Kinh nghiệm quản lý, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở một số nước và giá trị tham khảo

ThS. NGUYỄN THU PHƯƠNG (Khoa Quản lý Nhà nước về Xã hội - Học viện Hành chính Quốc gia)

TÓM TẮT:

Ở nước ta hiện nay, việc áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất nông nghiệp đã và đang hình thành và phát triển ở đồng bằng Bắc bộ, miền Trung, Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh. Bài viết phản ánh kinh nghiệm quản lý, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các quốc gia trên thế giới và rút ra những giá trị tham khảo, nhằm xây dựng, quản lý và phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về số lượng, chất lượng, chủng loại và sự phong phú hơn của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao.

Từ khóa: Quản lý, phát triển, nông nghiệp công nghệ cao, một số quốc gia.

1. Khái quát về nông nghiệp công nghệ cao

1.1. Khái niệm về công nghệ nông nghiệp công nghệ cao

Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Hoạt động công nghệ cao là hoạt động nghiên cứu, phát triển, tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

Sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm do công nghệ tạo ra, có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm và có khả năng cạnh tranh so với sản phẩm truyền thống. Bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

Lựa chọn công nghệ tiến bộ về giống cây, giống con, công nghệ canh tác, chăn nuôi tiên tiến, công nghệ tưới, công nghệ sau thu hoạch - bảo quản, chế biến, từng bước ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào quản lý, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thị trường.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm mang tính đặc trưng của từng vùng sinh thái, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, có khả năng cạnh tranh cao về chất lượng của sản phẩm cùng loại trên thị trường, có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất khi có nhu cầu.

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ vào sản xuất một loại nông sản hàng hóa.

Khu nông nghiệp công nghệ cao là khu công nghệ cao tập trung hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng, phòng trị bệnh cây trồng, vật nuôi; tạo ra vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.

Theo Luật Công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có 05 chức năng cơ bản: Nghiên cứu ứng dụng; Thử nghiệm; Trình diễn công nghệ cao; Đào tạo nguồn nhân lực; Sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Trong đó chức năng thử nghiệm, trình diễn, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao là chức năng phổ biến, 02 chức năng còn lại tùy theo đặc điểm từng khu nông nghiệp.

1.2. Phân loại nông nghiệp công nghệ cao

Việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp dẫn đến sự ra đời của nhiều hình thức sản xuất nông nghiệp mới như hình thức canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), trạm NNCNC, khu NNCNC, vùng NNCNC.

1.2.1. Hình thức canh tác nông nghiệp công nghệ cao

Hình thức canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong nông nghiệp nhưng chủ yếu tập trung vào khâu sản xuất. Ở mô hình này thường ứng dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại như:

Kỹ thuật trồng cây không cần đất là phương pháp nhân tạo cung cấp giá đỡ cho cây, thay thế vai trò của đất, chủ động cung cấp thức ăn cho cây trồng thông qua dung dịch dinh dưỡng.

Kỹ thuật trồng cây không cần đất có các ưu điểm bệnh hại cây trồng ít phát triển, không phải khử trùng đất, ít phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí; đảm bảo sản phẩm sạch do không nhiễm dư lượng chất hóa học và kim loại nặng. Cung cấp đầy đủ, cân đối và kịp thời các chất dinh dưỡng cho cây; chủ động điều chỉnh pH của môi trường, tiết kiệm được phân bón và nước. Chủ động được thời vụ, chủ động được công tác phòng trừ dịch bệnh; công tác chăm sóc và thu hái dễ dàng. Sử dụng được các loại đất cằn cỗi làm giá thể cây trồng như cát, sỏi. Trồng cây không cần đất là một trong những cách để tiến hành sản xuất nông sản sạch. Kỹ thuật trồng cây không cần đất gồm có các phương pháp chủ yếu sau đây:

