TÓM TẮT:

Những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đã phát triển nhanh chóng và tác động mạnh mẽ tới hoạt động đầu tư, thương mại của mỗi quốc gia. Bên cạnh những đóng góp tích cực, sự phát triển của TMĐT cũng đặt ra không ít thách thức đối với vấn đề quản lý thuế. Bài viết tập trung tìm hiểu kinh nghiệm quản lý thuế từ hoạt động TMĐT của một số nước khu vực châu Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và Israel, qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Từ khóa: chống thất thu thuế, thương mại điện tử, thương mại, đầu tư, quản lý thuế.

1. Thực trạng phát triển của hoạt động TMĐT và vấn đề đặt ra trong việc chống thất thu thuế tại Việt Nam

1.1. Tình hình phát triển TMĐT

Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã làm thay đổi nhanh chóng, toàn diện đời sống xã hội của con người trên toàn thế giới. Với những thành tựu to lớn, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cách thức làm việc, tương tác và kinh doanh toàn cầu. Bối cảnh đó đã tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng, kinh tế số,…) ra đời và có xu hướng lấn át kinh tế truyền thống. Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động TMĐT trong thời gian qua đã thể hiện rõ nét xu hướng này.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), giao dịch TMĐT là giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, Chính phủ, các cơ quan nhà nước, hoặc các tổ chức tư nhân được thực hiện trên hệ thống mạng máy tính. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho rằng: “TMĐT bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình cả các sản phẩm được giao nhận cũng như những thông tin số hóa qua mạng internet”. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ - CP ngày 16/5/2013 về TMĐT, theo đó “hoạt động TMĐT là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”.

Thực tế cho thấy, hoạt động TMĐT trong thời gian qua đã phát triển nhanh chóng và ngày càng thể hiện xu hướng quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của mỗi nước. Cụ thể, giá trị TMĐT toàn cầu đạt 1.948 tỷ USD năm 2019 và được dự báo tăng lên 2.883 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,7% trong giai đoạn 2019 - 20231.

Khu vực Đông Nam Á được đánh giá là khu vực có tốc độ phát triển TMĐT nhanh nhất thế giới. Bất chấp những tác động của đại dịch Covid - 19 đến nền kinh tế toàn cầu, TMĐT trong khu vực Đông Nam Á duy trì mức tăng trưởng ấn tượng (đạt 62 tỷ USD vào năm 2020) và dự kiến cán mốc tăng trưởng 172 tỷ USD vào năm 2025 (Google, Temasek và Bain & Company, Báo cáo KTS Đông Nam Á, 2020).

Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT cao nhất trong khu vực ASEAN. Theo báo cáo về Kinh tế số khu vực Đông Nam Á được Google, Temasek và Bain & Company công bố tháng 11/2020, kinh tế số Việt Nam năm 2020 đạt giá trị 14 tỷ USD (chiếm 5,2% GDP), tăng 16% so với năm 2019 (mức tăng cao nhất trong khu vực). Hiện nay, kinh tế số Việt Nam có giá trị đứng thứ 3 trong khu vực, đứng sau Indonesia (44 tỷ USD), Thái Lan (18 tỷ USD). Trong đó, TMĐT có mức tăng trưởng cao với 46%, khiến giá trị của lĩnh vực này tăng từ 5 tỷ USD năm 2019 lên mức hơn 7 tỷ USD vào năm 2020 và được dự báo đạt mức tăng trưởng 29 tỷ USD vào năm 2025.

Hình 1: Giá trị các lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam năm 2020
GMV (tỷ USD) mỗi ngành

Giá trị các lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam năm 2020 GMV (tỷ USD) mỗi ngành

Nguồn: Google, Temasek và Bain & Company, Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á, 2020

Có thể thấy, vai trò ngày càng lớn của TMĐT tại Việt Nam, khi tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 66%, trong đó có tới 44,8 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến (chiếm khoảng 46% dân số cả nước). Chi tiêu cho mua sắm của người dân tăng từ mức 160 USD năm 2015 lên tới 225 USD năm 2019 (tăng tới 40,6%). Tỷ lệ doanh thu TMĐT so với tổng mức bán lẻ hàng và doanh thu thu dịch vụ tiêu dùng cả nước cũng tăng nhanh chóng, từ mức chiếm 2,8% năm 2015 đã tăng lên gần gấp 2 lần (ở mức 4,9% năm 2019)2.

