Kinh tế tư nhân với xu hướng hình thành tập đoàn kinh tế hiện nay

Phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng ta được khởi xướng từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), tiếp tụ

Về quy định pháp lý, việc ban hành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1990) đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp của tư nhân ở Việt Nam. Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã kế thừa những thành công của Luật Doanh nghiệp năm 1999 và tạo hành lang pháp lý chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp với nhiều quy định mang tính đột phá và hàng loạt các biện pháp cải cách khác theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh trên nguyên tắc doanh nghiệp và người dân được phép kinh doanh trong tất cả các ngành nghề pháp luật không cấm. Trong môi trường đó, kinh tế tư nhân gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân đã phát triển và bứt phá mạnh mẽ, huy động được nguồn vốn đầu tư lớn vào sản xuất kinh doanh, nâng cao sức sản xuất của xã hội, tạo thêm nhiều việc làm mới, làm tăng của cải vật chất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội, đồng thời thúc đẩy hình thành và phát triển các loại thị trường, tạo ra môi trường cạnh tranh năng động giữa các thành phần kinh tế ở nước ta.
Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh về số lượng và quy mô, kinh tế tư nhân đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua, đặc biệt là ngày càng có nhiều doanh nghiệp của khu vực tư nhân hình thành và phát triển theo hướng mô hình tập đoàn kinh tế. Về bản chất, tập đoàn kinh tế là một tổ hợp hoặc nhóm các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập, gồm công ty mẹ, công ty con và các doanh nghiệp liên kết khác, trong đó công ty mẹ là đầu mối liên kết các doanh nghiệp thành viên, nắm quyền chi phối các quyết sách chung của tập đoàn. Về mặt pháp lý, tập đoàn kinh tế tư nhân không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập và không phải chịu liên đới về trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp thành viên khác, chỉ chịu trách nhiệm trong giới hạn vốn đầu tư vào doanh nghiệp thành viên.
Bên cạnh các Tập đoàn kinh tế nhà nước với nhiều lợi thế đặc thù và được pháp luật thừa nhận, các tập đoàn kinh tế tư nhân đều mang một cái tên không chính danh như công ty cổ phần tập đoàn hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn tập đoàn XYZ nào đó. Trên thực tế, Việt Nam đã có những nhóm doanh nghiệp mạnh, liên kết và hoạt động dưới sự điều hành chung, sử dụng thương hiệu chung... Đây có thể xem là những mô hình tập đoàn trong khu vực kinh tế tư nhân, như: Đồng Tâm, Kinh Đô, Trung Nguyên, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Hoàng Long, T&T, Phú Thái, Mai Linh... Điểm chung của các tập đoàn này hiện nay là đều có vốn góp, cổ phần chi phối lẫn nhau ở các công ty con, công ty liên kết, đối tác chiến lược trong và ngoài nước với hàng nghìn cổ đông và đang có xu hướng mở rộng quy mô và kinh doanh đa ngành, lĩnh vực thông qua phát triển nội sinh, thâu tóm, sáp nhập hay liên kết.
