Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,84 tỷ USD

Ước tính xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 đạt 2,01 triệu tấn, trị giá 8,84 tỷ USD, giảm 0,85% về lượng, nhưng tăng 4,9% về trị giá so với năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 11/2021 đạt 206,5 nghìn tấn, trị giá 910,9 triệu USD, tăng 10,9% về lượng và tăng 22,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, tăng 9,4% về lượng và tăng 2,5% về trị giá so với tháng 10/2021. Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,815 triệu tấn, trị giá 7,988 tỷ USD, giảm 1,5% về lượng nhưng tăng 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Ước tính xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 đạt 2,01 triệu tấn, trị giá 8,84 tỷ USD, giảm 0,85% về lượng, nhưng tăng 4,9% về trị giá so với năm 2020. Đây là kết quả xuất khẩu khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 trong nước bùng phát đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong quý 3/2021.

Tháng 11/2021, xuất khẩu thủy sản tới hầu hết các thị trường lớn đều tăng về trị giá so với tháng 11/2020. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Đức, Nga, Bỉ, Ý… tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính theo lượng, xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ca-na-đa, Úc, Hồng Công giảm.

Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nhiều thị trường giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó giảm mạnh nhất là thị trường Trung Quốc. Trong tháng cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức thấp do tình trạng tắc nghẽn tại cảng biển cũng như cửa khẩu đường bộ trong thời gian qua.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2020 – 2021

thuy san

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Hoa Kỳ và Nga là 2 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2021 có được sự tăng trưởng, với mức tăng trưởng về trị giá lần lượt đạt 25,4% và 26% trong 11 tháng năm 2021.

Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản do nhu cầu tiêu thụ tại các thị truờng trong nước và quốc tế giảm mạnh.

Bên cạnh đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của thủy sản. Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào thị trường EU,...

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng việc kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng vào cuối năm 2021 sẽ tạo đà cho ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.

Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu cơ bản giữ ổn định thành tích hiện tại: Tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,73 triệu tấn, bằng 100,03% so với ước thực hiện năm 2021; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 8,9 tỉ USD, bằng 100,1% so với 2021.

 

 

Hoàng Hà