1.2. Vấn đề đặt ra trong việc chống thất thu thuế tại Việt Nam

Sự bùng phát của đại dịch Covid - 19 từ cuối năm 2019 trở thành cơ hội “vàng” cho các sàn giao dịch TMĐT như mạng xã hội Facebook, YouTube, Google,... khi con người buộc phải giới hạn tiếp cận các giao dịch trao tay trực tiếp, thay đổi thói quen từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, sự phát triển của TMĐT lại đang gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý của nhà nước, đặc biệt là vấn đề kiểm soát thuế.

Báo cáo của OECD năm 2014 chỉ ra nguy cơ mất dần các cơ sở thuế và nền kinh tế số đang khiến các nước mất dần nguồn thu3. Đồng thời, trong báo cáo năm 2013, OECD cũng nhấn mạnh rằng, các công ty đa quốc gia thường dùng TMĐT hóa hoạt động kinh doanh và việc tránh hình thành cơ sở thường trú tại quốc gia nước ngoài để trốn các nghĩa vụ thuế (Nguyễn Thị Lâm Anh và cộng sự, 2020). Trên thực tế, khó khăn trong việc thu thuế đối với hoạt động TMĐT diễn ra không chỉ tại các nước đang phát triển mà ngay cả tại các nước phát triển, nơi mà TMĐT đã có thời gian phát triển nhiều thập kỷ qua.

Các giao dịch TMĐT diễn ra trên “không gian mạng” nên khó xác định đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế và giá trị để tính thuế. Các giao dịch mua bán thường không sử dụng hóa đơn, thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt hoặc qua hệ thống thanh toán quốc tế. Hơn nữa, sự phát triển của các hình thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ đã phá vỡ các nguyên tắc đánh thuế trước đây. Căn cứ đánh thuế theo cơ sở thường trú đã không còn phù hợp khi TMĐT cho phép bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào có khả năng tiến hành hoạt động kinh doanh thường xuyên ở nước ngoài thông qua các trang website, máy chủ và nhà cung cấp dịch vụ internet mà không cần mở các chi nhánh kinh doanh. Các doanh nghiệp vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh “bình thường”, nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế tại nước ngoài.

Theo Tổng cục Thuế, hoạt động kinh doanh TMĐT có 3 nhóm lớn, gồm: (i) Bán hàng thông qua trang mạng xã hội (bán hàng online); (ii) Có thu nhập thông qua hoạt động viết các ứng dụng, trò chơi và hưởng thu nhập từ quảng cáo qua các trang mạng xã hội (Facebook, YouTube,...); (iii) Các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà, khách sạn, nghỉ dưỡng… thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking,...).

Trong bối cảnh TMĐT phát triển mạnh mẽ như hiện nay, một số dịch vụ tạo nguồn thu cho đơn vị kinh doanh và hình thành cơ sở thuế mới cũng cần được nhanh chóng nhận diện, như: dịch vụ mua sắm trực tuyến trên nền tảng ngân hàng số, hoặc nền tảng cung ứng dịch vụ truyền hình đi kèm các tivi thông minh hay phổ biến hơn là các dịch vụ gia tăng khác trên các ứng dụng của Zalo, Viber,…

Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google hay thu nhập  từ việc cung cấp các gian hàng trên các sàn TMĐT như Tiki, Sen Đỏ, Lazada,… cũng cần được kiểm soát nhằm tránh thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Năm 2019, doanh thu từ quảng cáo của Facebook đạt hơn 69 tỷ USD (chiếm đến 98% doanh thu từ tập đoàn).

Tại Việt Nam, các con số ước tính chưa chính thức cũng cho thấy dịch vụ quảng cáo mang về cho Facebook khoảng 1 tỷ USD mỗi năm trong những năm gần đây. Đối với hoạt động thu thuế, hiện nay, các loại thuế mà các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện hoạt động TMĐT phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước bao gồm: thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các loại thuế đặc thù khác.

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể nào về thuế đối với hoạt động TMĐT, điều này có nghĩa, không có sự phân biệt giữa hoạt động TMĐT với hoạt động thương mại truyền thống. Tuy nhiên, thực tế đóng góp của TMĐT cho ngân sách nhà nước thời gian qua vẫn rất còn hạn chế. Hiện nay, chỉ có một số rất ít các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế (như Netflix) đã làm việc với cơ quan thuế và nộp thuế, trong khi đó các nhà cung cấp khác như Facebook, Google, Youtube,... vẫn chưa đóng một đồng thuế cho ngân sách nhà nước, trong khi hàng năm có hàng trăm ngàn giao dịch với giá trị hàng tỷ USD được chuyển từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam cho các công ty này.