Phương pháp thủy canh là một trong những kỹ thuật trồng cây không cần đất; trong đó, cây trồng được trồng trực tiếp vào dung dịch chất dinh dưỡng, đây chính là một kỹ thuật tiến bộ của nghề làm nông hiện nay. Việc lựa chọn môi trường tự nhiên thích hợp cho cây trồng phát triển chính là việc sử dụng những chất dinh dưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Trồng cây bằng phương pháp thủy canh có ưu điểm có khả năng thích nghi dễ dàng với các điều kiện trồng khác nhau; giảm bớt sức lao động do không phải làm đất, tưới nước, cày bừa, nhổ cỏ, người già, trẻ em đều có thể tham gia; năng suất cao do có thể canh tác được nhiều vụ trong năm; sản phẩm hoàn toàn sạch, chất lượng cao. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng có những hạn chế như chỉ áp dụng cho các loại rau quả, hoa ngắn ngày, giá thành khá cao, vốn đầu tư lớn, kỹ thuật cao. Có 3 loại hệ thống thủy canh đang được sử dụng trên thế giới hiện nay là: hệ thống thủy canh không hồi lưu, thủy canh hồi lưu, thủy canh màng mỏng dinh dưỡng NFT (Nutrien Film Technique).

Phương pháp khí canh là một phương pháp cải tiến của phương pháp thủy canh; là phương pháp mà rễ cây không được nhúng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng mà phải qua hệ thống bơm phun sương định kỳ, nhờ vậy đã tiết kiệm được dinh dưỡng và bộ rễ được thở tối đa.

Kỹ thuật trồng cây trên giá thể là kỹ thuật mà cây được trồng trên các loại giá thể và được cung cấp chất dinh dưỡng thông qua dung dịch tưới lên giá thể. Có nhiều loại giá thể như: cát, sỏi, than bùn, dăm bào, vỏ trấu, bã mía; giá thể vừa là vật đỡ cây vừa lưu giữ một phần nước, chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Với kỹ thuật trồng cây trên giá thể có những thuận lợi sau: cấp chất dinh dưỡng tối ưu cho cây trồng; kiểm soát được độ ẩm và chất dinh dưỡng; lợi thế trong việc khử trùng và dễ dàng thay thế giá thể giữa các thời kỳ; tiết kiệm được không gian sản xuất và nước do được tái sử dụng. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng có những hạn chế là khả năng lưu trữ chất dinh dưỡng thấp do khối lượng bộ rễ ít, khó kiểm soát độ pH.

1.2.2. Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Khái niệm doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay còn gọi là doanh nghiệp NNCNC là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra những nông sản có chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng cao.

Doanh nghiệp NNCNC trước hết phải thỏa mãn các điều kiện của doanh nghiệp công nghệ cao, đó là:

Sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Tổng chi bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hàng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 1% tổng doanh thu; Doanh thu bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hàng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt 70% trở lên; Số lao động của doanh nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động; Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Đồng thời, doanh nghiệp NNCNC còn phải đáp ứng các điều kiện: Ứng dụng các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp; Tạo ra nông sản có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao.

Mỗi doanh nghiệp NNCNC có một lĩnh vực hoạt động riêng với những công nghệ và kỹ thuật riêng phù hợp với đối tượng sản xuất nhưng nhìn chung doanh nghiệp NNCNC có những ưu và nhược điểm như sau:

Ưu điểm: Mô hình khoa học công nghệ ứng dụng và quy mô sản xuất phù hợp với khả năng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp; Hoạt động độc lập và tự chủ giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh hướng sản xuất một cách linh hoạt phù hợp với yêu cầu thị trường và vốn doanh nghiệp.

Nhược điểm: Chủ yếu tập trung vào các khâu sản xuất; chi phí đầu tư cho một đơn vị diện tích sản xuất cao, khó tạo ra một lượng sản phẩm lớn; Khả năng lan tỏa và chuyển giao công nghệ khó.

1.2.3. Khu nông nghiệp công nghệ cao

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay còn gọi là Khu Nông nghiệp Công nghệ cao. Khái niệm khu NNCNC được hiểu như sau:

Đối với các quốc gia phát triển, khu NNCNC có hai công năng chủ yếu: Phục vụ thưởng thức cảnh quan và nâng cao sự hiểu biết của người dân và thay đổi phương thức nghỉ ngơi, tạo điều kiện cho những người lao động hàng ngày ở trong văn phòng tiếp xúc với lao động chân tay.

Đối với các quốc gia đang phát triển: Việc hình thành các khu NNCNC với mục tiêu chính là sản xuất. Trong khu NNCNC người ta trình diễn các loại nông sản có giá trị cao, các thiết bị sản xuất có hàm lượng chất xám cao; ở đây còn thực hiện chức năng đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Ở Việt Nam, khu NNCNC là khu công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.

