Kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong đổi mới đào tạo kế toán và đề xuất cho Việt Nam

THS. TRẦN THỊ HỒNG VÂN (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Đổi mới đào tạo kế toán là vấn đề quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực kế toán, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tại Hoa Kỳ, quá trình này đã diễn ra và trở thành vấn đề thời sự vào thập niên đầu của thế kỷ XXI. Bài viết này phân tích tiến trình đổi mới đào tạo kế toán tại Hoa Kỳ, đánh giá những hạn chế của hệ thống đào tạo kế toán Việt Nam, từ đó đề xuất một số định hướng có thể thực hiện được trong điều kiện Việt Nam.

Từ khóa: Đào tạo kế toán, đổi mới đào tạo kế toán, Việt Nam, Hoa Kỳ.

1. Đổi mới đào tạo kế toán tại Hoa Kỳ đầu thế kỷ XXI

Năm 2008, sau nhiều vụ tai tiếng trong nghề nghiệp, Ủy ban Tư vấn nghề nghiệp kiểm toán (ACAP) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đề nghị thành lập một ủy ban nghiên cứu tình trạng đào tạo kiểm toán hiện tại và đề xuất những thay đổi. Trên cơ sở đó, AICPA và AAA đã phối hợp thành lập Ủy ban Phát triển nghề nghiệp (Pathways Commission). Ủy ban Phát triển nghề nghiệp (dưới đây gọi tắt là Pathways) bao gồm các giáo sư kế toán, các chuyên gia nghề nghiệp, các nhà lập quy, các nhà quản lý và các bên liên quan khác để thu thập thông tin và nhận dạng, phân tích các vấn đề.

Năm 2012, Pathways công bố báo cáo Đề xuất chiến lược quốc gia cho thế hệ tiếp theo của các nhà kế toán. Báo cáo này (Pathways, 2012) có những nội dung chính sau:

- Xác lập tiền đề cho chiến lược, trong đó chỉ ra rằng việc chuẩn bị đào tạo cho một nhà kế toán phải đặt trên nền tảng một tầm nhìn rõ ràng và bao quát về vai trò của nghề kế toán trong một xã hội rộng lớn hơn. Tiền đề này nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của thông tin kế toán trong thị trường tài chính toàn cầu và hiệu quả của tổ chức, ý thức trách nhiệm đối với xã hội và các phẩm chất cần có của người kế toán.

- Đưa ra 7 kiến nghị bao gồm:

(1). Xây dựng nghề kế toán thành một nghề nghiệp, trong đó có sự kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo và hoạt động thực tiễn cho sinh viên, nhà giáo dục và những người hành nghề.

(2). Xây dựng cơ chế cho phép đáp ứng nhu cầu giảng viên thông qua đào tạo tiến sĩ linh hoạt hơn và mở rộng các loại hình giảng viên.

(3). Cải cách đào tạo kế toán để việc giảng dạy về kế toán được coi trọng và khuyến khích như một phần không thể thiếu của sứ mệnh nhà trường.

(4). Phát triển chương trình đào tạo đa dạng, gắn với học liệu và khuyến khích các giảng viên tham gia quá trình phát triển này.

(5). Cải thiện cách thức thu hút sinh viên tài năng và đa dạng vào nghề nghiệp.

(6). Xây dựng cơ chế thu thập, phân tích và phổ biến thông tin về thị trường lao động đối với nghề nghiệp kế toán và giảng viên kế toán.

(7). Có cơ chế để biến những suy nghĩ thành hành động.

Có thể thấy các kiến nghị trên liên quan đến những thay đổi trong vai trò kế toán của thế kỷ XXI sau những vụ đổ bể tài chính. Nghề nghiệp kế toán (bao gồm cả kiểm toán) càng ngày càng quan trọng hơn khi thị trường tài chính đã mang tính chất toàn cầu. Người kế toán cần tăng cường ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, cũng như nâng cao hiệu quả công việc của mình.