2. Kinh nghiệm các nước về chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử

2.1. Ban hành các quy định về thu thuế TNDN đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở thường trú trong nước

Tại Ấn Độ, Chính phủ nước này đã sửa đổi các quy định liên quan tới khái niệm “cơ sở thường trú” theo hướng nới rộng các yêu cầu về hiện diện vật lý tại một quốc gia, đồng thời bổ sung các hình thức hiện diện phi truyền thống. Dựa trên khái niệm về sự “hiện diện kinh tế quan trọng” (SEP) của OECD, Ấn Độ đã thực hiện sửa đổi các quy tắc liên quan tới việc xác định cơ sở thường trú phục vụ việc quản lý thuế TNDN (các quy định sửa đổi này có hiệu lực từ ngày 1/4/2019). Theo đó, quy định mới cho phép đánh thuế TNDN lên các doanh nghiệp không thường trú dựa trên cơ sở nguồn phát sinh thu nhập mà không quan tâm tới mức độ hiện diện thực tế của doanh nghiệp đó tại Ấn Độ.

Theo quy định của luật pháp Ấn Độ4, một doanh nghiệp không thường trú tại nước này được xác định là có “hiện diện kinh tế quan trọng” khi vượt qua 1 trong 2 ngưỡng: (i) Ngưỡng doanh thu trong nước: “Bất kỳ giao dịch hàng hóa, dịch vụ hoặc tài sản nào do người không cư trú ở Ấn Độ cung cấp, bao gồm dịch vụ cho phép tải dữ liệu hoặc phần mềm ở Ấn Độ, nếu tổng giá trị thanh toán phát sinh từ các giao dịch này hoặc tổng giá trị thanh toán phát sinh trong năm trước vượt quá số tiền được quy định trong luật”; (ii) Ngưỡng số lượng người tiêu dùng trong nước: “Thực hiện hoạt động kinh doanh hoặc thực hiện tương tác với một lượng người dùng nhất định một cách hệ thống và liên tục tại Ấn Độ, thông qua các phương tiện kỹ thuật số”.

Tại Israel5, ngày 11/4/2016, nước này ban hành Thông tư số 04/2016 đưa ra các quy tắc chung về việc đánh thuế lên doanh nghiệp không có cơ sở thường trú nhưng có tham gia vào các hoạt động trực tuyến tại Isarel. Quy định đã làm rõ việc các dịch vụ trực tuyến nào được cung cấp bởi các doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Israel cho khách hàng trong nước có thể thuộc diện chịu thuế nếu các hoạt động này thỏa mãn các điều kiện của SEP.

Các điều khoản cấu thành SEP bao gồm: (i) Ký kết hợp đồng trực tuyến: Một lượng lớn hợp đồng được ký kết trức tuyến giữa công ty nước ngoài và khách hàng tại Israel; (ii) Sử dụng các sản phẩm và dịch vụ số: Công ty nước ngoài cung cấp các sản phẩm dịch vụ trực tuyến cho một lượng đáng kể khách hàng tại Israel; (iii) Trang web được bản địa hóa: Công ty nước ngoài sử dụng một website đã được bản địa hóa các tính năng nhắm vào các đối tượng tại thị trường Israel; (iv) Mô hình kinh doanh đa chiều: doanh nghiệp tạo ra lượng doanh thu lớn liên quan trực tiếp đến các hoạt động trực tuyến được thực hiện bởi người dùng ở trong lãnh thổ Israel.

Thông tư số 04/2016 quy định, các tiêu chí xác định SEP có thể được áp dụng riêng lẻ hoặc cùng nhau và không có điều khoản về ngưỡng doanh thu từ hoạt động bán hàng tại địa phương. Khi một doanh nghiệp thỏa mãn ít nhất 1 trong 4 điều kiện trên, Thông tư số 04/2016 sẽ đưa ra các quy định chung về việc ghi nhận lợi nhuận chịu thuế dựa trên nguyên tắc xác định giá thị trường.

2.2. Thu thập, phân loại và xử lý thông tin

Một trong những khó khăn trong quản lý thuế TMĐT là vấn đề tìm kiếm, quản lý thông tin về các chủ thể kinh doanh TMĐT. Tại Nhật Bản, các cơ quan thuế nước này yêu cầu các ngân hàng cung cấp số tài khoản được sử dụng để thanh toán các giao dịch TMĐT, nhằm nhận diện các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT (tên, địa chỉ, thông tin cá nhân,…). Trong một số trường hợp, cơ quan thuế thực hiện mua sắm thử để nhận diện các nhà cung cấp dịch vụ, cũng như là cơ sở để xác định giá trị các hàng hóa, dịch vụ được cung cấp.