Như vậy, khu NNCNC là lãnh thổ xác định, không quá lớn về diện tích nhưng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nên cho năng suất và chất lượng nông sản cao, sức cạnh tranh lớn và hiệu quả kinh tế cao. Tựu chung lại, khu NNCNC có những chức năng chủ yếu là điểm để trình diễn những sáng tạo khoa học công nghệ; nơi hội tụ nhân tài và thu hút đầu tư; là địa điểm để đổi mới công nghệ, khu ươm tạo và đào tạo công nghệ.

Khu NNCNC là khu vực khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản; là một trong những hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp mới; vai trò là hạt nhân của sự phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, là mô hình tổ chức nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hỗ trợ, dẫn dắt, định hướng cho nhà đầu tư, các hợp tác xã, nông hộ cá thể học tập và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào trong sản xuất. Đầu những năm 1980, Hoa Kỳ đã có hơn 100 khu NNCNC; ở Anh quốc, năm 1988 đã có 38 khu vườn KHCN với hơn 800 doanh nghiệp tham gia. Còn ở Phần Lan năm 1996 đã có 9 khu khoa học NNCNC. Trong những năm 1980, Israel đã xây dựng 10 khu NNCNC đầu tiên, Trung Quốc đến nay có hơn 500 khu và 4000 trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên khắp đất nước.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các khu này có những thuận lợi như đảm bảo được tính đồng bộ liên hoàn trong các hoạt động; hàng hóa tập trung, kiểm soát được chất lượng nông sản, giảm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho một đơn vị diện tích; được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước như chi phí thuê đất và thuế xuất khẩu nông sản thấp, hỗ trợ KHCN, hỗ trợ về lao động. Bên cạnh những thuận lợi, việc hình thành và phát triển khu NNCNC gặp phải những khó khăn như: vốn đầu tư cao, thu hồi chậm, các doanh nghiệp có nguồn vốn thấp khó có thể tham gia, không thích hợp với một số đối tượng cây con đòi hỏi khoảng không gian cách ly lớn.

1.2.4. Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gọi là vùng NNCNC được hiểu là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng thành tựu của nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện nhiệm vụ sản xuất một hoặc một vài nông sản hàng hóa và hàng hóa xuất khẩu chiến lược dựa trên các kết quả chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh; trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao; sử dụng các loại vật tư, máy móc, thiết bị hiện đại trong nông nghiệp; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra một lượng nông sản hàng hóa lớn và tập trung.

Đây là hình thức sản xuất phổ biến và mang tính đại trà, có ý nghĩa thực tiễn tại các quốc gia có diện tích đất nông nghiệp rộng và đang phát triển như Việt Nam. Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này phù hợp với các đối tượng cây con cần khoảng không gian cách ly lớn; tận dụng được các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng (quy tụ được diện tích sản xuất lớn, thu hút được nguồn nhân lực khoa học) có thể áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác hiện đại với đối tượng cây con đặc trưng nên sẽ tạo được vùng sản xuất nông nghiệp lớn theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp. Việc sản xuất theo hình thức này cũng gặp phải những hạn chế như: ứng dụng công nghệ không đồng bộ nên chất lượng sản phẩm không cao, không đáp ứng yêu cầu thị trường; thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, hiệu quả kinh tế không cao.

Hiện nay, cả nước bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất như vùng chuyên sản xuất rau quả thực phẩm, hoa, trà tại Lâm Đồng, vùng sản xuất hoa lan, vùng sản xuất rau an… theo quy trình VietGap tại thành phố Hồ Chí Minh với thu nhập tăng nhiều lần so với sản xuất thông thường.

2. Kinh nghiệm quản lý thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao một số nước và giá trị tham khảo

2.1. Kinh nghiệm các nước

2.1.1. Kinh nghiệm của Mỹ

Tại Mỹ, từ đầu thế kỉ XX, chính phủ Mỹ đã áp dụng những tiến bộ kĩ thuật vào nông nghiệp để nâng cao năng suất và bắt đầu thời kì vàng son của nền nông nghiệp Mỹ.

Đầu những năm 80, Hoa Kỳ đã có hơn 100 khu khoa học công nghệ dành cho nông nghiệp. Các biện pháp được nước này sử dụng là: sử dụng thiết bị tưới tiêu công nghệ cao, tập trung nghiên cứu phát triển giống mới, trồng cây công nghệ sinh học với diện tích lớn nhất trên thế giới, nghiên cứu các giống cây biến đổi gen.