Bản đề xuất trên cũng hướng đến việc khắc phục một nhược điểm lớn trong lĩnh vực kế toán là sự tách rời của nghiên cứu, giảng dạy và thực tiễn. Đây là một vấn đề trong hệ thống đào tạo kế toán của Hoa Kỳ hình thành từ thập niên 1960, khi các giảng viên đại học và các chuyên gia nghề nghiệp ngày càng tách biệt nhau. Các giảng viên đại học không còn thời gian dành cho hoạt động nghề nghiệp mà chủ yếu tập trung vào giảng dạy và nghiên cứu. Các chuyên gia nghề nghiệp không dành thời gian hợp tác với các trường đại học mà tập trung vào phát triển các kỹ thuật mới để tăng tính cạnh tranh cho công ty (Sundem, 1999). Ngay trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu, các nghiên cứu trong lĩnh vực kế toán cũng ít gắn bó với thực tế nghề nghiệp và giảng viên các trường đại học bị áp lực về nghiên cứu ngày một nhiều hơn, ảnh hưởng đến việc giảng dạy.

Các kiến nghị cuối của Pathways hướng đến việc thu hút những sinh viên tốt cho nghề nghiệp và duy trì họ trong nghề nghiệp. Điều này cho thấy những vấn đề của thế kỷ trước vẫn chưa hoàn toàn được giải quyết tại Hoa Kỳ, liên quan đến sức thu hút của nghề nghiệp kế toán.

2. Các vấn đề của hệ thống đào tạo kế toán Việt Nam hiện tại

Trong bối cảnh đó, các hiệp định về tự do thương mại đã và đang bước vào giai đoạn có hiệu lực, trong đó bao gồm cả thị trường về kế toán. Đội ngũ kế toán Việt Nam nếu không kịp thay đổi, sẽ không những không khai thác được lợi ích của việc tự do dịch chuyển lao động mà còn mất việc ngay tại chính quê hương mình.

Từ phía bên trong, hệ thống đào tạo kế toán Việt Nam có nhiều yếu kém do thiếu đổi mới trong nhiều năm qua:

- Chương trình đào tạo không có nhiều thay đổi so với 20 năm trước khi mới chuyển sang kinh tế thị trường. Thứ nhất, chỉ tập trung vào kế toán, thiếu một kiến thức bao quát về doanh nghiệp và kinh doanh, gây khó khăn cho việc nâng tầm vai trò kế toán trong doanh nghiệp. Thứ hai, các môn học lạc hậu do thiếu cập nhật các kiến thức mới, các giảng viên chỉ truyền đạt cái mình có hơn là tìm hiểu những gì thị trường đang cần. Thứ ba, môn học Nguyên lý kế toán chưa thực sự trình bày được nền tảng lý luận cơ bản của kế toán mà nặng về ghi chép kế toán như một môn kế toán tài chính thu nhỏ. Điều này một mặt cản trở tư duy kinh doanh của sinh viên kế toán, mặt khác tiếp tục làm cho nghề kế toán trở thành một nghề buồn tẻ dưới con mắt của sinh viên không phải chuyên ngành.

- Phương pháp giảng dạy theo kiểu áp đặt, từ đó khuyến khích sinh viên học thuộc lòng, học để thi hơn là tiếp cận với thế giới kinh doanh phong phú. Dạy quá nhiều kiến thức nhưng không đào tạo các kỹ năng cần thiết cho sinh viên; từ các kỹ năng “cứng” của nghề nghiệp như xét đoán, phân tích thông tin… cho đến các kỹ năng “mềm” như làm việc nhóm, quản lý thời gian, truyền thông…

- Kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin bị tách rời và giao phó cho môn học Hệ thống thông tin kế toán. Các môn học chuyên ngành (kế toán tài chính, kế toán quản trị, kiểm toán…) được dạy trên nền tảng kế toán thủ công. Điều này một mặt làm cho các kiến thức về hệ thống thông tin kế toán trở nên trừu tượng, khó hiểu. Mặt khác, sinh viên thiếu khả năng tiếp cận thực tế nhanh chóng khi ra trường, vì hầu hết các công việc hiện tại của kế toán đã thực hiện với sự hỗ trợ lớn của công nghệ thông tin.

