TÓM TẮT:

Bài viết này làm rõ vai trò của nguồn nhân lực và quản trị nhân lực thành phố Hồ Chí Minh trong nền kinh tế số, qua đó cho thấy giáo dục đào tạo đóng vai trò quan trọng vào việc phát triển và tạo cơ hội cho nguồn nhân lực trong nền kinh tế số của thành phố hiện nay.

Từ khóa: Kinh tế số, nguồn nhân lực, giáo dục, thành phố Hồ Chí Minh.

1. Kinh tế số

Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên nền tảng kỹ thuật số, trong đó ta có thể thấy rõ 3 quá trình cơ bản là: Xử lý vật liệu, xử lý năng lượng và xử lý thông tin. Cả 3 quá trình đó đan xen vào nhau và cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, xử lý thông tin đóng một vai trò vô cùng quan trọng vì thông tin là lĩnh vực dễ số hóa nhất và khi khối lượng số hóa thông tin ngày một lớn theo sự phát triển đã hình thành nên ngành Công nghệ thông tin (CNTT).

Việc phát triển công nghệ này đã và đang ghi nhận những bước tiến vượt bậc từ việc tạo ra cơ sở dữ liệu, lưu trữ, xử lý, truyền, thu nhận và sử dụng dữ liệu. Nhờ những bước tiến vượt bậc về thiết bị điện tử, vi điện tử trở thành một ngành công nghệ có giá trị gia tăng cao, triển vọng cũng rất lớn. CNTT còn tham gia vào quá trình quản lý và điều khiển việc sản xuất, trở thành bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Trong thời gian tới sẽ xuất hiện các sản phẩm mới và loại hình dịch vụ chủ yếu dựa trên nền tảng CNTT.

2. Nguồn nhân lực

Sản phẩm của CNTT được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế mà nguyên liệu chính của sản phẩm này là chất xám của nguồn nhân lực. Đây chính là thế mạnh của thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn lực này được đánh giá là trẻ, năng động, có nền tảng giáo dục tốt. Ngoài ra, cứ sau 5 năm, thành phố Hồ Chí Minh tăng thêm 1 triệu người, còn là nơi tập trung đông đảo các cơ sở giáo dục với 59 trường đại học, 48 trường cao đẳng, 52 trường trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng thành phố thông minh ở thời điểm hiện tại và tương lai, nhất là về nhân lực công nghệ cao.

Đây chính là động lực cho thành phố Hồ Chí Minh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng cho mục tiêu kinh tế - xã hội. Con người là lực lượng tiêu dùng của cải vật chất và tinh thần của xã hội. Vì thế, con người là động lực chính trong nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Mặc dù sự phát triển của sản xuất quyết định mức độ tiêu dùng, song nhu cầu tiêu dùng của con người tác động mạnh mẽ tới sản xuất, định hướng phát triển sản xuất thông qua quan hệ cung cầu trên thị trường. Thực tế trên thị trường, khi nhu cầu tiêu dùng của một hàng hóa hay dịch vụ nào đó tăng lên, lập tức sẽ thu hút nguồn lực cần thiết sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ đó và ngược lại.

Nhu cầu nhiều mặt của con người là vô cùng phong phú, đa dạng và thường xuyên tăng lên, bao gồm nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Số lượng, chủng loại hàng hóa, dịch vụ càng ngày càng phong phú và đa dạng đã tác động trực tiếp tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Con người không chỉ là mục tiêu, động lực của sự phát triển, thể hiện mức độ chế ngự thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ cho con người, mà còn tạo ra những điều kiện để hoàn thiện chính bản thân mình.

Theo Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định, tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư.