Một xu hướng ngày càng phát triển ở Mỹ là đang có bước chuyển giữa các trang trại thâm canh tăng vụ, các nhà sản xuất nông nghiệp truyền thống lớn sang sản xuất dựa trên khoa học, nghiên cứu và phát triển, như sản xuất khoai tây lai có khả năng kháng virus cao, hay chuối cây thân nhỏ, năng suất cao.

2.1.2. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Năm 1961, Nhật Bản đã chuẩn bị xây dựng thành phố khoa học tại Zhubo cách Tokyo 60km. Năm 1964 bắt đầu xây dựng, năm 1974 khánh thành Đại học Zhubo, đến cuối thập kỷ 80 dân số thành phố đã lên đến 150.000 người; trong đó nhân viên nghiên cứu là 6.500 người, học sinh 9.000 người. Trong thành phố khoa học có trường đại học, viện nghiên cứu, công viên và khu chung cư. Có trên 50 đơn vị dạy học, nghiên cứu, trong đó các viện khoảng 15 - 16 đơn vị như: Viện công nghệ, kỹ thuật nông nghiệp, môi trường, dâu tằm, quy hoạch đất, công trình nông nghiệp, công trình sinh vật, giống, kho gen.

Chủ yếu tập trung vào các công nghệ tiết kiệm đất như: tăng cường sử dụng phân hóa học; hoàn thiện công tác quản lý và kỹ thuật tưới tiêu cho lúa; lai tạo và đưa vào sử dụng đại trà giống kháng bệnh, sâu rầy và chịu rét, đưa sản xuất nông nghiệp sang thâm canh, tăng năng suất. Nhật Bản cũng rất nhanh nhạy với vấn đề này khi cho thành lập Viện Quốc gia về Khoa học nông nghiệp ở cấp Nhà nước, tăng cường nghiên cứu liên kết giữa các viện khoa học với các trường đại học, hội khuyến nông, để thắt chặt và nâng cao công tác quản lý.

2.1.3. Kinh nghiệm của Israel

Đầu năm 80 của thế kỷ 20, Israel đã xây dựng được 10 khu khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với doanh thu từ trồng trọt đạt mức kỷ lục 200.000 USD/ha. Công nghệ nhà kính cho năng suất cà chua 300 tấn/ha, gấp 4 lần trồng ngoài đồng. Israel chỉ có 360.000 ha đất sản xuất nông nghiệp khô cằn, thiếu nước tưới lại phân bố trên nhiều kiểu khí hậu khác biệt nhưng đã sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho cả nước và xuất khẩu. Trong 5 thập niên gần đây, giá trị sản xuất nông nghiệp của Israel luôn vượt con số 3,5 tỉ USD/năm, trong đó xuất khẩu chiếm trên 20%. Hiện nay, một nông dân Israel sản xuất nông nghiệp đủ nuôi 100 người.

Đạt được thành công trên là do Chính phủ Israel đã xây dựng kế hoạch mang tầm quốc gia để phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo kiểu chìa khóa trao tay gồm các khâu: lập kế hoạch, xây dựng dự án và tham gia quản lý các dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Israel hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về phân bổ ngân sách cho nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNC trong nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp Israel hỗ trợ và kiểm soát toàn bộ các hoạt động nông nghiệp, gồm cả việc duy trì các tiêu chuẩn cao đối với các sản phẩm cây trồng và vật nuôi, đề ra các kế hoạch thúc đẩy, phát triển nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu và thị trường (marketing). Từ nhiều năm nay, nông nghiệp Israel được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ thông qua trợ cấp sản xuất và định mức nước tiêu thụ cho mỗi vụ. Hiện nay, nước này đã kiểm soát định mức sản xuất và chất lượng của một số sản phẩm nông nghiệp như: rau quả, sữa, trứng, gà con và khoai tây.

2.2. Giá trị tham khảo

Thứ nhất, việc xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao cũng chính là thực hiện vai trò hỗ trợ của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 Đại hội X và các văn bản của Nhà nước như Luật Công nghệ cao, Đề án Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 và tầm nhìn 2025, Nghị định số 61/2010/NĐ-CP Quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ là cầu nối, tiếp nhận công nghệ từ những đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, các viện trường để xây dựng mô hình hoàn thiện công nghệ, từ đó chuyển giao cho các doanh nghiệp nông nghiệp, các trang trại, hợp tác xã và nông hộ.