- Giảng viên thiếu hiểu biết về doanh nghiệp và thực tiễn kinh doanh nên bài giảng nặng về lý thuyết, thiếu minh họa thực tế và phân tích những vấn đề của thực tế. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiểu biết thực tế cũng như sự hứng thú trong học tập của sinh viên.

- Trong điều kiện vai trò của các chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) ngày càng tăng lên, việc giảng dạy về IFRS còn rất hạn chế. Rất ít trường đưa được IFRS vào chương trình đào tạo, trong khi kế toán Việt Nam đang còn ở một khoảng cách khá xa và được tiếp cận trên hệ thống tài khoản thay vì trên các nguyên tắc của chuẩn mực.

- Trong điều kiện sách về kế toán bằng tiếng Việt còn rất hạn chế, việc trang bị tiếng Anh cho sinh viên còn chưa đạt yêu cầu nên sinh viên không có khả năng tìm và tự trang bị các kiến thức.

- Các tổ chức nghề nghiệp tại Việt Nam còn ở giai đoạn ban đầu, chưa có các chương trình đào tạo của riêng mình để bảo đảm chất lượng của đội ngũ nghề nghiệp tại Việt Nam.

- Chưa có một tổ chức có trách nhiệm và một sự định hướng chung cho đổi mới đào tạo kế toán. Đổi mới nếu có diễn ra ở một số trường đại học chỉ mang tính chất đơn lẻ, thử nghiệm.

- Các trường đại học đang bị phân tán lực lượng vào rất nhiều nhiệm vụ, đồng thời phải giải quyết đào tạo giảng viên đạt chuẩn tiến sĩ, nghiên cứu khoa học, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy nên thiếu nguồn lực trầm trọng.

Các phân tích trên cho thấy việc đổi mới đào tạo kế toán tại Việt Nam là yêu cầu bức thiết để đáp ứng nhu cầu xã hội và nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.

3. Đề xuất về đổi mới đào tạo kế toán tại Việt Nam

Có thể thấy những điểm yếu kém trong hệ thống đào tạo kế toán Việt Nam ngoài một số đặc trưng riêng cũng khá gần với những gì đã phân tích tại Hoa Kỳ trong cả giai đoạn cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ, có thể rút ra một số định hướng chính của đổi mới đào tạo kế toán tại Việt Nam, đó là:

3.1. Cần xuất phát từ định hình vai trò người kế toán trong nền kinh tế

- Trong nền kinh tế toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt hiện nay ở phạm vi khu vực và quốc tế, kế toán có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thông tin đáng tin cậy của toàn hệ thống kinh tế, từ tế bào của nó là doanh nghiệp và các tổ chức khác cho đến các định chế của nó là thị trường chứng khoán, hệ thống tín dụng, hệ thống ngân sách và phân bổ ngân sách

- Cũng trong quá trình trên, công nghệ thông tin phát triển thúc đẩy người kế toán phải bước ra ngoài công việc thu thập và xử lý thông tin mà trở thành người tham gia tích cực vào việc ra quyết định, điều hành doanh nghiệp và tổ chức, kiểm soát và giám sát các hoạt động.