Quy mô và tốc độ phát triển của các tập đoàn kinh tế trong khu vực tư nhân đã có những cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Bên cạnh các tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Trung Nguyên... có mức vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, còn hàng trăm doanh nghiệp khác có mức vốn điều lệ vài trăm tỷ đồng cũng hoạt động theo mô hình tập đoàn. Trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2009 (Do Báo điện tử Việt NamNet phối hợp với Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report công bố), có sự góp mặt nhiều hơn của doanh nghiệp khu vực tư nhân, với tỷ lệ chiếm gần 30% trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2009 (doanh nghiệp phải có doanh thu tối thiểu đạt 1.000 tỷ đồng) so với tỷ lệ 24% trong Bảng xếp hạng năm 2008. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp này trong nhiều ngành nghề trong Bảng xếp hạng năm 2009 cho thấy sự phát triển phần nào của doanh nghiệp khu vực này trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới trong thời gian qua. Qua xu hướng hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khu vực tư nhân theo hướng mô hình tập đoàn kinh tế trong những năm gần đây, có thể rút ra một số nhận xét sau:
Một là, sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân ở Việt Nam theo hướng tập đoàn kinh tế trong những năm gần đây là một tất yếu khách quan, không có bất cứ một quyết định hành chính, chuyển đổi hoặc sắp xếp nào mà xuất phát từ chính nhu cầu và lợi ích của bản thân các doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay thì xu hướng trên là cần thiết, trước hết nhằm:
- Giảm chi phí giao dịch và rủi ro trong kinh doanh: Với tính phức tạp, bất ổn và thông tin thiếu minh bạch của thị trường trong nước và thế giới ngày càng tăng, các chi phí giao dịch (tức chi phí tìm kiếm, ký kết và kiểm soát thực thi hợp đồng) đang trở thành yếu tố có tính quyết định đối với hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp. Vì vậy, việc liên kết doanh nghiệp là một trong cách thức giúp giảm chi phí giao dịch, rủi ro kinh doanh nhờ quan hệ gắn bó, tin cậy giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn. Hơn nữa, việc kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và liên tục mở rộng thị trường giúp các tập đoàn kinh tế tư nhân phân tán và giới hạn các rủi ro cũng như giảm thiểu thiệt hại ở một ngành hoặc lĩnh vực nào đó.
- Phát huy lợi thế nhờ quy mô: Tập đoàn với việc huy động các nguồn lực sản xuất trên quy mô lớn góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nhờ đó phát huy được lợi thế của yếu tố quy mô và hiệp lực, cùng với khai thác triệt để thương hiệu, hệ thống cung cấp dịch vụ, phân phối chung của tập đoàn.
- Tạo sức mạnh cạnh tranh: Để thống lĩnh và chi phối thị trường trong những ngành hàng nhất định, cách thức nhanh và hiệu quả nhất là các doanh nghiệp liên kết với nhau thành một khối vững chắc và thống nhất để cạnh tranh một cách hiệu quả với sự quản lý điều hành chung, thương hiệu chung...
Hai là, tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu được hình thành từ hai hình thức sau:
- Phát triển tự phát: Doanh nghiệp trong khu vực tư nhân hình thành và phát triển một cách tự phát, tuần tự từ thấp đến cao thông qua tích tụ và tập trung vốn hoặc đầu tư chi phối các doanh nghiệp khác thông qua sáp nhập, hợp nhất, thôn tính, mua cổ phần hoặc góp vốn... để hình thành tập đoàn kinh tế. Có thể nói, đây chính là một con đường tự nhiên để một doanh nghiệp tư nhân phát triển thành một tập đoàn. Tuy nhiên, dù dưới hình thức biểu hiện nào, các tập đoàn kinh tế nói chung đều ra đời và phát triển trên cơ sở tích tụ và tập trung vốn ở mức độ nhất định, đồng thời chính sự ra đời của các tập đoàn lại có tác động thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung vốn ở quy mô lớn hơn, phân bổ nguồn lực hiệu quả và có triển vọng phát triển tốt hơn. Sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế nhà nước ra đời bằng một quyết định hành chính trên cơ sở sắp xếp, chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước và nhanh chóng được thừa nhận và có một vị thế riêng.
- Liên kết: Các doanh nghiệp độc lập tự nguyện liên kết với nhau (theo chiều ngang, dọc hoặc hỗn hợp) thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, tạo ra khả năng tiếp thu, đổi mới công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, có sức cạnh tranh lớn hơn trên thị trường. Có thể nói, chính nhân tố cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập đã thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết với nhau, đồng thời hạn chế cạnh tranh trong nội bộ ngành và tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt là thị trường thế giới.
