, robot thông minh,… Tuy nhiên, phần lớn kiểm toán viên hiện nay vẫn chưa am hiểu về các vấn đề này để thực hiện đánh giá rủi ro liên quan đến công nghệ thông tin và do vậy làm giảm khả năng phát hiện các sai sót trọng yếu.

Thứ ba, sự phối hợp và hỗ trợ của các đơn vị quản lý, các hiệp hội nghề nghiệp với các công ty kiểm toán còn chưa thực sự hiệu quả, công tác giám sát chất lượng kiểm toán còn thực hiện rời rạc với mức độ chưa tương xứng với sự phát triển của hoạt động kiểm toán.

3. Các giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán

3.1. Về phía cơ quan nhà nước

Cơ quan nhà nước cần tập trung, rà soát, hoàn thiện các chuẩn mực kiểm toán phù hợp với hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế và sửa đổi bổ sung các chuẩn mực kế toán theo định hướng phù hợp với chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS). 

Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng được thực hiện bởi Bộ Tài chính, UBCK và Hội nghề nghiệp VACPA; cần có các chế tài xử phạt rõ ràng và nghiêm khắc đối với các vi phạm của các KTV và công ty kiểm toán, đặc biệt là các vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, kịp thời, đáp ứng xu thế phát triển của hệ thống số toàn cầu.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển các hoạt động dịch vụ kiểm toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở rộng giao lưu nghề nghiệp.

3.2. Về phía các hội nghề nghiệp

Các tổ chức nghề nghiệp về kế toán và kiểm toán phải thực sự trở thành các tổ chức tự quản, nâng cao năng lực hoạt động, chủ động hơn về tổ chức và hoạt động ngang tầm khu vực và quốc tế.

Hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp đảm bảo chất lượng của các thành viên, thực hiện kiểm soát việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

3.3. Về phía các doanh nghiệp kiểm toán

Cần xây dựng một môi trường hành nghề chuyên nghiệp, phát triển đội ngũ nhân viên lành nghề, am hiểu sâu về chuyên môn và có khả năng hội nhập. Thường xuyên phổ biến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và nâng cao ý thức nghề nghiệp của KTV, có chính sách quản lý hiệu quả nhằm đảm bảo việc duy trì tính độc lập của KTV trong suốt quá trình kiểm toán. Tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo trong và ngoài nước để giúp các KTV có cơ hội cập nhật và nâng cao kiến thức, đảm bảo trình độ chuyên môn để có thể thực hiện tốt công việc kiểm toán.

Gia tăng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và xây dựng quy trình kiểm toán hữu hiệu, các công ty kiểm toán cần xem xét việc lựa chọn các KTV đảm bảo kinh nghiệm cũng như chuyên môn phù hợp đối với từng lĩnh vực kinh doanh của các khách hàng.

Tăng cường sự hữu hiệu và hiệu quả của hệ thống kiểm soát CLKT bên trong doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm toán, đồng thời khuyến khích các KTV có sự tương tác thích hợp với KTV nội bộ của DN khách hàng trong quá trình kiểm toán.

Trong giai đoạn lập kế toán kiểm toán, các công ty kiểm toán cần căn cứ vào khối lượng và tính phức tạp của từng cuộc kiểm toán để xác định thời gian kiểm toán cho phù hợp, xây dựng hệ thống giá phí phù hợp và chi tiết.

3.4. Về phía kiểm toán viên

Không ngừng nâng cao phát triển chuyên môn nghiệp vụ bằng việc tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp, cập nhật các kiến thức về tin học, về ngoại ngữ và về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng như xã hội khác.

Cam kết và thực hiện đạo đức hành nghề, luôn có thái độ cầu thị, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm thực tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu Tiếng Việt:

  1. CPA.VN (2019), Bảng xếp hạng các công ty kiểm toán tại Việt Nam, truy cập tại https://kiemtoan.info/bang-xep-hang-cac-cong-ty-kiem-toan-tai-viet-nam-nam-2018/
  2. Nguyễn Thị Hải Vân (2020), “Về đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên tại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2020, truy cập tại http://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/ve-dao-duc-nghe-nghiep-cua-kiem-toan-vien-tai-viet-nam-321764.html

Tài liệu tiếng Anh:

  1. Brown, V.L., Gissel, J.L., & Neely, D.G. (2016). Audit quality indicators: Perceptions of junior-level auditors. Managerial Auditing Journal, 31(8), 949-980.
  2. Hosseinniakani, S.M., Inácio H., & Mota, R. (2014). A review on audit quality factors. International Journal of Academic Research in Accounting, Finance and Management Sciences, 4(2), 243-254.
  3. IAASB. (2014). A Framework for Audit Quality - Key Elements that create an environment for Audit Quality. New York: IFAC.

THE IAASB’S FRAMEWORK

FOR AUDIT QUALITY AND SOLUTIONS FOR IMPROVING

THE AUDIT QUALITY IN VIETNAM

• Master. TRAN THI HAI VAN

Member of the Association of Chartered Certified Accountants

Faculty of Accounting - Auditing, Banking University of Ho Chi Minh City

• Master. DO THI HUONG

 Faculty of Accounting - Auditing, Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Quality in general and audit quality in particular are always the top concern of many businesses. In the context of globalization, the success of auditing firms in Vietnam depends heavily on their audit quality and competitiveness. It requires researches and orientations to help auditing firms in Vietnam improve their audit quality and competitiveness. This paper analyzes in depth the IAASB’s framework for audit quality, thereby proposing solutions to improve the audit quality of auditing firms in Vietnam. The main contents of this paper include (1) the audit quality and the IAASB’s framework for audit quality; (2) the current situation of audit activities and audit quality problems in Vietnam and (3) the solutions for improving the audit quality.

Keywords: Audit quality, quality framework, auditing financial statements.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2020]