3.2. Cần đổi mới nội dung giảng dạy và phương pháp giảng dạy

- Với định hình lại về “sản phẩm đào tạo” như trên, nội dung giảng dạy cần mở rộng ra khỏi các kiến thức chuyên sâu về kế toán, về phía các hiểu biết về quá trình kinh doanh, quản trị rủi ro, các quy trình và hệ thống, chiến lược kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp và không loại trừ những vấn đề như ảnh hưởng của công nghệ thay đổi, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu…

- Với nội dung trên trong một khuôn khổ thời gian nhất định của chương trình đào tạo, phải thay đổi cách tiếp cận vấn đề. Giảng dạy không những chỉ là truyền đạt kiến thức, giảng dạy phải mang lại cho người học niềm đam mê và khả năng tự nghiên cứu. Do đó, chương trình đào tạo và nội dung từng môn học phải linh hoạt hơn, dành nhiều khoảng trống để giảng viên có thời gian trao đổi thực tế, hướng dẫn tự học. Đồng thời, cách đánh giá cần thay đổi theo hướng đánh giá khả năng suy luận, phân tích nhiều hơn là thuộc bài, trả lời máy móc.

3.3. Giảng viên cần có kiến thức rộng về kinh doanh bên cạnh nền tảng vững vàng về chuyên môn, phải hiểu biết về đặc điểm người học và các chiến lược giảng dạy hiệu quả.

- Kiến thức rộng giúp giảng viên liên hệ kiến thức của những môn học khác nhau, giữa lý thuyết và thực tế giúp bài giảng gắn kết với chương trình đào tạo, với thực tiễn và tạo niềm hứng thú, đam mê cho sinh viên. Điều này có được qua các buổi hội thảo chung của giảng viên nhiều môn học, giữa các khoa gần nhau. Các giảng viên cũng phải tiếp tục quá trình học tập của mình qua các chương trình nâng cao (ví dụ: tiến sĩ,…) và các lớp ngắn hạn, làm các đề tài, nghiên cứu tài liệu.

- Hiểu biết về đặc điểm người học và chiến lược giảng dạy hiệu quả giúp giảng viên tìm được các phương pháp giảng thích hợp cho từng đối tượng, điều chỉnh bài giảng linh hoạt để đạt mục tiêu học tập. Việc dự giờ, trao đổi chuyên môn rất hữu ích cho vấn đề này.

3.4. Cần tăng cường đào tạo kỹ năng cho sinh viên

- Kỹ năng hỗ trợ hữu hiệu cho sinh viên trong quá trình làm việc, bao gồm cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Hiệu quả công việc sẽ tăng cao khi sinh viên có thể thành thạo trong công việc và giải quyết các mối quan hệ.

- Kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong phát triển bản thân của sinh viên sau khi ra trường. Khả năng thăng tiến, mở rộng nghề nghiệp phụ thuộc nhiều vào kỹ năng.

- Sinh viên không thể tự có kỹ năng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam, hệ thống giáo dục phổ thông không trang bị đủ những kỹ năng cơ bản cho sinh viên trước khi bước chân vào trường đại học.

- Kỹ năng cần đào tạo có hệ thống, liên tục trong suốt quá trình học và sau khi ra trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Mueller, G. G. (1994). Global challenges for accounting education. Accounting Education for the 21st Century. The Global Challenges.
  2. Schultz, J. J., Massoud, M. F., Smith, J. M., & American Accounting Association (Eds.). (1989). Reorienting Accounting Education: Reports on the Enviroment, Professoriate, and Curriculum of Accountig. American Accounting Association.
  3. American Accounting Association. (1986). Future Accounting Education: Preparing for the Expanding Profession: Special Report. American Accounting
  4. Albrecht, W. S., & Sack, R. J. (2000). Accounting education: Charting the course through a perilous future (Vol. 16). Sarasota, FL: American Accounting

Experiences of the US in innovating accounting training and orientations for Vietnam

Master. Tran Thi Hong Van

Faculty of Accounting, University of Economics and Technology for Industries

ABSTRACT:

Innovating accounting training is an important issue in developing human resources in accounting field to meet the needs of the economy. In the United States, innovating accounting training has become a concerned issue in the first decade of the 21st century. This article analyzes the process of innovating accounting training in the US and accesses the limitation of Vietnam’s accounting training system, thereby proposing a number of orientations for innovating accounting training in Vietnam.

Keywords: Accounting training, renewing accounting training, Vietnam, the U.S.