Các cơ quan thuế sử dụng hệ thống dò tìm tự động trên mạng Internet để thu thập thông tin từ các website, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thu thập từ các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT,..., kể cả các nhà cung cấp dịch vụ đấu giá qua mạng internet và các nhà cung cấp dịch vụ là các thành viên, nhằm mục đích nhận diện các đối tượng tham gia vào giao dịch điện tử.

2.3. Thành lập các đơn vị chuyên trách về quản lý thuế TMĐT

Tại Nhật Bản, các cơ quan thuế thành lập Tổ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT bao gồm các chuyên gia công nghệ thông tin, các cán bộ thanh tra, kiểm tra có kinh nghiệm lâu năm được luân chuyển từ các cục thuế vùng và chi cục thuế. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn cho các kiểm tra viên cao cấp của các cơ quan thuế nắm vững các kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng phần mềm thương mại, nắm bắt tổng quan về hệ thống thông tin và kiến thức cơ bản về mạng, phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu từ các máy tính của các công ty và phần mềm kế toán tài chính thương mại và các phương pháp thanh tra máy tính.

Cơ quan thuế Hàn Quốc thành lập bộ phận chuyên trách về quản lý thuế (Phòng quản lý thuế đối với TMĐT). Nhiệm vụ chính của bộ phận này là phân tích xu hướng của các ngành nghề liên quan đến TMĐT và các nghi vấn về trốn thuế; thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau như từ Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, thu thập báo cáo của Hiệp hội Quản lý gian hàng trực tuyến tại Hàn Quốc và từ hoạt động của các thành viên trong Hiệp hội và các thông tin thu thập trực tiếp từ các trang web bán hàng của doanh nghiệp. Việc tổ chức thành bộ phận chuyên biệt đã giúp các Cơ quan Thuế Hàn Quốc phát hiệu ra các nghi vấn trốn thuế của người nộp thuế. 

2.4. Đưa hóa đơn điện tử vào triển khai thực tế

Tại Thái Lan, nhằm kiểm soát các giao dịch TMĐT, kể từ ngày 1/5/2017, nước này đã áp dụng gửi hóa đơn điện tử qua email cho các công ty có doanh thu hàng năm dưới 30 triệu Baht (khoảng 900 nghìn đô la Mỹ) để hỗ trợ các doanh nghiệp TMĐT vừa và nhỏ xử lý thuế GTGT. Đối với doanh nghiệp lớn, hệ thống tạo lập hóa đơn điện tử đầy đủ sẽ sớm được triển khai để thay thế hóa đơn giấy.

Tại Hàn Quốc, từ năm 2008, cơ quan thuế nước này đã thiết lập tổ công tác nghiên cứu triển khai hóa đơn điện tử. Đến năm 2011, tất cả các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử. Năm 2012 đánh dấu bước phát triển mới, khi Chính phủ Hàn Quốc quy định các cá nhân kinh doanh có doanh thu lớn (1.000.000 Won/năm) bắt buộc phải phát hành hóa đơn điện tử. Năm 2014, việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử áp dụng cho cả các cá nhân có doanh thu lớn hơn 300.000 Won/năm.

3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong quản lý thuế hoạt động TMĐT, có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý chung về TMĐT, đảm bảo việc triển khai đồng bộ, nhất quán, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng.

Bên cạnh việc ban hành các Luật, cần sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành một cách rõ ràng, cụ thể; Cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ - CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT cho phù hợp với thực trạng hoạt động TMĐT tại Việt Nam, tập trung theo hướng bổ sung các quy định nhằm minh bạch hóa thông tin trên các website TMĐT, tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong quản lý hoạt động TMĐT trên sàn; Quy định cụ thể về hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và trách nhiệm tương ứng của đơn vị quản lý mạng xã hội; Bổ sung nội dung về quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài.

Với việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, cần nhanh chóng xây dựng các văn bản hướng dẫn, các biểu mẫu áp dụng. Để triển khai hóa đơn điện tử, trước hết tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm người nộp thuế có rủi ro cao về thuế. Một mặt tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với nhóm doanh nghiệp này. Mặt khác, hỗ trợ để nhóm doanh nghiệp này chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Quy định việc các ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, nhằm tạo ra thế “chủ động” trong việc truy, thu thuế, điều mà vốn chưa được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, cần ban hành các hướng dẫn cụ thể đảm bảo việc thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của các ngân hàng thương mại phù hợp với quy định của pháp luật, nhất là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào hoạt động quản lý thuế TMĐT.