3. Nghiên cứu quản trị nguồn nhân lực

Trong nền kinh tế số, tài sản quan trọng nhất chính là nguồn nhân lực. Vì vậy, việc đào tạo và quản trị nguồn nhân lực luôn được xem như quốc sách hàng đầu, trong đó nghiên cứu quản trị nguồn nhân lực luôn song hành với công tác đào tạo, qua đó giúp nhà quản trị biết cách khai phá được những khả năng tiềm ẩn của nhân viên, giúp họ đạt được hiệu suất phi thường. Trong nền kinh tế số, vấn đề quản trị nguồn nhân lực quan trọng hơn bao giờ hết. Lao động giản đơn được thay thế bằng máy móc, hệ thống điều khiển tự động, nhân lực còn lại là nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, nhiều nhà quản trị cần có tư duy chiến lược và luôn ý thức cải thiện chức năng quản trị nhân sự. Tất cả sự cải thiện đó sẽ lan tỏa và tạo ra thay đổi tích cực đối với nguồn nhân lực của doanh nghiệp phù hợp với nền kinh tế số.

Nghiêu cứu quản trị nguồn nhân lực giúp nhà quản trị học được cách giao dịch với người khác, biết tìm ra ngôn ngữ chung, hiểu được mong muốn của nhân viên, biết lôi kéo nhân viên say mê với công việc, biết cách đánh giá nhân viên chính xác, tránh được sai lầm trong tuyển chọn và sử dụng nhân viên, biết cách phối hợp mục tiêu của tổ chức và mục tiêu cá nhân nhằm đưa chiến lược con người thành bộ phân cơ hữu trong chiến lược kinh doanh của tổ chức.

Về mặt kinh tế, quản trị nguồn nhân lực giúp doanh nghiệp khai thác khả năng tiềm tàng, nâng cao năng suất lao động và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Về mặt xã hội, quản trị nguồn nhân lực thể hiện quan điểm rất nhân bản về quyền lợi của người lao động, đề cao vị thế và giá trị người lao động, chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong bối cảnh của thời đại tri thức và kỷ nguyên số ngày nay, khi tài sản lớn nhất của doanh nghiệp không hẳn là công nghệ hay tài chính, mà chính là tiềm lực và sức mạnh của đội ngũ nhân lực, vai trò của nhà quản trị trở nên rõ ràng và quan trọng hơn bao giờ hết.

4. Vai trò của giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài là nhân tố quyết định cho sự phát triển nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0. Kinh tế số đòi hỏi mọi người phải học tập thường xuyên, học suốt đời, có đủ năng lực sáng tạo, đổi mới và phát triển. Vậy, để đạt được những điều này, nhiệm vụ của giáo dục Việt Nam sẽ cần gì?

+ Tăng mạnh đầu tư phát triển giáo dục, cải cách giáo dục, cải cách về mục tiêu, hệ thống, nội dung và phương pháp giáo dục nhằm xây dựng những thế hệ người Việt Nam có bản lĩnh, có khát khao, có khả năng sáng tạo, làm chủ được tri thức hiện đại, quyết tâm đưa đất nước lên một tầm cao mới.

+ Nội dung và phương pháp phải thay đổi một cách căn bản, chuyển trọng tâm từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn phương pháp giải quyết vấn đề, nhiệm vụ chính của người học là tự học. Phương pháp đào tạo ngày nay là truyền cho người học phương pháp học chứ không phải kiến thức. Trên thế giới, các nước đã và đang chuyển đổi từ mô hình giáo dục cổ điển “đào tạo kỹ năng để làm việc suốt đời” sang mô hình giáo dục mới “đào tạo cơ bản để người học có thể học tập suốt đời”.

+ Năng lực giờ đây không chỉ được đánh giá qua kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn. Khi thế giới ngày càng số hóa, người lao động cần có kỹ năng giải quyết vấn đề, cần tư duy phản biện và kỹ năng thích nghi linh hoạt. Vì vậy, giáo dục cần đặt trọng tâm vào năng lực học hỏi của người học và phương pháp học theo dự án hay học tập khởi nghiệp, nhằm cung cấp cho người học sự lựa chọn linh hoạt.

+ Sự phát triển của công nghệ và nhu cầu học tập rất lớn chính là các yếu tố hình thành nên các loại hình đào tạo mới, hệ thống đào tạo trực tuyến đại chúng hay còn gọi là đào tạo online trở thành những loại hình đào tạo khá phổ biến, đáp ứng nhu cầu mở mang kiến thức của mọi tầng lớp trong xã hội.

+ Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy [2], tương lai thị trường lao động yêu cầu nguồn nhân lực có nhiều kỹ năng hơn và thay đổi nhanh chóng. Chính sự thay đổi này đòi hỏi hệ thống giáo dục phải là nơi đào tạo cho người học phương pháp học tập suốt đời và tính thích nghi linh hoạt để người lao động có thể tự học tập và trang bị cho mình các kỹ năng để có thể thích nghi tốt trong môi trường luôn thay đổi nhằm đáp ứng thị trường lao động mà nền kinh tế số đòi hỏi.

Tiềm năng kinh tế của một đất nước phụ thuộc vào trình độ khoa học và công nghệ của nước đó. Trình độ khoa học và công nghệ lại phụ thuộc vào các điều kiện giáo dục. Đã có nhiều bài học thất bại khi một đất nước chỉ sử dụng công nghệ ngoại nhập tiên tiến, trong khi tiềm lực khoa học công nghệ trong nước rất hạn chế hoặc trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng; chuyên gia giỏi về khoa học công nghệ và quản lý, thiếu đội ngũ kỹ thuật viên, công nhân lành nghề và nói chung là thiếu nguồn lực con người. Chính vì thế, chúng ta phải nhanh chóng đưa ra quyết định hoặc là đào tạo nguồn nhân lực quý giá cho đất nước phát triển hoặc phải chịu tụt hậu so với các nước khác. Nếu không đủ tri thức, không đủ năng lực nội sinh về khoa học công nghệ, hội nhập sẽ phải chịu thua thiệt, bị bóc lột, chèn ép và trở thành bãi thải công nghệ của các nước khác.

Nhật Bản là đất nước có nhiều nét tương đồng về văn hóa và giáo dục với Việt Nam, được thế giới nhận xét là một hiện tượng thần kỳ. Từ một đất nước nghèo nàn lạc hậu, tài nguyên thiên nhiên hầu như không có gì đáng kể, mật độ dân số đông, thua trận, bị Chiến tranh Thế giới lần thứ hai tàn phá nặng nề, nhưng Nhật Bản đã trở thành một cường quốc kinh tế và công nghệ khiến cho thế giới phải thán phục và kinh ngạc. Nguyên nhân nào làm cho “đất nước mặt trời mọc” đi lên nhanh chóng như vậy?, giáo dục chính là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của xã hội Nhật Bản. Người Nhật Bản đã sớm nhận ra bí quyết này khi họ hiểu rằng đằng sau sức mạnh của châu Âu, châu Mỹ là nền giáo dục được vận hành tốt, đào tạo được những con người có trình độ và năng lực sáng tạo trong xã hội công nghiệp. Đất nước Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng của nho giáo, nhưng họ đã thoát ra khỏi ảnh hưởng sâu sắc của nho giáo để tiếp thu nền giáo dục Âu, Mỹ và vươn lên thành một trong những nước phát triển vượt bậc.

Đầu tư cho phát triển nguồn lực hay chính là đầu tư cho giáo dục con người luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được việc khai thác sử dụng các nguồn lực khác. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy đầu tư vào giáo dục hướng tới phát triển nguồn lực con người mang lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hơn. Mặt khác, hiệu quả đầu tư cho phát triển con người có độ lan tỏa đồng đều, mang lại sự công bằng hơn về cơ hội phát triển cũng như việc hưởng thụ các lợi ích của sự phát triển. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để nhanh chóng hội nhập vào thị trường quốc tế. Thế mạnh lớn nhất của Việt Nam trong tương quan với các quốc gia khác là nguồn lao động trẻ dồi dào, là lực lượng có khả năng tiếp thu nhanh nhất về khoa học công nghệ.