Ba là, ở Việt Nam hiện chưa có quy định pháp lý riêng nào điều chỉnh tập đoàn kinh tế tư nhân (chẳng hạn về thành lập, tổ chức, hoạt động hay quản lý tập đoàn kinh tế tư nhân...). Thực ra, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã đề cập đến khái niệm tập đoàn kinh tế , nhưng còn chưa rõ ràng (Điều 149, Luật Doanh nghiệp quy định: “Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”). Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp cũng đã có nội dung hướng dẫn về tập đoàn, trong đó cụm từ “tập đoàn” có thể sử dụng như một thành tố phụ trợ cấu thành tên riêng của công ty mẹ, phù hợp với các quy định về đặt tên doanh nghiệp. Nhưng tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh và việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do các công ty tự thỏa thuận quyết định. Tuy còn nhiều quan điểm khác nhau về khung pháp lý riêng cho tập đoàn kinh tế tư nhân, nhưng cần thấy rằng, không giống như các tập đoàn kinh tế nhà nước (có thể hình thành bằng quy định hành chính hoặc qua tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước để hình thành tập đoàn), sự hình thành và phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam là xuất phát từ chính nhu cầu và lợi ích của các doanh nghiệp tham gia hình thành tập đoàn thông qua phát triển nội sinh, thâu tóm, sáp nhập hoặc liên kết. Kinh nghiệm ở các nước cũng cho thấy, phần lớn không có tiêu chuẩn hay quy định cụ thể về tập đoàn và sự hình thành, phát triển của tập đoàn không cần phải chờ quy định của pháp luật. Trên thế giới, hiện cũng chỉ có ba quốc gia là Đức, Braxin và Bồ Đào Nha có quy định riêng để điều chỉnh tập đoàn. 
Bốn là, phần lớn các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam có quy mô nhỏ. Tuy số lượng doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân thành lập mới tăng nhanh qua các năm, nhưng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động sản xuất kinh doanh lại chưa nhiều. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 3/2009, cả nước có 272.680 doanh nghiệp của tư nhân đang hoạt động, chiếm khoảng 59% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cả nước (tính đến 12/2009). Theo tính toán từ số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, có khoảng gần 90% số doanh nghiệp của khu vực tư nhân có mức vốn dưới 10 tỷ đồng, trong đó 12% số doanh nghiệp có vốn dưới 500 triệu đồng, 17% có vốn từ 500 triệu đến 01 tỷ đồng, 49% có vốn từ 01 đến 5 tỷ đồng, 10% có vốn từ 5 đến 10 tỷ đồng. Chỉ khoảng 3% số doanh nghiệp có vốn từ 50 đến 200 tỷ đồng, 1% có vốn trên 200 tỷ đồng và khoảng hơn 150 doanh nghiệp có vốn kinh doanh hơn 200 tỷ đồng. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân chiếm tỷ lệ cao về số lượng, nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ và Việt Nam hiện đang thiếu vắng các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có đủ tiềm lực để vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu. Hơn nữa, số doanh nghiệp lớn lên và xuất phát ban đầu là doanh nghiệp tư nhân hoặc có quy mô nhỏ và vừa rất hạn chế, chỉ giới hạn ở một vài tên tuổi quen thuộc như Đồng Tâm, Kinh Đô, Trung Nguyên, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai... Nếu so với phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa ở Việt Nam, các tập đoàn này hiện được xem là có quy mô lớn, nhưng lại quá bé so với tiêu chuẩn chung về tập đoàn được quốc tế thừa nhận.
Năm là, chất lượng quản trị tập đoàn kinh tế tư nhân còn chưa cao. Nhìn chung, chất lượng quản trị doanh nghiệp của khu vực tư nhân trong những năm qua đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn hoạt động với hình thức quản trị điều hành còn mang nặng tính gia đình, tập trung quyền lực nên chưa phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên trong doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân nên thiếu tầm nhìn chiến lược, gặp khó khăn và lúng túng trong định hướng phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp có chất lượng quản trị còn thấp, cách tiếp cập tương đối đơn giản, thiếu tính chuyên nghiệp và sử dụng các công cụ thích hợp. Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn tư nhân cũng còn thiếu, trình độ và kinh nghiệm quản lý còn nhiều hạn chế.
Tóm lại, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến bộ đáng kể, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Tuy nhiên, để khu vực này có thể phát triển và đúng hướng rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt pháp lý, cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước để các doanh nghiệp có khả năng tích tụ và tập trung vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua cổ phần, góp vốn ở các doanh nghiệp khác để hướng tới hình thành các tập đoàn kinh tế với tiềm lực kinh tế, tài chính đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trên thị trường thế giới.