Nghiên cứu, phát triển công cụ tìm kiếm để thu thập thông tin cần thiết về các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT, tiến hành phân loại đối tượng dựa trên mức độ nộp thuế. Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI),... để xây dựng kho dữ liệu của cơ quan thuế trên cơ sở kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành chức năng, tích hợp thông tin từ các trang mạng xã hội, các website bán hàng, các sàn giao dịch trực tuyến để đảm bảo có đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý.

Để tăng hiệu quả thu thập, xử lý thông tin, nhất là các thông tin cơ bản về xu hướng giao dịch TMĐT, cơ quan thuế có thể thu thập thông tin qua các công ty chuyên cung cấp dữ liệu, Chính phủ và các tổ chức thương mại, tổ chức thống kê quốc gia và đăng ký trực tuyến vào các trang tin về TMĐT.

Thứ ba, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của bộ máy cơ quan quản lý thuế đối với TMĐT.

Đảm bảo việc phân bổ nguồn lực được thực hiện theo hướng tối ưu hơn để nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế trong lĩnh vực TMĐT. Có thể nghiên cứu, thành lập một đơn vị chuyên trách để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, nhằm giảm bớt được sự khó khăn trong việc tiếp cận và xử lý thông tin,  cũng như hạn chế được các hành vi trốn thuế.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn các kỹ năng khai thác, tìm kiếm, truy tìm và thu thập thông tin trên mạng internet cho các cán bộ ngành Thuế nhằm nhận diện người nộp thuế không tuân thủ, thu thập thông tin trực tiếp phục vụ thanh tra, kiểm tra người nộp thuế.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1http://www.statista.com/outlook/243/100/ecommerce/worldwide

2Thanh Hà (2020). Làm gì chống thất thu thuế trong thương mại điện tử?. Truy cập tại https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/lam-gi-chong-that-thu-thue-trong-thuong-mai-dien-tu-d14098.html

3OECD (2014). Addressing the Tax Challenges of the Digital Economy. [Online] Avalabile at http://www.oecd.org/tax/beps/public-consultation-document-addressing-the-tax-challenges-of-the-digitalisation-of-the-economy.pdf

4OECD(2018). Addressing the tax challenges of the digitalisation of the economy. [Online] Avalabile at https://www.incometaxindia.gov.in/News/sep-rules-calling-stakeholder-comments-13-07-2018.pdf

5Y. Rosensweig (2015). Israel - Tax Authorities Publish Draft Circular on Internet Activity of Foreign Companies. [Online] Avalabile at https://www.ibfd.org/IBFD-Products/Journal-Articles/International-Transfer-Pricing-Journal/collections/itpj/html/itpj_2015_04_il_1.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Lâm Anh, Lê Thị Bích Ngân, Nguyễn Văn Tâm. (2020). Kinh nghiệm quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Tạp chí Tài chính, 725, 116 - 121.
  2. Lê Quang Thuận và Trần Thị Hà. (2018). Quản lý thuế thương mại điện tử tại một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam. Truy cập tại http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nghien-cuu-dieu-tra/quan-ly-thue-thuong-mai-dien-tu-tai-mot-so-nuoc-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam-145776.html
  3. Trần Trung Kiên. (2019). Triển khai diện rộng hóa đơn điện tử kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. Tạp chí Thuế điện tử, tháng 12/2019.
  4. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (2020). Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam. Hà Nội: NXB Công Thương.
  5. Google, Temasek và Bain & Company (2020). Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á.

EXPERIENCES OF SOME ASIAN COUNTRIES

IN ANTI-TAX EVASION OF E-COMMERCE ACTIVITIES

AND LESSONS LEARNED FOR VIETNAM

• Ph.D VU THI NHU QUYNH

Vietnam Maritime University 

ABSTRACT:

In recent years, e-commerce sector has grown rapidly and its development has strongly impacted investment and trade activities of countries. Besides positive contributions of e-commerce sector, the growth of e-commerce industry also poses many challenges to tax management. This paper presents the experience in tax management for e-commerce activities of some Asian countries including Japan, Korea, Thailand, India and Israel, thereby drawing lessons learned for Vietnam.

Keywords: anti-tax evasion, e-commerce, commerce, investment, tax management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2021]