Nền kinh tế số với sự ứng dụng rộng rãi các thành tựu của công nghệ thông tin, tự động hóa chính là cơ hội để các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng đáp ứng nhu cầu cấp bách cho sự phát triển nền kinh tế số trong thời đạo 4.0. Đại học VinUni của Tập đoàn Vingroup là ví dụ sinh động về đầu tư nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Trước mắt, Nhà trường chỉ đào tạo 3 ngành: Kinh doanh, Khoa học sức khỏe và Công nghệ. Không riêng gì Đại học VinUni, các cơ sở giáo dục đại học khác như Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vừa khánh thành Trung tâm Ươm tạo danh nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí minh (ITP); Đại học Văn Lang đang tăng tốc đổi mới toàn diện về cơ sở vật chất và phương pháp đào tạo, lấy người học làm trung tâm, đào tạo nhằm hướng tới phát huy năng lực làm việc, tính sáng tạo của người lao động, khả năng học tập suốt đời, giảng dạy lý thuyết đi kèm với thực hành thực tế nhằm phát triển các kỹ năng mềm của người lao động, tăng tính thích ứng, thích nghi với môi trường làm việc có kỹ năng liên quan đến số hóa cao… Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị đưa kiến thức chuyển đổi số vào chương trình phổ thông và chương trình đại học trong thời gian tới.

Theo Einstein “Giá trị của giáo dục đại học không nằm ở chỗ học thuộc lòng thật nhiều kiến thức mà ở chỗ tập luyện tư duy, cái mà người ta không học được từ sách giáo khoa”. [3]

5. Khoa học Công nghệ - Kinh tế số - Nguồn nhân lực

Trong xu thế toàn thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh, nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nguồn nhân lực là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Điều đáng quan tâm là hiện nay, các quốc gia khác đã tự ý thức việc không ngừng cải tiến và phát triển kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa, nếu Việt Nam không chú trọng mục tiêu này thì khoảng cách với các nước khác trong khu vực và thế giới sẽ ngày càng nới rộng hơn.

Cần xác định rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng kinh tế số diễn ra là xu thế tất yếu. Cuộc cách mạng này sẽ đem lại cho xã hội loài người nhiều thành tựu vĩ đại hơn và giúp cho chất lượng cuộc sống con người ngày càng nâng cao hơn. Để số hóa nền kinh tế thành công, nhân lực là 1 trong 3 yếu tố quyết định cùng với thể chế và công nghệ. Như vậy, người lao động bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện để có đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng số hóa cần thiết. Kinh tế số vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn đối với mỗi quốc gia, nếu không tự đổi mới, tự vượt qua chính mình, Việt Nam sẽ mãi đứng ở vị trí phía sau các quốc gia khác.

6. Kết luận

Dân tộc Việt Nam có truyền thống cần cù, sáng tạo, vượt khó, cộng với tố chất khéo tay, thích nghi nhanh với với công nghệ cao, có nền tảng giáo dục tốt. Tính đến cuối năm 2019, Viêt Nam đã có 50.000 doanh nghiệp công nghệ, triển khai thử nghiệm mạng 5G, trong đó Vingroup và Viettel đã sản xuất được thiết bị 5G. Những thành quả bước đầu này rất được Chính phủ quan tâm, ủng hộ. Với những kết quả và bước tiến khả quan đã được phân tích ở trên, tin rằng, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể thành công trong nền kinh tế số hóa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Dale Carnegie “Thay đổi để thành công” Nhà xuất bản Lao động, 2017.
  2. Ngân hàng Thế giới “Suy ngẫm lại sự thần kỳ Đông Á” Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002.
  3. Nguyễn Xuân Xanh, “Einstein” Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006.
  4. Trần Kim Dung “Quản trị nguồn nhân lực” Nhà xuất bản Thống kê, 2009.
  5. Brian Tracy “Thuật quản trị” Nhà xuất bản Thế giới, 2016.
  6. Các bài báo kinh tế - xã hội năm 2019, hội thảo và nguồn internet về kinh tế số.

DIGITAL ECONOMY AND OPPORTUNITIES FOR HUMAN RESOURCES OF HO CHI MINH CITY

Ph.D TRAN VAN THIEN

Van Lang University

ABSTRACT:

 This article is to analyze the role of human resources and human resources management in digital economy. The results show that the education plays an important role in developing and creating development opportunities for human resources of Ho Chi Minh City’s digital economy.

Keywords: Digital economics, human resources, education, Ho Chi Minh City.