Thứ hai, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định lĩnh vực đột phá là công nghệ sinh học đã tạo ra các giống cây trồng chuyển gen với các đặc tính kháng được thuốc trừ cỏ, kháng sâu bệnh; công nghệ nuôi cấy mô thực vật invitro. Công nghệ cao trong canh tác và điều khiển các yếu tố ngoại cảnh phù hợp với thời kỳ sinh trưởng phát triển cây trồng trước hết là công nghệ trồng cây trong nhà kính, nay được gọi là nhà màng do việc sử dụng mái lợp bằng màng polyethylen thay thế cho kính (green house) hay nhà lưới (net house). Công nghệ trồng cây thủy canh (hydroponics) dựa trên cơ sở cung cấp dinh dưỡng qua nước (fertigation), kỹ thuật khí canh (aeroponics) - dinh dưỡng được cung cấp cho cây dưới dạng phun sương và kỹ thuật trồng cây trên giá thể - dinh dưỡng chủ yếu được cung cấp ở dạng lỏng qua giá thể trơ. Kỹ thuật trồng cây trên giá thể (solid media culture) thực chất là biện pháp cải tiến của công nghệ trồng cây thủy canh. Công nghệ tưới tiết kiệm nước theo hình thức nhỏ giọt bán thấm và tưới phun mưa kết hợp với bón phân. Công nghệ tưới có thể ứng dụng ở nhiều điều kiện khác nhau như trong nhà kính, nhà lưới, cây trồng ngoài đồng ruộng,… Israel là nước ứng dụng rất thành công và hiệu quả công nghệ tưới cho nông nghiệp cũng như trong hệ thống nhà kính, nhà lưới.

Thứ ba, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao. Chính sách được xem là cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp phát triển KT-XH nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng. Chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành và phát triển nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Chính sách phát triển NNCNC do lãnh đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành có liên quan đề ra, nhằm xác lập và định hướng sự phát triển cho phù hợp với xu hướng phát triển của ngành Nông nghiệp thế giới. Chính sách này tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất ứng dụng những thành tựu KHCN hiện đại vào phát triển nông nghiệp.

Như vậy, để việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất có hiệu quả đòi hỏi phải có những chính sách mang tính chất chiến lược, đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thời đại; công nghệ ứng dụng trong sản xuất cũng ngày càng phát triển theo sự phát triển KHCN nhân loại.

Thứ tư, bên cạnh các nhân tố trên thì việc hình thành và phát triển nền NNCNC còn có sự tác động của các nhân tố khác như cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn vốn, đất đai và địa hình, khí hậu, thủy văn. Hầu hết các nước áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đều có chung đặc điểm là quỹ đất canh tác khiêm tốn nên việc tiết kiệm đất được đặt lên hàng đầu. Ưu tiên đầu tư ngân sách cho nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Đầu tư đào tạo phát triển nhân lực làm chủ công nghệ cao trong nông nghiệp. Xây dựng chính sách đặc thù để phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cục Thông tin Kkoa học và Công nghệ quốc gia, (2017), nông nghiệp công nghệ cao xu thế tất yếu của nông nghiệp Việt Nam, tổng luận Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.

2. Minh Ngọc (2017), Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp từ kinh nghiệm của một số nước, Tạp chí Khoa học - Công nghệ Nghệ An, số 3/2017.

3. Nguyễn Văn Phượng (2017), Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học - Công nghệ KH-CN Nghệ An, số 3/2017.

4. Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 ngày 13/11/2008 của Quốc hội.

5. Vũ Quang Huy (2018), Quản lý nhà nước về thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Luận văn cao học quản lý công - NAPA.

EXPERIENCES IN MANAGEMENT AND DEVELOPMENT

OF HIGH-TECH AGRICULTURE IN SOME COUNTRIES

AND REFERENCE VALUES

● MA. NGUYEN THU PHUONG

Lecturer of Faculty of State Management of Social Affairs

National Academy of Public Administration

ABSTRACT:

Currently, the application of high technology to agricultural production has been developed in the Northern Delta, the Central, the Central Highlands and Ho Chi Minh City. This article reflects the experience of managing and developing high-tech agriculture in countries around the world and drawing reference for the management and development of high-tech agriculture in Vietnam. These experiences can help the the secrtor become more efficiently, meeting the increasing demand of the population in terms of quantity, quality, variety of high-tech agricultural commodities.

Keywords: Management, development, high technology agriculture, some countries.