Khuyến công Thanh Hóa: Là động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển

Thực hiện chính sách khuyến công theo Thông tư số 36/2013 BCT, Thanh Hóa xem đây là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào

Bước đầu, chính sách đã giúp các cơ sở tiếp cận với những công nghệ, sản phẩm và quy trình sản xuất mới; đào tạo lao động có tay nghề; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại các địa phương… góp phần tăng cường sức sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Mặt khác, chính sách còn tác động đến nhận thức của người dân, làm cho nhân dân hiểu rõ hơn về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nói chung và phát triển CN – TTCN nói riêng. Mặc dù, mức hỗ trợ đối với từng dự án chưa lớn, nhưng đó là sự khẳng định hướng đi đúng của các cơ sở sản xuất trong phát triển kinh tế, giúp cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp vững tin hơn trong quá trình đầu tư. Đồng thời, chính sách khuyến công cũng cho thấy vai trò quan trọng của CN – TTCN trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.

Hằng năm, Thanh Hóa được bố trí từ 5 – 7 tỷ đồng, cho công tác khuyến công (bao gồm cả khuyến công quốc gia lẫn địa phương). Đây là nguồn kinh phí không nhỏ so với các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Bắc, tuy nhiên Thanh Hóa có địa bàn rộng,người đông nên trong quá trình triển khai, thực hiện Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa (Trung tâm) đã có những bước đi linh hoạt mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật tại làng nghề rèn Tất Tác (xã Tiến Lộc - huyện Hậu Lộc)

Quá trình triển khai, Sở Công thương Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã thực hiện tốt hoạt động khuyến công trên toàn địa bàn. Nhờ đó, công nghiệp nông thôn đã có những khởi sắc mới. Nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp nông thôn đã được hưởng lợi và phát huy có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp địa phương chiếm tỷ trọng ngày càng cao.

Ngoài ra, hoạt động khuyến công còn hỗ trợ công tác tuyên truyền, lập đồ án quy hoạch chi tiết nhiều cụm CN – TTCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Thanh Hóa đã linh hoạt xây dựng mức hỗ trợ cao hơn nhiều so với mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương… Bên cạnh những nội dung hỗ trợ bằng tiền đối với từng dự án, năm qua Sở Công thương Thanh Hóa đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn triển khai các quyết định của Trung ương, của tỉnh và chính sách khuyến công của Đảng, Nhà nước đến tận các địa phương, phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị và chủ đầu tư.

Ông Hoàng Xuân Phong - Giám đốc Trung tâm cho rằng; Hoạt động khuyến công Thanh Hóa đã đáp ứng mục tiêu góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển một phần lao động từ nông nghiệp sang làm nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ công nghiệp.

Nhờ giải quyết tốt mối quan hệ về lao động, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ ở nông thôn, diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới, phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách khuyến công cũng gặp không ít khó khăn, tồn tại là do nguồn quỹ khuyến công ít, nên chưa có tác dụng kích thích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn vào phát triển công nghiệp, ông Phong chia sẽ thêm.

Phát triển công nghiệp nông thôn là một nội dung quan trọng, có tác dụng lớn, ảnh hưởng đến đời sống của nông dân, tuy vậy còn nhiều chồng chéo trong phân cấp quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành; các ngành đều có chương trình phát triển nông thôn, song thiếu sự phối hợp từ trên xuống trong triển khai thực hiện, nên hiệu quả khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn chưa cao. Bên cạnh đó, tại Thanh Hóa các cơ sở sản xuất kinh doanh đa số còn nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính hộ gia đình, thiếu vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại; thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao dẫn đến hạn chế trong quá trình phát triển của cơ sở.

Các đại biểu tham gia lớp tập huấn do Trung tâm tổ chức

Với mục tiêu, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn để góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển CN - TTCN. Đặc biệt, làm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn biết được chính sách và nội dung hoạt động của chính sách khuyến công, từ đó tích cực chủ động tham gia, thụ hưởng chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất kinh doanh của đơn vị mình; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về quản lý tài chính và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành các đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công.

Những tác động tích cực của chính sách khuyến công đối với Thanh Hóa đã rõ. Điều này cho thấy, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, thiết thực tới đời sống của nông dân nông thôn. Tuy nhiên, cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển CN – TTCN khu vực nông thôn là một nội dung quan trọng nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập lao động nông thôn, thì nội lực của từng địa phương là rất khó! Thiết nghĩ, Thanh Hóa rất cần sự quan tâm hơn nữa từ Chính phủ, Bộ Công Thương tăng nguồn quỹ khuyến công quốc gia hàng năm để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất vào khu vực nông thôn, miền núi.