Khuyến khích và tạo điều kiện để hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp

Nghị quyết số 14- NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân xác định, kinh tế tư nhân gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ

Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2006- 2010 là một bộ phận cấu thành quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006- 2010. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2006- 2010 là đẩy nhanh tốc độ phát triển DNNVV, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh quốc gia, các DNNVV tham gia đáng kể vào việc giải quyết việc làm và góp phần tăng thu nhập. Cụ thể là, phấn đấu để đạt cho được số lượng 500.000 doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả vào năm 2010; Bên cạnh nhiều lợi ích về kinh tế như huy động các nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động, cái được lớn nhất phải kể đến là 500.000 doanh nghiệp sẽ tham gia đáng kể vào việc giải quyết việc làm. Dự báo giai đoạn 2006- 2010, số DNNVV sẽ giải quyết được 2,7 triệu lao động mới cho xã hội.

Muốn có 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm ăn có hiệu quả thì cần phải có trên 500.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, ước tính bình quân mỗi năm phải ra đời trên 60.000 doanh nghiệp. Đó là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn. Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, hiện nay cả nước có khoảng 230.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có đến 96% là các doanh nghiệp của tư nhân (bao gồm công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân) và có gần 3 triệu hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, cũng mới chỉ có khoảng 30% số hộ đăng ký kinh doanh, trên 30% số hộ chưa đăng ký kinh doanh, và gần 30% số hộ không đăng ký kinh doanh. Hiện cả nước cũng có khoảng 18.000 hợp tác xã (HTX), trong đó có nhiều HTX dịch vụ, thương mại, công nghiệp, TTCN…hoạt động theo Luật Hợp tác xã, nhưng trong thực tế đã có không ít các HTX chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Đồng thời cũng có khoảng 72.000 trang trại đang hoạt động, nhưng còn thiếu cơ chế, chính sách để có thể chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực đến nay, hầu như chưa có văn bản hướng dẫn nào liên quan đến các trang trại đủ điều kiện thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, các hộ kinh doanh cá thể ở nước ta tồn tại khách quan và có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước, không những giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tăng nguồn thu cho ngân sách,... mà hộ kinh doanh cá thể còn phát triển tự nhiên, phân bổ rộng khắp, có mặt ở hầu hết các vùng, miền trên cả nước. Đặc biệt, hộ kinh doanh cá thể còn là kênh phân phối hàng hoá tới vùng sâu, vùng xa, góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội. Vì thế, cũng không thể áp đặt biện pháp hành chính bắt buộc các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang loại hình doanh nghiệp.

Nguyên nhân các hộ kinh doanh cá thể chưa, hoặc không muốn chuyển sang hoạt động theo các loại hình doanh nghiệp, là do: khung pháp lý cho hộ kinh doanh cá thể hoạt động còn thiếu, đặc biệt là chính sách thuế không rõ ràng minh bạch, thường xuyên có sự thay đổi, đã làm cho khá nhiều hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động theo loại hình doanh nghiệp được một thời gian xin quay trở lại kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể; có những quy định không hợp lý, thiếu tính khả thi. Ví dụ, trong Nghị định 109 của Chính phủ quy định những hộ kinh doanh cá thể mà thuê từ 10 lao động trở lên hoặc mở từ 2 địa điểm kinh doanh trở lên thì phải chuyển thành doanh nghiệp, trong khi đó lại có những quy định áp dụng bắt buộc đối với doanh nghiệp nhưng lại không bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể như vấn đề môi trường, gây tiếng ồn, phòng chống cháy nổ, mua bảo hiểm bắt buộc...; Nhà nước đã có cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, nhưng mới chỉ tập trung vào các loại hình doanh nghiệp, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể đối với hộ kinh doanh cá thể; Bộ máy quản lý nhà nước ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế, bất cập, nhất là tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức nhà nước... Mặt khác, cũng phải kể đến một nguyên nhân khách quan là do sự khác biệt về văn hoá, lịch sử, truyền thống, tập quán, tâm lý giữa các vùng, miền, địa phương cũng có tác động tới việc chuyển hộ kinh doanh cá thể sang loại hình doanh nghiệp.

Vấn đề chuyển hộ kinh doanh cá thể sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp hiện đang được các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và nghiên cứu khoa học quan tâm. Để có được 500.000 doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả vào năm 2010, thời gian tới cần chú trọng một số giải pháp sau: Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức trong toàn xã hội về đường lối phát triển và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kinh tế tư nhân. Phổ biến, tuyên truyền về những ưu thế khi chuyển từ hộ kinh doanh cá thể sang các loại hình doanh nghiệp sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để mở rộng và phát triển kinh doanh, nhất là môi trường kinh doanh thuận lợi, khung khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch, ổn định hơn, đặc biệt là chính sách thuế; dễ dàng tiếp cận với cơ sở hạ tầng như thuê đất để tạo mặt bằng sản xuất, cũng như các nguồn vốn tín dụng, giảm áp lực trong việc quản trị đối với cơ sở sản xuất... Hai là, xây dựng khung khổ pháp lý chính thức cho khu vực kinh tế tư nhân nói chung, trong đó có các hộ kinh doanh cá thể; đặc biệt là chính sách thuế, tránh tình trạng áp dụng thuế tuỳ tiện, không rõ ràng, minh bạch; sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp quy không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi. Ba là, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá thể trong việc phát triển thị trường, Nhà nước hỗ trợ để các hộ kinh doanh cá thể có được thông tin về thị trường trong và ngoài nước, đổi mới công nghệ, giảm chi phí một cách thấp nhất khi gia nhập thị trường; phát triển nguồn nhân lực có khả năng quản trị doanh nghiệp và đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển. Bốn là, nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể quy mô lớn chuyển sang đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện để các HTX dịch vụ, thương mại, CN-TTCN, hộ kinh doanh cá thể ở các làng nghề chuyển sang hoạt động theo các loại hình doanh nghiệp. Nghiên cứu cơ chế, chính sách, để sớm đưa ra quy định hướng dẫn các trang trại thành lập doanh nghiệp; cần tiến hành đồng thời các biện pháp khuyến khích, hướng dẫn, trợ giúp, thúc đẩy hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp như cấp mã số thuế cho tất cả các hộ kinh doanh cá thể để tạo sự bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Năm là, tiếp tục hoàn thiện và tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân; tạo lập sự thân thiện, gần gũi của các cấp chính quyền địa phương trong việc đối xử đối với hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, nhất là chính quyền địa phương.
  • Tags: